Làm thế nào để tìm thấy bình an nội tâm như Thánh Teresa thành Ávila

Vị “ngôi sao tâm linh” của thế kỷ 16 cho thấy rằng: hình dung tâm hồn mình như một tòa lâu đài có thể trở thành nguồn sức mạnh và an ủi sâu xa.
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình buồn vu vơ, tâm trí bị kéo về quá nhiều hướng, bối rối không biết mình là ai – hay cần làm gì để thấy trọn vẹn và hạnh phúc hơn? Có thể rất khó để diễn tả rõ ràng tâm trạng ấy, chứ đừng nói đến việc hiểu được vì sao mình lại thấy bức bối đến thế.
Đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm – và nếu vậy, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ y tế. Nhưng nữ tu Công giáo La Mã, đồng thời cũng là một “người ảnh hưởng” từ thế kỷ 16, Thánh Teresa thành Ávila (1515–1582) lại gợi ra một cách lý giải khác. Nếu bạn không theo tôn giáo, có lẽ bạn sẽ chẳng nghĩ đến việc tìm lời khuyên nơi một vị thánh – nhưng thật ra, Teresa có một sự nhạy cảm tâm lý đáng ngạc nhiên, và nhiều điều bà chia sẻ hoàn toàn có thể đem ra chiêm nghiệm, ngay cả trong thời hiện đại.
Thuở thiếu nữ, Teresa nổi bật với vẻ quyến rũ và bản tính nổi loạn. Bà thách thức ý nguyện của cha, quyết chọn đời tu thay vì kết hôn. Teresa nổi tiếng đến mức các bề trên yêu cầu bà phải ghi chép lại những tư tưởng của mình – một điều gần như không tưởng với một phụ nữ vào thời ấy. Bà làm điều đó với sự miễn cưỡng, luôn tự khiêm tốn rằng mình chẳng khác gì một con vẹt lặp lại lời người khác, và “bất lực như cánh chim gãy chẳng thể cất cánh bay khi cần nói điều gì tốt đẹp.” Sự tự hạ ấy không phải không có lý do. Teresa sống trong thời kỳ Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha còn đầy rẫy đe dọa: họ tịch thu sách vở của bà, gán cho bà cái nhãn “người đàn bà cứng đầu”.
Teresa đã sáng lập 17 tu viện Dòng Camêlô, nhưng ảnh hưởng của bà vượt xa những bức tường tu kín. Bà được phong thánh chỉ 40 năm sau khi qua đời, và vào năm 1970, trở thành một trong những phụ nữ đầu tiên được Giáo hội công nhận là “Tiến sĩ Hội Thánh”. Người ta gọi Teresa là “ngôi sao nhạc rock tâm linh”, và bà được cho là đã truyền cảm hứng cho Meditations (1641) của René Descartes. Simone de Beauvoir, George Eliot, Julia Kristeva đều từng nhắc đến bà, và tư tưởng của bà còn hiện diện trong tâm phân học, tâm thần học và cả lĩnh vực quản trị hiện đại.
“Tin tôi đi, tôi sợ một nữ tu bất hạnh hơn cả lũ quỷ.”
Trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình – Lâu đài Nội tâm – viết năm 1577 khi bà đã 62 tuổi, Teresa cho rằng nguồn gốc sâu xa của khổ đau con người là bởi “chúng ta không biết trân quý linh hồn mình như đáng lẽ phải thế”, và vì thế “chúng ta chẳng hiểu gì về những bí mật sâu thẳm đang nằm trong đó.” Con người thường lo lắng cho thế giới bên ngoài – rèn luyện cơ thể, ăn uống đầy đủ – nhưng lại quên nuôi dưỡng phần linh hồn. Họ mải mê chạy theo bao nhiêu phân tâm – mà Teresa gọi là “rắn độc và lũ côn trùng” – để khỏi phải chạm vào cảm giác lạc lõng và trống rỗng trong lòng. Nhưng Teresa đặt một câu hỏi đáng suy ngẫm: “Làm sao chúng ta có thể mong tìm được sự nghỉ ngơi ở bên ngoài, nếu ngay trong chính mình cũng chẳng thể yên ổn?”
