9 điều bạn không nên tự đổ lỗi cho bản thân
“Niềm kiêu hãnh không hề đối nghịch với sự nhục nhã, mà là nguồn cội của nó. Chỉ có sự khiêm tốn mới là liều thuốc chữa lành nỗi nhục mà thôi.”
“Niềm kiêu hãnh không hề đối nghịch với sự nhục nhã, mà là nguồn cội của nó. Chỉ có sự khiêm tốn mới là liều thuốc chữa lành nỗi nhục mà thôi.”
Lời của người chú Iroh, nhân vật trong phim “Avatar: The Last Airbender”
Cảm giác xấu hổ, nhục nhã là một trong những xúc cảm mà tôi chắc chắn rằng tất cả trong chúng ta đều đã từng trải qua. Đôi lúc, bạn sẽ có cảm giác như chẳng ai ngoài kia thấy xấu hổ trừ chính bạn. Đây dường như là một diễn biến tâm lý khiến con người ta bị cô lập và lẻ loi, và mọi thứ sẽ chỉ dễ dàng hơn khi con người có thể trốn chạy khỏi nó và lãng quên đi nó. Mang nặng nỗi xấu hổ trong tâm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con người và thường sẽ ngăn cản đôi tay của bạn với tới tiềm năng của chính mình. Tuy nhiên, điều xảy ra thường xuyên nhất mà ít khi chúng ta hay biết đó là chúng ta luôn cố mang vác những nỗi xấu hổ mà ngay từ đầu chẳng phải của chúng ta.
Bạn có tò mò liệu nỗi xấu hổ bạn đang giữ trong tay có đáng để xấu hổ không? Có thể bạn sẽ cần một lời đính chính lại về sự xấu hổ của mình đấy! Sau tất cả, điều có thể chữa lành nhất là nghe chính bản thân mình thốt lên rằng mình không cần phải xấu hổ vì điều gì đó nữa. Hãy đọc tiếp để biết được 9 điều mà bạn nên thôi xấu hổ.
1. Nỗi xấu hổ đến từ thất bại của chính bạn
Tại nơi làm việc, trường học, và nhiều môi trường khác, rất nhiều áp lực đè nặng lên vai bạn trên con đường chinh phục những mục tiêu của mình. Cả một chặng đường đôi khi đánh lừa bạn rằng điểm đích đến mới là điều đáng quan tâm, và rằng nếu bạn chẳng thể cán nổi vạch đích thì bạn đã thất bại ê chề.
Định nghĩa thất bại hình thành trong tâm trí này của bạn khiến bạn xấu hổ và đau lòng, nhưng nó không phải là tất cả. Bạn không hề thất bại chỉ vì bạn không thể giành lấy 100 điểm tròn cho một bài kiểm tra hay không được thăng chức! Dù cho lý do sau đó là gì đi nữa, kể cả đó là do sự bất cẩn của bạn, thì bạn cũng đã làm việc rất chăm chỉ, nỗ lực hết sức và đã xây dựng một quá trình rất công phu. Sau cùng thì, những kinh nghiệm bạn có được trong suốt quá trình đó là ngang bằng, nếu không nói là quan trọng hơn cả đích đến cuối cùng mà bạn kỳ vọng. Vì thế, bạn không phải xấu hổ gì cả. Đơn giản là vì bạn không phải kẻ thất bại.
2. Nỗi xấu hổ vì bị từ chối
Dù cho là bị chối bỏ trong một mối quan hệ yêu đương hay ở nơi làm việc, cảm giác bị người khác từ chối là một trải nghiệm vô cùng khó khăn. Điều đó khiến bạn cảm thấy bản thân không xứng đáng với một ai, hay một điều gì đó. Bạn có thể sẽ tự chất vấn chính mình bằng những câu hỏi: “Mình đã làm gì sai?” và “Mình thật sự chưa đủ tốt đúng không?”.
