Môn học duy nhất bạn thật sự cần học: Tuổi thơ của chính mình

Có lẽ, trong suốt tuổi thơ, không điều gì được xem trọng hơn việc học hành.
Có lẽ, trong suốt tuổi thơ, không điều gì được xem trọng hơn việc học hành. Đó là giai đoạn chúng ta được thúc giục, được nhắc nhở, được kỳ vọng phải học hỏi không ngơi nghỉ – phải gom góp tri thức, rèn giũa bản thân, tích lũy kinh nghiệm sống… để rồi sau này có thể vững vàng bước qua những cạm bẫy của cuộc đời người lớn. Học chăm, học giỏi – ai cũng tin rằng – là tấm vé giúp ta tránh khỏi những năm tháng trưởng thành đầy mơ hồ, hoài tiếc, buông xuôi và khổ đau. Bí quyết để có một cuộc sống viên mãn khi trưởng thành, người ta nói đi nói lại mãi, nằm cả ở việc học hành khi còn bé. Chính vì vậy, chúng ta không ngần ngại đánh thức những đứa trẻ còn ngái ngủ trong buổi sáng mùa đông rét mướt, vội vã khoác lên vai chúng chiếc ba lô nặng trĩu rồi đưa chúng đến trường – nơi chúng sẽ dành cả ngày học tọa độ hình học, mạo từ bất định, những biến động xã hội từ thời vua Edward Đệ Lục, hay triết lý của Aristotle trong "Địa Ngục" của Dante.
Thế nhưng, có một điều vô cùng đặc biệt mà ít ai để ý: có một môn học – một môn học tưởng như vô hình – lại ẩn chứa nhiều bài học quý giá nhất cho cuộc đời trưởng thành của chúng ta. Một môn học có sức mạnh giúp ta tránh được vô vàn vết xước tâm hồn, có thể mở ra cánh cửa tự do nội tâm, dẫn lối ta đến sự an yên, mãn nguyện. Và lạ thay, môn học ấy lại không hề được giảng dạy ở bất cứ ngôi trường nào trên thế giới. Trớ trêu thay, đó lại là thứ mà mỗi người đều từng trải qua, từng sống giữa nó, từng hít thở cùng nó – rõ ràng như không khí, nhưng khó nắm bắt như thời gian trôi qua từng kẽ tay. Môn học bị lãng quên ấy – không gì khác – chính là tuổi thơ của chính ta.
Chúng ta có thể tóm gọn tầm quan trọng của điều này như sau: Cơ hội để sống một cuộc đời trưởng thành viên mãn phụ thuộc phần lớn vào việc ta hiểu rõ và đối diện thế nào với tuổi thơ của chính mình. Bởi chính trong những năm tháng đầu đời ấy, phần lớn bản ngã trưởng thành của ta được hình thành – từ cách ta phản ứng với cuộc sống, cho đến những điều ta mong đợi từ người khác và từ chính bản thân. Trước năm mười tám tuổi, ta đã có khoảng 25.000 giờ sống cùng cha mẹ – một khoảng thời gian tưởng chừng như trôi qua nhẹ nhàng, nhưng lại âm thầm đặt nền móng cho cách ta nghĩ về tình yêu và tình dục, về công việc, tham vọng và thành công; về giá trị bản thân – rằng ta có thể yêu mình hay buộc phải chán ghét chính mình. Nó còn quyết định ta tin điều gì về bạn bè, người lạ, và hạnh phúc – rằng mình có xứng đáng với niềm vui hay chỉ nên mơ đến nó một cách dè dặt.
Một điều buồn bã – dù không ai cố tình gây ra – là tuổi thơ của phần lớn chúng ta, nếu nói một cách nhẹ nhàng, đều… phức tạp. Những điều ta học được về bản thân, về các mối quan hệ, về thế giới – trong thời thơ ấu – thường bị pha lẫn những “lệch lạc”, những bóp méo khỏi hiện thực và khỏi chuẩn mực của một tâm hồn khỏe mạnh. Đâu đó, đã có điều gì đó sai lệch – hoặc phát triển theo một hướng đáng ngờ – để rồi để lại trong ta những khoảng trống, những nỗi sợ, sự dè dặt và tự ti vốn không cần thiết.
Có thể, ta đã từng ngấm ngầm tin rằng việc sống đúng với giới tính và ham muốn của mình là điều xấu xa. Rằng muốn được yêu thương, ta buộc phải giấu nhẹm đam mê thật sự của mình. Ta có thể đã cảm thấy việc thành công sẽ khiến cha mẹ ganh tị, xa cách. Hoặc ta đã học được rằng phải luôn vui vẻ, hài hước để “làm chỗ dựa” tinh thần cho một người lớn mà ta yêu thương nhưng cũng lo sợ.
