7 lời khuyên từ chuyên gia cho cha mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ
Việc con được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ có thể làm thay đổi cuộc đời cha mẹ. Dưới đây là những lời khuyên từ nhà tư vấn giáo dục Adam Soffrin về những việc cần làm khi con được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Việc con được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ có thể làm thay đổi cuộc đời cha mẹ. Dưới đây là những lời khuyên từ nhà tư vấn giáo dục Adam Soffrin về những việc cần làm khi con được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Theo dữ liệu được thu thập bởi Mạng lưới Giám sát Người Tự kỷ và Thiểu năng Trí tuệ (ADDM) ở Hoa Kỳ năm 2010, cứ 68 trẻ em lại có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhân con số đó lên với gia đình và bạn bè của những đứa trẻ này, có thể thấy rằng, gần như tất cả mọi người đều có mối liên hệ với trẻ bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Là một nhà tư vấn giáo dục đã làm việc với nhiều trường học và gia đình có trẻ bị khiếm khuyết, Adam Soffrin đã trực tiếp trải nghiệm mối liên hệ này. Dưới đây là một số một số lời khuyên cho cha mẹ từ vị chuyên gia này để giúp con bạn có được cuộc sống tốt nhất.
(Ảnh: Printerest).
ĐẦU TIÊN, HÃY THẬT BÌNH TĨNH
Việc chẩn đoán bệnh tự kỷ không làm thay đổi việc con bạn là ai hay có thể làm được những gì. Đã có nhiều nghiên cứu trong các thập kỷ qua, và luôn có những ý tưởng mới đang được nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng đang phát triển các chương trình hiệu quả để giúp trẻ tự kỷ xây dựng kỹ năng giao tiếp, xã hội, học thuật, kỹ năng vận động và đào tạo nghề để giúp trẻ có thể sống lâu, khỏe mạnh, có ích.
CHUẨN BỊ CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP SỚM
Giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ tự kỷ, cha mẹ nên xem xét các liệu pháp trị liệu khác nhau cho con mình. Những liệu pháp này có thể giúp con xây dựng kỹ năng nền tảng khi chúng lớn lên và phát triển.
Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị nên có chương trình can thiệp sớm nhưng không bao giờ là quá muộn để xác định xem con bạn có đủ điều kiện cho một số liệu pháp nhất định hay không. Các liệu pháp được khuyến nghị bao gồm:
Ngôn ngữ trị liệu.
Hoạt động trị liệu.
Vật lý trị liệu.
Phân tích hành vi ứng dụng.
HỌC CÁCH LẮNG NGHE MÀ KHÔNG PHẢI TỪ ĐÔI TAI
Cha mẹ hãy học cách lắng nghe con bằng mắt. Chậm phát triển lời nói hay không nói được không có nghĩa là con bạn không giao tiếp. Mọi thứ chúng ta làm, kể cả im lặng, đều là giao tiếp. Cha mẹ càng sớm hiểu được cách con giao tiếp thì càng dễ dàng tương tác và phản hồi với ngôn ngữ của con.
Liệu pháp ngôn ngữ trị liệu tập trung vào một số khía cạnh, bao gồm:
Cách phát âm (cách chúng ta tạo ra âm thanh bằng miệng).
Giao tiếp phi ngôn ngữ (các ký hiệu, ngôn ngữ ký hiệu).
Giao tiếp xã hội (cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ với người khác).
Chỉ cần nhớ rằng, mọi thứ con làm đều đang cố gắng nói với cha mẹ điều gì đó, vì vậy hãy chắc chắn lắng nghe con.
LÀM QUEN VỚI “THÔ” VÀ “TINH”
Trẻ tự kỷ cần được giải quyết về vấn đề phối hợp vận động. Có hai loại kỹ năng vận động chính là thô và tinh. Kỹ năng vận động thô liên quan đến các chuyển động lớn của cơ thể và cơ bắp. Vật lý trị liệu thường được áp dụng đối với các kỹ năng này, chẳng hạn như bò, đi, nhảy hay xác định vị trí cầu thang.
Mặt khác, kỹ năng vận động tinh lại là những chuyển động nhỏ và tinh tế như viết, kéo khóa áo khoác hoặc cài khuy áo sơ mi. Đối với những kỹ năng này, liệu pháp hoạt động trị liệu sẽ được áp dụng vì đòi hỏi nhiều vận động và phối hợp giữa tay mắt và thường cần thêm thời gian luyện tập.
