Ảnh Hưởng Của Catcall Và Các Hành Động Quấy Rối Đường Phố
Bạn đã bao giờ bị một người lạ hét vào mặt một câu gì tục tĩu chưa?
Chỉ đơn giản là đang dạo bộ trên đường phố cùng đôi tai nghe thôi, ấy thế mà tự dưng bạn bị người ta gí còi rồi chửi bới - đó chính là một biểu hiện của catcall, vấn nạn đã gây nên nguy hiểm cho không biết bao nhiêu con người, đặc biệt là phụ nữ. Catcall cũng có thể dẫn đến cả những xô xát về thân thể hay bạo lực tình dục, nhất là khi các nạn nhân cố gắng chống đối hay làm ngơ trước kẻ đã catcall. Vậy rốt cuộc tại sao và làm cách nào mà một tình huống kì quặc, rối rắm và đáng xấu hổ đến nhường ấy vẫn xảy ra?
Catcall Là Gì?
Động từ này thường được sử dụng để định nghĩa hành động xâm hại bằng lời nói chủ yếu hướng đến nữ giới, còn được biết đến dưới tên gọi quấy rối đường phố. Thường những lời chỉ trích sẽ có chủ đề chính về hình thể của đối tượng với mục đích để thoả mãn mong muốn lôi kéo sự chú ý và xúc phạm người nữ của kẻ phạm tội, bởi một khi cơ thể của nạn nhân đã bị coi chỉ như một đồ vật để phục vụ cho các giá trị thẩm mỹ hay tình dục, thì điểm quan trọng nhất của nó cũng chỉ nằm ở vẻ bề ngoài mà thôi. Lúc này, lòng tự trọng của kẻ phạm tội cũng sẽ tự động được nâng cao.
Cũng có khi hành động kiểu này được thực hiện bởi một người phụ nữ hướng đến một người phụ nữ/đàn ông khác, nhưng thường thấy nhất vẫn là tình trạng đàn ông catcall phụ nữ. Và những kẻ phạm tội sẽ chẳng bao giờ thấy mình sai đâu, vì “chỉ đùa thôi ấy mà" hoặc “tôi được phép nói ra những điều mình muốn chứ". Họ đâu biết mình đã để lại những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực sâu đậm đến mức nào: nạn nhân có thể sẽ phải trải qua nỗi tủi hổ và yếu ớt; cảm giác như thể bản thân cần phải hạn chế lại các cử động, tránh đi trên một số con phố từ đó thay đổi hoàn toàn lộ trình di chuyển hằng ngày và mặc quần áo bớt lộ hơn; thậm chí cả những suy nghĩ như tôi không thuộc về nơi đây. Sophie Sandberg, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Chalk Back với mục tiêu muốn chia sẻ những câu chuyện về nạn quấy rối, từ đó gia tăng nhận thức cộng đồng và cuối cùng xoá bỏ nạn catcall, cho biết: “Rất nhiều các nạn nhân của tình trạng catcall đã gặp khủng hoảng về tinh thần. Đơn cử như một cô gái trẻ, người từng liên lạc với chúng tôi và giải thích về cảm tưởng của mình sau khi sự việc xảy ra: ‘Tôi vào trong xe, khóa cửa lại. Thậm chí tôi còn tưởng như sắp lâm vào một cơn hoảng loạn cơ, vì bình luận của người kia khiến tôi thấy mình như bị xúc phạm và lột trần. Tôi thực sự ghét cảm giác lúc ấy lắm.’”
Nguồn Gốc Của Catcall
Catcall là hành động quấy rối có nguồn gốc từ tận thời kì cổ đại. Trong văn học Hy Lạp cũng chứa cả những bằng chứng về những người đàn ông huýt sáo chê bôi và chế giễu những người biểu diễn nữ. Dạng catcall này thường được biết đến với tên gọi “wolf whistle" (thổi sói), khi một người đặt hai ngón tay lên miệng và thổi hơi để tạo ra âm thanh huýt sáo từ hai tông khác nhau. Trong thời đại Elizabeth (1558-1603), dưới sự trị vì của triều đại Tudor ở nước Anh, loài sói cũng được coi là biểu tượng cho những ham muốn và sự hùng hổ ở nam giới trong các câu chuyện kịch. Nhưng phải đến những năm 1700, cụm từ này mới bắt đầu được sử dụng để biểu thị cho cách khán giả thể hiện sự bất mãn hay kinh tởm của mình trước một màn biểu diễn/hành động nào đó của người biểu diễn. Cũng đã có bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của một công cụ đặc biệt mang tên “catcall" để hỗ trợ cho mục đích này - công cụ có thể đã phát ra âm thanh như tiếng xì xì của loài mèo. Còn loài sói từ đó đến nay đã trở thành một loài động vật nằm ngoài xã hội và luân thường đạo lý, cũng đã trở thành biểu tượng cho việc săn mồi.