Từ những trải nghiệm đó, ta dần hình thành nên những kịch bản sống, những kỳ vọng ngấm ngầm, những kiểu hành xử lặp đi lặp lại – mà ta cứ vô thức diễn lại mãi trong cuộc đời trưởng thành. Ngày xưa, có thể đã từng có người không coi trọng cảm xúc của ta – và giờ đây, ta mang một niềm tin mơ hồ (mà chính mình cũng không nhận ra) rằng không ai có thể thật lòng lắng nghe mình. Ta từng cố gắng “sửa chữa” một người lớn mình lệ thuộc – và giờ đây, ta thấy mình bị cuốn hút mãnh liệt (mà không hiểu vì sao) vào việc “cứu rỗi” những người ta yêu. Ta từng thần tượng một người cha hoặc mẹ thờ ơ, lạnh lùng – và giờ đây, ta cứ vô thức lao vào những mối quan hệ với những người xa cách, dửng dưng
Một trong những bi kịch của tuổi thơ là nó thường được bao bọc bởi một lớp vỏ tưởng chừng hợp lý – rằng mọi chuyện “hồi đó” có vẻ như rất bình thường. Những gì xảy ra trong bếp, trong xe, trên những chuyến du lịch, hay sau cánh cửa phòng ngủ… dường như chẳng có gì đáng bận tâm hay suy ngẫm. Trong suốt một thời gian dài, ta đâu có gì để so sánh – bởi đó là thực tại duy nhất mà ta biết. Và thay vì nhận ra đó là một phiên bản méo mó, đầy tổn thương và tiềm ẩn nguy hiểm của cuộc sống, ta lại chấp nhận nó như điều tất yếu, như “cuộc đời là thế”. Trong mắt một đứa trẻ, hoàn toàn có thể là bình thường khi ba ngồi bất động trong ghế, chìm trong lặng thinh và tuyệt vọng. Khi mẹ cứ lặng lẽ khóc mỗi ngày. Khi chính mình bị gán cho cái nhãn “đứa không xứng đáng”. Cũng thật dễ hiểu khi ta nghĩ rằng mỗi thử thách là một thảm họa, hay mọi hy vọng đều sẽ bị nhấn chìm bởi sự hoài nghi lạnh lùng.
Không có hồi chuông nào vang lên để cảnh báo rằng việc một đứa trẻ bảy tuổi phải gắng gượng làm cho mẹ vui vì mẹ đang buồn chuyện với ba là điều không hề ổn. Bi kịch nằm ở chỗ: những người cha mẹ kỳ lạ nhất sẽ không bao giờ thừa nhận rằng họ kỳ lạ. Những người lớn rối ren và méo mó nhất lại thường là những người bám víu mạnh mẽ nhất vào cái vỏ bọc “tôi bình thường”, “tôi là người tốt”. Sự lạ lùng, đôi khi, có bản năng mạnh mẽ là giấu mình trong vẻ ngoài tử tế và hợp lý.
Tình hình còn trở nên rối rắm hơn khi trẻ con, một cách bản năng, luôn có xu hướng muốn nghĩ tốt về cha mẹ mình, kể cả khi điều đó đồng nghĩa với việc quay lưng lại với chính mình. Một đứa trẻ thà tin rằng mình không đủ tốt, rằng mình sai, rằng mình vô dụng… còn hơn là thừa nhận rằng người mà mình yêu thương – và cần dựa vào – lại là người bất ổn hoặc bất công.
Và như thế, di sản của một tuổi thơ nhiều trắc trở – mà thực ra, rất thường là tuổi thơ của bao người – lặng lẽ lan ra mọi ngóc ngách của cuộc sống trưởng thành. Hàng chục năm trôi qua, ta cứ nghĩ rằng khổ đau, hụt hẫng, đổ vỡ… là điều tự nhiên của cuộc sống. Có khi phải đến tận khi đã lỡ lạc hướng trong sự nghiệp, hay trải qua bao mối tình dở dang, người ta mới bắt đầu nhìn lại – và lần đầu tiên, thật sự nghĩ đến mối liên hệ giữa những gì đã xảy ra trong quá khứ và cách mình đang sống hôm nay.
