Buổi lễ hạ bệ: Lý thuyết về bắt nạt nơi công sở
Nhìn nhận nạn bắt nạt nơi làm việc dưới góc độ xã hội học.
Tóm Tắt Ý Chính:
- Một cá nhân trong môi trường làm việc có thể bị hành hạ và công kích vì dám “phạm luật” không chính thức của nhóm, chẳng hạn như việc “tố cáo” hành vi sai trái.
- Chuỗi hành vi bắt nạt sau đó không chỉ nhằm làm nạn nhân phải im lặng mà còn để trừng phạt họ và lý tưởng nhất là buộc họ phải ra đi.
- Nghiên cứu về các cuộc tấn công như vậy cho thấy chúng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể chất cho nạn nhân.
Chào Glenda.
Glenda khởi đầu hành trình mới với niềm hân hoan tràn ngập. Cô vừa nhận chức vụ quản lý tại một công ty và năm đầu tiên đúng là trọn vẹn thành công. Glenda xây dựng nền tảng cho các mối quan hệ ý nghĩa với đồng nghiệp, dành thời gian quan sát và lắng nghe, cố gắng nắm bắt tinh thần, văn hóa của nơi làm việc mới. Với mong muốn phục vụ tốt hơn những người mà cô có nhiệm vụ hỗ trợ, Glenda mở cửa văn phòng đón tiếp các bên liên quan, cố gắng thấu hiểu và kết nối.
Tại các cuộc gặp mặt đó, mọi người đua nhau kể chuyện thêu dệt, nói xấu sau lưng, chuyện bắt nạt, lạm quyền, che đậy và quản lý kiểu “nhúng mũi vào từng ly từng tí,” khiến sáng tạo bị bóp nghẹt, nhân viên bị khủng bố tinh thần, và sự quan tâm đến người họ phục vụ cũng bị gạt ra ngoài lề. Là người có trách nhiệm, Glenda chia sẻ những điều này với cấp trên. Ban đầu, sếp của cô còn khen ngợi sự dũng cảm khi cô dám phơi bày sai trái, hứa hẹn sẽ “tìm hiểu” tình hình.
Tuần sau, quả nhiên có một cuộc điều tra được mở ra. Nhưng thay vì tập trung vào những hành vi sai trái của nhân viên, cuộc điều tra lại dồn hết ánh đèn sân khấu vào… Glenda.
Image source: Dev Asangbam (via Unsplash)
Suốt những tháng tiếp theo, Glenda phải trả cái giá đắt đỏ vì đã “phá luật im lặng” và đi ngược lại lối suy nghĩ sáo rỗng mà tổ chức ngấm ngầm gìn giữ, nơi mà các lãnh đạo chỉ chăm chăm giữ uy tín và quyền lực, chứ chẳng mảy may để tâm đến trách nhiệm và lương tri. Buổi “Lễ Hạ Bệ” Glenda đã chính thức bắt đầu. Nhân cách cô bị bôi nhọ, mọi mối quan hệ với đồng nghiệp bị cắt đứt, và cuối cùng, cô bị đẩy ra khỏi công việc mà mình từng yêu thích và hết lòng cống hiến.
Buổi Lễ Hạ Bệ Là Gì?
Năm 1956, nhà xã hội học và nhà nghiên cứu phương pháp dân tộc học Harold Garfinkel từ Đại học California, Los Angeles, đã công bố một bài báo với tựa đề "Điều kiện để một Buổi Lễ Hạ Bệ thành công." Ông định nghĩa Buổi Lễ Hạ Bệ là “bất kỳ hành động giao tiếp nào giữa con người với con người, qua đó danh tính công khai của một cá nhân bị biến thành thứ gì đó thấp kém hơn trong hệ thống xã hội tại địa phương.”
Để buổi lễ này “thành công rực rỡ,” cần có ba nhân vật: kẻ tố cáo, nạn nhân, và những người chứng kiến. Kẻ tố cáo là người có quyền năng tối thượng. Lời nói và hành động của họ không còn là ý kiến cá nhân, mà được biến thành “lời phán quyết thiêng liêng,” đại diện cho niềm tin và giá trị của cả cộng đồng. Nạn nhân chính là người bị chọn để hạ bệ, còn những người chứng kiến thì hoặc phải diễn đúng theo kịch bản của kẻ tố cáo hoặc chịu rủi ro bị đưa vào tầm ngắm.
Kẻ tố cáo lựa chọn nạn nhân là vì nạn nhân đã “phạm luật” của nhóm. Trong gia đình, chẳng hạn, Buổi Lễ Hạ Bệ có thể xảy ra khi cô con gái “gương mẫu” bất ngờ thoát khỏi vai diễn “ngoan hiền, lặng lẽ,” và lên tiếng về sự độc hại trong gia đình. Tại nơi công sở, một Buổi Lễ Hạ Bệ được khởi xướng khi một nhân viên sáng tạo đề xuất một giải pháp mới cho một vấn đề tồn đọng mà tổ chức thà giấu nhẹm đi. Để củng cố các quy tắc bất thành văn như phân cấp chặt chẽ và lòng trung thành tuyệt đối, kẻ tố cáo không ngần ngại dùng các chiêu trò: tung tin đồn, thao túng, phá hoại, và “đánh lạc hướng” (gaslighting), nhằm ép nạn nhân phải ngoan ngoãn tuân theo và rút lui.
