5 điều các bậc bố mẹ thuộc kiểu người nhạy cảm/hướng nội nên biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Với việc phải đáp ứng các nhu cầu của một em bé sơ sinh trong suốt cả ngày, thì việc các ông bố, bà mẹ dành đôi chút thời gian cho bản thân là điều rất quan trọng.
Với việc phải đáp ứng các nhu cầu của một em bé sơ sinh trong suốt cả ngày, thì việc các ông bố, bà mẹ dành đôi chút thời gian cho bản thân là điều rất quan trọng.
Với nhiều người (dù họ hướng ngoại hay hướng nội), thì lần đầu tiên làm cha mẹ có thể là một trải nghiệm vừa hạnh phúc vừa đôi chút đáng sợ.
Dưới đây là năm điều bạn nên nhớ trước khi bắt đầu hành trình làm cha mẹ, đặc biệt nếu bạn là một người hướng nội, là một người nhạy cảm, hoặc cả hai.
1. Hãy cố hết sức để lập cho bạn và bé một lịch sinh hoạt ổn định
Một đứa trẻ mới sinh lệ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc nó: bạn phải cho bé bú, thay tã cho bé, cho bé đi ngủ, v.v
Bạn có thể tìm cách cân bằng các nhu cầu của em bé với của chính bạn dựa vào việc tạo nên thời khóa biểu sinh hoạt ổn định cho bé. Rồi thiết lập lịch trình cho bản thân dựa trên thói quen ngủ và thức của bé.
Hãy để ý trong vài ngày thời gian bé ngủ và thời gian bé thức. Thật ra thì, lịch sinh hoạt của các em bé sẽ thay đổi khi chúng lớn dần. Mục đích ở đây là bạn tranh thủ khi bé ngủ để nghỉ xả hơi - tranh thủ ngủ một giấc hay thực hiện những thú tiêu khiển riêng nào đó.
2. Vui chơi với trẻ có thể giúp bạn phát hiện ra một khía cạnh khác trong con người mình
Có lẽ sẽ hơi khó tưởng tượng ra cảnh một ông bố/bà mẹ tính tình hướng nội đang chơi ú òa với bé, hát cho bé nghe, nô đùa với bé, nói chuyện với bé, làm mặt hề với bé, v.v. Nhưng một khi có em bé, rất có khả năng bạn sẽ phát hiện ra bạn hoàn toàn có thể làm được những điều đó cho con mình.
Hãy cố gắng sáng tạo ra những cách chơi đùa cùng bé mà bạn thấy phù hợp, hoặc bạn có thể học hỏi cách giải trí cho bé từ những người khác.
3. Bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ
Sinh nở và nuôi dạy con là một bước ngoặt lớn trong đời; bạn sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi - cả về tinh thần lẫn thể chất. Trong quá trình phục hồi đó, sẽ rất khó để bạn chăm sóc tốt cho con mình mà không có sự giúp đỡ của ai đó. Đừng ngại nhờ những người xung quanh giúp bạn những việc nho nhỏ bất cứ khi nào có thể, để bạn được nghỉ ngơi. Họ có thể là người thân, bạn bè, hay các chuyên gia như bác sĩ nhi khoa,... trong những tháng đầu sau khi con của bạn ra đời.
4. Bạn vẫn sẽ cần thời gian ở một mình
Việc có con, đối với nhiều người, vừa là một niềm vui vừa là một sự đảo lộn trong cuộc sống. Dành đôi chút thời gian cho bản thân để ở một mình trong giai đoạn này có thể bị cho là xa xỉ, nhưng với sự hỗ trợ từ người bạn đời hoặc từ những người thân khác trong gia đình, việc đó vẫn là điều khả thi. Hãy cố gắng dành ra đôi chút thời gian cho chính mình mỗi ngày nếu được - để giải lao hoặc giải trí bằng những cách mà bạn thích. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy có lỗi với con vì muốn ở xa bé trong một lát, nhưng trên thực tế, đôi chút thời gian ở một mình đó sẽ giúp bạn tái tạo lại năng lượng để chăm sóc bé tốt hơn.
Đừng quên tranh thủ bất cứ thời gian rảnh nào có thể để nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng. Đặc biệt, hãy tận dụng thời gian em bé ngủ. Có thể bạn sẽ lo rằng: còn chén đĩa dơ chưa rửa, quần áo chưa giặt, còn bao nhiêu là việc cần làm,... Nhưng những thứ đó có thể đợi. Bạn cần ưu tiên cho sức khỏe tinh thần của bạn trước. Một khi bạn khỏe mạnh về tinh thần và thể chất, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn nhiều.
5. Bạn sẽ tìm ra cách của riêng mình để chăm sóc con
Chẳng hạn, khi con khóc, nhiều ông bố bà mẹ tìm cách chạy đến bên con để dỗ con ngay. Nhưng bạn có thể sẽ chọn cách dành đôi chút thời gian quan sát con và cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Khi đã xác định được lý do tại sao bé khóc, bạn đưa con tránh xa tác nhân làm con khóc và hát cho con nghe bằng một giọng dịu dàng... Đây chỉ là một gợi ý; mỗi ông bố bà mẹ đều có thể nghĩ ra các phương pháp nuôi dạy đứa con sơ sinh của họ sao cho phù hợp.
Kết luận
Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc rất vất vả! Chúc các ông bố bà mẹ nói chung, và các ông bố bà mẹ hướng nội và/hoặc nhạy cảm nói riêng, sẽ làm tốt vai trò chăm con của họ!
(Khánh Ngọc sưu tầm và lược dịch)
Bài gốc tiếng Anh: Introvertdear
(Tác giả: Aswathy Ramachandran)