5 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Cuốn Hút Hơn Bạn Nghĩ
Mỗi khi nghĩ về một ai đó mà bản thân vẫn luôn mến mộ, điều gì ở họ khiến bạn yêu thích nhất? Đó là sự quan tâm mà họ dành cho những người xung quanh?
Mỗi khi nghĩ về một ai đó mà bản thân vẫn luôn mến mộ, điều gì ở họ khiến bạn yêu thích nhất? Đó là sự quan tâm mà họ dành cho những người xung quanh? Hay là tính cách không lẫn vào đâu được? Hay chỉ giản đơn là nụ cười tỏa nắng của họ đã âm thầm cướp đi trái tim của bạn rồi?
Thường thì khi mến một ai đó, chúng ta rất khó nói ra điều gì ở họ đã khơi mào cho sự yêu thích trong chúng ta.
Bạn có thể ngưỡng mộ ai đó rất nhiều, và đôi lúc cũng tự chất vấn bản thân vì sao không thể đáng mến như vậy. Đừng tự nghiêm khắc với chính mình quá nhé. Vì có thể bạn thu hút hơn cả những gì bạn từng nghĩ đấy!
1. Bạn toát ra năng lượng tích cực - Vì sự hiện diện của bạn trong hầu hết các tình huống luôn kèm theo những cảm xúc rất tươi sáng
Năng lượng tích cực cơ à? Nhiều người có thể không đủ khả năng nhìn thấu được những hào quang ấy tỏa ra từ bạn (bạn là một tia nắng mặt trời nhỏ ấm áp mà nhỉ?), nên hiểu đơn giản ở đây năng lượng tích cực là cách người khác cảm thấy thế nào khi ở gần bạn.
Không cần biết đó là do sự rung cảm, hay sự lan tỏa, hay năng lượng, chỉ cần hiểu rằng cảm xúc của bạn trong một tình huống cụ thể có khả năng tác động tới cảm nhận của người khác khi tiếp xúc với bạn.
Một báo cáo nghiên cứu ở trường Đại học Hawaii và Đại học Bang Ohio chỉ ra rằng nhiều người có thể xác định được tâm trạng của bạn mà chỉ cần ở gần với bạn thôi.
Khi bạn thể hiện những cảm xúc vui tươi, những người xung quanh cũng bị cuốn theo và “bắt chước” những biểu hiện trên nét mặt và cử chỉ của bạn. Cũng từ đó, họ đồng cảm và cảm nhận được sự tích cực xung quanh bạn, từ đó muốn được ở gần bạn nhiều hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ bắt đầu thích bạn hơn rồi đấy!
2. Bạn biết lắng nghe và tạo khoảng lặng để người khác được tâm sự về bản thân mình
Khi chúng ta chen ngang vào một cuộc đối thoại bằng những suy nghĩ vừa nảy ra của mình, sự hấp tấp đó có thể gây phản tác dụng. Chúng ta cần hiểu rằng: Mỗi cá nhân đều rất muốn nói lên những tâm sự của bản thân, và rất nhiều người khác cũng mong muốn được như thế! Vì vậy, nếu bạn cho họ một cơ hội hoàn tất những tâm tư của riêng, họ sẽ thích bạn hơn một chút đấy!
Những nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard khám phá ra việc dành thời gian nói về bản thân có thể mang lại nhiều lợi ích.
Một trong năm nghiên cứu của họ yêu cầu những người tham gia ngồi trong máy fMRI (1) và trả lời những câu hỏi liên quan đến những vấn đề của bản thân hoặc những chủ đề thuộc về người khác.
Đối với những người được tâm sự về chính mình, vùng não gắn liền với cảm giác vui sướng và động lực ở họ hoạt động vô cùng mạnh mẽ, còn những người khác thì ngược lại.
Thực tế, khao khát được kể ra câu chuyện của chính mình lớn đến nỗi nhiều người tham gia nghiên cứu còn từ chối cả tiền chỉ để ngồi tâm sự về bản thân với các nhà khoa học lâu hơn.
Trong bài báo về nghiên cứu ấy, tác giả cho rằng: “Sự trải lòng liên kết chặt chẽ với vùng não chứa hệ thống sản sinh chất dopamine, bao gồm các nhân cạp và vùng trần trước hay vùng VT (Ventral Tegmental Area). Và kết quả là những người tham gia không chịu nhận tiền chỉ để được tiếp tục chia sẻ về bản thân.”