Rồi dần dà, ta có thể nhận ra cái thói quen cứ mãi cố “sửa chữa” người mình yêu hôm nay bắt nguồn từ việc từng phải gắng gượng chăm sóc một người mẹ nghiện rượu khi xưa. Sau rất nhiều cuộc trò chuyện đầy day dứt, ta bắt đầu hiểu rằng thành công và tử tế không hề mâu thuẫn với nhau – bất chấp lời chê bai ngày nào của người cha luôn thất vọng.
Và có lẽ, phải nhờ đến sự có mặt của một người lắng nghe – một nhà trị liệu hiền hậu và tinh tế – ta mới dám đưa quá khứ của mình ra ánh sáng, để lần đầu tiên nhìn nó như một điều có thể suy ngẫm, cảm nhận, và chữa lành. Rất có thể, lần đầu tiên ta kể về những ký ức xa xôi ấy – những câu chuyện tưởng đã bị lãng quên – người đó sẽ khẽ nói: “Chuyện đó chắc hẳn đã rất khó khăn với bạn...” hoặc: “Lẽ ra có thể có một cách khác để làm điều đó…” Và chỉ đến lúc ấy, ta mới thực sự bắt đầu chạm vào tuổi thơ của chính mình – bằng tất cả sự dịu dàng mà lẽ ra ta đã cần từ rất lâu rồi.
Hiện nay, giáo dục chủ yếu hướng sự chú ý ra thế giới bên ngoài. Chúng ta được dạy rằng thành công đích thực là khi ta nắm vững những quy luật của vũ trụ, hiểu thấu lịch sử loài người và có thể “đọc vị” thế giới. Nhưng để thật sự sống một đời trọn vẹn, ta cũng cần hiểu một điều gần gũi hơn rất nhiều – một điều không ai nói đến, nhưng lại âm thầm chi phối toàn bộ cách ta yêu thương, làm việc, và tồn tại.
Nếu không hiểu rõ tuổi thơ của chính mình, thì cho dù ta có tích lũy bao nhiêu tiền bạc, xây dựng được danh tiếng rực rỡ đến đâu, hay khoác lên gia đình một vỏ bọc hạnh phúc rạng ngời… sâu bên trong, ta vẫn có thể mắc cạn trong mê lộ của những phức tạp tâm lý.
Ta vẫn có thể bị chìm đắm trong lo âu, mất niềm tin, sợ hãi mơ hồ, nghi ngờ triền miên, giận dữ không lý do hay cảm giác ghét bỏ chính mình – những hệ quả âm ỉ nhưng phổ biến của một tuổi thơ bị bóp méo, hiểu sai và không bao giờ được xoa dịu.
Nhiều người đầy thiện chí thường hy vọng – một cách rất lạc quan – rằng có lẽ đến giờ này, Freud đã bị chứng minh là sai. Câu trả lời, tuy khó nghe và đôi phần nhún nhường, là: ông ấy sẽ không bao giờ sai – ít nhất là trong cốt lõi của trực giác mà ông đã để lại cho nhân loại. Đóng góp lớn lao và vĩnh viễn của Freud nằm ở chỗ: Ông đã chỉ ra rằng cuộc sống cảm xúc của người trưởng thành thực chất là một chiếc mặt nạ – và phía sau đó, ẩn giấu những trải nghiệm thuở thiếu thời. Chúng ta mắc bệnh – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – chính vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình khi còn là một đứa trẻ.
Trong một thế giới lành mạnh hơn, người ta sẽ không bao giờ để ta bước qua tuổi thơ một cách mù mờ. Ta sẽ được nhắc – một cách tinh tế, nhưng rõ ràng – rằng tuổi thơ giữ chìa khóa cho mọi điều ta trở thành. Và ta sẽ biết rằng, môn học quan trọng nhất đời mình, môn ta cần xuất sắc vượt trội hơn tất cả, lại chính là một môn chưa từng xuất hiện trong bất kỳ giáo trình nào: “Tuổi thơ của tôi.” Và dấu hiệu cho thấy ta đã thật sự “tốt nghiệp xuất sắc” trong môn học này không phải là một tấm bằng, mà là khi ta có thể bình thản, không phòng bị, soi rọi vào chính mình – và nhẹ nhàng thừa nhận rằng: “Ừ, mình có những điều hơi… kỳ quặc.” Rồi chậm rãi lần theo quá khứ xa xăm, ta hiểu ra điều gì – ngày xưa – đã khiến mình trở nên như thế.
Nguồn: THE ONE SUBJECT YOU REALLY NEED TO STUDY: YOUR OWN CHILDHOOD | The School Of Life