Chìa khóa để đạt hiệu suất công việc cao? Đừng làm gì cả

chia-khoa-de-dat-hieu-suat-cong-viec-cao-dung-lam-gi-ca

Bộ não cần có thời gian nghỉ ngơi mà không làm bất cứ việc gì.

“Mọi việc thế nào rồi?”

Bạn có thường trả lời câu hỏi trên bằng cách nói những câu kiểu như: “Cực ổn, tôi đang rất bận rộn đây”. Trong câu trả lời trên thoáng ngầm ý rằng chúng ta đang ổn vì chúng ta đang cực kỳ bận rộn. Phải không? Nhưng nhiều nghiên cứu thú vị lại khẳng định điều ngược lại.

Chúng ta đều có những thời điểm mà năng lượng và năng suất lên đến mức cao nhất và xuống mức thấp nhất,  điều được nhà tâm lý học kiêm nhà nghiên cứu về giấc ngủ nổi tiếng Nathaniel Kleitman gọi là “nhịp điệu ultradian”. Việc chú ý tới những thời điểm chúng ta cực kỳ tỉnh táo và cảnh giác cũng như khi chúng ta cần để đầu óc nghỉ ngơi cho phép con người hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Theo chuyên gia về hiệu suất làm việc Tony Schwartz, “Khi chúng ta cần nghỉ ngơi, cơ thể gửi những tín hiệu cụ thể như sự bồn chồn, cảm giác đói, buồn ngủ và mất tập trung. Nhưng hầu hết chúng ta đều không quan tâm đến những điều đó.” Chu kì hiệu quả công việc và tính sáng tạo thường chỉ kéo dài từ 90-120 phút, do đó chúng ta  nên có sự phục hồi bằng cách nghỉ giải lao để lấy lại năng lượng và sự tập trung.

Nhà tâm lý học Anders Ericsson nhận thấy rằng những nghệ sĩ violin bậc thầy trung bình tập luyện không quá 90 phút rồi nghỉ giải lao và họ cũng không tập quá ba buổi một ngày. Khoa học đã chứng minh rằng việc cố tình duy trì sự bận rộn và cân bằng nó với sự tận tụy và thời gian nghỉ ngơi hợp lý – mà không phải cố gắng để đạt được bất cứ thành tích nào – đem lại nhiều năng lượng, sức sáng tạo, sự tập trung hơn cho cả ngày dài.

Để trở nên thành đạt trong cuộc sống cũng như trong công việc đòi hỏi mọi hoạt động phải đi đôi với nghỉ ngơi và phục hồi. Chúng ta thường bỏ qua hai điều này đối với sức khỏe trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Ở một thế giới công nghệ mà xã hội ai cũng thiên về hoạt động – nhất là tại nơi làm việc – quá dễ để trở nên “nghiện” sự bận rộn. Rất nhiều người trong số chúng ta không bao giờ thực sự trân trọng hay cho phép bản thân được trải nghiệm cảm giác “dùng thời gian chẳng để làm gì hết”.

Joe Kraus, một đối tác tại Google Ventures, cho biết, “Chúng ta đang hoàn toàn phát triển quá mức các phần của suy nghĩ nhanh, đầu óc hỗn loạn và để cho những dòng suy nghĩ đầy sáng tạo của mình tan biến dần đi vì đã không dùng đến chúng.”

Tin vui là gì?

Chúng ta có thể thay đổi nhịp điệu và thói quen làm việc bằng cách tập trung vào không chỉ hoạt động mà cả những thứ khác. Cụ thể như sau:

Nhận ra được nhịp điệu của bản thân

Tự đặt tốc độ cho riêng bạn

Hay nhận thức rõ được đỉnh và đáy nguồn năng lượng cũng như động lực làm việc trong suốt cả ngày, tuần, hay thậm chí là cả năm. Cho phép bản thân hoặc thậm chí là ưu tiên cho mình có được thời gian chẳng – làm – gì – cả.

Chúng ta thường nhầm lẫn việc cấp bách với việc quan trọng, nhưng làm việc với tốc độ và cường độ liên tục trong khoảng thời gian dài lại gây phản tác dụng. Tạo ra khoảng trống giữa những giờ làm việc căng thẳng giúp chúng ta có thể thực hiện công việc tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn và duy trì được sự sáng tạo.

Ưu tiên cho việc nghỉ ngơi và phục hồi

Chúng ta thường bỏ qua những giờ giải lao và để cho bao nhiêu công việc điều khiển. Hãy cảnh giác với thời gian biểu xem chừng quá bận rộn. Đừng lấp đầy mọi khoảnh khắc. Hãy chủ động xây dựng thời gian nghỉ và phục hồi sức khỏe. Những vận động viên thể thao xuất sắc nhất luôn làm điều này – vậy nên hãy áp dụng bài học từ thể thao vào công việc và cuộc sống.

Kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực

Cho phép bản thân được nghỉ ngơi và không làm gì hết có thể gây ra những suy nghĩ tiêu cực. Từ quan điểm tiến hóa, chúng ta chú ý nhiều hơn tới những điều tiêu cực hơn là tích cực, theo nhà tâm lý học kiêm nhà nghiên cứu Barbara Fredrickson. Do đó, hãy nhận thức được khuynh hướng và năng lực phán xét của bản thân để tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của bạn, nhờ vậy mà bạn có thể nhận ra khi nào mình đang ép bản thân quá mức.

Dành thời gian tĩnh tâm

Dành thời gian cho việc tự suy xét bản thân không chỉ tạo điều kiện cho sự phục hồi sức khỏe mà còn cho cả sự thấu hiểu chính mình. Có được một “sự rèn luyện trong tâm hồn”giúp trau dồi khả năng hiểu rõ giá trị và thưởng thức những trải nghiệm của riêng bạn. Tìm khoảng thời gian cho nội tâm thích hợp với mình và làm cho nó trở thành một nét đặc biệt – chứ không phải một ngoại lệ - trong nhịp điệu và thói quen sống cũng như làm việc của bạn.

Ảnh: scarlet_heath/Adobe Stock

Link bài viết: http://www.mindful.org/key-productivity-do-nothing/

Dịch giả: Cao Vân Anh - YBOX.VN  

menu
menu