Buồn ngủ là thế, tại sao có những người cứ nằm lên giường là lại tỉnh như sáo

buon-ngu-la-the-tai-sao-co-nhung-nguoi-cu-nam-len-giuong-la-lai-tinh-nhu-sao

Nỗi buồn nào cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ là không tha lúc nào, ấy vậy mà với một số người cơn buồn ngủ của họ lại nhanh chóng bay biến khi vừa mới đặt mình lên giường.

Nỗi buồn nào cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ là không tha lúc nào, ấy vậy mà với một số người cơn buồn ngủ của họ lại nhanh chóng bay biến khi vừa mới đặt mình lên giường.

Nếu bạn cũng gặp trường hợp tương tự thì có thể bạn đã mắc một trong những chứng rối loạn giấc ngủ thường thấy nhất rồi đấy.

Bạn lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ và phải cố gắng lắm mới giữ cho mình tỉnh táo cả ngày để làm việc, xua đi những cái ngáp dài bằng những tách cà phê đắng ngắt, và không thể nghĩ về điều gì khác ngoài cái giường thân yêu.

Nhưng ngay khi bạn cuộn tròn lại trong chăn ấm, chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon thì lúc đó bạn lại tỉnh như sáo.

Hóa ra, nằm trên giường nhưng không thể ngủ được là một chứng rối loạn giấc ngủ được gọi là tỉnh thức tạm thời, và đây là một trong những vấn đề thường gặp nhất về giấc ngủ.

Ảnh: Getty Images/iStockphoto

Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này?

Theo chuyên gia gia về giấc ngủ Philip Gehrman tại Đại học Pennsylvania, hiện tượng này xảy ra khi có cái gì đó trong môi trường xung quanh nơi ban ngủ đã gửi tín hiệu cho não của bạn và thông báo rằng: nằm trên giường sẽ khiến bạn “tỉnh” hơn chứ không làm bạn buồn ngủ.

“Nếu ai đó không gặp vấn đề gì về giấc ngủ, thì mỗi đêm họ có thể lên giường và chìm vào giấc ngủ. Nghĩa là khi họ đặt mình lên giường, cơ thể sẽ tự kích hoạt phản ứng buồn ngủ”, Gehrman cho biết.

“Nhưng nếu đêm nào bạn cũng trằn trọc và không thể chìm vào giấc ngủ được, thì cơ thể bạn sẽ quen dần và gắn điều đó với chiếc giường của bạn”.

Từ khi có sự xuất hiện của smartphone, máy tính bảng và laptop, hiện tượng trằn trọc mất ngủ mỗi đêm đã trở thành phổ biến đối với nhiều người. Một số yếu tố khác cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này như suy nghĩ về công việc hoặc lo lắng về một điều gì đó.

Cách đơn giản nhất để chữa trị chứng rối loạn này là không được nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại khoảng trong vòng 1 giờ trước khi ngủ. Bởi vì ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng xanh do các màn hình phát ra, sẽ ngăn chặn cơ thể tiết ra melatonin, một loại hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ.

Tương tự, các chuyên gia ở Psychology Today cũng khuyên chúng ta nên thường xuyên tập thể dục vào ban ngày, tránh caffeine, rượu bia và thuốc lá vào buổi tối và không cố ép bản thân phải đi ngủ. Thay vào đó, nếu thấy khó ngủ, hãy ra khỏi giường và làm gì đó cho thoải mái đến khi bạn cảm thấy sẵn sàng đi ngủ.

Nếu với những cách trên mà vẫn không thành công, bạn có thể thử liệu pháp hành vi nhận thức (CBT-I), nghĩa là thường xuyên gặp một bác sĩ trị liệu để giúp bạn thay đổi lịch trình giấc ngủ và loại bỏ những thói quen xấu.

Đinh Vân dịch 

Theo  https://www.independent.co.uk/life-style/health-and-families/sleeping-bed-stop-tired-psychiatrist-philip-gehrman-medicine-why-learned-arousal-environment-a7627836.html

menu
menu