Việc này rất khó để chấp nhận, nhưng hãy luôn nhớ rằng bị từ chối không phải là lỗi của bạn khi xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Ngoài bạn ra, có những yếu tố mà bạn chẳng thể kiểm soát được, ví dụ như cảm xúc, suy nghĩ của đối phương và những ứng viên khác cũng đang tranh giành vị trí của bạn. Đơn giản hóa lại, việc bị chối từ không phải là thứ nên xấu hổ vì bạn đã cố gắng rồi, và đôi khi bạn không thể kiểm soát được góc nhìn của người khác hướng về mình. Dám đặt mình vào cuộc chơi cần rất nhiều can đảm, và đó cũng là một thành tựu của bạn. Vì thế, hãy luôn tự hào về chính mình!
3. Xấu hổ vì không thể với theo tiêu chuẩn của mọi người
Từ gia đình, bạn bè đến mạng xã hội, ở đâu cũng nảy sinh ra vô số tiêu chuẩn để bạn đuổi theo. Những danh sách chỉ tiêu đó lắm lúc khiến bạn cảm thấy áp lực vì phải với tay tới những lý tưởng, kỳ vọng của người khác mà thậm chí bản thân đôi khi cũng chẳng muốn. Bạn không nên cảm thấy xấu hổ vì bám víu lấy những gì bản thân mình muốn, dù cho chúng đang chống đối lại ý nguyện của mọi người và đi ngược với những người có tầm ảnh hưởng lớn ngoài kia. Chẳng có gì là xấu hổ khi được sống cuộc đời theo cách của mình. Sau cùng thì cuộc đời này cũng chỉ là của bạn và chỉ của bạn mà thôi!
4. Xấu hổ gây ra bởi những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, bao gồm cả những phản ứng có điều kiện hình thành trong quá khứ
Khi điều không hay xảy ra, bạn thường tự hỏi bản thân rằng: “Liệu mình đã có thể làm tốt hơn không?”, hay “Sẽ ra sao nếu mình làm cách khác mà không phải cách này?”. Tuy vậy, có những mặt trong cuộc sống chúng ta không thể kiểm soát hay dự đoán được. Những tình trạng như cha mẹ ly hôn, mất mát người thân hay tai nạn lại càng không phải lỗi của chúng ta. Điều này cũng đúng với những sự kiện gây tổn thương về mặt tinh thần trong thời thơ ấu.
Bạn không thể thay đổi, hoặc khó thay đổi được cách người khác, kể cả bố mẹ bạn, đối xử bạn thế nào. Hành động và phản ứng của họ không phải lỗi của bạn. Chúng ta dễ dàng tự đổ lỗi cho bản thân mình vì một tình huống đau thương nào đó mà không biết được rằng tại thời điểm mọi thứ bắt đầu và diễn tiến, chẳng ai có thể kiểm soát được điều gì. Bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ vì những điều mà bản thân không hề can dự vào thành phần gây ra.
5. Xấu hổ vì bị kỳ thị, định kiến
Chúng ta là những người cùng lênh đênh trên “chiếc thuyền” biết kỳ thị đủ thứ. Xã hội kỳ thị rất nhiều thứ mà chẳng có một lý do chính đáng rõ ràng, từ một cộng đồng người, đến một nhóm tín ngưỡng. Một điều mà xã hội sẵn sàng ném những định kiến khổng lồ lên đó là những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ngày nay, bạn có thể nhìn nhận việc bản thân mang một bệnh tâm lý là điều không thể chấp nhận và khiến bản thân sụp đổ, nhưng đó không phải và không nên là sự thật. Bị rối loạn lo âu, trầm cảm là điều rất bình thường. Rất nhiều người cũng như thế và đang cố gắng đấu tranh với chúng mỗi ngày. Bạn không hề cô độc, và vì thế, bạn không cần phải che giấu hay cảm thấy xấu hổ.
6. Xấu hổ vì cảm giác cá nhân
Cảm xúc là một phần của chúng ta nhưng lắm lúc lại chẳng phải thứ luôn biết nghe lời. Bạn không thể điều chỉnh được cảm giác buồn phiền hay giận dữ, nhưng bạn luôn có thể kiểm soát được cách bản thân phản hồi với những cảm xúc đó. Không tồn tại sự đúng đắn nào cho mệnh đề “Bạn không nên cảm thấy thế này hay thế khác”, bởi vì tất cả cảm xúc của bạn đều là thực.
