3 điều vẫn khiến tôi ngạc nhiên sau 33 năm làm nhà trị liệu

Những nhận thức quan trọng sau hàng thập kỷ lắng nghe, đồng hành và giúp con người chữa lành.
Sau 33 năm làm công việc tư vấn trị liệu – trung bình mỗi tuần tôi gặp khoảng 25 khách hàng, nghỉ khoảng bốn tuần mỗi năm – tôi đã tích lũy được khoảng 39.600 giờ trị liệu lâm sàng.
Và để nói thật lòng, tôi cảm thấy mình biết ít hơn lúc vừa rời ghế nhà trường để bắt đầu sự nghiệp. Bởi lẽ, càng học hỏi, tôi càng nhận ra còn quá nhiều điều chưa biết.
Dẫu vậy, từ suối nguồn trải nghiệm ấy, tôi đã rút ra được ba chân lý vô cùng quý giá:
1. Con người khao khát được thấu hiểu hơn là được “giải quyết vấn đề”
Thuở mới vào nghề, tôi từng nghĩ nhiệm vụ của mình là giúp mọi người “sửa chữa” những điều đang trục trặc trong cuộc sống họ. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra một điều còn mạnh mẽ hơn thế: điều mà con người cần nhất không phải là lời giải ngay lập tức, mà là cảm giác được ai đó thực sự thấu hiểu mình.
Biết bao lần tôi nghe khách hàng tâm sự: “Chưa từng có ai thật sự lắng nghe tôi.” Nghe đau lòng lắm, nhưng chuyện ấy lặp đi lặp lại mãi.
Hơn cả lời khuyên, con người cần sự kết nối, sự công nhận, và một nơi an toàn để cảm nhận rằng cảm xúc của họ là có thật – và là điều đáng được trân trọng.
Gợi ý: Thay vì vội vàng đưa ra lời khuyên khi người thân gặp khó khăn, hãy thử nói: “Nghe có vẻ khó khăn quá… Kể cho mình nghe thêm đi.” Đôi khi, sự hiện diện đầy quan tâm là món quà lớn nhất mà bạn có thể trao đi.
Picture by Shutterstock
2. Quá khứ chưa bao giờ thực sự trôi qua
Rất nhiều người tự nhủ: “Chuyện đó xảy ra lâu rồi. Mình lẽ ra nên vượt qua từ lâu.”
Nhưng sự thật là, những vết thương chưa lành chẳng thể biến mất chỉ bằng thời gian. Chúng âm ỉ bên dưới bề mặt, âm thầm ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận bản thân, cách ta tin tưởng người khác và cách ta phản ứng trong các mối quan hệ.
Có một lần, một khách hàng chia sẻ rằng cô không hiểu vì sao mình hoảng loạn mỗi khi chồng im lặng lúc cãi nhau. Qua quá trình trị liệu, cô nhận ra vấn đề không chỉ nằm ở hiện tại – mà bắt nguồn từ tuổi thơ với người cha thường dùng sự im lặng để trừng phạt tình cảm.
Quá khứ viết nên những kịch bản mà ta vô thức diễn theo. Tin vui là: nếu ta đủ tỉnh thức và can đảm, ta hoàn toàn có thể viết lại chúng.
Gợi ý: Hãy chú ý tới những phản ứng cảm xúc có vẻ “quá mức” – khi cảm xúc của bạn mạnh mẽ hơn hoàn cảnh thực tế. Hãy tự hỏi: “Phản ứng này có đang chạm vào một điều sâu xa nào đó trong quá khứ?” Việc gọi tên được mối liên hệ ấy chính là bước đầu tiên của hành trình chữa lành.
3. Lòng từ bi với chính mình có thể thay đổi tất cả
Hầu hết mọi người đều đối xử tử tế với người khác hơn chính bản thân mình. Suốt ba thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến không ít người tự hành hạ mình bằng những lời lẽ độc địa trong tâm trí, với hy vọng rằng điều đó sẽ khiến họ tiến bộ.
Nhưng trớ trêu thay: chỉ trích bản thân làm ta tê liệt – còn lòng trắc ẩn thì chữa lành.
Hãy tưởng tượng bạn có một người bạn thân đang trải qua những điều khó khăn y như bạn bây giờ – liệu bạn có nói với họ bằng những lời như bạn vẫn tự nói với mình không? Có lẽ là không.
Sự thay đổi thật sự bắt đầu khi ta thay đổi giọng nói nội tâm từ: “Mình có gì sai vậy?” thành “Mình đang cố gắng hết sức rồi.”
Gợi ý: Hãy thực hành lòng trắc ẩn với chính mình bằng cách nhận diện những lời tự chỉ trích và thay thế chúng bằng một giọng nói dịu dàng hơn.
Thay vì nghĩ: “Mình đúng là kẻ thất bại,” hãy thử nghĩ: “Mình đang học hỏi – và mình có quyền được khó khăn.”
Thế giới bên trong bạn sẽ định hình thế giới bên ngoài – hãy làm cho nó trở thành một nơi tử tế hơn.
Lời kết
Sau 33 năm làm nghề, tôi có thể nói chắc chắn một điều: Con người cần được thấu hiểu hơn là cần lời khuyên, quá khứ không bao giờ nằm yên, và lòng từ bi với bản thân là chiếc chìa khóa dẫn đến sự thay đổi thật sự.
Nếu bạn chỉ mang theo một điều từ trải nghiệm của tôi, hãy để nó là điều này:
Bạn không bao giờ cô đơn như bạn nghĩ. Và sự chữa lành – luôn luôn là điều có thể.
Nguồn: 3 Things That Still Surprise Me After 33 Years as a Therapist | Psychology Today