Bạn không cần lúc nào cũng phải hài hước

ban-khong-can-luc-nao-cung-phai-hai-huoc

Chúng ta luôn đánh giá cao khiếu hài hước và hiểu rõ những nguy hiểm của sự bi quan hay u sầu, thế nên có vẻ lạ lẫm khi ai đó đề nghị rằng chúng ta nên bớt hài hước về chính mình

Chúng ta luôn đánh giá cao khiếu hài hước và hiểu rõ những nguy hiểm của sự bi quan hay u sầu, thế nên có vẻ lạ lẫm khi ai đó đề nghị rằng chúng ta nên bớt hài hước về chính mình, rằng ta nên hạn chế các câu bông đùa, ít cười ầm ĩ và tìm cách nghiêm túc hơn, buồn nhiều hơn. Vì chính mình, có lẽ ta không cần phải “diễn hài” nhiều đến thế.

Một người trưởng thành trong môi trường lành mạnh sẽ được phép buồn khi có lý do chính đáng. Họ có thể nói ra mình thấy đau khổ thế nào vì cuộc ly hôn, hay thất vọng ra sao với món quà sinh nhật. Đến khi lớn lên, họ có thể khóc khi ai đó rời đi, vui mừng khi nhận tin tốt lành, nổi giận khi bị tổn thương và ghen tị khi người khác có điều họ ao ước.

Frans Hals, Yonker Ramp and his Sweetheart, 1623

Nhưng có những kiểu tuổi thơ khác, nơi cảm xúc của đứa trẻ trở nên quá nguy hiểm đối với người thân xung quanh. Cha mẹ có thể quá giận dữ hoặc trầm cảm đến nỗi không thể chịu đựng thêm thực tế nào khác, khiến đứa trẻ sớm trở thành “diễn viên hài” trong chính nhà mình. Có người bây giờ kể lại bằng giọng điệu hài hước rằng đi học nội trú là “một cuộc vui ra trò”, rằng bị ông chú “dở hơi” đánh đập là “vui chết đi được”, rằng cơn rối loạn lưỡng cực của mẹ mình chẳng khác gì “cảnh hài trong phim”. Những tin buồn thường được họ kể với giọng điệu vui vẻ đến nỗi ta dễ quên mất rằng đằng sau nụ cười ấy là nỗi đau không bao giờ được nhắc đến.

Phải có chút khoảng cách, chút thời gian, ta mới nhận ra rằng câu chuyện mà ta được mời gọi để cười ấy thực chất lại rất khủng khiếp, rằng mẩu chuyện đầy tiếng cười này xứng đáng được nhìn nhận bằng sự cảm thông sâu sắc. Người kể chuyện – chú hề duyên dáng ấy – có thể chỉ là một đứa trẻ nhút nhát, sợ hãi, và buồn bã chưa bao giờ có được cái “quyền” để bật khóc thành tiếng.

Có lẽ điều tử tế nhất mà ta có thể làm là nói với người bạn hay pha trò rằng, dù rất ngưỡng mộ tài năng hài hước của họ, ta không phải lúc nào cũng muốn cười – rằng điều ta thật sự muốn chỉ là ôm họ vào lòng và cùng khóc.

Nguồn: YOU DON’T ALWAYS NEED TO BE FUNNY

menu
menu