Teresa rất quen với cảm giác nặng nề của tồn tại, và cả sự xa lạ với chính phần sâu kín trong tâm hồn mình. Bà từng bị chỉ trích là làm màu, giả vờ thánh thiện. Bà phải sống với những cơn đau mãn tính dữ dội. Có lần, sau một cơn bạo bệnh kéo dài bốn ngày, bà tỉnh dậy với sáp được đắp lên mắt – người ta tưởng bà đã chết và đã bắt đầu làm lễ mai táng. Bà cũng từng quản lý nhiều tu viện với những nữ tu đầy lo âu và bất an. “Các nữ tu thường không vui vẻ gì,” bà viết, và thêm: “Tin tôi đi, tôi còn sợ một nữ tu bất hạnh hơn cả lũ quỷ dữ.”
Dù chẳng hề kỳ vọng hay có ý định rằng lời dạy của mình sẽ hữu ích cho ai ngoài các nữ tu đồng đạo, Teresa vẫn thừa nhận rằng có nhiều con đường khác nhau để đến một nơi tương tự: “Thiên Chúa không dẫn dắt mọi người theo cùng một lối,” bà nói, và cũng lưu ý rằng, cả những người không sống thánh thiện cũng có thể tìm được giá trị từ hành trình này.
Teresa bắt đầu từ một niềm tin căn bản: “Bởi vì chúng ta đã từng được nghe, và đức tin dạy chúng ta như thế, nên ta biết rằng mình có linh hồn.” Sau đó, bà khuyên hãy hình dung linh hồn mình như một tòa lâu đài – làm hoàn toàn bằng kim cương hoặc pha lê trong suốt – với vô số căn phòng, tựa như thiên đàng có nhiều chốn nương náu. Ở trung tâm lâu đài là mặt trời thần thánh – nơi diễn ra “cuộc gặp gỡ bí mật giữa Thiên Chúa và linh hồn,” và “ánh sáng từ căn phòng vương giả ấy chiếu rọi khắp nơi.” Nhưng, bà viết: “Nếu ta phủ lên viên pha lê một mảnh vải đen, thì ánh sáng mặt trời dù có chiếu rọi cũng chẳng thể xuyên qua.” Khi ta bước sâu hơn vào lâu đài, dần dần gỡ bỏ tấm vải ấy, tâm trí ta cũng được soi sáng.
Dưới góc nhìn đời thường, “linh hồn” có thể xem như ẩn dụ cho thế giới nội tâm – phần vô thức, phần sâu nhất trong tâm lý ta. Còn “Chúa” ở trung tâm linh hồn, có thể hiểu là chính “con người thật” của mình, bản ngã sâu thẳm và chân thực nhất. Cuộc hành trình vào bên trong đó chính là hành trình hiểu mình, làm lành với chính mình, để tìm ra sự bình yên. Khi ta lãng quên đời sống bên trong, cuộc sống trở nên hỗn loạn và mệt mỏi. Nhưng một khi ta hiểu được bản chất thật của mình, ta sẽ có định hướng rõ ràng hơn và có thể sống một đời sống thành thật.
Mục tiêu của sự suy ngẫm là để nhận diện – và gột rửa – những loài thú dữ của sự phân tâm.
Hành trình đi vào trung tâm linh hồn, theo Teresa, là đi qua bảy “nơi cư ngụ” – mỗi nơi mang một thử thách riêng.
Bernini’s The Ecstasy of Saint Theresa (c1645-52). Courtesy Wikipedia
Nơi cư ngụ thứ nhất
Bước đầu tiên để chạm tới bình an nội tâm chính là lời cam kết với bản thân: hiểu mình. “Tự hiểu mình là điều quan trọng nhất đối với chúng ta,” Teresa nhắn nhủ. Hãy tưởng tượng bạn được hỏi rằng mình đến từ đâu – và bạn không biết. “Nếu điều đó đã là một sự ngốc nghếch hiển nhiên, thì ta còn ngốc hơn gấp bội khi không cố gắng nhận diện chính mình, mà chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận sơ sài phần xác thân này.”
Bắt đầu không khó. “Theo tôi hiểu, cánh cửa để bước vào tòa lâu đài ấy chính là cầu nguyện và suy tưởng,” Teresa nói.
Dưới góc nhìn của người không tin vào tôn giáo, bạn có thể hình dung cái tôi bên trong mình như một người mà bạn đang dần phải lòng. Muốn hiểu một người, ta cần dành thời gian ở bên họ, làm cùng nhau những điều giản dị. Cũng như thế, để thấu hiểu chính mình, bạn cần chủ động tạo khoảng lặng cho sự chiêm nghiệm nội tâm. Có thể là viết nhật ký, lắng nghe dòng suy nghĩ, viết tự động, vẽ, nhảy múa – bất cứ điều gì khiến bạn thật sự trở về với mình.
