Chúng ta có quan trọng không?

chung-ta-co-quan-trong-khong

Cuộc sống có ý thức là cội nguồn của mọi điều có ý nghĩa.

Chắc hẳn bạn đã từng nghe một bài nói chuyện, trong đó người diễn giả, với tất cả thiện chí, đưa ra những hình ảnh về các thiên hà xa xôi.

Vũ trụ bao la đến mức vượt xa khả năng hình dung của trí óc con người, với số lượng ngôi sao và hành tinh nhiều không đếm xuể. So với những cõi trời cao rộng ấy, Trái Đất của chúng ta chỉ như một hạt bụi nhỏ bé. Ngay cả Mặt Trời, ngôi sao gần nhất với ta, cũng không hẳn là quá đặc biệt. Chúng ta cũng không cư ngụ ở một vị trí “trung tâm” hay có gì nổi bật trong vũ trụ này. Nơi chúng ta đang tồn tại, thật ra, vô cùng bình thường và không hề đặc cách.

Vậy, từ tất cả những điều đó, ta nên nghĩ gì về vị trí của chính mình?

Hình ảnh sâu của Hubble về 10.000 thiên hà

Nguồn: NASA, ESA, và S. Beckwith (STScI) cùng nhóm HUDF

Khi hình ảnh về những thiên hà được trình chiếu, thông điệp ngầm gợi ra thường là: con người không thật sự quan trọng. Ngày xưa, tổ tiên chúng ta từng tin rằng loài người là đỉnh cao của tạo hóa – được Thượng đế đặt vào trung tâm vũ trụ, được yêu thương, chăm nom đặc biệt. Nhưng giờ đây, nhiều người cho rằng đó chỉ là một ảo tưởng kiêu hãnh.

Tôi cho rằng, sở dĩ người xưa nghĩ Trái Đất đứng yên và mọi thiên thể xoay quanh nó là bởi khả năng quan sát khi ấy còn hạn chế, chứ không hẳn là vì lòng tự phụ. Và cũng không dễ khẳng định rằng niềm tin vào Thượng đế là một biểu hiện của tự cao: vì tùy theo cách nhìn, niềm tin ấy còn bao hàm ý thức rằng con người đầy sai sót, còn Thượng đế thì hoàn hảo, một đối tượng đáng để tôn thờ. Theo cách đó, thuyết có Thượng đế có thể khiến ta khiêm nhường hơn cả việc tin vào một vũ trụ vô thần.

Nhưng tôi không định bàn sâu về những điều ấy. Điều tôi muốn chia sẻ là: ta nên rút ra kết luận gì từ việc ngày càng hiểu rõ hơn về vị trí của mình trong cõi vũ trụ?

Điểm đầu tiên cần lưu ý là: câu hỏi “con người có quan trọng không trong vũ trụ?” là một câu hỏi rất đặc biệt. Bởi thông thường, cảm giác “quan trọng” chỉ tồn tại khi có sự so sánh. Khi ta nói “cái gì đó không còn quan trọng như ta từng nghĩ”, ta đang ngầm nói rằng có điều gì khác quan trọng hơn.

Ví dụ, nếu bạn bảo “vật chất không quan trọng bằng người ta tưởng”, bạn đang hàm ý rằng có những thứ đáng quý hơn, có thể là tình bạn, tình yêu, hay sự sáng tạo. Khi bạn cho rằng địa vị xã hội hay nghề nghiệp của người yêu không quá quan trọng, tức là bạn coi trọng những giá trị khác hơn, có thể là sự thú vị, lòng chân thành, hay sự tử tế.

Nhưng nếu nhìn toàn vũ trụ, thì ngoài con người, chẳng có gì tranh giành được tầm quan trọng của các mối quan tâm nhân loại, ngoại trừ lợi ích của các loài vật khác cùng sống trên Trái Đất. Vậy, khi ta nói rằng “trong một vũ trụ rộng lớn như vậy, con người không quan trọng như ta tưởng”, thì điều đó thật ra có ý nghĩa gì?

Có thể, và rất có thể là chúng ta đã tự đặt mình lên quá cao so với các loài vật khác. Nhưng nếu chỉ để nói điều ấy, ta đâu cần đến hình ảnh của những thiên hà xa xôi. Các loài sinh vật khác cũng đang sống cùng ta, trên chính cái hành tinh “bé nhỏ và chẳng đáng kể” này kia mà.

Đôi khi, người ta cho rằng: con người chẳng quan trọng như mình tưởng vì vũ trụ vốn dĩ chẳng hề quan tâm đến số phận của chúng ta. Khi Trái Đất, ngôi nhà duy nhất mà ta từng biết, rồi sẽ biến mất cùng với loài người, vũ trụ sẽ không nhỏ lấy một giọt lệ.

Điều này đúng, nhưng vậy thì sao? Vũ trụ cũng đâu ưu ái hành tinh nào hơn hành tinh chúng ta. Vũ trụ, thực chất, không thể làm điều đó. Bởi nó không có khả năng quan tâm. Cho nên, khi nói “vũ trụ thờ ơ với loài người”, thật ra chỉ là một cách nói ẩn dụ, vì trên thực tế, nó không quan tâm, cũng chẳng thờ ơ.

Và nếu giả sử vũ trụ có thể quan tâm, nhưng lại “ưu tiên” một hành tinh to lớn không có sự sống, thì điều đó không chứng minh rằng chúng ta kém giá trị, mà chỉ cho thấy: ưu tiên của vũ trụ mới là điều có vấn đề.

