Làm sao để tử tế hơn với chính mình

lam-sao-de-tu-te-hon-voi-chinh-minh

Những người có lòng trắc ẩn với bản thân cao hơn thường có động lực mạnh mẽ hơn, ít trì hoãn hơn và thành công hơn theo thời gian.

Những người có lòng trắc ẩn với bản thân cao hơn thường có động lực mạnh mẽ hơn, ít trì hoãn hơn và thành công hơn theo thời gian. Nhưng quan trọng không kém, họ vẫn yêu quý chính mình, kể cả khi họ chưa làm được như mong đợi. Nhà tâm lý học Susan David chia sẻ cách nuôi dưỡng phẩm chất đầy nhân văn ấy.

Một trong những hiểu lầm lớn nhất về lòng trắc ẩn với bản thân là cho rằng đó là sự dối lòng, là yếu đuối, hay là một cái cớ cho sự lười biếng. Một ngộ nhận khác là nghĩ rằng nó chỉ đơn giản là gạt bỏ mọi cảm xúc tiêu cực và tự nhủ: “Giờ mình sẽ nói với bản thân năm điều tích cực.”

Đó là lòng trắc ẩn với bản thân. Lòng trắc ẩn với bản thân là khi bạn thật lòng nhận ra những suy nghĩ khó chịu đang hiện diện trong mình, dám ở lại bên chúng và tạo ra một không gian an toàn cho chính tâm hồn mình.

Đó là khi bạn mở ra cho mình một khoảng trời đủ rộng để dám thử, dám sai, dám sống thật. Bởi nếu bạn cứ mãi tự dằn vặt mỗi khi vấp ngã, bạn sẽ khó lòng có can đảm để bước tiếp hay thử điều gì mới. Nhưng khi có lòng từ bi với chính mình, bạn sẽ biết rằng kể cả khi thất bại, bạn vẫn là người đáng được yêu thương. Chính lòng trắc ẩn với bản thân ấy sẽ nuôi dưỡng nơi bạn tinh thần dám thử, dám khám phá, dám sống can đảm hơn.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những ai có lòng trắc ẩn với bản thân cao thường có động lực mạnh hơn, kiên trì hơn, và đạt được thành công lâu dài hơn. Họ vẫn nhận ra khi mình mắc lỗi nhưng thay vì bị cuốn vào vòng xoáy trách móc, phán xét, họ học từ trải nghiệm ấy và chọn một hướng đi khác cho lần sau.

Eugenia Mello

Vậy làm sao để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với bản thân?

Hãy bắt đầu bằng cách ngừng cuộc chiến bên trong chính mình.

Trong một nghiên cứu với hơn 70.000 người, Susan David phát hiện rằng có khoảng một phần ba số người tham gia thường phán xét cảm xúc của mình theo kiểu trắng đen: tốt/xấu, tích cực/tiêu cực. Và mỗi khi đánh giá cảm xúc như vậy, bạn đang vô thức kéo mình vào một cuộc giằng co nội tâm, nơi bạn tự trách mình mỗi khi thấy buồn, mỗi khi không đủ tích cực, mỗi khi không “ổn” như bạn nghĩ mình phải thế.

Muốn dừng lại cuộc giằng co ấy? Rất đơn giản: hãy buông sợi dây thừng ra.

Khi ta buồn hay thất vọng, phản ứng phổ biến là nghĩ rằng: “Mình không nên cảm thấy thế này. Sao mình không thể tích cực hơn được nhỉ?” Và rồi ta tiếp tục phán xét bản thân, lần này là vì… không đủ từ bi.

Lần tới, khi bạn thấy mình rơi vào trạng thái ấy, hãy thử tự nhủ: “Mình đang buồn. Nỗi buồn này đang chỉ cho mình điều gì quan trọng? Nó đang nhắc nhở mình về điều gì? Nó dạy mình điều gì?”

Hãy xem những cảm xúc khó chịu như là dữ liệu, là thông tin quý giá giúp bạn hiểu hơn về chính mình, và điều gì thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống này.

Ví dụ, bạn cảm thấy rất bức bối trong công việc. Hãy tự hỏi: “Cảm giác này đang mách bảo điều gì? Có phải mình đang không được lắng nghe? Hay là mình đang không còn phát triển nữa?”

Mỗi câu hỏi bạn đặt ra sẽ mở rộng góc nhìn, giúp bạn hiểu mình rõ hơn và khơi gợi lòng tò mò về con người thật của bạn. Mà một khi bạn đã tò mò về trải nghiệm của chính mình, bạn đã đi được nửa chặng đường đến với lòng tự thương rồi. Bởi khi ấy, bạn không còn phán xét chính mình nữa, bạn đang lắng nghe và học hỏi.

Sau đó, hãy tự hỏi: “Trong hoàn cảnh này, điều gì sẽ là lựa chọn tốt nhất cho mình, cho những giá trị và mục tiêu mà mình đang hướng tới?”

Nếu bạn thấy mình chưa làm được điều ấy, đừng trách móc bản thân. Vào những ngày thiếu lòng trắc ẩn với bản thân, điều tối quan trọng là đừng quay sang chỉ trích chính mình. Một cách hữu ích là hãy nhìn mình bằng ánh mắt khác. Ai trong chúng ta cũng có một “đứa trẻ bên trong”, phần non nớt, tổn thương nhưng thuần khiết nhất trong ta.

Hãy tưởng tượng một đứa trẻ đến bên bạn, nói rằng: “Không ai muốn chơi với con cả” hay “Con buồn lắm” hoặc “Con đã cố gắng làm bài thật tốt nhưng vẫn không được điểm cao.” Bạn có nỡ la mắng nó không? Chắc chắn là không. Bạn sẽ ôm lấy nó, vỗ về, lắng nghe, và cho nó thấy rằng nó vẫn xứng đáng được yêu thương.

Vậy thì, những lúc bạn thấy mình không thể tử tế với bản thân, hãy quay về và hỏi đứa trẻ trong bạn: “Mình đang cảm thấy điều gì? Đứa trẻ ấy cần gì lúc này?”

Sau cùng, lòng trắc ẩn với bản thân chính là việc bạn nhận ra điều gì làm nên bản chất con người. Rằng cảm giác khó chịu, căng thẳng, thất vọng, mất mát, hay nỗi đau, tất cả đều là một phần của hành trình làm người.

Nếu ta không thể đối đãi tử tế với chính mình trong những lúc ấy, thì ta đang chống lại thực tại của chính cuộc sống này.

Và một điều làm nên con người nữa, đó là sự không hoàn hảo. Là con người, nghĩa là sẽ có sai sót, sẽ có lỗi lầm. Và lòng tự thương là một phần thiết yếu trên hành trình ấy, vì nó cho bạn cái nhìn bao dung rằng: Bạn đang cố gắng hết sức, với con người mà bạn đang là, với những gì bạn đang có, và trong khả năng bạn có thể.

Nguồn: How to be kinder to yourself

menu
menu