Dẫu vậy, phải đến thế kỉ 20 “cat call” mới dần mang trong mình hàm nghĩa liên quan đến tình dục, với một ví dụ có thể kể đến là bộ phim hoạt hình năm 1943 của Tex Avery “Cô bé quàng khăn đỏ nóng bỏng", với nội dung bao gồm cả cảnh nhân vật sói huýt sáo với người phụ nữ tên Red trong vở nhạc kịch của cô ta. Những bộ phim của Avery thường hàm chứa các mô tả về quấy rối tình dục, và điều này đã ảnh hướng đến rất nhiều các thanh thiếu niên, khiến họ thực hiện các hành vi này chính trong đời sống của mình.
Nhưng ngày nay, quấy rối nơi công cộng dường như đã trở thành điều gì quá đỗi bình thường đối với các chị em phụ nữ.
Các Ví Dụ Về Hành Vi Catcall
Đối với hầu hết chị em phụ nữ, catcall chính là trải nghiệm bị xâm hại tình dục đầu tiên.
Một số ví dụ bao gồm:
- Bị người khác tiếp cận trực diện/từ phía bên kia đường, nói rằng “bạn nên cười nhiều hơn".
- Bị người khác hỏi tuổi và nói rằng “rất mong bạn sẽ sớm đến tuổi 18”.
- Bị người khác chặn đường, nhìn thẳng vào mắt và nói rằng “Em như nữ hoàng châu Phi nóng bỏng".
- Bị người khác dí còi xe, huýt sáo rồi xúc phạm hoặc ngỏ lời “khen".
- Bị người khác bày tỏ mong muốn được làm “việc này việc kia" với bạn.
Quấy rối nơi công cộng về căn bản là một hình thức áp đặt quyền lực của mình lên người khác, tương tự như các dạng bạo lực liên quan đến giới tính còn lại.
Những Con Số
- Một nghiên cứu của Đại học Bang California năm 2016 báo cáo rằng gần 25% phụ nữ là nạn nhân cho biết đã bị người catcall đụng chạm một cách vô ý tứ, và 20% cho biết kẻ catcall đã theo dõi họ dù là đã bị họ đối đầu hay phớt lờ.
- Một cuộc khảo sát trực tuyến năm 2007 do tổ chức phi lợi nhuận Stop Street Harassment thực hiện cho thấy trong số những người được hỏi, 99% đã từng bị quấy rối trên đường phố và khoảng 65% nói rằng họ bị quấy rối hàng tháng (bao gồm cả nạn nhân là nam giới).
- Trong cuộc khảo sát thứ hai vào năm 2008, tổ chức này đã phát hiện ra rằng trong số 916 phụ nữ được hỏi:
+ 40% cho biết họ bị dí còi.
+ 94% đã bị huýt sáo.
+ Khoảng 45% cho biết họ đã từng là nạn nhân của những bình luận phân biệt giới tính ở nơi công cộng ít nhất 25 lần trong đời.
+ 75% bị theo dõi bởi một người lạ ở nơi công cộng.
+ Hơn 27% đã bị theo dõi ít nhất sáu lần.
- Một báo cáo từ Premundo năm 2017 (thực hiện ở các nước Lebanon, Morroco, Ai Cập và các vùng lãnh thổ của Palestine) cho thấy trong số 4.830 nam giới được phỏng vấn, 31% ở Lebanon và 64% ở Ai Cập thừa nhận đã quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng.
- Một cuộc khảo sát của YouGov vào tháng 1 năm 2021 cho thấy 97% phụ nữ từ 18 đến 24 tuổi đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng và không dưới 70% phụ nữ ở mọi lứa tuổi đã từng bị quấy rối tình dục.
