Bí mật của người chồng vô tâm
Ảo tưởng là công cụ cho phép chúng ta tạm thời thoát khỏi trạng thái đau đớn và khơi dậy những cảm xúc tốt cho tâm hồn. Ảo tưởng giúp chúng ta vượt qua vòng xoáy của sự buồn chán, bất lực, căng thẳng, bất an và khủng hoảng do đau khổ của hiện thực mang lạ
Trong trận chiến Bình Nhưỡng, Sidney Stewar bị bắt, trở thành tù nhân của lính Nhật và bị giam trong rừng nhiệt đới Philippines. Trong lúc bị giam ở đó, ông đã chứng kiến một chuyện trái với lẽ thường. Những người tử vong trước trong số các tù nhân trong môi trường khắc nghiệt ấy lại là những vận động viên thể dục thể thao cơ bắp phát triển. Trông họ vạm vỡ nên có vẻ sẽ vượt qua được hoàn cảnh khắc nghiệt và sống sót đến cùng, nhưng thực tế họ là những người quen với môi trường không có nhiều biến động. Các vận động viên thể dục thể thao thường ăn đúng giờ ngủ đúng giấc, luyện tập ngủ nghỉ đều đặn để tăng cường sức khỏe. Trái ngược lại, người sống dai nhất trong môi trường khắc nghiệt là người ít nhiều có sự “ảo tưởng”, ví dụ như nhà thơ chẳng hạn. Thể chất tuy yếu nhưng họ có thể thoát khỏi khổ đau và chiến thắng sự khắc nghiệt của môi trường bằng những ảo tưởng của nội tâm.
Ảo tưởng là công cụ cho phép chúng ta tạm thời thoát khỏi trạng thái đau đớn và khơi dậy những cảm xúc tốt cho tâm hồn. Ảo tưởng giúp chúng ta vượt qua vòng xoáy của sự buồn chán, bất lực, căng thẳng, bất an và khủng hoảng do đau khổ của hiện thực mang lại. Có thể nói ảo tưởng là một loại ma túy con người tự tạo ra, và chỉ khác ma túy thật ở chỗ là không cần thuốc mà vẫn phát huy tác dụng.
Đắm chìm trong ảo tưởng để quên đi hiện thực
Trong cuốn The Fantasy Bond, Robert Firestone - nhà tâm lý học người Mỹ - đã viết rằng có một cơ chế phòng vệ được gọi là “ảo tưởng về tình yêu”. Những đứa trẻ không nhận được tình thương từ bố mẹ sẽ tạo ra ảo tưởng về tình yêu giống như ảo ảnh trên sa mạc để tự an ủi chính mình. Chúng tin rằng chúng vẫn được thương yêu dù bố mẹ chẳng hề dành tình yêu và sự quan tâm ấm áp cho chúng. Và kể cả bố mẹ có vô tâm, lạnh lùng đến mức nào, chúng vẫn một mực tin rằng có một tình yêu thầm kín giữa bản thân với bố mẹ và tạo ra mối quan hệ tình yêu không hề tồn tại.
Theo nhà tư vấn tâm lý gia đình John Bradshaw, những đứa trẻ xây dựng cơ chế phòng thủ mang tên ảo tưởng về tình yêu thường lý tưởng hóa bố mẹ và gia đình của bản thân. Chúng nghĩ rằng bố mẹ cự tuyệt, bỏ rơi và can thiệp quá mức vào cuộc sống của chúng là vì chúng không ngoan. Chúng tán tụng bố mẹ và quy chụp mọi nguyên nhân là do bản thân. Vì đổ lỗi cho bản thân giúp chúng ít đau đớn hơn là thừa nhận bố mẹ không yêu thương mình.