Teresa chỉ ra rằng những bận tâm về ham muốn tức thời, thành công, danh vọng, thành tựu và vật chất – chính là những chướng ngại cản trở việc hiểu bản thân. Chúng như loài rắn độc, rút cạn thời gian và sinh lực của bạn. Mục đích của suy tưởng là để nhận ra – và loại bỏ – những “quái thú phân tâm” ấy: “Hãy cố gắng từ bỏ những điều không cần thiết, và các việc đời vô bổ… Hỡi các con gái của ta, hãy giữ mình khỏi những mối bận tâm lạc lối.” Không cần phải từ bỏ tất cả – ngay cả các nữ tu cũng không làm như vậy. Teresa nhấn mạnh: “Mỗi người nên làm điều đó phù hợp với hoàn cảnh sống của mình.”
Nơi cư ngụ thứ hai
Khi nói đến nơi cư ngụ thứ hai, Teresa thốt lên: “Ôi lạy Chúa Giê-su, lũ quỷ đã khơi dậy biết bao náo động nơi đây! Linh hồn tội nghiệp thì trĩu nặng u sầu: không biết nên tiến bước hay quay về phòng đầu tiên.” Kẻ thù của sự thức tỉnh luôn tìm cách cám dỗ tâm hồn bằng những thứ phù phiếm của trần thế: “trò tiêu khiển, việc làm ăn, khoái lạc”. Nhưng Teresa cảnh tỉnh: “Lạy Chúa tôi, làm sao thói quen của thế gian trong việc đắm chìm vào hư danh lại có thể làm hỏng mọi điều như thế!”
Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này chính là sự kiên định. “Ta luôn thu được nhiều điều khi bền lòng bền chí,”Teresa căn dặn. Hãy tiếp tục suy tưởng. Hãy nhớ rằng bình an nội tâm là điều đáng để bạn không ngừng tìm kiếm. Và đặc biệt, hãy lựa chọn người bạn đồng hành một cách tỉnh táo.
Teresa từng trải qua không ít kinh nghiệm cay đắng với những người bà gọi là “bán học”. Bà nhắc nhở: “Hãy cẩn thận, đừng chọn kẻ chỉ dạy bạn trở thành một con cóc – chỉ biết thỏa mãn với việc săn vài con thằn lằn nhỏ.”
Dù lời khuyên của Teresa được viết ra cho những tâm hồn sống đạo, nhưng ý nghĩa của nó cũng có thể được nhìn theo một góc khác – đó là sự cần thiết của việc nhìn lại: điều gì, ai đang làm bạn hạnh phúc? Có thể bạn đang bị cuốn hút bởi những người quen thuộc – những hình bóng gợi nhắc tuổi thơ – nhưng lại chẳng hề giúp bạn lớn lên. Từ bỏ một mối quan hệ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng đôi khi, điều đó là cần thiết để cứu lấy chính mình.
Hãy thay vào đó, nuôi dưỡng những mối quan hệ lành mạnh – với những người khôn ngoan và biết nâng đỡ bạn bằng trái tim.
Nơi cư ngụ thứ ba
“Khiêm nhường là thứ thuốc lành chữa mọi vết thương.”
Ở tầng thứ ba của lâu đài tâm hồn, những thử thách còn lớn hơn đang âm thầm rình rập. Bệnh tật, túng thiếu, trắc trở trong cuộc sống… tất cả đều có thể khiến bạn cảm thấy mỏi mệt và muốn dừng lại. “Thật là một nỗi khốn khổ khi phải sống một cuộc đời mà lúc nào cũng phải bước đi như thể kẻ thù đang chực chờ ngay ngoài cửa,” Teresa viết. Vì thế, bà đưa ra hai cách để đối mặt với những biến động này: buông xả và khiêm nhường.
Với những ai đang gặp khó khăn, Teresa nhận thấy: “Có lúc người ta đau khổ vì nhận ra lỗi lầm của mình còn nhiều hơn cả vì chính những điều đang làm họ khổ, bởi họ không tự giúp được mình, nên vẫn bị ảnh hưởng bởi chuyện đời – dù những chuyện ấy chẳng hẳn là nặng nề.”
Teresa từng trải qua điều đó: bà có những thị kiến, nhưng người đời không tin và lên án bà. Bà học cách không để tâm đến sự phán xét và khuyên rằng: “Khiêm nhường là thứ thuốc lành cho những vết thương, vì nếu ta thật sự có lòng khiêm nhường, thì dù có phải đợi chờ, vị lương y là Thiên Chúa rồi sẽ đến để chữa lành cho ta.”
