8 lý do chúng ta hay nói xấu sau lưng
Sau đây là 8 lý do phổ biến giải thích cho điều đó.
Vì sao chúng ta hay nói xấu? Có thể bạn đã tự hỏi câu này mỗi khi nghe thấy người khác nói xấu một ai đó trong giờ giải lao, phòng gửi đồ, các nhóm chat, trong những buổi sum họp gia đình, tiệm làm tóc, thậm chí cả khi đứng xếp hàng trong các cửa hiệu nữa. Thật sự là hầu như ai cũng làm điều này cả, và có thể bạn cũng không ngoại lệ. Nhưng tại sao chúng ta lại nói xấu? Tại sao điều này lắm lúc lại “sảng khoái” đến thế? Có cách nào để hết nói xấu không và nếu làm thế thì chúng ta được lợi gì?
Dù là nói xấu sau lưng ai đó là một hành động luôn bị phê phán và ngăn cấm bởi nhiều người: từ giáo viên đến bạn bè hay cố vấn của chúng ta, không phải lời nói xấu nào cũng có ác ý với người khác. Không thể bàn cãi rằng chúng ta nói xấu để lan truyền những tin đồn không hay và hạ thấp những ai chúng ta không thích. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguyên do dẫn đến hành động này. Bạn tò mò chứ? Sau đây là 8 lý do phổ biến giải thích cho điều đó.
1. Để bắt chuyện
Bạn có bao giờ gặp một ai không hề quen biết mà giữa cả hai ở thời điểm đó chỉ có một điểm chung là có cùng người quen chưa? Bởi vì việc bắt chuyện với người lạ vốn đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm những điểm chung nên không có gì quá bất ngờ khi cả hai chọn nói xấu một chút về người mà cả hai cùng biết để dần thu hẹp sự xa cách. Bạn đã từng trải qua quy luật xã hội này chưa nhỉ? Cùng hâm mộ một người, hoặc cùng ghét một ai khác? Chia sẻ những điều này thật sự rất hữu ích để xây dựng mối liên kết giữa bạn với người khác đấy!
2. Để không cảm thấy “lạc loài”
Đây là một lý do phổ biến giải thích vì sao ở các khu phố, thị trấn nhỏ, hay một cộng đồng khép kín, người ta thường hay nghe ngóng, nói xấu lẫn nhau. Bởi lẽ, việc nói xấu ấy giúp con người không “mất lòng” với số đông và luôn có thể giữ mối liên kết với những ai mình đã biết. Điều này cực kỳ đúng khi “nạn nhân” bị mang ra nói xấu là những người sống cô lập và không chịu sẻ chia với ai. Bạn sẽ không có sự lựa chọn nào để biết về cuộc sống của họ ngoài việc đi hỏi han lung tung và bắt đầu nói xấu.
3. Để trở nên hòa hợp
Một lý do khác khiến chúng ta hay nói xấu đó là chúng ta muốn hòa đồng với bạn bè. Nếu bạn chơi chung với những người yêu thích “khẩu nghiệp”, khả năng cao là bạn cũng sẽ học theo điều đó. Bởi lẽ, cùng nói xấu một ai đó giúp cho chúng ta trở nên gần gũi, thân mật hơn và luôn có cảm giác như chúng ta sinh ra đã dành cho nhau vậy! Bên cạnh đó, nhiều người cũng sợ việc phải đóng vai người “nhạt” nhất, hoặc là kẻ luôn tỏ ra kiêu ngạo, tôn sùng đạo lý xã hội đến mức hy sinh sự hòa hợp với cộng đồng xung quanh.
4. Để cảm thấy tốt hơn về bản thân
Bây giờ chúng ta chuyển sang những lý do tiêu cực khiến con người nói xấu. Điều đầu tiên nằm trong danh sách này chắc chắn là để làm hài lòng bản thân mình bằng cách dè bỉu và hạ thấp người khác. Trong tâm lý học, đây gọi là “so sánh xã hội đi xuống” (downward social comparisons), một xu hướng tự vệ của con người để cải thiện và thúc đẩy cảm giác tích cực về bản thân thông qua việc so sánh mình với những cá nhân yếu kém hơn. Và dù rằng chúng ta không muốn thừa nhận điều này chút nào, nói xấu là một thói quen đầy tội lỗi nhưng lại vô cùng mãn nguyện. Hành động này như một sự giải phóng cho mỗi người khi chúng ta được cởi mở phán xét người mà chúng ta ghét.