Có lẽ, nói về “góc nhìn của vũ trụ” cũng chỉ là một lối ẩn dụ. Có thể điều người ta thật sự muốn nói là: “Chúng ta không quan trọng như ta vẫn tưởng, theo một cách nhìn khách quan.” Nếu vũ trụ mà ưu ái một hành tinh to lớn nhưng không hề có sự sống, thì điều đó cũng là một sai lệch, nhưng thực tế, vũ trụ chẳng làm điều gì như thế. Còn chúng ta, chúng ta mới là những kẻ dễ lầm tưởng, nếu nhìn bằng con mắt công tâm. Ta thích nghĩ rằng mình quan trọng hơn rất nhiều so với thực tế.

Nhưng liệu có đúng vậy không? Có thể, một người nào đó có thể đánh giá quá cao vai trò của mình trong mắt gia đình, đồng nghiệp, hay nhân loại. Và với tư cách một loài, có thể chúng ta cũng quá đề cao quyền lợi và vị thế của mình so với các sinh vật không phải con người.
Nhưng thật khó để cho rằng toàn bộ hành tinh này, với mọi sự sống đang tồn tại trên nó, lại “ít quan trọng hơn ta từng nghĩ”. Thật ra, câu khẳng định ấy nghe không rõ ràng về mặt ý nghĩa: “ít quan trọng hơn”, so với cái gì? Và trong ánh sáng của ai?

Bởi vì, cuộc sống có ý thức chính là nguồn gốc của mọi giá trị. Cho đến hiện tại, chúng ta chưa biết đến sự sống có ý thức nào khác ngoài Trái Đất. Vì thế, không có một nơi nào khác trong toàn bộ không-thời gian của vũ trụ mang ý nghĩa hay giá trị đặc biệt nào cả.

Vào bất kỳ thời điểm nào, trong vũ trụ đều đang xảy ra những vụ nổ khổng lồ; những ngôi sao mới được sinh ra – nhiều ngôi sao còn to hơn cả Mặt Trời của ta. Nhưng tất cả những điều ấy, suy cho cùng, chẳng tạo nên sự khác biệt cho ai cả – ngoại trừ con người. Vũ trụ giống như một chuỗi hiệu ứng hình ảnh trong một bộ phim không có cốt truyện, không có khán giả – cứ tiếp diễn trong hàng tỉ năm.

Sự thật phi thường nhất mà ta biết về vũ trụ này không nằm ở kích thước hay số lượng thiên thể, mà là: chúng ta đang ở đây, cùng với bao loài động vật khác.

Tất nhiên, không ai phủ nhận rằng hình ảnh các thiên hà giúp ta “nhìn xa hơn” và đặt mọi thứ vào một cái nhìn rộng lớn. Tôi, chẳng hạn, có treo một bức ảnh chụp sâu của kính viễn vọng Hubble trong phòng khách, thay cho một bức tranh nghệ thuật. Tôi yêu vẻ đẹp của nó, dù vẻ đẹp ấy phần nào là nhờ vào sự tô màu nhân tạo. Nhưng điều tôi quý hơn là cái cảm giác khi được nhắc nhở rằng: mọi thứ từng quan trọng… đều sẽ có lúc mất đi.

Góc nhìn bao quát ấy không hẳn là liều thuốc cho sự kiêu hãnh, mà là liều thuốc cho những nỗi lo lắng nội tâm. Dù đáng buồn, rằng những bức tranh, vở kịch, hay bản giao hưởng rồi cũng sẽ rơi vào quên lãng, thì ta cũng có thể nhẹ lòng rằng mọi nỗi đau… cũng sẽ biến mất. Không ai có thể làm hay chịu đựng điều gì đó “tồi tệ đến vô tận”. Người bị ném đá đến chết ở thời Trung cổ, dù chuyện có xảy ra hay không, cũng đã mất từ bao thế kỷ, và dẫu số phận họ có khác đi, thì hôm nay họ vẫn lặng lẽ như thế, và cũng chẳng ai nhớ đến.

Điều đó rồi cũng sẽ đúng với tất cả chúng ta, mà đúng hơn thế nữa, bởi cái hư vô mà sự biến mất của Trái Đất sẽ cuốn chúng ta vào, sẽ còn sâu và tuyệt đối hơn cả cái chết của một con người trong khi vẫn còn những con người khác sống sót để nhớ đến họ.

Vâng, sẽ đến một ngày hành tinh này biến mất. Và mọi điều từng khiến chúng ta cảm thấy quan trọng, từng mang lại ý nghĩa, cũng sẽ tan vào cát bụi. Nhưng từ đó mà kết luận rằng Trái Đất và loài người, kém quan trọng hơn ta tưởng, thì là một sai lầm.

Bởi nếu cuộc sống có ý thức là cội nguồn của mọi điều có ý nghĩa, thì trừ khi ngoài kia có những sinh vật thông minh đang tồn tại, hoặc chúng ta học được cách tạo nên sự sống ở nơi khác, thì không có một chốn nào khác trong vũ trụ này, bây giờ hay mãi mãi về sau, có thể mang một ý nghĩa đích thực. Không với vũ trụ, không theo cái gọi là “khách quan”, và không theo bất kỳ cách nào khác. Và nếu một ngày nào đó, ta chuyển đến sống trên một hành tinh khác, thì hành tinh ấy sẽ chỉ trở nên quan trọng, vì có chúng ta.

Một khi hành tinh này cùng với mọi sự sống trên nó biến mất, những vụ nổ vũ trụ vĩ đại vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng rồi, tất cả những điều đó… sẽ chẳng còn tạo nên sự khác biệt cho bất kỳ ai. Từ khoảnh khắc ấy trở đi, có lẽ là mãi mãi, sẽ không còn gì thực sự quan trọng nữa.

Nguồn: Do We Matter? | Psychology Today

menu
menu