Cô độc có phải là trạng thái bình thường của đời người không?

co-doc-co-phai-la-trang-thai-binh-thuong-cua-doi-nguoi-khong

Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên ta cần phải làm rõ thế nào gọi là “cô độc”.

Tác giả: Chuyên gia tâm lý cấp độ 2

Để trả lời cho câu hỏi này, trước tiên ta cần phải làm rõ thế nào gọi là “cô độc”. Trong “Đại từ điển Hán ngữ”, định nghĩa của cô độc là: một mình, cô đơn. Thế nhưng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, cô đơn và cô độc đem đến cho người ta cảm giác khác hẳn nhau.

Theo tôi thấy:

  • Cô đơn, là “một mình” khách quan – thực tại khách quan.
  • Cô độc, là “một mình” chủ quan – phản ứng chủ quan.

Theo logic này, kết hợp với định nghĩa tâm lý trong tâm lí học – “phản ứng của não bộ đối với thực tế khách quan”, chúng ta có thể kết luận: một người cô độc không nhất thiết là cô đơn, nhưng một người cô đơn sẽ có nhiều khả năng cảm thấy cô độc.

Vậy thì cô độc là gì?

“Chân trời góc bể nơi nào có tri âm?”

“Một con cá voi xám không thể giao tiếp được với đồng loại?”

“Nhìn danh bạ dài nhưng không biết nói chuyện cùng ai?”

Đúng vậy, tất cả những điều trên đều là cô độc.

Một trong những cách lý giải yêu thích nhất của tôi về sự cô độc, là một câu của nhà tâm lý học người Thụy Điển Carl Jung, người sáng lập trường phái Tâm lý học phân tích:

“Loneliness does not come from having no people about one, but from being unable to communicate the things that seem important to oneself, or from holding certain views which others find inadmissible.”

“Cô đơn không đến từ việc không có người xung quanh, mà là bởi không thể bộc bạch những điều quan trọng về bản thân, hoặc do giữ kín một số quan điểm mà người khác cho là không thể chấp nhận được.”

I. CÔ ĐỘC LÀ TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG CỦA CUỘC SỐNG

Bây giờ, trở lại trả lời cho câu hỏi, cô độc có phải là trạng thái bình thường của cuộc sống? Câu trả lời của tôi là, đúng vậy, cô độc chính là trạng thái bình thường của cuộc sống. Sau đây, chúng ta sẽ sử dụng các lý thuyết và tư tưởng tâm lý để chứng minh điều đó từ hai khía cạnh.

1. GIAO TIẾP KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG “HOÀN HẢO”

“Tại một thời điểm nhất định, đại não của tôi có thể sản sinh ra một ngàn ý nghĩ cùng lúc, thế nhưng chỉ có khoảng một trăm trong số một ngàn ý nghĩ đó được phát hiện bởi ý thức của tôi, và có thể chỉ có khoảng mười ý nghĩa trong số một trăm này được nói thành lời. Trong mười lời có thể nói ra này, có thể chỉ có một lời người khác hiểu được, cũng có thể là chẳng lời nào.”

Điều này có nghĩa là nếu bạn không có kỹ năng diễn đạt và vốn ngôn ngữ tốt, bạn sẽ khó chia sẻ những cảm xúc quan trọng nhất của mình với người khác trong quá trình tương tác thực tế giữa các cá nhân. Ngoài ra, những cảm xúc và tình cảm quan trọng nhất thường cực kỳ phức tạp và tinh tế, điều này dẫn đến khả năng chia sẻ thành công thấp hơn.

Vậy thì những lúc thế này, điều bạn cảm thấy chính là cô đơn sao? Bạn cảm thấy, trong số những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm được bạn phát hiện ra có bao nhiêu cái có thể được diễn đạt thành lời? Và người khác có thể hiểu được bao nhiêu? Đúng vậy, đây là cái cô độc mà Jung nói đến. Mặt khác, khi những cảm xúc bên trong của chúng ta đang được khơi dậy mạnh mẽ, điều đó thường dẫn đến việc biểu đạt chính xác cảm xúc của chúng ta vào lúc này sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, trong trường phái trị liệu dựa trên tinh thần hóa có câu: “Khi bạn khó bày tỏ bản thân nhất, lại thường lại là lúc bạn cần được bày tỏ nhất.

Do đó, cô độc, là điều rất dễ dàng xảy ra.

2. CÔ ĐỘC LÀ CHƯƠNG TRÌNH CƠ BẢN ĐƯỢC THIẾT LẬP CỦA MỖI CÁ NHÂN

Khi chúng ta được sinh ra, gen của chúng ta và một số thứ chúng ta phải trải qua từ nhỏ tới lớn sẽ có nhiều “chương trình cơ bản (đây cũng là một trong những đối tượng cốt lõi của nghiên cứu tâm lý)” được cài vào não bộ chúng ta.

Ví dụ, ảnh hưởng của mối quan hệ cộng sinh (quan hệ mẹ con).

Là con người, khi một sinh mệnh vừa chào đời, giữa mẹ và em bé đều có mối quan hệ cộng sinh. Mối quan hệ cộng sinh này đảm bảo sự tồn tại và phát triển của em bé, đồng thời cảm giác “hạnh phúc” khi được sống bên mẹ cũng lưu lại trong thâm tâm đứa trẻ. Nhưng trong quá trình cá thể trưởng thành, đứa trẻ dần lớn lên, bắt đầu thử những bước đầu của việc “tách ra” khỏi mẹ - khám phá thế giới bên ngoài. Trong quá trình khám phá thế giới bên ngoài, kinh nghiệm cộng sinh của đứa trẻ dần mất đi, nhưng điều thú vị chính là, tuy cuộc sống dần trở nên độc lập nhưng cuối cùng mong muốn cộng sinh lại vẫn tồn tại. Loại mong muốn duy trì mối quan hệ cộng sinh, và cảm giác không thể trở lại mối quan hệ cộng sinh một lần nữa, đã trở thành chương trình cơ bản được thiết lập của mỗi chúng ta. (Quan điểm của Phân tâm học)

Vậy thì cảm giác này được gọi là gì? Làm thế nào để mô tả được cảm giác này? Nhân loại đã phát minh ra một từ vựng tuyệt vời – cô độc.