Ngay cả khi ơn trên chưa ghé đến chữa lành, thì việc rèn luyện lòng khiêm nhường và biết ơn với những gì mình đang có – kể cả sự sống này – đã là điều giúp tâm hồn dịu lại.
Nơi cư ngụ thứ ba là hành trình thay đổi góc nhìn. Những gian truân mở ra cơ hội để rèn luyện bản thân. Cũng như triết lý khắc kỷ, bạn học cách phân biệt điều gì nằm trong khả năng kiểm soát của mình, và điều gì thì không – từ đó mà trưởng thành từ bên trong. Trong cõi bao la của vũ trụ (hay của Chúa), ta chỉ là hạt cát nhỏ bé – nên đừng bám víu vào cái tôi hay kết quả.
Hãy buông xuống khát khao danh vọng, vật chất. Từ bỏ sự ảo tưởng rằng ta xứng đáng được hơn. Đừng sống vì sự công nhận của người khác. Và nếu có lúc bạn bị hiểu lầm – cũng chẳng sao.
Nơi cư ngụ thứ tư
Ở tầng sâu hơn này, Teresa mời gọi ta bước vào một hình thức suy tưởng tinh tế hơn: “hồi tưởng”. Mục tiêu của hồi tưởng là làm lặng đi những suy nghĩ chạy loạn, bằng cách trở nên chánh niệm. “Linh hồn không còn tìm cách diễn đạt bằng lời, mà thay vào đó, cố gắng giữ sự chú tâm và cảm nhận những điều Thiên Chúa đang thực hiện trong nó,”Teresa giải thích.
Teresa thường thiền định về Kinh Thánh và về Thiên Chúa, nhưng bà cũng khuyến khích bạn hãy làm điều gì giúp bạn hiện diện trọn vẹn. “Một quyển sách cũng có thể là trợ thủ,” bà chia sẻ, và: “Tôi thấy tâm trí mình dịu lại khi ngắm nhìn những cánh đồng, dòng nước, hay những đóa hoa.” Dù bạn tìm đến văn chương, thiên nhiên, nghệ thuật hay những điều huyền diệu của cuộc sống – thì theo Teresa, điều quan trọng là: “ngẫm nghĩ thật sâu những điều có thể nghĩ và cảm.” Teresa mất 20 năm để thuần thục điều đó – nhưng cũng có thể, người khác chỉ cần một ngày. Điều ấy là tùy vào ý Chúa.
Teresa tin rằng: “những trải nghiệm siêu nhiên khởi đầu từ nơi đây.” Nhưng kể cả không có yếu tố siêu nhiên, thì sau những bước rèn luyện từ ba tầng trước, bạn đã vững vàng hơn để đối diện với những con thú của sự phân tâm và các thử thách trong đời.
Về phần hồi tưởng, đôi khi “làm” không có nghĩa là hành động, mà là “hiện diện”, là “buông bỏ”, là “đón nhận” – chứ không phải tiếp tục chất thêm việc vào danh sách cần hoàn thành.
Càng thực hành việc mở lòng và sống trọn vẹn với khoảnh khắc hiện tại trong những sinh hoạt thường nhật, thì hành trình này sẽ càng nhẹ nhàng hơn, và bạn sẽ hái được nhiều hoa trái hơn.
Giai đoạn “kén tằm” bắt đầu – khi bạn học cách giết đi phiên bản cũ của chính mình.
Nơi cư ngụ thứ năm
Hãy tưởng tượng linh hồn của bạn như một con tằm. Nó lớn lên nhờ ăn lá dâu, nhưng chẳng bao lâu, nó nhận ra rằng cuộc đời mình chưa có ý nghĩa, nên tự xây dựng cho mình một cái kén. Để có một cuộc sống ý nghĩa hơn, Teresa khuyên rằng chúng ta cũng cần tự tạo nên cho mình một cái kén ẩn dụ, nơi ta từ bỏ cái tôi, buông bỏ mọi ràng buộc và cầu nguyện.