“Sự phát triển của phong trào Chalk Back cho thấy sự phổ biến của hành vi catcall trên khắp thế giới. Từ các thị trấn nhỏ ở Đức đến những thủ đô nhộn nhịp ở Châu Phi, những hòn đảo Địa Trung Hải và nhiều nơi nữa, những phụ nữ trẻ đã liên lạc với chúng tôi hòng bày tỏ nhu cầu về một sáng kiến giúp ngăn chặn kiểu hành vi này trong thành phố của họ. Catcall mỗi trường hợp mỗi khác, nhưng đây chắc chắn là một vấn đề có tầm ảnh hưởng đến trẻ em gái, phụ nữ và các cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQIA+ ở khắp mọi nơi,” Sophie cho biết.
Tại Sao Người Ta Lại Catcall?
Mặc dù không có lý do nào có thể bào chữa cho hành vi này, nhưng việc hiểu được điều đã sai khiến những kẻ quấy rối đường phố sẽ giúp ta trong việc bắt đầu bàn bạc về hình thức lạm dụng này.
Một số lý do bao gồm:
- Nhằm giảm căng thẳng trước những áp lực kinh tế, xã hội và chính trị (ở trường học, nạn thất nghiệp, bất ổn chính trị, phân biệt chủng tộc, v.v.)
- Chứng sợ chuyển giới/đồng tính
- Để áp đặt và/hoặc thể hiện quyền lực của mình với người khác (thường là những người đàn ông hoặc con trai khác)
- Nhằm thu hút sự chú ý của công chúng - Vì niềm hy vọng biết đâu lại chẳng được cùng đối phương quan hệ tình dục
- Để thách thức một người phụ nữ đối đầu/cam chịu trước cảnh bị xâm hại tình dục
“Quấy rối đường phố suy cho cùng cũng chỉ là về quyền lực. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đàn ông catcall thường chỉ để thể hiện quyền lực của mình đối với nạn nhân ở trước mặt.” Sophie khẳng định.
Cũng hiếm khi nào kẻ catcall lại thực sự muốn tán tỉnh nạn nhân của mình lắm. Danh tính của cô đâu quan trọng gì - kẻ catcall chỉ để ý đến thân thể, thứ mà vào lúc ấy sẽ vừa phải chịu đựng những phán xét, vừa phải chịu đựng cả thứ quyền lực tức thời bị giáng xuống. Thường thì người nam sẽ muốn được nổi bật hoặc thể hiện sự vượt trội của bản thân so với phụ nữ để họ cảm thấy rằng họ tài cán hơn không chỉ riêng người phụ nữ đó mà toàn bộ phụ nữ nói chung.
Một luận điểm về tâm lý cốt lõi khác nữa là, họ tin rằng người phụ nữ là một nhân vật sẵn sàng để bị lợi dụng và lạm dụng. Kẻ catcall thì quan trọng hơn người bị catcall. Có lẽ điều này xảy đến chính bởi trong nhiều nền văn hóa, đàn ông thường được coi là bề thế và quan trọng hơn; họ cảm thấy họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với một người phụ nữ. Cứ như vậy, họ thực sự tin rằng họ quả thật giỏi hơn hẳn phụ nữ.
Những kẻ catcall thường làm điều đó nhiều lần, đặc biệt là khi các hậu quả pháp lý, kinh tế và xã hội có thể xảy đến dường như không tồn tại, mà nếu có tồn tại cũng không nhất quán và không hiệu quả.
Quấy rối trên đường phố cũng là một cách để vượt qua những ranh giới về cách người lạ tiếp xúc với nhau, tương tác với nhau. Nói cách khác, đây chính là cách để ai đó thực hiện một điều gì cấm kỵ mà vẫn không để lại hậu quả. Chẳng hạn, việc một người đàn ông tát hoặc đấm một người phụ nữ là điều không được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, vì việc bạo hành sử dụng lời nói thường ít được coi trọng hơn (vì vết thương không phải là vết thương thể xác), nên việc quấy rối bằng lời nói đối với phụ nữ dễ được chấp nhận hơn hoặc ít nhất cũng khó để phản đối hơn.
Catcall Có Hợp Pháp Không?
Riêng ở Hoa Kỳ, không tồn tại luật liên bang nào chống quấy rối đường phố.