Nếu cô độc đã là một trạng thái bình thường của cuộc sống, vậy chúng ta có thể làm được gì?

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI SỰ CÔ ĐỘC

1. HÃY THỬ DỰA DẪM/PHỤ THUỘC

Nhiều người sẽ sợ “dựa dẫm”, thậm chí nhất quyết không cho phép mình nương tựa vào bất kỳ người nào, bởi vị họ sợ về việc “bị bỏ rơi” sau khi lệ thuộc vào ai đó. Nhưng trên thực tế, bản thân việc phụ thuộc không có vấn đề gì cả, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sợ hãi việc “bị bỏ rơi”. Trái lại việc dựa dẫm/phụ thuộc có những lợi ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Đầu tiên và quan trọng nhất, khi chúng ta dựa vào một người nào đó, chúng ta có thể trải nghiệm tiềm thức cảm giác cộng sinh giữa mẹ và con trong thời thơ ấu. Bởi vì hình thức và bản chất của mối quan hệ tình cảm rất giống trạng thái giữa mẹ và con.

Vì thế, hãy thử dựa dẫm vào người nào đó một chút.

Dù bạn cho rằng việc dựa vào người khác không tốt đến mức nào, dù bạn có hàng tá lý do để không đi dựa dẫm, nhưng bạn có thể phủ nhận được rằng, khi có ai đó mà có thể dựa vào, cảm giác đó thật sự rất tuyệt không? Tất nhiên, trước khi dựa vào một ai đó, bạn phải hoàn thiện bản thân, nếu không sự dựa dẫm của bạn có thể là một phiền toái với người kia. Những gì chúng ta nên có là ta có thể dựa vào ai đó khi ta cần, theo cách không gây rắc rối cho người kia, và khi ta không còn dựa vào họ nữa, ta vẫn có thể sống tốt một mình.

2. CHỦ ĐỘNG CÔ ĐỘC

Cảm giác cô độc, nhiều lúc là chúng ta phải chịu đựng một cách bị động. Khi sự cô độc ập đến, đương sự thường khó đối phó. Vì vậy, lúc này việc chủ động chọn ở một mình và trải qua cảm giác “cô độc” sẽ giúp chúng ta đối phó với cô độc rất tốt. Việc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình hòa hợp với bản thân là một điều khó có thể một lời diễn đạt hết, vì thế mỗi người cần phải tự mình dần dần khám phá.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm, nếu bạn thường xuyên ở một mình và dường như đã quen với việc cô độc, vậy tôi khuyên bạn nên xây dựng mối quan hệ có thể hỗ trợ lẫn nhau của riêng bạn và cố gắng dành ít thời gian hơn ở một mình hơn. Bởi vì Phân tâm học nhận định, đa số những người chủ động tìm kiếm sự cô độc, rất có khả năng đó là biểu hiện của sự tức giận, nhưng đó lại là trạng thái hướng sự tức giận về phía bản thân, có thể hiểu là “sự tự trừng phạt” (ở mặt tiềm thức).

3. CHUYỂN HƯỚNG SỰ CHÚ Ý

Những gợi ý sau không hẳn là những gợi ý đơn giản, các bạn có thể có những cách khác, bản thân những việc này cũng không có ích trong việc ứng phó với sự cô độc.

- Chăm chỉ làm việc: Thử tìm một số công việc hoặc sở thích có thể phản ánh giá trị bản thân. Trong quá trình này, việc đạt được cảm giác hoàn thành hoặc một thành quả nhất định sẽ giúp ích rất nhiều cho trạng thái thể chất và tinh thần tổng thể của mỗi cá nhân.

- Yêu thương: Học cách yêu bản thân, yêu người khác và tán thưởng ai đó thật lòng. Trong quá trình này, bạn cũng tìm ra cách để đồng hành và yêu thương bản thân.

Những ai hiểu biết về tâm lý học chắc cũng đoán được tại sao tôi lại đề cập đến hai gợi ý cụ thể này. Freud nói: "Những người khỏe mạnh về tinh thần luôn làm việc chăm chỉ và yêu thương người khác. Chỉ cần họ làm được hai việc này thì không gặp khó khăn gì trong những việc khác".

Cuối cùng,

Cô độc là điều mà ai cũng sẽ trải qua trong cuộc đời của mình, và nó cũng là điều mà không ai là không phải đối mặt. Nhiều lúc, cô độc giống như một cái bóng đen rất lớn phủ lên mỗi chúng ta. Nhưng có một câu nói “Nếu trước mặt bạn là những bóng đen vô tận, thì sau lưng bạn nhất định phải có những tia nắng chói chang”.

Vì vậy, nếu bạn luôn cảm thấy cô độc, bạn cũng có thể thay đổi quan điểm của mình.

_____

Nguồn: https://www.zhihu.com/question/26575446/answer/1311503147

Ảnh: Chú cá voi 52Hz

Đọc thêm bài viết về chú cá voi 52Hz ở đây: https://www.facebook.com/photo/?fbid=268831249115273&set=a.263232286341836

Dịch bởi: Trang Thu Trang 

menu
menu