Nếu nạn nhân vẫn kiên trì "lệch pha" khỏi bộ quy tắc cứng nhắc của nhóm, kẻ tố cáo sẽ nhanh chóng "đổi màu" tình hình, biến nạn nhân thành "kẻ có tội," và từ đó tất yếu phải bị trừng phạt. Kẻ tố cáo lập tức triệu tập các nhân chứng, hoặc là những thành viên trong cộng đồng, vào màn "hạ bệ," tước đi phẩm giá của nạn nhân và tàn phá danh tiếng của họ bằng lý do rằng họ "có lỗi bẩm sinh" và tất cả lòng tốt hay thành tích rực rỡ năm nào chỉ là màn kịch giả tạo mà thôi.
Trong vai trò của mình, kẻ tố cáo là quan tòa, bồi thẩm đoàn, và cũng là công tố viên, và “vụ án” này chỉ có duy nhất một phán quyết “chấp nhận được”: trục xuất hoàn toàn và triệt để nạn nhân, y như bầy thú hoang đẩy ra khỏi bầy kẻ nào không chịu "hợp tác." Để lôi kéo đám đông tham gia, kẻ tố cáo phải đập tan mọi lòng ngưỡng mộ, thiện chí, và tình cảm bạn bè của người khác dành cho nạn nhân, bằng cách cố chứng minh rằng nạn nhân là kẻ “xấu toàn phần và hoàn toàn không cứu vãn nổi.” Đây là cách tư duy đen trắng, kiểu chặt đứt mọi ngõ ngách của sự tò mò và câu hỏi.
Chẳng khác nào bị lột trần nhân cách một cách công khai, nạn nhân phải chịu tổn thương sâu sắc. Những tổn thương này có thể để lại hậu quả tâm lý và thể chất nghiêm trọng, lâu dài, và đáng buồn là có khi dẫn đến kết cục nghiệt ngã nhất: tự tử.
Buổi Lễ Hạ Bệ Giải Thích Như Thế Nào Về Nạn Bắt Nạt Nơi Công Sở
Về cốt lõi, bắt nạt nơi làm việc chính là quá trình “hạ bệ” một cá nhân ít quyền lực hơn – có thể là vì vị trí công việc hay vốn xã hội – bởi một người nắm quyền lớn hơn, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là làm nhục công khai, bôi nhọ nhân phẩm, hủy hoại danh tiếng, và đẩy họ ra khỏi cộng đồng. Là giáo sư và nhà nghiên cứu định tính, tôi đã thu thập và mã hóa câu chuyện của 167 nạn nhân bị bắt nạt nơi công sở tại 8 quốc gia, 31 tiểu bang, và 24 lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Câu chuyện về Glenda có vẻ quá đà, nhưng thực ra nó lại phổ biến vô cùng trong những câu chuyện tôi thu thập được.
Một giả thuyết nảy sinh từ dữ liệu cho thấy rằng bắt nạt nơi công sở, trong hình thức “thuần khiết” nhất của nó, chính là một Buổi Lễ Hạ Bệ kéo dài công khai, trong đó một cá nhân sáng tạo, có thành tích tốt hoặc dám tố cáo sai phạm bị đẩy ra khỏi cộng đồng vì dám “phá vỡ” các quy tắc văn hóa ngầm, chẳng hạn như từ chối duy trì hiện trạng hoặc không tham gia che đậy sai trái. Nhưng đơn giản đẩy nạn nhân ra khỏi tổ chức là chưa đủ với kẻ bắt nạt; buổi lễ chỉ kết thúc khi nạn nhân đã bị tước hết phẩm giá và lòng tự trọng qua những đợt công kích lớn, có chủ đích và dai dẳng.
Không phải ở đâu cũng có cảnh “bầy đàn” lớn kéo nhau bắt nạt. Văn hóa phải “đủ chín muồi” cho bạo lực tâm lý mới xảy ra. Như Brown (2018) nhận định: “... khi văn hóa của một tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học, cơ quan chính phủ, nhà thờ, chương trình thể thao, trường học hay gia đình đặt nặng việc bảo vệ danh tiếng của hệ thống và những người có quyền lực hơn là bảo vệ phẩm giá cơ bản của cá nhân hay cộng đồng, bạn có thể chắc chắn rằng sẽ có những vấn đề sau: Hổ thẹn là điều phổ biến. Đồng lõa trở thành thói quen. Tiền bạc và quyền lực lấn át đạo đức. Trách nhiệm bị bỏ qua. Kiểm soát và sợ hãi trở thành công cụ quản lý. Và đằng sau đó là chuỗi đau thương và tàn phá."
References
Brown, B. (2018). Dare to lead: Brave work. Tough conversations. Whole hearts. New York: Random House.
Garfinkel, H. (1956). Conditions of successful degradation ceremonies. American Journal of Sociology, 61(5), 420–424.
Nguồn