Vì sao – và bằng cách nào – chúng ta cần làm hòa với sự độc thân

Giữa muôn vàn kỹ năng cần có để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, có một điều quan trọng vượt lên trên tất cả: khả năng sống yên ổn khi không ở trong một mối quan hệ nào cả.
Giữa muôn vàn kỹ năng cần có để duy trì một mối quan hệ tốt đẹp, có một điều quan trọng vượt lên trên tất cả: khả năng sống yên ổn khi không ở trong một mối quan hệ nào cả.
Chỉ những ai thực sự chấp nhận được viễn cảnh sống một mình mới có thể giữ được sự điềm tĩnh, vững vàng và can đảm để đối diện với những khó khăn trong tình yêu một cách quyết đoán – hoặc đủ kiên nhẫn vượt qua những tháng ngày, thậm chí nhiều năm dài, để chờ người phù hợp thực sự xuất hiện.
Chỉ khi ta biết mình vẫn có thể sống tốt nếu chỉ có một mình, ta mới đủ tự tin để đòi hỏi những thay đổi từ người bạn đời – và khiến họ hiểu rằng ta thực sự nghiêm túc. Những lời cảnh báo hay ranh giới trong tình yêu không thể chỉ là lời nói suông. Đối phương luôn có một trực giác nhạy bén, họ biết giới hạn của ta ở đâu – biết ta có thể chịu đựng đến mức nào trước khi rời đi. Và nếu ta không bao giờ rời đi, nếu nỗi sợ cô đơn còn lớn hơn cả nỗi đau bị đối xử tệ bạc, thì ta sẽ mãi mãi bị lợi dụng, bị tổn thương mà không có lối ra.
Photo by Maria Ivanova on Unsplash
Chúng ta cần luôn ý thức rằng: mình có thể sẽ phải ra đi – để chính điều đó tạo nên một môi trường mà ta không bao giờ phải đi cả. Giống như một quốc gia mỗi năm đều tổ chức diễn tập quân sự, không phải vì chắc chắn sẽ bị tấn công, mà để giảm khả năng điều ấy xảy ra. Dù đang ở trong vòng tay ấm áp nhất, người yêu khôn ngoan vẫn luôn giữ bên mình chiếc “túi thoát hiểm” vô hình – được cất sẵn dưới gầm giường, phòng khi phải rời đi trong danh dự.
Tương tự, trong hành trình hẹn hò, ta cũng cần học cách bình yên với trạng thái độc thân, để có đủ tỉnh táo mà từ chối hết người này đến người khác, những người không đủ sức hút, không đủ khiến trái tim ta rung lên. Chỉ khi ta có thể ở một mình mà không sợ hãi, ta mới không phải tự lừa dối mình rằng một ai đó “có vẻ ổn” là đúng người – hay để nỗi sợ chết già một mình dẫn dắt cả đời ta theo lối mòn.
Nhưng rồi, ta cũng không thể thật sự chấp nhận được sự độc thân nếu cứ bám víu lấy những câu khẩu hiệu đầy cảm tính như: “độc thân thật vui”, “độc thân là tự do”, hay “độc thân cũng hạnh phúc như ai”. Chúng ta sẽ chỉ càng thêm đau lòng khi phải một mình, lại còn tự thấy xấu hổ vì cảm thấy điều đó thật… kinh khủng.
Chúng ta cần can đảm nhìn thẳng vào sự thật: độc thân rất tệ. Tất nhiên rồi – nó buồn chán, cô quạnh, khiến ta hoang mang, lạc lõng và nhiều khi thật rã rời. Nhưng chỉ khi ta dám gọi tên nỗi buồn, nỗi buồn ấy mới thôi hành hạ ta bằng sự bất ngờ hay cảm giác tủi thân.
Bởi dẫu tệ đến đâu, sự độc thân vẫn còn tốt hơn một mối quan hệ tồi – với một người trẻ con, khó đoán, thiếu tự nhận thức và không bao giờ thực lòng với ta. Thà rằng ta lại khóc một mình trên sàn nhà phòng khách, còn hơn là phải năn nỉ một người vô tâm, lăng nhăng, đầy kiêu ngạo yêu thương ta một cách tử tế.
Ít ra, sự cô đơn không cướp đi tương lai của ta. Ít ra, nó vẫn giữ trong lòng nó một khả năng: khả năng rằng điều tốt đẹp vẫn có thể đến.
Chúng ta hoàn toàn có thể ghét cay ghét đắng sự độc thân – nhưng đồng thời cũng nên hiểu rằng: chính việc can đảm sống sót qua những ngày đơn độc một cách bình tĩnh và vững vàng, mới là tấm hộ chiếu đưa ta đến với tương lai mà mình xứng đáng có được.
Nguồn: WHY – AND HOW – WE NEED TO MAKE OUR PEACE WITH BEING SINGLE | The School Of Life