Vì sao những người ái kỷ lại dễ rơi vào trạng thái chán nản đến thế?

Nghiên cứu mới hé lộ mối liên hệ giữa chủ nghĩa ái kỷ và sự buồn chán kéo dài.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH:
- Không ai thích sự nhàm chán, nhưng với người có khuynh hướng ái kỷ cao, cảm giác ấy gần như không thể chịu đựng nổi.
- Nghiên cứu mới khám phá mối liên hệ giữa sự buồn chán, tính cách ái kỷ và xu hướng lệ thuộc quá mức vào điện thoại thông minh.
- Hiểu được vì sao người ái kỷ dễ rơi vào trạng thái chán nản sẽ giúp ta có cái nhìn sâu sắc hơn trong việc xây dựng và gìn giữ mối quan hệ với họ.
Giữa một thế giới kỹ thuật số ngập tràn kích thích, có lẽ bạn sẽ nghĩ: ai mà còn có thể cảm thấy chán nữa? Lúc nào cũng có tin nhắn chờ phản hồi, hàng trăm bộ phim và chương trình để lựa chọn, chưa kể những cập nhật liên tục về mọi thứ, từ số liệu COVID mới nhất cho đến scandal của người nổi tiếng. Nhưng điều trớ trêu là, chính vì sống trong môi trường “đầy ắp” như thế, những người có xu hướng ái kỷ lại càng dễ cảm thấy... trống rỗng.
Với họ, việc được chú ý và ngưỡng mộ không chỉ là niềm vui mà là một nhu cầu không thể thiếu. Khi không được “soi sáng” bởi ánh mắt người khác, tâm trí họ nhanh chóng rơi vào trạng thái bồn chồn, bứt rứt và mất phương hướng.
Có thể trong gia đình bạn cũng có một người như thế, một người họ hàng luôn muốn là trung tâm. Từ nhỏ đến lớn, người đó luôn cần được chú ý, cần lời khen và sự trấn an. Mỗi lần các thành viên khác hướng sự quan tâm về những đứa trẻ nhỏ hơn, người ấy thường nổi giận hoặc tỏ thái độ thất vọng thấy rõ.
Trong một đám cưới gần đây, khi mọi người đang vui vẻ trò chuyện, người họ hàng ấy bất chợt bỏ ra nhà vệ sinh và ngồi lì ở đó gần như suốt buổi tiệc. Ai thân quen với họ đều biết đây không phải chuyện hiếm, bởi ở bất cứ dịp nào, từ đám tang đến tiệc mừng em bé, hễ khi phải ngồi yên và nhường lại "sân khấu", họ lại tìm cách tạo ra một biến cố để thu hút sự chú ý về phía mình.
Với phần lớn chúng ta, cảm giác chán nản có thể được xoa dịu bằng vài hành động đơn giản, như đếm ngón tay, nghĩ vẩn vơ, hay đơn giản là để đầu óc nghỉ ngơi. Nhưng với người sống trong cảm giác bất an, một khoảnh khắc buộc phải chờ đợi hay ngồi yên có thể trở thành một cực hình về mặt tinh thần. Khi bị bỏ mặc với những suy nghĩ riêng, hay tệ hơn là cảm giác bị người khác phớt lờ, họ buộc phải tìm cách lấp đầy khoảng trống đó.
Chính suy nghĩ ấy đã thôi thúc nhóm nghiên cứu của Albert Ksinan (Đại học Kentucky) thực hiện một công trình xoay quanh hành vi sử dụng điện thoại thông minh một cách cưỡng chế ở những người có khuynh hướng ái kỷ. Theo Ksinan và các cộng sự, nghiên cứu trước đây cho thấy người ái kỷ thường tận dụng mạng xã hội như một công cụ để "xây dựng" hình ảnh bản thân lý tưởng trong mắt người khác. Nhưng cũng có thể, lý do đơn giản chỉ là… họ đang chán.
Source: Dean Drobot/Shutterstock
Đi tìm sợi dây kết nối giữa buồn chán và chủ nghĩa ái kỷ
Bên cạnh việc tìm hiểu hành vi sử dụng điện thoại, nghiên cứu của Đại học Kentucky còn mang đến cái nhìn sâu sắc về sự buồn chán, một trạng thái có vẻ rất đời thường nhưng lại cực kỳ ám ảnh với những người luôn khao khát được ngưỡng mộ.
Nhóm nghiên cứu chọn tập trung vào đối tượng trẻ, nhóm tuổi được cho là dễ bị cuốn vào việc lạm dụng điện thoại thông minh. Họ khảo sát 532 người trẻ (tuổi trung bình là 23) thông qua những bảng câu hỏi tiêu chuẩn, nhằm đo lường mức độ ái kỷ, mức độ chán nản và mức độ sử dụng điện thoại không kiểm soát.
Bảng đo lường chủ nghĩa ái kỷ bao gồm những phát biểu như: “Tôi thích trở thành tâm điểm của sự chú ý” hoặc “Tôi không thích ở trong một nhóm nếu không biết chắc rằng ít nhất một người ở đó thật sự trân trọng tôi.”
Về khía cạnh buồn chán, người tham gia đánh giá trên thang điểm 7 với những phát biểu như:
- Tôi dễ dàng tập trung vào việc mình đang làm.
- Thời gian lúc nào cũng trôi qua chậm chạp.
- Tôi cần nhiều kích thích hơn người khác mới thấy hứng thú.