7. Xấu hổ vì quan tâm và ưu tiên bản thân trước
Chúng ta sống trong một xã hội luôn nhấn mạnh sự năng suất và chăm chỉ. Đây có thể là một điều tốt ở một số thời điểm nhất định. Dù vậy, nó đã khiến cho việc dừng tay và ngơi nghỉ không còn là một sự lựa chọn nữa. Tư duy thế này có thể gieo rắc những ảnh hưởng tiêu cực lên chúng ta và khiến mỗi người có nhiều khả năng tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh tâm lý hơn. Bạn không cần xấu hổ vì mong muốn được để cho đầu óc ngơi nghỉ. Đó là khoảng thời gian giải lao và tạm thoát khỏi công việc, học tập hay thậm chí là một hoạt động, sở thích gây áp lực tinh thần cho bản thân. Chăm sóc cho bản thân là việc làm lành mạnh, quan trọng và rất bình thường, không phải là điều đáng xấu hổ, khiến bạn trở nên yếu kém, thiếu cạnh tranh và lười biếng.
8. Xấu hổ vì phải nói “không” hoặc đặt ra giới hạn
Bước ra khỏi vòng an toàn có thể dẫn bạn đến những điều tốt đẹp. Bạn có thể tìm thấy niềm đam mê mới, những người bạn mới, một khía cạnh mới của bản thân mà bạn chưa từng biết nó tồn tại. Tuy nhiên, một số người đẩy bạn đi quá xa và quá nhanh khiến bạn cảm thấy sợ hãi vì có thể khiến họ thất vọng hay tỏ ra là người có đầu óc hạn hẹp. Có rất nhiều áp lực đến từ việc thử những trải nghiệm mới và mở lòng trước mọi người, nhưng phải luôn nhớ rằng sự thoải mái của bản thân cũng phải luôn được đặt ngang hàng, nếu không nói là phải hơn cả những điều đó. Nếu bạn không thấy dễ chịu với những gì mình đang làm, những người bạn phải đối mặt mỗi ngày, chẳng có gì xấu hổ khi nói ra cả. Vì ngưỡng chịu đựng của mỗi người và chính họ nên được mọi người tôn trọng.
9. Xấu hổ do cần trợ giúp
Chẳng mấy ai cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi nhờ vả một người nào đó. Đa số trong chúng ta đều muốn tự mình giải quyết mọi thứ vì cả khối lý do: từ việc ngại chia sẻ sự riêng tư đến sợ bản thân trở thành gánh nặng. Dù vậy, chẳng ai có thể làm mọi thứ một mình, và việc gắng sức làm mọi việc là không lành mạnh chút nào. Cần sự giúp đỡ là một điều tốt. Nó là một yếu tố của việc chấp nhận rằng bản thân cũng giống như bao người trên quả đất này: không hoàn hảo, và vậy thì cũng chẳng sao cả!
***
Tóm lại, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng hết sức mình trong cuộc sống. Không việc gì phải xấu hổ khi chúng ta chấp nhận sai lầm và hậu quả. Bởi lẽ, như nhân vật Iroh nói: “Chỉ có sự khiêm tốn mới là liều thuốc chữa lành nỗi nhục mà thôi.”
Có lẽ bây giờ bạn có thể cởi bỏ những nỗi xấu hổ mà bản thân đã mang suốt thời gian qua, dù có khi chẳng hề hay biết. Bạn có đang mang những nỗi xấu hổ nào như trên không? Và bạn hãy còn mang nó chứ? Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bản thân mình bên dưới nhé! Hi vọng rằng bài viết đã mang đến cho bạn những gì bạn cần thiết.
Tác giả: Lily Metrinko
Dịch giả: Thịnh Lê
Link bài gốc: psych2go.net
Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