Vì vậy, hãy để cho người bạn đồng hành được nói về bản thân một lúc. Họ sẽ cảm nhận được sự ấm áp và yêu thích khoảng thời gian bên bạn, miễn là bạn đừng ngủ gật đấy!
3. Bạn chỉ là con người thôi và cũng có những khuyết điểm như bao người khác
Một nhà nghiên cứu tại Đại học Texas đã chỉ ra rằng nếu bạn mắc phải những sai lầm trong cuộc sống nhưng vẫn cho thấy mình có đủ thực lực và là một người thông minh, bạn đích thị là một người rất cuốn hút.
Trong nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ quyến rũ của những người đóng vai thực hiện các bài kiểm tra. Các diễn viên không để lộ vai trò của mình và phải giả vờ trình bày phần thử thách ở các mức độ: tốt, bình thường hoặc tệ.
Một số diễn viên dù đạt điểm tốt nhưng sau đó lại hành động rất vụng về và làm đổ cà phê ra bàn khi được công bố điểm kiểm tra.
Và những người tham gia thật đã đánh giá những cá nhân ấy ở mức cao nhất trên thang điểm quyến rũ.
Điều đó có nghĩa rằng người khác rất thích những người có thực lực và thông minh, nhưng sẽ thích nhất nếu như họ không hoàn hảo.
Bài báo cáo nghiên cứu nêu rằng: “Những người phi phàm thường được đánh giá như là siêu nhân, và cũng vì thế nên giữa họ và người khác tồn tại khoảng cách rất lớn. Trong khi đó, những người vụng về, ngây ngô một chút lại gần gũi hơn. Vì đó, họ quyến rũ hơn.”
Những người có điểm kiểm tra thấp, trung bình và thậm chí là xuất sắc vẫn bị đánh giá thấp hơn so với những người ghi điểm cao và “vô ý” làm đổ cà phê ra bàn. Nhiều người thậm chí sẽ cảm thấy sợ hãi nếu biết bạn là một người quá hoàn hảo. Họ muốn thấy khía cạnh “con người” của bạn nhiều hơn.
Vì thế, khi bạn phấn đấu để nâng cao thực lực và chứng tỏ khả năng của mình, nhưng vẫn thoải mái trước những khuyết điểm khiến bạn giống người bình thường hơn, người khác sẽ càng yêu quý bạn.
Đối với những người vừa có kết quả kiểm tra thấp và vừa làm đổ cà phê, điểm quyến rũ của họ vẫn không được cải thiện. Việc làm sơ suất của họ chỉ làm giảm bớt sự quyến rũ đi mà thôi.
Đừng vội buồn nếu bạn đang tự ti về thực lực của bản thân. Điều này lại được giải thích bằng một lý do khác liên quan đến ấn tượng lần đầu gặp mặt. Vì ấn tượng đầu tiên mà người diễn viên mang đến cho người khác là điểm kiểm tra nghèo nàn, nên việc giả vờ sơ suất không giúp họ trong tình huống này thôi.
4. Bạn gây ấn tượng tốt đẹp từ lần đầu tiên
Thật sự không thể phủ nhận rằng ấn tượng đầu tiên có thể ghi điểm về lâu dài!
Theo như một nghiên cứu của tạp chí Khoa học Tâm lý Xã hội và Tính cách (Social Psychological and Personality Science), ấn tượng đầu tiên có thể hình thành nên hình ảnh của một người trong ký ức của người khác, tạo nên những nhận xét mặc định của họ về người đó ngay cả khi không còn gặp nhau.
Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia phải xem qua những tấm hình của người mà họ sắp gặp mặt. Những ấn tượng đầu tiên mà họ tiếp nhận trên bức ảnh ảnh hưởng đến những nhận xét của họ về người khác ngay cả khi được gặp mặt chính thức.
Vì thế, đừng đến muộn trong cuộc hẹn đầu tiên, hãy đảm bảo rằng bạn ăn mặc lịch sự, hợp với hoàn cảnh, và thể hiện đúng tính cách của bạn. Mong rằng bạn sẽ truyền được năng lượng tích cực vào lúc ấy.