Trong cái kén ấy, Teresa tin rằng linh hồn cuối cùng có thể chạm tới Thiên Chúa và biến hóa: “Khi trong lời cầu nguyện đó linh hồn hoàn toàn ly thân với thế giới, một chú bướm trắng nhỏ xíu sẽ bỗng hiện ra. Ôi, vĩ đại của Thiên Chúa! Linh hồn biến đổi thật kỳ diệu khi ra khỏi lời cầu nguyện ấy, sau khi được đặt trong vĩ đại của Ngài và gần gũi với Ngài một thời gian ngắn – theo tôi, sự giao hòa ấy chẳng bao giờ kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ.” Nhưng giai đoạn trong cái kén không hề dễ chịu. Teresa viết: “Dường như nỗi đau nghiền nát, tan vỡ linh hồn thành từng mảnh vụn.” Tuy nhiên, nó thật xứng đáng. “Nếu sau khi Thiên Chúa đem một linh hồn tới đây, linh hồn đó nỗ lực tiến bước, thì nó sẽ được thấy những điều vĩ đại.”
Quay trở lại ẩn dụ hẹn hò: bạn và linh hồn bên trong đã dành thời gian bên nhau, hiểu biết nhau, vượt qua biết bao thử thách trong mối quan hệ, bắt đầu trở nên thân mật, và giờ đây trọng tâm là khả năng tiến tới hôn nhân. Giai đoạn trong cái kén đồng nghĩa với việc “giết chết” con người cũ của bạn (như con tằm). Điều này thật khó khăn bởi vì bạn sẽ rời xa cuộc sống cũ, những mối quan hệ và tất cả những giá trị mà bạn từng trân trọng. Tất nhiên, cảm giác buồn bã vì sự ra đi của con người cũ và những ràng buộc ấy là điều dễ hiểu. Nhưng lợi ích của nó là mở ra cho bạn những khả năng mới để đồng sống với nội tâm, để tìm cách hòa nhập và đồng thuận sống chung một cách chân thật hơn (như một chú bướm).
Nơi cư ngụ thứ sáu
Nơi cư ngụ áp chót là không gian của việc gắn bó tâm linh. Sau khi gặp Thiên Chúa trong cái kén, “linh hồn giờ đây bị thương vì tình yêu với Người bạn đời của mình và khao khát nhiều cơ hội để được một mình [với Ngài],” Teresa viết. Như được khắc họa qua tác phẩm điêu khắc mãn nhãn của Bernini, khi Teresa kết nối với Thiên Chúa, bà đã choáng ngợp bởi một nỗi đau to lớn nhưng đầy mê hoặc. Bà khóc to, tưởng rằng mình sắp chết đi, nhưng đồng thời run lên vì niềm vui sướng khi “mũi tên lửa” cháy bỏng len qua linh hồn bà. Bà không muốn được chữa khỏi vết thương êm ái đó, bởi vì “Nếu Người gây vết thương đó rút mũi tên ra, dường như, theo tấm lòng yêu sâu sắc của linh hồn, Thiên Chúa chính là Đấng khơi gợi ra những chiều sâu ấy.”
Sống theo chân lý nội tại của mình có thể là một nỗi đau mê hoặc, khó hiểu đối với người khác, nhưng cuối cùng lại đem lại niềm hạnh phúc tột cùng.
Bên cạnh nỗi đau của tình yêu, Teresa còn phải chịu đựng nỗi đau tinh thần từ những lời đàm tiếu, nói xấu. Bà vượt qua những thử thách ấy bằng cách ví chúng như sự thanh tẩy trong Purgatory và tin rằng giải pháp duy nhất chính là kiên nhẫn: “Không có biện pháp nào cứu cánh trong cơn bão tố này ngoài việc chờ đợi lòng thương xót của Thiên Chúa.” Lời an ủi của Thiên Chúa đến với bà qua những câu như “Đừng buồn bực”, “Hãy bình tĩnh” và “Mọi việc sẽ ổn thôi”, những lời vang vọng từ sâu thẳm tâm hồn Teresa.
Teresa cho rằng những lời nhắc nhở ấy đến từ Thiên Chúa, nhưng cũng có lý khi bạn tự khẳng định những thông điệp như thế, bởi nó có thể giúp bạn cảm thấy an ủi. Hiểu rằng khi chạm đến những khát khao cốt lõi của mình, sự tò mò về nhiều điều hơn sẽ bùng lên, đặc biệt khi nó mang lại cho bạn cảm giác hài hòa. Nhưng, giống như những đỉnh cao mê hoặc của Teresa, sống theo chân lý nội tại có thể là một nỗi đau mê hồn, khó hiểu đối với người khác, có thể khiến bạn đau đớn, nhưng cuối cùng lại đem lại cảm giác sướng khoái. Có thể bạn sẽ không đạt được sự siêu việt ngất ngây như một cơn bùng nổ của cảm xúc khi kết nối với cốt lõi tâm hồn, nhưng có lẽ đó cũng là điều không tệ: những phút giây mê hoặc của Teresa (đôi khi bị cho là cơn động kinh) thường xảy ra vào những lúc không thuận tiện và ngay trước mắt công chúng, “Vậy mà, chúng ta lại bị bách hại và chỉ trích,” bà ghi chú.
