6 lý do khiến trẻ lười lao động
Trẻ có nhiều điều khác thú vị để quan tâm hơn là lao động. Trong khi đó, nhiều trẻ chưa hiểu tại sao lao động lại quan trọng.
"Chàng trai nhỏ của tôi không thích khi tôi nấu ăn, giặt quần áo, rửa bát. Song, tôi sớm nhận ra rằng, cậu bé rất thích giúp đỡ. Cậu cho quần áo vào máy giặt, mang khoai tây vào bếp, đưa mắc treo quần áo cho tôi. Vâng, mất nhiều thời gian hơn là tôi tự làm. Tuy nhiên, cậu bé thực sự hét lên thích thú khi được giao nhiệm vụ tiếp theo”, bà Wendy – một phụ huynh tại Mỹ chia sẻ.
Hầu hết các phụ huynh đều mong muốn con sẽ “lao động” nhiều hơn, đặc biệt là giúp cha mẹ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ có trách nhiệm trong gia đình sẽ có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn. Lý do là bởi, những đứa trẻ này đã quen với việc giúp đỡ. Chúng coi những đóng góp của mình là có giá trị.
Trách nhiệm lao động ở nhà thực sự khiến trẻ em trở thành những công dân tốt hơn. Vậy tại sao trẻ em không lao động nhiều hơn? Đó là câu hỏi nhiều phụ huynh chưa thể giải đáp.
1. Ghét việc nhà
Đó là một thái độ hợp lý. Bởi, hầu hết người lớn đều thấy công việc nhà nhàm chán. Rốt cuộc, bọn trẻ có rất nhiều thứ khác thú vị hơn để chúng dành thời gian. Trong khi đó, nhiều trẻ chưa hiểu tại sao lao động lại quan trọng.
Giải pháp: Nếu phụ huynh biến trải nghiệm đóng góp cho gia đình giống như một việc vặt, trẻ sẽ trốn tránh lao động. Thay vào đó, hãy nghĩ đây là cơ hội để trẻ thích làm tốt một việc gì đó. Theo thời gian, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng khi công việc được hoàn thành tốt. Thậm chí, trẻ sẽ tự hào rằng, mình là một đầu bếp hoặc người làm vườn có năng lực.
Phụ huynh hãy nói về sự kết nối và đánh giá cao. Thay vì để trẻ lao động một mình, cha mẹ hãy coi công việc như một cơ hội để gắn kết với con. Đồng thời, hãy bày tỏ rằng, cha mẹ có được sự giúp đỡ của con là vô cùng ý nghĩa.
2. Lao động với tốc độ chậm
Khi trẻ còn nhỏ và có hứng thú với lao động, cha mẹ thường không khuyến khích điều đó. Vào thời điểm có khả năng lao động, trẻ thường bị cuốn vào những mục tiêu khác thú vị hơn.
Giải pháp: Cha mẹ cần thay đổi thái độ về lý do tại sao trẻ làm việc nhà. Việc để trẻ lao động sẽ không giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, ít nhất là khi con mới thực hiện. Thực tế, lao động là để trẻ học các kỹ năng sống và trải nghiệm cảm giác tuyệt vời khi đóng góp.
Trẻ nhỏ thường thích giúp đỡ. Do đó, cha mẹ hãy để con tham gia một cách có ý thức vào những việc phụ huynh đang làm, ngay cả khi điều đó mất nhiều thời gian hơn.
Hãy tạo niềm vui cho trẻ. Với trẻ lớn hơn, thay vì giao việc, phụ huynh hãy thử cùng con lao động theo nhóm. Cho mỗi đứa trẻ tham gia vào một dự án trong khi cha mẹ làm việc với chúng. Công việc của phụ huynh là trở thành người điều phối, khắc phục nếu có sự cố xảy ra và giữ mọi thứ luôn đúng hướng.
