5 dấu hiệu ẩn giấu của những chấn thương chưa được xử lý

5-dau-hieu-an-giau-cua-nhung-chan-thuong-chua-duoc-xu-ly

Những triệu chứng của tổn thương tâm lý ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Những chấn thương xúc cảm là bất kỳ những sang chấn tâm lý nào đã xảy ra trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ. Hình thức phổ biến nhất của những tổn thương trong giai đoạn phát triển, xảy ra thông qua sự kết nối của đứa trẻ ấy với người nuôi dạy chúng, giai đoạn mà khi cảm giác an toàn, mong muốn được bảo vệ, khả năng dự đoán, và niềm tin của một đứa trẻ bị tổn hại do sự lạm dụng, bỏ rơi, cách chăm sóc không nhất quán hoặc hay thay đổi của người nuôi dưỡng.

Những con người với những tổn thương tiềm thức chưa được xử lý, thường thể hiện các kiểu hành vi và triệu chứng tâm lý, hoặc hành động bên ngoài tương tự như một bản sao của người nuôi dạy họ, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khi đã trưởng thành, lẫn cách mà họ lựa chọn các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, nhiều người có thể vẫn đang đấu tranh với những dấu hiệu và triệu chứng của tổn thương tâm lý, mà bản thân họ không hề hay biết.

Nó được ước tính rằng 6% dân số sẽ trải qua những triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn - Post-traumatic stress disorder (PTSD), cũng như gần 60% nam giới và 50% nữ giới đã trải qua những chấn thương nghiêm trọng trong cuộc đời mình.

Những tổn thương tiềm thức chưa được chữa lành, có khả năng sẽ phá huỷ chất lượng cuộc sống của một người theo góc nhìn tổng thể, bao gồm cả cách mà họ thể hiện trong một mối quan hệ nào đó và những quyết định cho cuộc sống của mình. Có lẽ hầu hết chúng ta không ít thì nhiều, đều biết đến việc những tổn thương tiềm thức chưa được chữa lành có thể tạo nên sự thôi thúc để lặp lại những nỗi đau ở tận đáy lòng (“sự cưỡng ép lặp đi lặp lại”), thông qua cách mà chúng ta vô tình lựa chọn kiểu người yêu làm khơi dậy những nỗi đau trong quá khứ. Tuy nhiên, ít ai có thể nhận ra những dấu hiệu của những tổn thương tiềm thức chưa được xử lý này.

Vì vậy, dưới đây là 5 dấu hiệu giúp bạn nhận diện những tổn thương gây hại từ tiềm thức nhưng vẫn chưa được xử lý.

1. Cơn đau mãn tính

Những căn bệnh thể chất không rõ nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ việc trải qua tổn thương từ rất sớm. Nghiên cứu hiện liên quan đến những triệu chứng như đau cơ xơ hoá (Fibromyalgia), đau đầu, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, đau cơ, đau lưng, đau ngực và mệt mỏi mãn tính, cho thấy những dấu hiệu bệnh lý này phần nào liên quan đến hậu quả của việc trải qua chấn thương mãn tính trong quá trình phát triển, đặc biệt là khi bị lạm dụng thể chất.

Ví dụ, những người trưởng thành được cho là luôn tìm kiếm sự bảo vệ, chính là kiểu người có lối sống gắn liền với cảm giác bất an, tương tự như những người có lối sống lo lắng, né tránh vấn đề và vô tổ chức cũng vậy, có thể trong tuổi thơ họ đã trải qua những tổn thương thể chất, và bị lạm dụng về thể xác lẫn tinh thần, với tần suất và tỷ lệ cao hơn so với những người có lối sống luôn cảm thấy an toàn.

2. Những triệu chứng tâm lý không thể lý giải

Một cách phổ biến là những người có tiền sử về tổn thương tâm lý trong quá trình trưởng thành, sẽ có khả năng đối mặt với những hành vi ám ảnh cưỡng chế, thay đổi tâm trạng liên tục, dễ cảm thấy khó chịu, tức giận, bị trầm cảm, tê liệt cảm xúc hoặc lo lắng thái quá. Những triệu chứng này có thể dao động từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng, thường xảy ra đồng thời hoặc ngắt quãng trong ngày, khi mà khoảnh khắc yên bình và tĩnh lặng bị gián đoạn bởi cảm giác buồn bã, tức giận hoặc lo lắng.

Điều đáng lo ngại hơn là những người với tiền sử tổn thương tâm lý trong giai đoạn trưởng thành sẽ “đánh lạc hướng” bản thân mình khỏi những triệu chứng này, bằng cách giảm thiểu hoặc hợp lý hoá chúng theo một lối tư duy nào đó, hay một cách khác là chuyển sang lạm dụng chất gây nghiện hoặc nghiện những hành vi không lành mạnh xem như một cách để bù đắp quá mức và tự làm tê liệt bản thân.

