Cách giảm sức mạnh của cơn nghiện
Nhiều người trong chúng ta là con mồi cho những hành vi nghiện ngập mà ta biết rất rõ là trái với lợi ích sâu xa của mình, nhưng lại hoàn toàn bất lực trong việc dừng lại vào những khoảnh khắc then chốt.
Nhiều người trong chúng ta là con mồi cho những hành vi nghiện ngập mà ta biết rất rõ là trái với lợi ích sâu xa của mình, nhưng lại hoàn toàn bất lực trong việc dừng lại vào những khoảnh khắc then chốt.
Hãy thử lấy ba ví dụ điển hình:
— Chứng ăn uống vô độ
— Nghiện phim khiêu dâm
— Nghiện rượu
Ta hiểu rất rõ rằng ngay khi thoát khỏi “đường hầm” của cơn nghiện, ta đã phớt lờ lợi ích của chính mình và gây tổn hại cho bản thân. Nhưng rồi, ta lại cảm thấy lạc lối, không biết làm gì tiếp theo. Liệu có điều gì có thể giúp ích được không?
Có một cách trả lời thế này: ta nên cố gắng nhận ra khi nào cảm giác muốn nôn mửa, xem phim khiêu dâm hay uống rượu xuất hiện. Nghe có vẻ lạ, nhưng những người chìm đắm trong cơn nghiện thường không thật sự nhận biết rõ ràng điều này. Họ không chú ý đến điều gì vừa xảy ra ngay trước khi cảm giác ham muốn xuất hiện; họ không nghĩ rằng có điều gì đã thúc đẩy nó.
Nhưng nếu họ chịu khó nhìn vào sâu bên trong, quan sát kỹ những gì diễn ra, họ sẽ có trong tay một “vũ khí” quan trọng để thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực này. Lý do là vì, nói chung, trước khi bất kỳ hành vi nghiện ngập nào xuất hiện, luôn có một khoảnh khắc ta cảm thấy tồi tệ, rất tồi tệ, về một điều gì đó.
Các nguyên nhân khởi nguồn có thể rất khác nhau;
— Người bạn đời không còn ân cần như ta mong đợi
— Ai đó ở nơi làm việc tỏ vẻ không hài lòng và khó chịu
— Mình bị bỏ quên, có thể không phải lần đầu, trong một buổi tụ họp bạn bè
Nói cách khác, những hành vi gây tổn hại bản thân vì nghiện ngập thường bắt nguồn từ những cảm xúc như cô đơn, xấu hổ, cảm giác không được chấp nhận, nỗi buồn bị từ chối, hoặc niềm tin rằng mình không đủ tốt.
Mô hình của sự nghiện ngập thực chất chỉ là một phản ứng, một phần b) đối với một phần a) mà ta thường chẳng để ý tìm hiểu. Nghiện ngập không liên quan gì đến việc yêu thích những thứ ta nghiện; nó là một cách tạm thoát khỏi nỗi đau từ trước chưa được thấu hiểu hay giải quyết. Trong chốc lát, hành vi nghiện ngập mang đến một kiểu an ủi, một lối trốn khỏi cảm giác khó chịu: nôn ra sau khi ăn làm ta thấy nhẹ nhàng, phim khiêu dâm mang lại những khoái cảm nhất thời, men rượu lặng yên tiếng nói chỉ trích bên trong.
Để bắt đầu phá vỡ vòng lặp nghiện ngập, đơn giản là nhận thức rằng — trước khi ta lao vào "giải pháp" quen thuộc — bản thân đang gặp rắc rối. Rằng vì lý do nào đó, ta đang chìm vào nỗi buồn và tuyệt vọng về chính mình, và điều đó đồng nghĩa với việc ta đang ở một “vùng nguy hiểm” và cần sự trợ giúp ngay, chứ không phải đợi thêm vài giờ sau.
Chúng ta cần trở thành những nhà quan sát nhạy bén của chính tâm trạng mình, cố gắng tạo ra khoảng cách — về thời gian và suy nghĩ — giữa khoảnh khắc khi ta bị tổn thương và khoảnh khắc ta tìm đến giải pháp tự hủy hoại bản thân.
Nếu ta làm chậm được tiến trình này, ta có thể tự đánh thức mình khỏi cơn bốc đồng và thốt lên một cách vô cùng hữu ích: “Mình đang buồn.” Nhận thức được điều đó, ít nhất đã là một nửa cuộc chiến. “Mình đang rất buồn, và vì vậy mình đang gặp nguy hiểm.”
Và từ đây, ta có thể đặt ra một loạt câu hỏi đầy ý nghĩa: “Mình buồn về điều gì? Vì sao mình buồn đến vậy?” Đôi khi, ta chỉ cần nhắm mắt, ngồi yên trong giây lát để câu trả lời từ sâu thẳm tiềm thức có thể trỗi dậy.
Hoặc ta có thể thử hoàn thành câu này: “Hiện tại tôi cảm thấy buồn bã vì…”
Điều kỳ lạ là não bộ của chúng ta thường cần rất nhiều thời gian để nhận ra cảm xúc của mình và hiểu điều gì có thể đã gây ra chúng. Khi bắt đầu nhận ra nỗi buồn trong lòng, chúng ta có thể học cách tự xoa dịu mình một cách hiệu quả hơn. Một phần tâm trí có thể ôm lấy phần còn lại và dịu dàng nói: “Tội nghiệp bạn quá. Thật kinh khủng khi lại phải thấy đau buồn thế này…”
Chắc chắn rằng, trong những năm tháng đầu đời, chẳng mấy ai quan tâm hay để ý đến những cảm giác mất mát, tự ti và bị bỏ rơi của chúng ta (đó là lý do vì sao ta khó mà quan tâm đến chính cảm xúc của mình). Nhưng ta có thể chữa lành những tổn thương ấy. Ta có thể tự hỏi: “Mình đang cảm thấy gì về bản thân?” và “Điều gì đã xảy ra khiến mình có cảm giác đó?”
Ta có thể thay thế sự nghiện ngập bằng sự cảm thông và thấu hiểu dành cho chính mình. Không ai rơi vào vòng xoáy của nghiện ngập một cách ngẫu nhiên; những hành vi ấy luôn bắt nguồn từ một cảm giác mãnh liệt, thường hình thành từ thời thơ ấu, rằng ta là một người không xứng đáng.
Tóm lại: cách để ngăn chặn hành vi nghiện ngập là tự hỏi bản thân cảm thấy như thế nào; nhận ra có lẽ mình đang cảm thấy rất tệ; trở nên tò mò và cảm thông với nguyên nhân — rồi tự hỏi: “Có cách nào tốt hơn, tử tế hơn để đối diện với cảm giác khủng khiếp này không?”
Biết rằng cảm xúc đó có không gian và sự yêu thương để tồn tại chính là chìa khóa để giảm bớt, và một ngày nào đó, vượt qua điều ta đã từng nghiện ngập.
Nguồn: HOW TO WEAKEN THE HOLD OF ADDICTION - The School Of Life