5 thói quen ảnh hưởng xấu đến sức mạnh tinh thần

5-thoi-quen-anh-huong-xau-den-suc-manh-tinh-than

Nhiều người nghĩ khả năng phục hồi cảm xúc là một kỹ năng, có thể rèn luyện qua thực hành. Điều này có phần đúng nhưng sự thật sâu sắc hơn về khả năng phục hồi cảm xúc mà hầu hết chúng ta đều bỏ qua là:

Nhiều người nghĩ khả năng phục hồi cảm xúc là một kỹ năng, có thể rèn luyện qua thực hành. Điều này có phần đúng nhưng sự thật sâu sắc hơn về khả năng phục hồi cảm xúc mà hầu hết chúng ta đều bỏ qua là:

Trở nên mạnh mẽ về mặt tinh thần thường nhờ những việc làm ít đi chứ không phải nhiều hơn.

Nhìn bề ngoài, nhiều người trông có biểu hiện phục hồi cảm xúc kém như:

- Nỗi sợ hãi hoặc lo lắng nhỏ nhất cũng đẩy họ vào vòng xoáy lo âu và hoảng sợ;

- Nhận xét tiêu cực nhỏ nhất cũng dẫn đến cảm giác bất an hoặc tự ti ngay lập tức;

- Sự thất vọng nhỏ cũng nhanh chóng tăng lên thành nhiều ngày hoặc nhiều giờ nghiền ngẫm trong tức giận.

Nhưng sự thật là…

Hầu hết mọi người đều không thật sự thiếu khả năng phục hồi cảm xúc. Thay vì vậy, khả năng phục hồi cảm xúc tự nhiên của họ bị kìm hãm bởi các thói quen xấu của chính bản thân họ.

Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta.

Thói quen 1: Tự đẩy ngã bản thân sau những sai lầm

Khi sự việc không mong muốn xảy ra, không quá khó để thấy rằng việc bực bội với bản thân không phải là một cách phù hợp để có cảm xúc tốt hơn.

Tuy nhiên, trong lúc nóng nảy mất kiểm soát ngay sau khi phạm lỗi, rất nhiều người theo bản năng sẽ đi thẳng tới việc tự phê bình bản thân gay gắt:

- Ôi trời, sao mình làm việc gì cũng thất bại vậy?

- Thế là xong, bây giờ ai cũng biết mình cuộc sống của mình không tốt lành gì như trên Facebook

- Mình không thông minh nên không có công việc tốt như đứa bạn.

Nhưng, việc tự phê bình chỉ khiến ta cảm thấy tệ hơn về bản thân. Và về lâu dài, ta càng khó thể hiện tốt và phát huy hết khả năng, từ công việc cho đến hôn nhân.

Vậy tại sao ta phải làm như vậy? Tại sao ta lại lập tức tự đánh ngã bản thân mình ngay cả khi chỉ mắc một lỗi rất nhỏ?

Hãy xem, hầu hết mọi người lớn lên đều học được rằng để thành công, ta cần phải nghiêm khắc với bản thân. Vì vậy, ta trải qua cuộc sống, tự đánh ngã bản thân, xoay sở để bằng mọi cách đạt được thành công tương đối và cho rằng mình thành công là nhờ tự phê bình và những cuộc độc thoại tiêu cực.

Nhưng, điều quan trọng là:

Hầu hết những người thành công vẫn thành công dù tự phê bình chứ không phải nhờ vào tự phê bình.

Những người có tinh thần mạnh mẽ hiểu rằng tự phê bình hoàn toàn phản tác dụng. Dĩ nhiên là tự phê bình một chút sau khi mắc lỗi thường là một việc có ích, nhưng điều đó rất khác với hình thức tự phê bình mang tính phán xét, gay gắt và thậm chí là giận dữ.

Nếu bạn muốn tinh thần mạnh mẽ hơn - có thể xử lý những thất bại và lỗi lầm một cách bình tĩnh và cân bằng - thì hãy thử từ bỏ thói quen tự phê bình:

Hãy từ bỏ tất cả những cuộc độc thoại tiêu cực.

