Bí quyết trở thành người có sức hút

bi-quyet-tro-thanh-nguoi-co-suc-hut

Nở một nụ cười, giao tiếp bằng mắt hay cử chỉ tưởng đơn giản nhưng thân thiện có thể khiến một người trở thành tâm điểm chú ý.

Nhà thần kinh học Ben Spielberg (Mỹ) cho biết tương tác với người khác kích thích tư duy xã hội, sự đồng cảm và khả năng xử lý cảm xúc. Ngôn ngữ cơ thể và tín hiệu phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, nét mặt là phần quan trọng của giao tiếp.

Đi thõng vai, khoanh tay, khoanh chân, chạm mặt và cau mày tạo cảm giác ngại ngùng, phòng thủ hoặc khép kín. Tuy nhiên, nếu để tay xa mặt và thân, đồng thời chân hướng về phía người đang tương tác, bạn sẽ trông tự tin hơn.

Dưới đây là một số bí quyết trở nên thu hút hơn.

Cười

Nụ cười cho người khác biết bạn thân thiện và sẵn sàng tương tác. "Thường xuyên mỉm cười vào thời điểm thích hợp có thể nâng cao khả năng tiếp cận nhờ làm giảm căng thẳng và tăng sự lạc quan trong cuộc trao đổi'', Spielberg nói.

Người mà bạn tương tác sẽ cười lại theo phản xạ. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy tâm trạng của họ, thúc đẩy nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực.

Thân thiện

Duy trì giọng điệu bình tĩnh, gật đầu, nhướn mày, giữ cửa cho người khác... sẽ giúp bạn kết nối dễ dàng hơn.

Theo Spielberg, các hành động thân thiện và hòa đồng có thể khiến người khác thấy cởi mở, điều giúp mối quan hệ sâu sắc hơn. Ngoài ra, bày tỏ sự đồng cảm với trải nghiệm và cảm xúc của người khác có thể giúp xây dựng lòng tin và mối quan hệ để thành công hơn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.

Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt tốt có thể truyền đạt sự tự tin, đồng thời xây dựng sự thân mật và tin tưởng với người khác.

Giao tiếp bằng mắt cho thấy bạn đang chú ý và quan tâm đến những gì người khác đang nói. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, đừng nhìn chằm chằm vì đó có thể bị coi là hành động thô lỗ hoặc đáng sợ.

Khi nghi ngờ, hãy làm theo quy tắc 50/70: Duy trì bằng mắt trong 50% thời gian bạn nói và 70% thời gian khi lắng nghe. Điều này thể hiện sự quan tâm của bạn mà không làm mọi thứ trở nên kỳ lạ.

Chú ý

Mọi người luôn muốn được lắng nghe, được coi trọng và công nhận. Khi bạn tập trung vào việc duy trì hiện diện trong cuộc trò chuyện, nghĩa là không liếc nhìn điện thoại, không tỏ ra buồn chán, mất tập trung và thể hiện rõ ràng rằng họ được lắng nghe, bạn sẽ thu hút hơn.

''Hãy thể hiện bạn muốn hiểu quan điểm của người khác bằng cách gật đầu, đặt câu hỏi và tóm tắt những gì đã nói'', Rakish Rana nói.

Tránh ngắt lời

Ngắt lời là thói quen xấu có thể khiến cuộc trò chuyện thành bế tắc, gia tăng căng thẳng và khiến bạn có vẻ thiếu kiên nhẫn, coi thường và thô lỗ.

Laura Wasser, một trong những luật sư ly hôn nổi tiếng nhất của Mỹ, chuyên gia về hành vi con người, khuyên nên để người khác nói hết suy nghĩ của họ trước khi bày tỏ ý kiến của riêng bạn. ''Ngắt lời có vẻ như bạn đang xua đuổi hoặc thiếu kiên nhẫn'', Laura Wasser nói.

Chuyên gia gợi ý, đừng suy nghĩ về những gì bạn sẽ nói tiếp theo hoặc hình thành câu trả lời trong đầu khi họ vẫn đang nói. Chờ từ 8-10 giây trước khi nói để tránh nhảy vào cuộc đối thoại.

Dễ chịu

Những người tích cực hoặc những người có quan điểm trái ngược chỉ bắt đầu tranh cãi khi thấy khó chịu. Nhưng không ai thích đối đầu hoặc bất đồng trong cuộc trò chuyện.

Không tranh cãi không có nghĩa bạn phải thỏa hiệp hoặc đồng ý để hòa thuận. Tìm chủ đề, những sở thích, kinh nghiệm hoặc ý kiến chung mà cả hai đồng thuận có thể giúp kích thích những tương tác tích cực.

''Điều này giúp mọi người cảm thấy họ hiểu bạn và khiến bạn dễ gần hơn'', Rana nói.

Bắt chước

Khi quan tâm ai đó, chúng ta thường bắt chước lời nói, ngôn ngữ cơ thể và các thói quen khác của họ. Họ thường được thực hiện mà không cần báo trước, thể hiện sự kết nối và đồng cảm.

Phù hợp với giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của người khác giúp thiết lập mối quan hệ và phá vỡ các rào cản. Có ý thức điều chỉnh phong cách giao tiếp của bạn để phù hợp với phong cách của họ sẽ giúp người đối diện thấy thoải mái.

''Đừng bắt chước quá nhiều vì sẽ khiến bạn có vẻ giả tạo hoặc giống như đang cố lừa họ'', Rana nói.

Đừng khoe khoang

Hành vi khoe khoang có thể dễ dàng khiến bạn phòng thủ, hợm hĩnh hoặc kiêu ngạo. Tất nhiên, không có gì sai khi nói với mọi người về những gì đã đạt được nhưng phải biết giới hạn.

"Quá tự đề cao bản thân có thể khiến bạn tỏ ra kiêu ngạo hoặc không quan tâm đến người khác. Thay vào đó, hãy cân bằng cách thể hiện sự tò mò về trải nghiệm của người khác'', Wasser nói. Đó chính là chìa khóa trở thành người mà mọi người muốn nói chuyện cùng.

Nhật Minh (Theo Fatherly)

menu
menu