Tuy nhiên, cơ chế phòng thủ ảo tưởng phát triển đến một mức độ nào đó sẽ gây ra vấn đề trong thực tế. Nhiều đứa trẻ ảo tưởng bố mẹ là người tốt, mặc dù thực tế bố suốt ngày đánh đập, ngược đãi, còn mẹ bất lực khi không thể bảo vệ các con, tôi không biết chúng có thể chiến thắng nỗi đau tinh thần ngay lập tức với thứ ảo tưởng ấy không, nhưng cuộc sống sau hôn nhân của chúng có thể tái hiện y hệt cuộc đời bố mẹ vì sự lý tưởng hóa cuộc sống hôn nhân và cách thức giáo dục của bố mẹ.
Park suốt ngày bị vợ cằn nhằn “Anh chẳng biết quan tâm đến gia đình, lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân mình.” Thế nhưng, Park không chấp nhận được lời chỉ trích này. Vì anh ấy thấy bản thân mình yêu vợ, vui vẻ với các con. Park nói rằng hồi nhỏ mình là người gần gũi nhất với mẹ trong gia đình. Bố qua đời sớm nên mẹ vất vả khi cáng đáng cả trách nhiệm của bố, nuôi các con khôn lớn, thế nhưng mẹ vẫn yêu anh ấy vô cùng. Tuy nhiên, khi được đề nghị chia sẻ sâu hơn về mối quan hệ mẹ con, Park chỉ chớp mắt và không thể trả lời. Sau một hồi do dự, anh ấy đáp lại như thế này: “Mẹ không trực tiếp thể hiện tình thương, nhưng tôi biết bà rất yêu tôi.”
Tôi bắt đầu nghi ngờ Park đã khởi động cơ chế phòng ngự mang tên ảo tưởng về tình yêu. Tôi gợi mở anh ấy nói thêm.
“Mẹ không thể hiện tình yêu dành cho tôi ra bên ngoài là vì bà không muốn anh em khác biết được. Tôi hiểu mẹ tôi mà.”
Tôi quay lại vấn đề hiện tại.
“Vậy anh thể hiện tình yêu với vợ con như thế nào?” “Không cần tôi thể hiện ra ngoài, vợ con tôi đều biết tôi yêu thương họ thế nào. Trước khi kết hôn và cả hiện tại, tôi luôn tin tưởng và yêu vợ mình. Giữa chúng tôi tồn tại một sợi dây tình cảm bền chặt không cần nói vẫn hiểu được. Không phải có những điều sẽ không được tự nhiên nếu diễn tả thành lời hay sao?”
Ảo tưởng trong tâm lý học là cơ chế phòng ngự để quên đau đớn. Nhưng quá ảo tưởng có thể dẫn đến tâm thần phân liệt. Nếu chúng ta nhận thức rõ ranh giới giữa ảo tưởng và hiện thực khi chuyển qua chuyển lại giữa hai chế độ thì ảo tưởng là một cơ chế phòng ngự tuyệt vời cho nỗi đau. Thế nhưng, khi hiện thực quá mệt mỏi, khó khăn, cứ trốn mãi trong ảo tưởng, chúng ta sẽ dần chối bỏ hiện thực và rồi bị tâm thần phân liệt. Lý do khiến Park không thể hiện thực hóa những điều giản đơn như thỉnh thoảng đi ăn ngoài nhẹ nhàng, cái ôm yêu thương, lời nói ấm áp mà vợ con mong muốn là vì ảo tưởng kéo dài của anh ấy.