Hãy từ bỏ sự tự phán xét.

Hãy từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo và những tiêu chuẩn cao vô lý.

Nếu làm như vậy, không những bạn sẽ hạnh phúc hơn mà còn có thể thể hiện tốt hơn nữa.

“Đơn giản, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Ba điều này là những kho báu lớn nhất của bạn.”

- Lão Tử

Thói quen 2: Cá nhân hóa mọi việc

Trong sâu thẳm, hầu hết chúng ta hiểu rằng bị chỉ trích không có ý rằng ta là một người tồi tệ, yếu kém. Nhưng trong lúc, ta vẫn sẽ cảm thấy:

- Sôi máu vì tức giận

- Ngay lập tức lo lắng và bất an

- Xấu hổ và bối rối

Nhiều người học được từ khi còn trẻ rằng chỉ trích hành vi nghĩa là chỉ trích con người.

Nếu bạn đã từng được học như vậy tức là bạn xem bất cứ loại chỉ trích nào cũng là một dấu hiệu chống lại cá tính hoặc giá trị bản thân họ.

Và dù đã trưởng thành, hoàn cảnh đã thay đổi và lý trí bạn thực sự hiểu rằng mọi người không phải đang tấn công cá nhân mình, bạn vẫn cảm thấy như vậy.

Nhưng tại sao?

Cá nhân hóa mọi việc quá mức thường là kết quả của thói quen khó thấy – độc thoại tiêu cực.

Một số ví dụ:

Dù lý trí bạn hiểu rằng sếp tôn trọng bạn như một con người, nhưng sự chỉ trích của bà ấy về đề xuất gần đây nhất của bạn lại có vẻ như có chút chống lại cá tính của bạn. Lý do là gì? Bởi vị điều đầu tiên chạy qua tâm trí bạn là một kịch bản độc thoại như: Hừ, chắc bà ta nghĩ mình là một kẻ ngốc.

Dù lý trí bạn hiểu rằng chồng yêu và tôn trọng mình, nhưng sự chỉ trích gần đây của anh ấy về cách bạn xử lý cơn bốc đồng của con trai lại có vẻ như anh ấy nghĩ bạn là một người tồi tệ và có thể khó ưa. Lý do là gì? Bởi vì điều đầu tiên chạy qua tâm trí bạn là: Mình là một người mẹ tồi. Anh ấy đáng lẽ nên kết hôn với người khác.

Cách ta thường cảm nhận là kết quả của cách ta thường suy nghĩ.

Những người có tinh thần mạnh mẽ hiểu rằng cách họ tự nói với bản thân mình về những điều người khác nói – câu chuyện họ tự nói với chính mình – là điều quan trọng nhất.

Nếu bạn muốn ngừng cá nhân hóa mọi việc quá mức và phản ứng thái quá với những lời chỉ trích, bạn phải thay đổi câu chuyện về ý nghĩa của sự chỉ trích.

Dù cảm thấy mình giống như nhân vật trong một câu chuyện buồn, hãy nhớ rằng bạn cũng là tác giả của câu chuyện đó. Hãy thay đổi câu chuyện và bạn sẽ thay đổi cảm nhận của mình.

Thói quen 3: Quá tập trung vào các kỹ năng đối phó

Vấn đề của những kỹ năng đối phó là nó giải quyết được triệu chứng nhưng không giải quyết được căn nguyên:

- Các bài tập thở sâu có thể giảm căng thẳng một chút trong thời điểm này, nhưng không có tác dụng gì đối với sự thật là bạn đang làm một công việc khiến bạn khổ sở và căng thẳng kinh niên.

- Việc lặp lại một câu thần chú tích cực có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn một chút về bản thân ngay lúc này, nhưng không sửa được sự thật là bạn luôn thất hứa với bản thân và kết quả là bạn ngày càng giảm lòng tự trọng.