3. Tự huỷ hoại

Về cơ bản thì đây là một vòng lặp của việc người tổn thương sẽ làm tổn thương người khác, rồi sau đó làm tổn thương chính mình. Một hình thức khác cũng phổ biến không kém, đó là mức độ nhạy cảm về cảm xúc bị tăng cao do những tổn thương tiềm thức chưa được chữa lành và nó kích hoạt guồng quay của chu kỳ tổn thương.

Những chu kỳ này thường được diễn ra nhưng một điệu nhảy vòng tròn, trong đó hành vi đả kích, khép kín hoặc bốc đồng sẽ mang đến kết quả là khiến bản thân cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và chán ghét chính mình. Bởi vì những người đã có tiền sử về tổn thương tiềm thức không ý thức được về vết thương mà họ đang mang trong mình, nên chỉ hành động theo bản năng - một cơ chế “thử nghiệm” hoặc “thử thách” trong vô thức về sự đầu tư tình cảm của mình vào một mối quan hệ bất kỳ trong cuộc sống, để rồi sau đó vì sợ bị bỏ rơi hay để tự vệ mà đẩy người khác ra xa. Điều này dẫn đến một vòng lặp trong việc đưa ra những lựa chọn sai lầm dựa trên tính bốc đồng.

4. Hành vi ngăn chặn tổn thương

Làm cảm xúc tê liệt, tránh né và thoát ly thực tế được xem như một hành vi hữu ích nhất thời, khiến bản thân quên đi những ký ức đau buồn hoặc những vết thương lòng. Vấn đề ở chỗ là cách giải quyết này sẽ khiến tổn thương nhân đôi.

Đầu tiên, nó sẽ duy trì một mô hình thoát ly, không cho phép chúng ta xử lý tổn thương theo cách lành mạnh. Sau đó, theo thời gian nó đòi hỏi ngày càng nhiều sự “phân tâm” hơn để tiếp tục tránh khỏi cơn đau khi nó xuất hiện trở lại. Ngăn chặn tổn thương biểu hiện trong các hành vi cưỡng chế bao gồm: nghiện ma túy hoặc nghiện rượu, “ăn uống theo cảm xúc”, thay đổi các mối quan hệ để tự làm tê liệt cảm xúc, nghiện công việc, tạo thói quen tập thể dục một cách cưỡng ép và nguy hiểm, liên tục sử dụng internet và công nghệ, hoặc bất kỳ hành vi cưỡng chế nào khác được áp dụng để đẩy lùi sự xâm nhập của suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến những tổn thương.

5. Kiểm soát mọi vấn đề

Những người có thói quen luôn kiểm soát mọi vấn đề trong cuộc sống khi trưởng thành, chính là những đứa trẻ đã từng bị tổn thương vì cảm thấy bất lực và bị bỏ rơi. Những đứa trẻ ấy có thể đã bị ảnh hưởng bởi người nuôi dạy chúng với tính cách kiểm soát quá mức, từ chối quyền làm chủ, đưa ra những yêu cầu và kỳ vọng khắc nghiệt, hoặc có thể đã bỏ mặc và để đứa trẻ ấy tự xử lý mọi việc.

Hiển nhiên, khi trưởng thành họ sẽ luôn muốn kiểm soát mọi việc trong cuộc sống để có được cảm giác ra lệnh, hoặc để đẩy lùi nỗi sợ và sự lo lắng. Cảm giác bất lực bao trùm cuộc sống của họ trong thời thơ ấu, giờ đây khi đã trưởng thành, nó sẽ biểu hiện dưới dạng kiểm soát cuộc sống một cách quá mức.

Đối phó và chữa lành

Mỗi người sẽ có một cách khác nhau để phục hồi sau những tổn thương. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra liệu mình có từng trải qua những tổn thương phát triển từ thời thơ ấu hay không, và phải tự nhận thức xem những tổn thương ấy có đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những mối quan hệ khi trưởng thành hay không. Bởi những ảnh hưởng từ tổn thương tâm lý thường hay bị đẩy ra xa hoặc bỏ mặc, do nó đe dọa đến cách thức hoạt động của chúng ta trong đời sống thường ngày, vậy nên nó rất quan trọng để chúng ta nhận định xem liệu mình có đang vô tình hành xử với những tổn thương theo cách bỏ mặc, né tránh hoặc tìm cách thoát ly hay không. Một điều khác cũng quan trọng không kém, là nếu có điều kiện hãy nên nói chuyện với một nhà trị liệu về tổn thương tâm lý, để có thể hướng dẫn và hỗ trợ bạn trong hành trình chữa lành.

Tác giả: Tiến sĩ Annie Tanasugarn, chuyên gia được chứng nhận về điều trị Nghiện-Chấn thương Lâm sàng, chuyên dạy cho khách hàng cách thiết lập ý thức lành mạnh về nhận thức bản thân, đồng thời khắc phục ảnh hưởng của chấn thương sớm có và các kiểu quan hệ không phù hợp của người lớn.

Dịch giả: Amy Cattuong –  Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: 5 Subtle Signs of Unprocessed Attachment Trauma

menu
menu