4 giai đoạn báo hiệu sự đổ vỡ của tình yêu
Bạn có biết xung đột lớn nhất gây ra phần lớn những rạn nứt và đổ vỡ trong tình yêu là gì không? Đó chính là giao tiếp - chìa khóa của mọi mối quan hệ thành công, cũng là điểm yếu chí mạng cho mọi sự tan vỡ.
Theo một cuộc khảo sát, có tới 65% các cuộc ly hôn bắt nguồn từ vấn đề giao tiếp. 65% là một con số không nhỏ, chứng tỏ tầm quan trọng của giao tiếp trong yêu đương lớn đến mức nào, là chất keo gắn kết, cũng có thể là lỗ hổng mà nếu bạn không tìm sách bù đắp, có thể khiến mối quan hệ của bạn rơi xuống vực thẳm.
Cách thức một cặp đôi giao tiếp với nhau có thể có một tác động sâu sắc đến mối quan hệ của họ. Giao tiếp tốt đóng vai trò mấu chốt trong việc giữ cho một mối quan hệ không đi xuống, nhưng đôi khi điều đó vẫn chưa đủ. Vậy điều gì sẽ báo hiệu sớm cho sự đổ vỡ tình yêu?
Nhà tâm lý học xã hội Steve Duck xác định bốn điều dẫn đến một mối quan hệ tan vỡ:
“Hỏng từ trong trứng nước” (pre-existing doom) do những sự lệch pha cơ bản
“Thất bại về cơ học” (mechanical failure) bởi giao tiếp kém
“Mất mát trong quá trình” (process loss) vì không đạt đến tiềm năng trọn vẹn - một lần nữa là do thiếu sự giao tiếp
“Một cái chết đột ngột (sudden death) vì sự phản bội niềm tin.
Chuyên gia về mối quan hệ John Gottman cũng lý giải về các cuộc chia tay như một hệ quả trực tiếp của việc giao tiếp kém cỏi. Theo đó, sự giao tiếp tiêu cực có thể giết chết tình yêu của một cặp đôi qua bốn giai đoạn.
Giai đoạn 1: Chỉ trích
Chỉ trích về nhân cách hay tính tình của người kia thay vì cùng nhau giải quyết hành vi gây khó chịu. Điều này có thể khiến người kia có giảm giác tiêu cực về chính họ. Cách hoá giải vấn đề ở giai đoạn này chính là lắng nghe đối tác của mình một cách chủ động, và biểu lộ cảm xúc của mình về họ thay vì chỉ trích họ trực tiếp. Tập trung giải thích tại sao hành vi của họ lại khiến bạn bực bội thay vì nói đến các phẩm chất cá nhân của họ.
Giai đoạn 2: Tự vệ
Phản ứng tiêu cực trước sự chỉ trích bằng cách đưa ra lý do và đổ lỗi cho người kia, thay vì nhận phần trách nhiệm của mình trong một cuộc tranh cãi. Điều này làm gia tăng cảm giác bất mãn.
Cách xử lý có tính xây dựng ở đây là hãy chuẩn bị để xin lỗi vì hành vi của chính mình, và nhận trách nhiệm nếu điều đó là thích đáng. Hãy lắng nghe đối tác của mình và cố hiểu sự bất mãn của họ; cố gắng đừng xem sự bất mãn của họ là để công kích mình.
Giai đoạn 3: Coi thường
Thô lỗ và thể hiện công khai sự thiếu tôn trọng qua biểu cảm gương mặt chẳng hạn như đảo mắt. Cả hai bên đều phải nỗ lực để có lại được sự tôn trọng từ người kia.
Cách xoay chuyển tình thế ở đây là hãy nghĩ đến những nguyên do cho hành vi của chính bạn, và tại sao việc thể hiện những cảm xúc bực bội của bạn theo một cách mang tính chất xây dựng lại khó khăn đến vậy. Hãy tập trung vào những đặc điểm tích cực của người bạn đời thay vì giữ trong lòng những sai sót của họ.
Giai đoạn 4: Tránh né
Thu mình lại bằng cách cắt đứt sự gần gũi về thể xác và tinh thần với một người bạn đời, họ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và chối bỏ. Việc tránh né có thể xảy ra khi ba giai đoạn đầu tiên trở nên quá sức chịu đựng.
Cách giải quyết ở đây là hãy nói cho người kia biết rằng bạn cần thời gian suy nghĩ, và trở lại tiếp tục nói chuyện khi bạn đã sẵn sàng. Theo cách này, bạn đời của bạn sẽ hiểu được rằng mục đích của bạn không phải là để chối bỏ họ.
Hãy nhớ rằng, cách bạn duy trì giao tiếp và trân trọng tình cảm của nhau cũng quan trọng không kém cách bạn bắt đầu tình yêu diệu kỳ ấy. Đừng để tình yêu vỡ tan, tiếng đàn gãy đôi chỉ vì những lần bạn ngó lơ sự giao tiếp của người ấy, vì đang dở trận game chẳng hạn.
Nguồn: Nhã Nam