- Nhưng còn có một vấn đề lớn hơn về những kỹ năng đối phó: Bạn trở nên lệ thuộc vào những thói quen đó…

- Khi bạn gọi cho chị gái để trấn an mỗi khi cảm thấy lo lắng, sức kiểm soát lo lắng bản thân một cách tự tin của bạn giảm đi.

- Khi bạn xem những video truyền cảm hứng trên YouTube mỗi lần cảm thấy thiếu động lực, bạn làm suy yếu khả năng làm những việc khó khăn cả những khi cảm thấy không ổn.

- Khi dựa dẫm quá nhiều vào các kỹ năng đối phó, bạn sẽ bỏ qua và cuối cùng hoàn toàn không thấy những vấn đề thực sự nữa.

Nếu bạn muốn tinh thần mạnh mẽ hơn, hãy ngừng dựa vào những thói quen đối phó, và thay vào đó, hãy xây dựng những thói quen tốt hơn. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ:

- Thay vì thực hành nhiều kỹ thuật quản lý căng thẳng, hãy tập thói quen quản lý các tác nhân gây căng thẳng.

- Thay vì né tránh hoặc xoa dịu những người khó tính trong cuộc sống, hãy tập thói quen quyết đoán và áp dụng những ranh giới lành mạnh.

- Thay vì tìm đến người khác để được trấn an và nhẹ nhõm, hãy cố gắng xây dựng thói quen độc thoại tốt hơn.

Bạn nên để kỹ năng đối phó nên là giải pháp cuối cùng.

Khả năng phục hồi tinh thần thật sự đến từ sự nuôi dưỡng những thói quen tốt chứ không phải sử dụng những thói quen đối phó ngay từ đầu.

“Vì kiêu hãnh mà ta luôn lừa dối chính mình. Nhưng trong sâu thẳm lương tâm, có một giọng nói thì thầm nhẹ nhàng rằng có gì đó bị lỗi nhịp.”

- Carl Jung

Thói quen 4: Trốn chạy cảm xúc

Hãy trả lời câu hỏi này: “Khi chạm ngón tay vào một chảo nóng đang chiên và cảm thấy nỗi đau nhói qua bàn tay, nỗi đau ấy có xấu không?”

Câu trả lời chắc chắn là không!

Thực tế, đau đớn là một điều tốt. Nó là cách cơ thể báo hiệu cho bạn biết rằng điều đó không ổn. Khi ngón tay bạn đặt trên chảo nóng, nỗi đau thực ra không nguy hiểm. Điều nguy hiểm là tổn thương mô có thể xảy ra nếu bạn để ngón tay trên chảo. Đau đớn chỉ là vị sứ giả đang cố giúp bạn.

Nguyên tắc tương tự đối với nỗi đau tinh thần:

- Lo lắng không dễ chịu, nhưng đó là cách bộ não nói với bạn rằng nó nghĩ bạn đang gặp nguy hiểm. Bản thân sự lo lắng không hề xấu.

- Sự thất vọng không dễ chịu nhưng đó là cách bộ não nói với bạn rằng điều đó không đúng và cần phải được sửa. Bản thân sự thất vọng không xấu.

- Đau buồn không dễ chịu nhưng đó là cách bộ não nói với bạn rằng bạn đã mất đi điều gì đó cực kỳ đáng giá trong cuộc đời. Bản thân sự đau buồn không xấu.

Vấn đề là, phần lớn chúng ta dành cả đời mình mắc phải một lỗi đơn giản: Ta cho rằng khi điều gì khiến mình khó chịu thì đó là điều xấu.

Vì vậy ta học cách cố gắng tránh những cảm xúc đau đớn vì cho rằng chúng không tốt cho ta.

Thật không may, khi tập thói quen chạy trốn khỏi tâm trạng và cảm xúc đau đớn, bạn huấn luyện bộ não tin rằng chúng thực sự nguy hiểm. Tức là lần sau khi bạn cảm thấy buồn, lo lắng hoặc tức giận, bạn sẽ cảm thấy buồn vì cảm thấy buồn.