Nơi cư ngụ thứ bảy
Ở nơi cư ngụ cuối cùng, cuộc hôn phối thiêng liêng diễn ra. “Chúa hiện diện nơi trung tâm của linh hồn,” Teresa viết, và “kết hợp linh hồn với chính Ngài.” Linh hồn hoàn toàn hòa điệu với điều thiêng liêng, và chú bướm giờ đây chết đi trong niềm vui sướng, “vì sự sống của nó giờ là chính Chúa Kitô.” Teresa ví khoảnh khắc ấy như khi mưa rơi xuống suối, nước hòa vào nhau đến mức không thể phân tách.
Tại giai đoạn này, “Linh hồn không còn lo lắng về mọi điều có thể xảy đến.” Nó hiện hữu chỉ để phục vụ Thiên Chúa. (Dĩ nhiên, con người vẫn ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng Teresa tập trung vào những gì đang diễn ra bên trong.) Khi quên đi chính mình, linh hồn mới thật sự tìm thấy sự an tĩnh và tự do khỏi những xao lãng trần gian. Nỗi đau được khao khát, kẻ bắt bớ được yêu thương, và cái chết không còn là điều đáng sợ, bởi linh hồn đã hiểu đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Điều khiến tôi ngỡ ngàng nhất trong những gì Teresa nói về cốt lõi của linh hồn, là ở đó có một tấm gương. Bạn sẽ thấy chính Thiên Chúa ở trung tâm bản thể mình, được soi rọi và phản chiếu lại cho chính bạn. Bạn nhận ra sự thật về con người thật sự của mình.
Theo cách hiểu đời thường, việc hợp nhất với chính nội tâm của bạn – như một cuộc hôn nhân vĩ đại – sẽ làm bạn trở nên vững vàng. Những mảnh vỡ trong con người bạn được hàn gắn lại thành một chỉnh thể toàn vẹn, mang đến sự thanh thản và tự tin để sống đúng với bản chất thật của mình.
Teresa tin rằng Thiên Chúa ngự ở trung tâm linh hồn, và vì thế, nơi đó ắt phải tốt lành. Nhưng tại sao bạn lại nên tin rằng nội tâm mình là điều tốt? Không có gì đảm bảo. Nhưng nếu bạn lắng nghe lời Teresa: “Hãy nỗ lực để sống có đức hạnh và thực hành điều đó mỗi ngày,” và tập trung vào “việc sinh ra liên tục những hành động tốt lành, những việc thiện,” thì bạn không cần phải sợ hãi những con quái vật có thể ẩn nấp nơi sâu thẳm.
Lời kết
Teresa đã chỉ cho ta thấy, việc hình dung linh hồn như một lâu đài là một cách để ta chậm lại và thưởng thức vẻ đẹp cao quý của thế giới nội tâm. Như lời khuyên bà dành cho các chị em của mình: “Chị nghĩ rằng, điều này sẽ là nguồn an ủi cho các em, để các em được thỏa lòng dạo bước trong tòa lâu đài bên trong mình – mà không cần xin phép Mẹ bề trên, các em có thể bước vào và lang thang trong đó bất kỳ lúc nào.”
Khi bạn cần củng cố sức mạnh nội tâm và tìm kiếm sự an bình, hãy nhớ rằng bạn đang sở hữu một thiên đường rực rỡ trong chính mình để khám phá. Ai biết được bạn sẽ thấy gì trong tấm gương nơi cốt lõi bản thể? Nhưng hành trình của Teresa khuyến khích những ai quả cảm hãy trân trọng sự rộng mở mơ hồ và tiềm năng sáng tạo trong sự hiện diện của chính mình.
“Bạn có thể sẽ thắc mắc, liệu tất cả những điều này có thật không?” Teresa đặt câu hỏi. “Tôi không biết,” bà nói, “nhưng những ý tưởng này đã an ủi tôi.” Chúng cũng đang an ủi tôi. Và biết đâu, chúng cũng sẽ an ủi bạn.
Nguồn: How to find inner peace like Saint Teresa of Ávila | Psyche.co