5. Để lấy lại danh dự
Điều tiếp theo lại liên quan đến sự ghen tị. Khi chúng ta gặp những người có khả năng thể hiện tốt hơn chúng ta, có thể là họ trông thu hút hơn, được nhiều người biết đến hơn hay thành đạt hơn, chúng ta thường có một phản ứng rất tự nhiên đó là muốn “dìm” họ xuống. Đôi khi, chúng ta tìm cách loan tin đồn thất thiệt về họ vì mù quáng tin rằng điều đó có thể giúp mình lấy lại danh dự và được mọi người chú ý hơn. Chúng ta không ưa thích gì mấy những sự mến mộ mà họ nhận được nên chọn cách nói xấu để bản thân được cảm thấy mình ở đẳng cấp cao hơn.
6. Để làm mình phân tâm khỏi sự buồn chán
Điều bất ngờ mà bạn có thể biết thêm đó là rất nhiều người nói xấu người khác chỉ vì họ chán thôi. Khi chúng ta không có gì đủ thú vị để mang ra bàn tán nữa, chúng ta thường nghiêng về nói xấu người khác. Sau cùng thì nói xấu là một việc làm dễ dàng giúp đánh thức sự hứng thú trong mỗi người, nhất là khi chủ đề được bàn tán đang rất “nóng sốt”. Có rất nhiều chuyện hay ho và nhiều năng lượng có thể trào phúng từ việc “khẩu nghiệp” cùng với những đứa bạn thân, nhất là với những ai đang quá rảnh rỗi. Điều này chắc chắn là một hình thức vui vẻ giúp bản thân bớt tập trung vào sự chán chường để dần vượt qua khoảng thời gian đó.
7. Để trở nên khăng khít với mọi người
Một lý do nữa là chúng ta muốn thắt chặt mối quan hệ với những người xung quanh. Đối với những ai luôn mong mỏi sự quan tâm và gắn kết từ người khác nhưng không biết cách trò chuyện thế nào để vừa chân thành, vừa mang lại lợi ích thì việc chuyển sang nói xấu cũng là một con đường cho họ. Khi chúng ta nói xấu một ai đó mà chúng ta đều quan tâm, chúng ta có thể hỏi đủ điều mà bình thường vẫn luôn ngại ngùng không dám. Chẳng hạn như: “Ông A đang ‘hú hí’ với bà B thật à?”, “Ông A, bà B đã làm gì nhau mà hai người họ ‘cay’ nhau thế?”
8. Để mọi người đều biết
Cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, chúng ta nói xấu để mọi người cùng biết và cùng có trách nhiệm trong vụ việc (như một cách tìm kiếm sự đồng cảm). Cụ thể, chúng ta không thích phải giải quyết mâu thuẫn của mình với người khác bằng cách cãi nhau, hay xung đột. Khi ai đó làm gì khiến chúng ta phiền lòng, chúng ta thường chọn cách nói xấu họ để giải tỏa những uất ức của bản thân thay vì nói trực tiếp. Chúng ta chỉ đơn thuần đi chia sẻ những điều trái quan điểm mà phía đối lập đã gây ra vì chúng ta thiếu dũng khí để đối mặt với họ.
***
Vậy có trường hợp nào trên đây giống với bạn không? Bạn có bao giờ nói xấu ai vì một (hoặc nhiều hơn) trong những lý do trên?
Dù rằng nói xấu không phải lúc nào cũng là điều tiêu cực, nhưng hiểu được động cơ của nó giúp chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống một cách lành mạnh, tích cực và mang tính xây dựng hơn.
Dù cho động cơ đó xuất phát từ ý muốn được hòa đồng, thân thiết với ai, hay sự mong mỏi được ai đó quan tâm, hoặc chỉ là để giải tỏa sự buồn chán, hãy luôn đảm bảo rằng bạn không làm tổn thương người khác, không làm đổ vỡ các mối quan hệ của mình và hủy hoại thanh danh chỉ vì một vài lời nói xấu.
Nguồn tham khảo:
- Smith, R. H. (2000). Assimilative and contrastive emotional reactions to upward and downward social comparisons. In Handbook of social comparison (pp. 173-200). Springer, Boston, MA.
- https://choosepeople.com/tips-tools/top-4-reasons-why-people-gossip/#:~:text=When%20it%20comes%20to%20gossip,some%20focused%20time%20and%20attention.
- https://www.wellandgood.com/why-do-people-gossip/
- https://time.com/5680457/why-do-people-gossip/
- https://www.health.com/mind-body/why-do-people-gossip
Dịch giả: Thịnh Lê
Link bài gốc: psych2go.net
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