Sự thôi miên trong gia đình mang tên “tình anh em”
Tâm thần phân liệt là trạng thái chối bỏ thực tế và chỉ liên tục đắm chìm trong ảo tưởng. Murray Bowen - học giả tiên phong trong lĩnh vực tham vấn tâm lý gia đình, thấy rằng những gia đình gây ra chứng tâm thần phân liệt có bản ngã gia đình ở trạng thái chưa cá biệt hóa (undifferentiated family ego). Trong những gia đình như thế này, bản ngã của các thành viên không có sự tách bạch rõ ràng, họ bị rối loạn về mặt cảm xúc và bị trói buộc vào mối quan hệ yêu ghét ràng buộc lẫn nhau. Gia đình có bản ngã chưa cá biệt hóa rất dễ rơi vào trạng thái thôi miên gia đình (family trance) và không thể nắm bắt đúng hiện thực như những gì vốn có. Chúng ta rơi vào trạng thái nói gì làm nấy giống như người bị thôi miên ngay cả khi đó là quy định quá đáng hay yêu cầu sai trái của bố mẹ. Vì không thể tách biệt gia đình và bản thân, nên các thành viên trong gia đình coi mong muốn của gia đình là mong muốn của bản thân dù thực tế họ đang nghĩ tới một điều khác, đồng thời còn coi những việc phi lý diễn ra trong gia đình là bình thường.
Lee đã gần bốn mươi tuổi. Cô ấy đến tìm tôi, khẩn thiết yêu cầu tham vấn. Chồng Lee là con thứ hai trong gia đình có ba anh em và tình cảm của ba anh em nhà chồng rất “khác người”. Mẹ chồng Lee sống chung cùng gia đình cô ấy. Và vấn đề bắt đầu nảy sinh khi người anh chồng - phá sản, ly hôn, không còn nơi đi chốn về tìm đến nhà cô ấy.
Nhà Lee chỉ có hai phòng ngủ. Phòng chính là phòng của hai vợ chồng, phòng nhỏ hơn là của bọn trẻ và bà nội. Thấy anh chồng cũng tội nghiệp nên cô ấy đành đồng ý để anh ấy đến ở cùng. Thế nhưng, khi trời đã về khuya và đến giờ đi ngủ, bỗng dưng chồng Lee bảo để anh chồng cùng ngủ ở phòng chính. Lee vô cùng bối rối. Phòng chính là phòng hai vợ chồng, kể cả là anh chồng thì chuyện ngủ cùng ở phòng chính cũng rất khó coi. Lee gợi ý rằng các con ngủ cùng hai vợ chồng, còn anh chồng và mẹ chồng ngủ ở phòng nhỏ, nhưng chồng cô ấy vẫn ngoan cố.
“Anh ấy là trụ cột của cả gia đình, sao lại để anh ấy ngủ ở phòng nhỏ được, phải là phòng chính!”
Không còn cách nào khác, đêm hôm đó, cô ấy đã phải ngủ cùng chồng và anh chồng ở phòng chính. Sáng sớm hôm sau, Lee giãi bày sự tình với mẹ chồng vì không thể nào thuyết phục nổi chồng, nhưng mẹ chồng cũng không nói gì. Mắt rơm rớm lệ, cô ấy than thở: “Chúng ta có phải là người Eskimo đâu mà để anh trai ngủ cùng trong phòng có vợ mình? Và tôi cũng không thể nào hiểu nổi anh chồng, bảo vào phòng chính ngủ là anh ấy vào luôn, và cả sự im lặng của mẹ chồng nữa, thật không biết nói gì.”
Trong trường hợp này, gia đình chồng của Lee không thể phân biệt ranh giới giữa hiện thực và ảo tưởng - là tình cảm anh em. Thực tế người chồng cũng không hề thấy thoải mái khi phải ngủ chung một phòng với anh trai. Thế nhưng, người chồng vẫn khăng khăng phải ngủ cùng là vì chồng và các anh em đã sống trong sự thôi miên gia đình là tình cảm anh em từ khi còn nhỏ. Bước vào một gia đình như thế này, Lee đã trở thành “người có hai mắt duy nhất giữa những người ngoài hành tinh một mắt”.
