Cảm ơn trẻ thay vì khen ngợi suông

cam-on-tre-thay-vi-khen-ngoi-suong

Khen ngợi suông khiến trẻ không biết tự đánh giá và hành xử phù hợp khi không được khen ngợi, khiến trẻ né tránh thử thách hoặc bất chấp sai trái để đạt được kết quả.

  1. Khen ngợi suông khiến trẻ không biết tự đánh giá và hành xử phù hợp khi không được khen ngợi, khiến trẻ né tránh thử thách hoặc bất chấp sai trái để đạt được kết quả.
  2. Cha mẹ nên cảm ơn và khích lệ trẻ để hỗ trợ con tự xử lý các vấn đề trong cuộc sống của con.

 

1. TÁC HẠI CỦA KHEN NGỢI SUÔNG

Những đứa trẻ lớn lên trong những lời ngợi khen thành quả sẽ không làm những việc thích hợp nếu không có người nào ở đó tán dương. Có những đứa trẻ, ví dụ khi đánh rơi rác xuống sàn, việc đầu tiên chúng làm là nhìn xung quanh. Chúng sẽ đánh giá xem có ai nhìn thấy mình tự bỏ rác vào thùng không trong giây lát. Nếu có thì chúng bỏ vào thùng. Nếu không có người chứng kiến, chúng sẽ kệ rác ở đó.

Những đứa trẻ được dạy dỗ bằng cách khen ngợi sáo rỗng cũng tương tự. Chúng sẽ nhìn sắc mặt của người lớn, cư xử đúng mực nếu biết sẽ được khen, nhưng chính bản thân chúng không thể tự mình đánh giá và cư xử đúng đắn.

Rất nhiều cha mẹ vui mừng khi con cái học hành tốt, khen ngợi những lúc chúng đạt thành tích cao. Đúng là đạt thành tích cao như kỳ vọng của cha mẹ là điều tốt, việc này chẳng mang lại rắc rối gì, nhưng đâu phải đứa nào cũng luôn đạt thành tích cao. Người lớn chúng ta có ai chưa từng trải qua lúc không đạt được kết quả như mong muốn. Trẻ vui mừng khi được cha mẹ khen thành tích tốt, cố gắng học hành để được ghi nhận; nên khi không đạt thành tích như mong muốn, có thể trẻ sẽ nghĩ rằng, “Mình có cố học cũng không nghĩa lý gì, thành tích của mình quá kém, cha mẹ sẽ bỏ rơi mình.” Trẻ sẽ e ngại, chần chừ hoặc đầu hàng khi phải đối mặt với việc học hành.

Khi đã nghĩ rằng cha mẹ chỉ khen ngợi khi mình đạt thành tích tốt, rất có thể trẻ sẽ sẵn sàng làm những việc sai trái, miễn là đạt kết quả. Trẻ ganh đua, quyết giành chiến thắng, những mong được khen ngợi (nhưng rất có thể sẽ chẳng có ai khen dù trẻ có thắng đi nữa). Quay cóp khi thi cử chính là một ví dụ. Ví dụ nữa, trong một gia đình, khi một đứa trẻ bị mắng vì chuyện gì đó, còn các anh chị em lại được khen ngợi (dù không phải là về học hành), thì trẻ có thể cho rằng mình đã thua trong cuộc ganh đua này. Và người thua cuộc sẽ bị mất cân bằng tinh thần trong mối quan hệ anh chị em và cả các mối quan hệ thông thường với người khác.

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÍCH LỆ TRẺ THAY VÌ KHEN NGỢI SUÔNG?

Đứng trước câu hỏi “nên nói gì”, nhiều người đưa ra đáp án là “Cảm ơn!” Theo Tâm lý học Adler, cha mẹ được khuyến khích không la mắng, không khen ngợi suông, mà nên khích lệ trẻ. Nói một cách đơn giản, khích lệ tức là hỗ trợ để trẻ tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của chính mình.

Lưu ý là, nếu ta nói lời khích lệ để “lần sau trẻ sẽ cư xử phù hợp” thì tác dụng của nó sẽ không khác gì lời khen suông. Trẻ cũng sẽ làm những việc khiến cha mẹ buộc phải nói cảm ơn, và sẽ có lúc cha mẹ thấy hối hận khi nhận ra nói cảm ơn vào thời điểm đó là điều không nên.

Những lúc nào ta thấy mình có giá trị và yêu chính mình? Đó là khi ta thấy mình có ích, dù trước đây ta luôn cho rằng mình vô dụng, không mang lại ích lợi gì. Khi thấy mình có giá trị, tự con trẻ sẽ yêu quý bản thân hơn. Để giúp trẻ suy nghĩ được như vậy, hãy nói với con những lời như “Cảm ơn!” hoặc “Có con giúp thật tốt quá!” để tạo cho trẻ cảm giác “có đóng góp” hay “có cống hiến”. Đứa trẻ học được rằng nó có thể đóng góp bằng cách giữ yên lặng, không lề mề chần chừ, không gây ồn ào, thì lần sau nó cũng sẽ tiếp tục giữ yên lặng và chờ đợi. Nếu trẻ hiểu được “mình có ích”, tin rằng “mình cũng có giá trị”, trở nên yêu quý chính mình, trẻ sẽ có can đảm giải quyết vấn đề chúng gặp phải.

*Trích từ cuốn sách NUÔI DẠY CON KHÔNG QUÁT MẮNG của nhà tâm lý học Kishimi Ichiro
Đặt sách tại:

https://s.shopee.vn/6V3LNFIPgv

menu
menu