- Trong những tình huống phải chờ đợi, tôi rất bồn chồn.
- Tôi thường rơi vào hoàn cảnh phải làm những việc vô nghĩa.
- Tôi cần sự thay đổi liên tục và đa dạng để cảm thấy thực sự vui vẻ.
Bạn sẽ chấm bao nhiêu điểm cho mình? Trong nghiên cứu này, mức điểm trung bình là 3, với đa số người tham gia dao động từ 2 đến 4 điểm. Nếu bạn thường xuyên vượt mức đó, có thể bạn đang liên tục tìm kiếm sự hứng thú, giống như người ái kỷ, luôn bị ám ảnh bởi một khoảng trống nội tâm không tên, luôn cố tìm cách lấp đầy nó bằng những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Khi nỗi buồn chán dẫn lối cho chủ nghĩa ái kỷ
Chuyển sang phần phát hiện của nghiên cứu, các tác giả cho biết: đúng như dự đoán ban đầu, những người đạt điểm cao ở cả hai dạng của chứng ái kỷ (ái kỷ tự đại – grandiose và ái kỷ dễ tổn thương – vulnerable) cũng có xu hướng sử dụng điện thoại một cách cưỡng chế cao hơn. Họ thường đồng ý với những phát biểu như: “Người khác phàn nàn rằng tôi dùng điện thoại quá nhiều.”
Tuy nhiên, có một yếu tố trung gian rất đáng chú ý ở đây, đó là sự buồn chán. Đặc biệt với nhóm người ái kỷ dễ tổn thương, chính cảm giác trống trải này đã khiến họ tìm đến điện thoại như một cách để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Nói cách khác, mối liên hệ giữa xu hướng ái kỷ dễ tổn thương và việc sử dụng điện thoại quá mức được giải thích phần lớn bởi điểm số trong thang đo mức độ buồn chán. Các tác giả kết luận: “Những người ái kỷ dễ tổn thương thường vật lộn với cảm giác buồn chán, và họ có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh như một liều thuốc tạm thời để làm dịu đi trạng thái khó chịu đó.”
Khi chiếc điện thoại trở thành sân khấu cho cái tôi
Dựa trên kết quả nghiên cứu, có thể thấy rằng việc sử dụng điện thoại ở những người ái kỷ lớn không hẳn vì buồn chán. Với họ – những cá nhân ưa giao thiệp, thích thể hiện và say mê được tán thưởng trên mạng xã hội – chiếc điện thoại không phải để khỏa lấp khoảng trống nội tâm, mà là công cụ để họ tỏa sáng. Đó là nơi họ được đứng ở trung tâm sân khấu, nơi những “ánh đèn sân khấu ảo” luôn rọi về phía mình.
Hiểu sâu hơn về chủ nghĩa ái kỷ, vượt qua nỗi buồn chán
Trở lại với người họ hàng mà bạn từng nghĩ đến, người luôn cảm thấy bất an mỗi khi người khác trở thành tâm điểm. Hãy thử nhìn nhận lại: có phải hành vi đó không hẳn là sự đố kỵ, mà là biểu hiện của một dạng tổn thương sâu kín? Nếu bạn nhìn nhận đó là biểu hiện của chủ nghĩa ái kỷ dễ tổn thương, bạn có thể bắt đầu hiểu hơn, và từ đó, có cách ứng xử nhẹ nhàng, phù hợp hơn trong những lần tiếp theo.
Dù bạn vẫn có thể cảm thấy bực bội, hay thậm chí là phiền lòng trước những hành vi ấy, nhưng ít nhất, giờ đây bạn đã hiểu được phần nào gốc rễ của nó. Rằng đằng sau vẻ ngoài hay tìm cách “chiếm sóng” ấy không phải là mong muốn lấn át ai, mà là một cố gắng tuyệt vọng để cảm thấy đủ đầy bên trong.
Hãy thử hình dung một người ái kỷ dễ tổn thương khi họ khao khát được công nhận, và luôn phải kiểm tra mạng xã hội xem có bao nhiêu lượt thích, bao nhiêu trái tim, bao nhiêu lời khen. Sẽ khó khăn biết bao khi những “dấu hiệu yêu thương ảo” ấy không đến như mong đợi. Sự trông chờ vào một điều không có thật chỉ khiến họ thêm hoang mang và bất an.
Tạm kết
Buồn chán, dù ảnh hưởng không nhỏ, vẫn chưa thể lý giải trọn vẹn mọi hành vi của người ái kỷ, kể cả những người dễ tổn thương nhất. Nhưng nếu ta chịu khó nhìn sâu hơn vào nỗi cô đơn giấu kín sau lớp mặt nạ tự tin ấy, ta có thể mở ra những góc nhìn nhân ái hơn. Và từ đó, biết đâu, ta có thể giúp họ tìm lại sự viên mãn thật sự, không phải bằng những “ánh đèn” từ người khác, mà bằng chính ánh sáng bên trong con người họ.
Tài liệu tham khảo:
Ksinan, A. J., Mališ, J., & Vazsonyi, A. T. (2021). Swiping away the moments that make up a dull day: Narcissism, boredom, and compulsive smartphone use. Current Psychology: A Journal for Diverse Perspectives on Diverse Psychological Issues, 40(6), 2917–2926. doi: 10.1007/s12144-019-00228-7
Tác giả: Susan Krauss Whitbourne PhD, ABPP
Nguồn: Why Narcissists Are So Easily Bored | Psychology Today