8 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Quá Tốt Đến Mức Tự Gây Bất Lợi Cho Mình

8-dau-hieu-cho-thay-ban-qua-tot-den-muc-tu-gay-bat-loi-cho-minh

Mặc dù tốt bụng là một phẩm chất tuyệt vời mà tất cả chúng ta nên có, nhưng có những hạn chế nhất định có thể khiến bạn tổn thương.

Khi bạn nghĩ về người tốt, bạn có thể hình dung ra một người dễ chịu, dễ hòa đồng, chu đáo, thân thiện và lịch sự. Họ ủng hộ những người thân yêu của họ mà không bao giờ yêu cầu bất cứ điều gì đáp lại và rất vui khi được giúp đỡ mọi người. Mặc dù tốt bụng là một phẩm chất tuyệt vời mà tất cả chúng ta nên có, nhưng có những hạn chế nhất định có thể khiến bạn tổn thương.

Quá tốt bụng có thể làm tổn thương bạn theo nhiều cách. Những kiểu người như vậy thường khó có thể nói “không” với người khác, và họ hiếm khi tự đứng lên vì bản thân. Họ có xu hướng mang phức cảm “vị cứu tinh” và liên tục biến mọi rắc rối của người khác thành việc của mình và khắc phục mọi vấn đề, vì họ thích cảm giác được trở nên quan trọng. Họ vị tha, đáng tin và trung thành - đến mức họ thậm chí có thể bắt đầu để người khác đối xử với họ như một tấm thảm chùi chân.

Bạn có bắt đầu lo lắng rằng bạn có thể quá tốt bụng? Dưới đây là 8 dấu hiệu có thể giúp bạn tìm ra:

1. Bạn không ưu tiên nhu cầu của riêng mình

Khi bạn quá tốt bụng, bạn liên tục đặt người khác lên trước bạn và dành phần lớn thời gian, sức lực và sự chú ý cho họ. Bạn chắc chắn rằng tất cả các mong muốn và nhu cầu của họ đều được quan tâm, nhưng không bao giờ yêu cầu họ làm điều tương tự cho bạn. Nếu bạn không cẩn thận, cuối cùng bạn có thể bị điều khiển và bị lợi dụng bởi rất nhiều người được gọi là “bạn bè”. Thỉnh thoảng hãy chăm sóc bản thân và ưu tiên các nhu cầu của riêng bạn, bởi vì ai thực sự yêu bạn đều sẽ hiểu và muốn những gì tốt nhất cho bạn.

2. Bạn liên tục nói xin lỗi

Thật tuyệt vời khi bạn có đủ khiêm tốn để thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi họ, nhưng đừng làm quá việc đó. Bạn không nợ ai lời xin lỗi vì những điều đó không phải là lỗi của bạn. Nếu bạn quá tốt, bạn sẽ có mặc cảm tội lỗi buộc bạn phải nói xin lỗi mỗi khi bạn cảm thấy như bạn đã làm ai đó thất vọng. Bạn bận tâm với việc đảm bảo rằng bạn không làm tổn thương bất cứ ai khác. Cảm giác của bạn là nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi vội vàng và tự đổ lỗi cho điều gì đó bạn không nên.

3. Bạn đồng ý với những điều bạn không muốn làm

Tử tế và làm những điều cho người khác sẽ khiến bạn cảm thấy tốt về bản thân mình. Và quá tử tế là khi bạn đồng ý và làm theo những gì người khác muốn vì bạn cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài nói có. Bạn bắt đầu cảm thấy phiền, nhưng bạn không bao giờ lên tiếng về điều đó. Bạn để người khác đối xử tệ với bạn và tự trách mình vì đã không đủ can đảm để nói cho họ biết bạn thực sự cảm thấy thế nào

4. Bạn thường nói “có” ngay lập tức

Tương tự như điểm trên, những người tử tế quá mức thường nhanh chóng nói đồng ý với mọi thứ, đặc biệt nếu điều đó là từ người gần gũi với họ. Họ đồng ý mà không cần suy nghĩ vì họ lo lắng người khác sẽ nghĩ xấu về họ nếu không họ đồng ý. Nhưng đơn giản là điều đó không đúng! Bạn chỉ nên nói có với những điều bạn muốn hoặc sẵn sàng làm. Có những ưu tiên của bản thân là đúng. Đừng để hạnh phúc của người khác được tạo nên từ hạnh phúc của chính bạn.

