Cuốn sổ tay hướng dẫn về chính mình

cuon-so-tay-huong-dan-ve-chinh-minh

Có một lĩnh vực mà ta hiếm khi có một cuốn hướng dẫn để đọc—đó là con người, và cách mà họ vận hành.

Hầu hết những cỗ máy phức tạp đều đi kèm với một cuốn sổ tay hướng dẫn. Đó là bản chỉ dẫn giúp ta hiểu cách vận hành của một công nghệ xa lạ, biết được điều gì có thể mong đợi từ nó, cách khai thác tối đa công năng, và quan trọng nhất—làm sao để giải mã những tín hiệu mà nó phát ra. Lý do thật đơn giản: chỉ khi ta chịu khó tìm hiểu một cách có hệ thống và kiên nhẫn, ta mới có thể sử dụng cỗ máy ấy một cách trơn tru, thay vì giận dữ đập phá vì không biết cách xoay xở.

Thế nhưng, có một lĩnh vực mà ta hiếm khi có một cuốn hướng dẫn để đọc—đó là con người, và cách mà họ vận hành.

Và chính điều này đã đẩy chúng ta vào vô vàn rắc rối. Ta bước vào các mối quan hệ mà chẳng hề biết trước rằng người kia có những “chức năng đặc biệt” gì—và ngược lại, họ cũng chẳng có manh mối nào về ta. Ta ngây thơ cho rằng chỉ cần ở bên nhau, ta sẽ tự nhiên học được cách vận hành nhau, như thể điều khiển một con người là một kỹ năng có thể tự phát sinh trong quá trình chung sống. Nhưng thực tế, có khi ta mất hàng chục năm mà vẫn chẳng thể hiểu được những điều căn bản nhất.

Con người—những cỗ máy mang linh hồn—thường vận hành theo những cách rất kỳ lạ. Chẳng hạn, họ không hề thông báo rõ ràng rằng một biến cố trong tuổi thơ đã khiến họ có xu hướng cáu gắt ở sân bay, nghi ngờ những người có quyền thế, hay trốn tránh trách nhiệm tài chính. Ta chỉ có thể lần tìm nguyên nhân từ những hành vi bên ngoài mà không hề có bất kỳ gợi ý nào từ chính “cỗ máy” đó.

Đôi khi, tín hiệu mà họ phát ra lại hoàn toàn gây bối rối. Câu nói "Cút đi, tôi không muốn thấy anh nữa" thực chất có thể mang ý nghĩa "Tôi sợ rằng anh không cần tôi, nên tôi muốn ra tay trước để trả thù nỗi đau ấy". Một lời dặn dò đơn giản như "Dọn dẹp quần áo và rửa bát giùm em" có thể chẳng liên quan gì đến sự ngăn nắp, mà thực chất là một nỗ lực kiểm soát trong vô thức, bởi họ đang cảm thấy xa cách về mặt cảm xúc.

Ta có thể tiết kiệm biết bao nhiêu thời gian nếu ngay từ đầu, ta có thể trao cho nhau một cuốn sổ tay hướng dẫn. Nếu ta có thể thẳng thắn nói rằng:
"Khi tổn thương, tôi sẽ trở nên lạnh lùng."
"Tôi có xu hướng phục tùng quá mức, rồi sau đó lại sinh ra oán giận."
"Tôi dễ trở nên tàn nhẫn nhất vào chính những lúc tôi yếu đuối nhất."
"Tôi hay nói về những người yêu tiềm năng khác, không phải vì tôi không chung thủy, mà vì tôi sợ rằng anh không còn thấy tôi hấp dẫn."

Nhưng thay vì chia sẻ một cách chủ động và chân thành, những "tính năng" khó chịu ấy chỉ bị phát hiện trong lúc cãi vã, trong những khoảnh khắc mà ta đã vô tình làm tổn thương người kia. Và khi một hành vi đã gây ra nỗi đau, người còn lại sẽ không thể nhìn nó bằng con mắt bao dung nữa—dù rằng phần lớn những phản ứng khó chịu trong tình yêu đều bắt nguồn từ những góc khuất đáng thương trong tâm hồn.

Thực ra, ta không cần một người yêu hoàn hảo. Điều ta cần chỉ là một người biết nhìn nhận những thiếu sót của mình, biết hướng dẫn ta cách đối diện với chúng khi không có xung đột, và biết nói lời xin lỗi đúng lúc trước khi những tổn thương đi quá xa.

Và nếu có một món quà nào đó thực sự xa xỉ, thực sự tràn đầy yêu thương mà một người có thể dành cho người kia, thì đó chính là một cuốn sổ tay hướng dẫn về tâm hồn họ—một tâm hồn có thể phức tạp, đôi khi khó hiểu, nhưng cuối cùng vẫn luôn đáng yêu theo một cách rất riêng. 

Nguồn: AN INSTRUCTION MANUAL TO ONESELF – The School Of Life

menu
menu