Thay vào đó, quấy rối đường phố được xử lý theo từng tiểu bang thậm chí từng thành phố, còn việc phạt tiền dường như sáo điều thì hơn là thực tiễn. Luật có thể bao gồm các hình thức quấy rối đường phố khác nhau tùy theo ngôn ngữ được sử dụng - chúng chủ yếu đề cập đến các hành vi mà thủ phạm có “cử chỉ tục tĩu”, “ngôn ngữ xúc phạm” hay “chặn không cho người khác sử dụng phương tiện công cộng".
Cũng có cả "những tội nhẹ về hành vi gây mất trật tự" ở Atlanta, Georgia - ở những nơi này, nếu hành vi quấy rối trên đường phố xảy ra "một cách bạo lực và náo động, khiến ai đó trở nên lo sợ về sự an toàn của nạn nhân", hoặc xảy ra với một người dưới 14 tuổi, hoặc “có xu hướng kích động các hành vi bạo lực từ nạn nhân”, thì các nạn nhân hoàn toàn có thể báo cáo với nhà chức trách về kẻ catcall.
Ở California, quấy rối đường phố thường được tóm gọn trong định nghĩa chung về quấy rối: "một dạng bạo lực bất hợp pháp, một mối đe dọa bạo lực hoặc một hành vi cố ý nhắm vào một người cụ thể khiến người đó cảm thấy bị quấy rối nghiêm trọng nhưng lại không phục vụ một mục đích chính đáng nào."
Luật tại New York hình sự hóa hành vi quấy rối đến mức độ một khi ai đó “cố ý và liên tục quấy rối người khác bằng cách theo dõi người đó tại một/nhiều địa điểm công cộng, hoặc bằng cách thực hiện một hành vi nào đó, hoặc bằng cách liên tục thực hiện các hành vi khiến nạn nhân có lý do để sợ hãi rằng mình sẽ bị tổn thương về thể chất ”. Hành vi sẽ bị buộc tội ở mức độ hai theo luật khi một người có “ý định quấy rối, làm phiền người khác”. Các hình thức phạt tiền cũng có thể được áp dụng, như ở Alabama, nơi một người có cử chỉ tục tĩu với ai đó khác có thể hoặc bị phạt đến 500 đô la, hoặc phải ngồi tù đến ba tháng.
Năm 2018, Pháp đã thông qua điều luật về phân biệt giới tính, trong đó đề cập trực tiếp đến quấy rối tình dục bằng lời nói, hay Loi Schippia theo tên của cựu bộ trưởng bình đẳng giới, Marlene Schiappa. Luật pháp cho phép các nhân viên cảnh sát xử phạt thủ phạm ngay lập tức, thay vì bắt nạn nhân phải đối mặt với một phiên tòa lâu la và mệt mỏi sau vụ quấy rối. Người phạm tội có thể bị phạt. Luật này được đưa ra để đáp trả lại đoạn video quay cảnh một người phụ nữ bị tát vào mặt bởi một người đàn ông mà cô ấy bảo "hãy im đi" sau khi anh ta catcall cô bằng những lời bình luận hèn hạ.
Catcall không phải lúc nào cũng được coi trực tiếp như một hình thức quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục trong hầu hết các luật của Hoa Kỳ. Thay vào đó, nó thường chỉ được nằm lọt trong định nghĩa rộng lớn về sự quấy rối.
Đối Mặt Với Catcall
“Sẽ rất khó để đáp trả lại hành vi catcall ngay lập tức, bởi các nạn nhân thường mô tả cảm giác lúc ấy sử dụng những từ ngữ như “bất lực" hay “đông cứng cả người lại" mà. Dẫu vậy, việc sử dụng các phương pháp sáng tạo để chia sẻ chuyện đã xảy ra ngay sau đó có thể giúp xây dựng cộng đồng và khuyến khích sự can thiệp của người ngoài cuộc. Cộng đồng Chalk Back cũng đã viết các cảnh báo trên đường phố bằng phấn để báo hiệu cho tất cả những người qua đường biết rằng quấy rối đường phố là một vấn đề đáng được quan tâm. Ta hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi lớn bằng cách làm những gì có thể”. Sophie nói.
----------
Tác giả: Avondale Kendja
Link bài gốc: Catcalling Kills: Defining The Impacts of Street Harassment
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh - ToMo - Learn Something New