8 quy tắc khi kết thúc một mối quan hệ

8-quy-tac-khi-ket-thuc-mot-moi-quan-he

Phần lớn chúng ta đang sống trong những xã hội nơi luật lệ được đặt ra để giám sát ngay cả những sai sót nhỏ nhất.

Phần lớn chúng ta đang sống trong những xã hội nơi luật lệ được đặt ra để giám sát ngay cả những sai sót nhỏ nhất. Chỉ cần vô tình làm rơi một tờ giấy trong công viên hay chạy xe quá 2 dặm so với giới hạn lúc nửa đêm trên con đường vắng, ta có thể phải trả giá bằng gần cả tháng lương.

Thế nhưng, có một lĩnh vực gần như không có luật lệ nào kiểm soát: tình yêu. Trong các mối quan hệ, nếu không có bạo lực hay sự lạm dụng nghiêm trọng, chẳng có quy tắc nào thực sự tồn tại. Ta có thể ở bên ai đó suốt tám năm trời, để rồi một ngày, khi mọi cánh cửa khác đã khép lại với họ, ta nhẹ nhàng bảo rằng mình đã yêu người khác và rời đi ngay trong đêm – mà người bị bỏ lại cũng chẳng thể làm gì khác ngoài đau đớn và tuyệt vọng.

Melancholy, Edgar Degas, 1874, Wikimedia Commons.

Nhưng việc không có chế tài pháp lý không có nghĩa là đúng sai không còn ý nghĩa. Có những quy tắc ngầm mà bất kỳ ai tử tế đều hiểu khi nói đến chuyện kết thúc một tình yêu. Và đây là tám điều quan trọng nhất – dành cho lương tâm của chúng ta:

Bộ quy tắc đạo đức khi chia tay

  1. Nếu phải làm tổn thương họ, hãy để nỗi đau ấy là thứ duy nhất. Đừng lấy đi thêm thời gian của họ.

Thật tàn nhẫn khi giả vờ không nhận ra rằng người kia chỉ còn một quỹ thời gian nhất định để kết hôn, sinh con hay xây dựng lại sự nghiệp. Khoảnh khắc ta nhận ra mọi thứ không còn có thể tiếp tục chính là lúc ta cần nói ra – chứ không phải sau kỳ nghỉ lễ, hay cuối năm nay, hoặc tệ hơn, năm sau. Đừng chỉ khiến họ đau lòng, rồi còn cướp mất tương lai của họ.

  1. Nếu không thể yêu họ bằng cả trái tim, hãy rời đi.

Nếu ta không thể tự hào về họ, hãy để người khác có cơ hội làm điều đó. Nếu ta thực sự nghĩ rằng mình có thể tìm được ai đó "tốt hơn", vậy thì hãy đi mà tìm. Hãy nhớ rằng "kế hoạch dự phòng" của ta có thể đang là "giấc mơ lớn" của một ai đó khác. Hãy yêu sâu sắc, hoặc đừng yêu nữa.

  1. Có thể ta không thể kiểm soát những suy nghĩ không chung thủy – nhưng ta có quyền không hành động theo chúng.

Đừng bắt người kia phải gánh chịu cả nỗi đau của sự phản bội lẫn nỗi đau của sự ruồng bỏ.

  1. Đừng ép họ phải là người nói lời chia tay trong khi chính ta mới là người muốn rời đi.

Đừng thể hiện sự chán nản bằng những thái độ hờ hững, lạnh nhạt, rồi chờ họ chịu không nổi mà tự nói lời kết thúc. Đừng khiến họ phải nghi ngờ chính mình bằng cách tỏ ra yêu thương mỗi khi họ hoang mang hỏi han. Đừng để họ mang nỗi dằn vặt cho một quyết định mà ta muốn nhưng lại quá hèn nhát để thực hiện.

  1. Sự mập mờ chỉ khiến nỗi đau kéo dài hơn.

Người bị bỏ lại sẽ mãi tự hỏi liệu đây có phải là một sai lầm không, liệu ta có sớm nhận ra mà quay lại không. Vì thế, hãy cho họ một lý do rõ ràng, một lý do vẫn có thể giữ vững ngay cả vào lúc nửa đêm trằn trọc. Nếu đủ trưởng thành để yêu, ta cũng đủ trưởng thành để nói thẳng lý do chia tay.

  1. Đừng cố tỏ ra "tốt đẹp". Hãy để họ ghét ta nếu cần.

Họ cần có đủ oán giận để có thể tự cứu lấy mình. Đừng ích kỷ đến mức vừa muốn rời đi, lại vừa muốn giữ lấy hình ảnh đẹp đẽ của mình trong mắt họ.

  1. Biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống của họ.

Họ có những người bạn thực sự – họ không cần một hình bóng lững lờ khiến họ hoài nghi về vị trí của mình. Mỗi cử chỉ quan tâm sau chia tay đều có thể bị hiểu lầm là một tia hy vọng. Nếu cần, hãy để bản thân bị lãng quên.

  1. Đừng giả vờ rằng không có quy tắc nào cả.

Những quy tắc này tồn tại rõ ràng không kém gì những điều luật được ghi trong sách vở – và lương tâm của chúng ta hiểu điều đó. Hãy giữ lấy lòng nhân hậu ngay cả trong khoảnh khắc đau đớn nhất mà ta có thể gây ra cho một con người khác. Và hãy cầu nguyện rằng khi đến lượt ta là người bị bỏ lại, ai đó cũng sẽ làm điều tương tự.

Nguồn: EIGHT RULES FOR ENDING RELATIONSHIPS | The School Of Life 

menu
menu