Ví dụ, cha mẹ có thể để đứa trẻ 12 tuổi làm trứng cho bữa sáng, trong khi đứa 10 tuổi nướng bánh mì. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ cần ở đó với tư cách là người hỗ trợ để giúp mọi thứ suôn sẻ.
3. “Cần” cha mẹ giúp đỡ
Trẻ em đôi khi cần được cưng nựng. Bởi, hành vi đó khiến trẻ yên tâm rằng, cha mẹ ở đó để bảo vệ và nuôi dưỡng chúng. Bên cạnh đó, trẻ phải làm việc chăm chỉ ở trường cả ngày. Do đó, trẻ cần nhiều cơ hội để thư giãn ở nhà.
Giải pháp: Đừng ngại “cưng chiều” con khi trẻ yêu cầu giúp đỡ. Phụ huynh hãy đảm bảo trẻ có nhiều cơ hội để “không có nhiệm vụ”. Sau đó, khi chắc chắn rằng, trẻ cảm thấy được “quan tâm”, cha mẹ hãy ở bên khuyến khích để con tự giải quyết vấn đề.
4. Không có thời gian
Nơi đào tạo những người trẻ là trường học. Trẻ dành hàng giờ trong lớp và sau đó là nhiều giờ hơn để làm bài tập về nhà. Nếu chơi thể thao, học âm nhạc hoặc tham gia các hoạt động khác, trẻ phải dành nhiều thời gian để luyện tập. Khi học cấp hai, trẻ thường không có thời gian để chơi. Đến khi học cấp 3, trẻ thường không có thời gian để ngủ!
Giải pháp: Trong năm học, phụ huynh hãy đặt lên trẻ những trách nhiệm có thể đảm đương trong một giờ vào cuối tuần. Sau đó, khi mùa hè bắt đầu, hãy thảo luận về trách nhiệm và vạch ra lịch trình, nhằm yêu cầu trẻ nhiều hơn.
Hãy tận dụng cơ hội khi trẻ không phải đến trường để dạy kỹ năng sống cho con. Đồng thời, khiến trẻ lao động và đóng góp thực sự cho gia đình.
5. Không hoàn thành nhiệm vụ triệt để
Phụ huynh thường không thực sự mong đợi trẻ sẽ làm một công việc nào đó tốt như cha mẹ.
Giải pháp: Dạy bảo. Khi dạy trẻ nhiệm vụ nào đó, hãy nhớ chia thành các bước nhỏ hơn và giúp con thành thạo từng việc một. Cha mẹ có thể lưu lại ảnh khi trẻ đang làm việc đó. Ngoài ra, khi trẻ nhận trách nhiệm cho một nhiệm vụ, phụ huynh hãy cố gắng giảm sự kiểm soát đối với con.
Đồng thời, tập trung vào điều tích cực, để trẻ muốn làm một công việc tốt hơn nữa.
6. Thường “quên” trách nhiệm
Trẻ thường có rất nhiều điều trong tâm trí. Do đó, cha mẹ có thể phải nhắc con về trách nhiệm.
Giải pháp: Đừng bỏ cuộc hay bực tức. Lao động sẽ không bao giờ đứng đầu trong danh sách của trẻ, nhưng điều đó không sao cả. Nếu trẻ phàn nàn khi phải lao động, cha mẹ hãy thông cảm điều đó. Phụ huynh hãy tạo ra một văn bản bao gồm những trách nhiệm mà mọi người trong gia đình cần có. Đó là cách duy nhất để tạo ra một thói quen giúp trẻ tự nguyện lao động.
Rốt cuộc, trẻ sẽ không có nhiều động lực để rửa bát. Vì vậy, lý do duy nhất để làm điều đó ngay từ đầu là phụ huynh sẽ phải đối mặt với con (theo một cách tốt đẹp). Sau đó, nhắc nhở cho đến khi trẻ thực hiện. Sau một thời gian, những hành động đó sẽ trở thành thói quen của trẻ.
Theo Psychology Today/giaoducthoidai.vn