HIỂU RẰNG CON ĐANG TRẢI NGHIỆM MỘT LOẠI CẢM GIÁC KHÁC
Chúng ta có thể đã thấy những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ ngồi trên ghế và thực hiện các động tác lặp đi lặp lại như đung đưa cơ thể hoặc vỗ cánh tay. Những chuyển động này không khác gì những thói quen mà một người bình thường có thể mắc phải, chẳng hạn như nhai đầu bút chì hoặc gõ chân.
Nhưng đối với trẻ tự kỷ, các chuyển hành vi đi lặp lại thường xảy ra khi nhu cầu giác quan của trẻ tăng cao và có thể gây rối loạn trong một số tình huống nhất định.
Các nhà hoạt động trị liệu đang cố gắng phát triển một “chế độ” giác quan có kiểm soát giúp cung cấp thông tin đầu vào mà trẻ cần theo cách phù hợp với xã hội.
Ví dụ, nếu một đứa trẻ cần nhảy lên và nhảy xuống để trấn tĩnh bản thân, hoạt động trị liệu sẽ giúp xây dựng các hoạt động cung cấp đầu vào giống như động tác nhảy. Các hoạt động khác có thể bao gồm nghỉ trên tấm bạt lò xo, bóp chân hoặc ngồi trên bóng tập yoga.
THAM GIA VÀO PHÂN TÍCH HÀNH VI ỨNG DỤNG
Phân tích hành vi ứng dụng là một trong những hình thức trị liệu hành vi được nghiên cứu nhiều nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất cho trẻ tự kỷ. Có nhiều người ủng hộ liệu pháp này, cho rằng đó là cơ sở thực nghiệm. Họ tin rằng, hành vi là một chức năng của môi trường.
Do đó, chúng ta có thể giúp trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng mới bằng cách thao túng môi trường xung quanh. Một liệu pháp phổ biến khác cho các kỹ năng xã hội và hành vi là FloorTime, bao gồm cả liệu pháp dựa trên các trò chơi hướng đến trẻ em. Floortime là một kỹ thuật can thiệp dựa trên mốc phát triển và theo mô hình quan hệ, tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể.
ĐỪNG NGẠI THỬ MỘT LIỆU PHÁP MỚI
Trị liệu bằng ngựa, các nhóm kỹ năng xã hội, học bơi, âm nhạc, nghệ thuật… có thể không có cơ sở nghiên cứu vững chắc, nhưng nếu con bạn vui vẻ và thành công trong các chương trình này, cha mẹ hãy tiếp tục.
Không phải mọi liệu pháp đều phải dựa trên dữ liệu và tiến độ, giải trí và nghỉ ngơi rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
NHƯNG ĐỪNG ĐI QUÁ XA…
Hãy thận trọng với “những phương pháp chữa bệnh thần kỳ”. Một số phụ huynh lợi dụng bản năng làm cha mẹ để muốn điều tốt nhất cho con mình. Họ nhìn vào mọi chiến lược hỗ trợ mới với con mắt hoài nghi, bao gồm cả hỗ trợ và can thiệp y tế.
Cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thử bất cứ điều gì mới, đặc biệt nếu nó liên quan đến chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, biện pháp khắc phục tại nhà, hay sử dụng các loại thảo mộc và thuốc không được kiểm soát.
HÃY NHỚ RẰNG, CHA MẸ KHÔNG THỂ THAY ĐỔI CON, NHƯNG CÓ THỂ THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH
Cha mẹ sẽ kiên nhẫn hơn trong việc thực hành với con khi bản thân và con không đói và mệt. Hãy nhận ra điều gì có thể quan trọng với bạn nhưng có vẻ không quan trọng đối với con.
Dù có được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ hay không thì con vẫn luôn là con mình. Vậy nên cha mẹ hãy cho con thấy được lòng trắc ẩn, sự hiểu biết và lòng tốt.
Cha mẹ có thể bảo vệ con khỏi những mặt xấu của thế giới, nhưng đừng giấu con khỏi thế giới đó. Hãy dạy con biết yêu và được yêu. Hãy nhớr ằng, một chẩn đoán không hề chứng minh việc con bạn là ai.
Theo Healthline
Phạm Hương dịch - Theo https://treemvietnam.net.vn/