Ảo tưởng đem lại hiệu quả khi chúng ta có thể quay trở về hiện thực bất cứ lúc nào. Để quay trở lại hiện thực từ trong ảo tưởng, chúng ta cần có cái nhìn khách quan về gia đình của bản thân. Chúng ta cần chấp nhận những sự thật khó chịu, khó có thể công nhận, hay nói cách khác là điểm mù (blind spot) của gia đình mình. Điểm mù là vị trí khuất chúng ta không thể nhìn thấy trên gương chiếu hậu hai bên (side mirror) của xe ô tô. Chúng ta phải đối diện và thừa nhận những góc khuất hay chính là những sự thật không hề dễ chịu tồn tại trong gia đình.
Từ khi còn nhỏ, thông qua bố mẹ, chúng ta hình thành rất nhiều trạng thái thôi miên trong vô thức và có ý thức. Chúng ta tin tưởng vô điều kiện tín niệm và giá trị của bố mẹ, xem những điều đó là đương nhiên. Chúng ta lớn lên trong vô vàn những ám chỉ vô thức và mệnh lệnh của bố mẹ, như là “Mày không có tí tố chất học hành nào.” “Không bằng một góc của chị.” “Không được phép về muộn.” Những quan niệm này khiến chúng ta bị thôi miên tuyệt đối cho tới khi chúng bị phá vỡ. Khi bố mẹ và con cái hay hai vợ chồng tác động qua lại lẫn nhau, tình trạng thôi miên càng mạnh. Sau khi trưởng thành và rời khỏi nhà, hoặc ly khai lành mạnh bản thân với gia đình, chúng ta sẽ dần thoát khỏi sự thôi miên ấy.
Chúng ta cần mở lòng, cần có thái độ cởi mở nếu muốn thoát khỏi thuật thôi miên gia đình. Gia đình sống khép kín thường cứng nhắc và có những quy định nghiêm khắc như không được làm gì, phải làm gì. Nhìn bên ngoài, gia đình như vậy rất hòa thuận, hạnh phúc, nhưng thực tế đó lại là nơi sinh ra nỗi bất an, căng thẳng và khó chịu mà chúng ta không hề hay biết. Và đó là hòa bình nhuộm màu bất an vì rõ ràng trong gia đình có những điều cấm kỵ bất khả xâm phạm, nhưng chúng ta không dễ mở lời hay làm trái những điều này.
Còn trong gia đình cởi mở, mọi thành viên đều có thể đưa ra sự lựa chọn linh hoạt, phù hợp với tình huống vì mọi chuyện trong gia đình được ứng biến linh động. Các thành viên tách biệt lành mạnh về cả cảm xúc lẫn trí tuệ, nên họ có thể nhìn nhận đúng nghĩa hiện thực gia đình đang đối mặt. Để là một gia đình cởi mở, quan hệ vợ chồng phải công bằng, bình đẳng. Hai người cần thấu hiểu sự khác biệt của nhau, tôn trọng quyết định và sự lựa chọn của đối phương. Thay vì một trong hai vợ chồng đơn phương làm chủ, mỗi người thực hiện đúng vai trò phù hợp với hoàn cảnh, như vậy chúng ta sẽ có một gia đình lành mạnh. Sinh ra và lớn lên trong môi trường như thế này, đứa trẻ sẽ cảm thấy an toàn và yên tâm. Người có sự an toàn ấm áp ngự trị trong tim không cần cơ chế phòng thủ mang tên ảo tưởng.
Trích từ cuốn sách Hai mặt của gia đình của tác giả Choi Kwanghuyn.
Choi Kwang Huyn – một nhà tâm lý học hàng đầu Hàn Quốc, người đã tham vấn tâm lý cho rất nhiều trường hợp có khúc mắc về tổn thương tâm lý xuất phát từ gia đình sẽ chỉ ra nguyên nhân của những tổn thương, những nỗi đau mà chúng ta phải chịu từ gia đình mình, đồng thời đưa ra cách giải quyết đối với các vấn đề gia đình nhức nhối hiện tại.
Tìm hiểu thêm về cuốn sách ở đây https://tiki.vn/hai-mat-cua-gia-dinh-p49747007.html