5. Bạn không bao giờ nói với mọi người những gì bạn muốn

Bạn không bày tỏ ý kiến của mình hoặc chia sẻ sở thích của bạn với người khác vì bạn sợ điều bạn sắp nói ra có vẻ là quá hách dịch hoặc đòi hỏi. Bạn không bao giờ đề nghị ăn ở đâu, đi chơi ở đâu, hoặc xem phim gì nên mọi người cuối cùng đưa ra quyết định cho bạn. Bạn có thể cảm thấy tổn thương khi họ đánh giá cảm xúc của bạn, nhưng khi họ hỏi bạn muốn gì, câu trả lời mặc định của bạn thường là “bạn quyết định đi”, hay là “sao cũng được”.

6. Bạn không thích xung đột

Bạn có ngại khi phải đối đầu? Khi một người bạn hoặc thành viên trong gia đình khó chịu với bạn, bạn có tránh họ không và hy vọng họ sẽ sớm nguôi giận? Tất nhiên, không ai thực sự thích tranh luận hay đánh nhau với người khác, nhưng cũng không hoàn toàn là không tốt. Bạn muốn giữ hòa khí nên bạn chỉ cần nhượng bộ với những gì người kia muốn và đồng ý với những điều họ nói, nhưng làm gì có ai có thể tôn trọng bạn nếu bạn không bao giờ tự đứng lên vì chính bản thân bạn? Bạn có thể nêu lên suy nghĩ của mình một cách bình tĩnh và hợp lý, và những người khác sẽ đánh giá cao sự trung thực của bạn.

7. Bạn cực kì muốn được mọi người yêu mến

Những người quá tốt thường hành động theo cách này bởi vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ khiến mọi người khác thích họ hơn. Bạn có nghĩ rằng điều này cũng đúng với bạn không? Thành thật với bản thân về việc sự ép buộc này đến từ đâu. Bạn có nhìn nhận bản thân theo mối quan hệ của bạn với người khác? Bạn có để giá trị bản thân bị quá phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác chưa? Sợ bị từ chối và khao khát sự công nhận từ người khác là một điều rất bình thường, nhưng bạn không nên để điều này kiểm soát cuộc sống của bạn. Mọi người nên thích bạn vì chính bạn chứ không phải vì những gì bạn có thể làm cho họ.

8. Người khác thường lợi dụng bạn

Bạn đã bao giờ có một mối quan hệ đồng phụ thuộc (co-dependent)? Có phải mọi người luôn tìm đến bạn để được giúp đỡ khắc phục vấn đề của họ? Bạn có một danh sách dài những nhờ vả mà bạn đã hứa sẽ giúp hay không, ngay cả khi bạn thực sự không muốn? Tất cả những điều này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn quá tốt bụng và những người khác đang lợi dụng bạn vì điều đó. Bạn không bao giờ có bất kỳ khoảng thời gian nào cho bản thân nữa vì bạn luôn bận rộn giúp đỡ mọi người và bạn liên tục cảm thấy choáng ngợp trước những yêu cầu không ngừng của họ đối với bạn.

Tóm lại, làm người tốt chắc chắn không có gì sai trái, nhưng lại sai khi bạn phí quá nhiều thời gian, sức lực và tình cảm của mình cho người khác. Thỉnh thoảng hãy đặt ra những ranh giới nhất định cho bản thân và đừng ngại lên tiếng vì chính bản thân bạn. Chăm sóc bản thân nhiều hơn không phải là ích kỷ và bạn xứng đáng được hạnh phúc như bất kỳ ai khác.  

Dịch: Mint

Biên tập: Hương

Nguồn: https://psych2go.net/8-signs-youre-too-nice-for-your-own-good/

Nguồn: A Crazy Mind  

menu
menu