Có phải tôi đang cô đơn hơn là lo lắng?

Chúng ta không lạ gì với cảm giác lo lắng. Dường như luôn có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra.
Chúng ta không lạ gì với cảm giác lo lắng. Dường như luôn có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Ta lo sợ rằng mình có quá nhiều kẻ thù. Quá khứ chất đầy những chuyện có thể quay lại ám ảnh ta bất cứ lúc nào. Có lẽ ai đó, sau bao năm im lặng, bỗng nhận ra ta từng nói điều gì đó xúc phạm họ hai mươi năm trước—và giờ họ sẽ tìm cách trả thù. Có lẽ tuần trước ta đã vô ý nói chuyện không đúng mực với một đồng nghiệp, và giờ hình phạt đang chờ sẵn. Có lẽ ta đã chạy quá tốc độ và bị camera ghi lại. Có thể thận ta đang suy yếu, tâm trí ta đang dần rệu rã. Hoặc rộng hơn nữa, nền văn minh này đang trên bờ vực sụp đổ.
Hotel Window, Edward Hopper, 1955
Ta có thể đang trằn trọc trong đêm, một buổi tối Chủ nhật. Mai mới phải đi làm, nhưng hôm qua đến giờ ta chưa gặp ai cả. Dường như không thể gọi cho ai vào lúc này, vì họ đang bận quây quần bên gia đình, hoặc đang vui vẻ tại một bữa tiệc nào đó.
Và đây là lúc ta nên tự hỏi một câu nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đáng để suy ngẫm:
Liệu tận sâu trong lòng, tôi có đang cô đơn hơn là lo lắng không?
Câu hỏi này dựa trên một giả thuyết về tâm lý: ta thà chịu đựng nỗi sợ bị truy đuổi còn hơn là cảm giác bị lãng quên. Ta có thể đã quen với việc dùng nỗi hoảng loạn như một người bạn đồng hành. Ý nghĩ rằng điều gì đó kinh khủng sắp xảy ra có thể khiến ta khổ sở, nhưng ít nhất, nó cũng cho ta cảm giác rằng có người—thậm chí là rất nhiều người—đang nghĩ đến ta. Ta có thể không có bạn, nhưng ta có một thứ khác tương tự: một đám đông kẻ thù lúc nào cũng chú ý đến ta. Thà bị săn đuổi còn hơn bị bỏ rơi. Thà nghe tiếng còi hú inh ỏi còn hơn là sự tĩnh lặng đến rợn người.
Ta cũng có thể, vô thức, đã tìm ra một lời giải thích cho sự cô độc của mình: Tại sao tôi bị bỏ lại một mình? Vì tôi đã làm gì đó sai. Vì tôi đáng bị như vậy. Vì tôi là một người tệ hại.
Cách suy nghĩ này có thể bắt nguồn từ rất lâu trước đây. Có thể ta đã thiếu vắng sự ấm áp và quan tâm ngay từ thuở nhỏ, và theo thời gian, ta dần học cách khỏa lấp sự cô lập của mình bằng những nỗi lo sợ. Một đứa trẻ bị bỏ rơi lớn lên thành một người trưởng thành luôn tràn đầy bất an.
Để thay đổi cách tư duy này, ta cần học cách quan sát chính mình vào những lúc hoảng loạn trỗi dậy:
Lần cuối cùng tôi trò chuyện với một ai đó thật lòng là khi nào?
Tôi đã ở một mình bao lâu rồi?
Những mối quan hệ xung quanh tôi có thực sự gắn kết không?
Có lẽ ta đã rơi vào một trạng thái cô lập mà chính mình cũng không nhận ra.
Lúc ấy, ta cần học cách tin vào cảm giác của mình ít đi một chút. Nỗi bất an có thể cố gắng thuyết phục ta rằng tai họa đang đến gần, nhưng sự thật có lẽ đơn giản hơn nhiều: ta đang khát khao một người bạn thực sự.
Hãy ngồi xuống với chính mình, như cách ta sẽ làm với một người ta yêu quý. Hãy dịu dàng hơn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng:
Ta không phải là một con người tệ hại.
Ta chỉ chưa giỏi trong việc xây dựng và duy trì những kết nối thân mật—vì những lý do bắt nguồn từ quá khứ xa xôi.
Và ta cần giữ lấy một điều, dù ban đầu nó chỉ như một ý tưởng xa vời, chứ chưa phải một sự thật hiển nhiên: Ta không làm gì sai cả. Chẳng có tai họa nào sắp ập đến. Chỉ là, ở nơi sâu thẳm bên trong, ta đang rất cô đơn. Và có lẽ, thứ ta cần nhất ngay lúc này chỉ đơn giản là một cái ôm thật chặt.
Nguồn: MIGHT I BE FEELING LONELY RATHER THAN WORRIED? | The School Of Life