- Bạn có rất nhiều điểm chung với người khác
Thật rõ ràng rằng nếu bạn có nhiều điểm chung với người bạn đang giao tiếp, bạn sẽ có nhiều cơ hội được họ yêu mến hơn. Có nhiều điều mà bạn và họ có thể trao đổi, bạn sẽ thoải mái lắng nghe suy nghĩ của họ về chủ đề mà đôi bên cùng quan tâm, và cũng vì thế, bạn dễ dàng chia sẻ ý kiến của mình với một cảm xúc tươi sáng và tích cực hơn.
Một nghiên cứu của Theodore Newcomb đã minh chứng cho sự thật ấy.
Trong thí nghiệm, Newcomb thu thập ý kiến của những người tham gia về những vấn đề gây tranh cãi. Sau đó, ông ấy khơi mào những chủ đề đó lên một lần nữa trong nhà chung.
Và ông ấy nhận ra rằng những chủ thể có ý kiến tương đồng và tư tưởng giống nhau đối với một vấn đề thường thích nhau hơn là những người có ý kiến trái ngược.
***
Vậy bạn có nghĩ rằng mình là một người đáng mến không? Nếu không, bạn tin rằng mình có thể vận dụng một số dấu hiệu và mẹo ở trên vào cuộc sống của mình chứ?
Dù sao đi nữa, điều quan trọng nhất vẫn là cho mọi người thấy con người và cá tính thật sự của bạn.
Đừng cố trở thành người khác chỉ vì bạn muốn được mọi người yêu mến. Hãy bắt đầu gầy dựng nền tảng cho những mối quan hệ đáng quý của mình. Tạo ấn tượng đầu tiên, chia sẻ những gì bạn yêu thích và lắng nghe ý kiến của người khác. Và nếu khả năng của bản thân không thể chạm đến trái tim của họ, đừng cố gắng đổ tách cà phê lên người mình nữa nhé!
Chú thích:
(1) Máy fMRI (functional Magnetic Resonance Imaging): Máy đo đạc hoạt động của vỏ não thông qua lưu lượng máu. Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý rằng lưu lượng máu trong não luôn gắn bó mật thiết với hoạt động thần kinh. Khi một vùng não đang trong hoạt động, lưu lượng máu ở vùng đó cũng sẽ tăng lên.
Phương pháp xét nghiệm não bằng fMRI hay còn gọi là phương pháp chụp cộng hưởng, có chức năng xác định vùng nào của não đang hoạt động khi người xét nghiệm thực hiện một số nhiệm vụ. Trong Y học, chụp cộng hưởng giúp phát hiện các vấn đề trong não như đột quỵ, và giúp bác sĩ thiết lập não đồ khi cần phẫu thuật cho bệnh nhân động kinh, khối u,...
Tài liệu tham khảo:
- Aronson, E., Willerman, B., & Floyd, J. (1966). The effect of a pratfall on increasing interpersonal attractiveness. Psychonomic Science, 4(6), 227–228. https://doi.org/10.3758/BF03342263
- Hatfield, E., Cacioppo, J. T., & Rapson, R. L. (1993). Emotional Contagion. Current Directions in Psychological Science, 2(3), 96–100. https://doi.org/10.1111/1467-8721.ep10770953
- Diana I. Tamir, Jason P. Mitchell. (2012). Intrinsic value of self-disclosure. Proceedings of the National Academy of Sciences May 2012, 109 (21) 8038-8043; DOI: 10.1073/pnas.1202129109
- Gunaydin, G., Selcuk, E., & Zayas, V. (2017). Impressions Based on a Portrait Predict, 1-Month Later, Impressions Following a Live Interaction. Social Psychological and Personality Science, 8(1), 36–44. https://doi.org/10.1177/1948550616662123
- Lebowitz, Shana. Truly Likable People All Share the Same Trait – Here Are 9 Ways to Know If You’re One of Them. 25 Apr. 2018, www.businessinsider.com/charismatic-people-likable-friendship-2018-4.
- Newcomb, T. M. (1956). The prediction of interpersonal attraction. American Psychologist, 11(11), 575–586. https://doi.org/10.1037/h0046141
Dịch giả: Thịnh Lê
Link bài gốc: psych2go.net
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