Và đây là lý do tại sao có rất nhiều người phải đấu tranh để kiên cường đối mặt với cảm xúc đau đớn: Mọi cảm xúc sẽ lập tức trở thành một cảm xúc kép khi bạn tự huấn luyện mình xem chúng là nguy hiểm.

Đây là lý do vì sao lo lắng về lo lắng dẫn đến hoảng loạn.

Đây là lý do vì sao tức giận vì nỗi buồn thường dẫn đến trầm cảm.

 Là con người, những cảm xúc đau đớn là điều không thể tránh khỏi. Bạn không thể né tránh chúng. Nhưng bạn có thể tránh cảm thấy buồn vì nỗi buồn bằng cách huấn luyện bản thân nhìn nhận cảm xúc có thể đau buồn hoặc khó chịu nhưng không nguy hiểm. Và khi làm điều đó, bạn sẽ thấy mình ít phản ứng theo cảm xúc và mạnh mẽ hơn nhiều.

Thói quen 5: Tin tưởng, nuông chiều cảm xúc của mình

Có một thực tế là: Không có gì đặc biệt hoặc thần bí đặc trưng về cảm xúc.

Dù văn hóa của chúng ta có xu hướng tôn vinh cảm xúc, nhưng cùng với suy nghĩ, hành vi, niềm tin, bản năng và tất cả những thứ đang văng vẳng bên tai khác, nó cũng chỉ là một phần trong hệ tâm lý của ta.

Chắc chắn một điều là cảm xúc có vai trò của nó:

- Sợ hãi thường là dấu hiệu của nguy hiểm và có thể giúp bạn an toàn.

- Cảm giác tội lỗi thường là một dấu hiệu bạn vừa làm gì đó sai và có thể giúp bạn nhớ làm điều tốt hơn lần sau.

- Giận dữ thường cho ta biết điều gì đó không đúng và thúc đẩy ta sửa nó.

Tuy nhiên, cảm xúc mất kiểm soát có thể cản trở sự phát triển của bạn:

- Sợ hãi khiến bạn tránh mời người đó đi chơi dù bạn thật sự thích họ và nghĩ rằng ở cùng với họ có thể là một trải nghiệm tuyệt vời.

- Cảm giác tội lỗi thường trở nên thái quá đến mức dẫn đến hành vị tự làm hại bản thân và cực kỳ ít tự trọng.

- Giận dữ mất kiểm soát sẽ gây tổn thương cho những người xung quanh. Tệ hơn nữa là sự giận dữ ấy nằm trong tay của những con người có quyền lực.

 Vậy nên, nếu có thói quen luôn nuông chiều, tin theo cảm xúc của mình, bạn sẽ đưa ra nhiều quyết định thiếu hợp lý. Những người có tinh thần mạnh mẽ thiết lập một mối quan hệ với cảm xúc của họ - Họ lắng nghe nhưng hiếm khi hoàn toàn tin vào cảm xúc của mình.

Khi tin tưởng quá mức vào cảm xúc của mình, bạn sẽ trở thành nô lệ của nó – không thể chống lại những cảm xúc mạnh mẽ kéo bạn theo một hướng hoặc không thể đưa ra những quyết định khó khăn khi “không cảm nhận được nó”.

Hãy nghĩ về cảm xúc như con người: Dù là một người bạn rất thân bạn cũng sẽ không tin tưởng người đó mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

Ví dụ: Bạn có thể tin tưởng một người bạn làm kế toán đưa ra những lời khuyên tốt về tiền bạc. Nhưng nếu họ có một chuỗi mối quan hệ không lành mạnh trong quá khứ thì bạn có thể sẽ không tin lời khuyên về chuyện hẹn hò của họ.

Tôn trọng cảm xúc nhưng đừng để nó kiểm soát bạn.

Nguồn tham khảo: Nick Wignall

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.  

menu
menu