Đang vật vã vì thất tình? Bạn không đau như bạn tưởng đâu

dang-vat-va-vi-that-tinh-ban-khong-dau-nhu-ban-tuong-dau

Tưởng tượng về tương lai giàu có, tươi sáng sẽ làm bạn hạnh phúc? Nhầm, nhầm hết rồi!

Nếu đúng theo quan điểm của Daniel Gilbert - giáo sư khoa Tâm lý học tại trường Đại học Harvard, thì niềm tin rằng một chiếc xe mới có thể khiến bạn hạnh phúc là một niềm tin hoàn toàn sai lầm. 

Bạn sai khi tin rằng chừng nào bạn còn tưởng tượng về một căn bếp mới thì chừng ấy bạn vẫn thấy hạnh phúc. Bạn sai khi bạn nghĩ rằng một trở ngại lớn tạm thời (như khi bị gãy cổ tay hay thất tình) thì sẽ khiến bạn đau khổ hơn là một trở ngại lâu dài nhưng qui mô nhỏ hơn (như bị trật khớp, hoặc hôn nhân lục đục).

Bạn sai khi cho rằng thất bại trong công việc sẽ rất nhục nhã ê chề. Bạn sai nếu nghĩ rằng sự ra đi mãi mãi của một thành viên trong gia đình sẽ khiến bạn thấy mất mát trong suốt quãng đời còn lại. Và bạn thậm chí cũng sai luôn khi nghĩ rằng chiếc bánh mì kẹp pho mát bạn gọi trong nhà hàng - trong tuần này, tuần tới, một năm tới, thời gian không thành vấn đề – chắc chắn sẽ ngon nghẻ.

Nguyên nhân của tất cả những điều này là khi bạn đoán chắc những chuyện của tương lai thì hầu như bạn sẽ đoán toàn sai.

Gilbert thích nói với mọi người rằng mình đang nghiên cứu về Hạnh Phúc. Chính xác hơn thì phải nói rằng, ông cùng với ba người khác đó là nhà tâm lý học Tim Wilson đến từ Trường Đại học Virginia, nhà kinh tế học George Loewenstein của Đại học Carnegie Mellon, và cuối cùng là nhà tâm lý học từng đoạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman từ Đại học Princeton – đã và đang đi đầu trong việc nghiên cứu mô hình dự đoán cảm xúc và hành vi con người.

Trong vài năm qua, bốn người đã bắt đầu đặt câu hỏi về quá trình ra quyết định tác động đến cảm giác hạnh phúc: Làm sao có thể đoán định được một việc bất kỳ nào đó sẽ khiến ta hạnh phúc hay đau khổ - Và thực sự thì ta sẽ cảm thấy như thế nào sau khi trải qua việc đó? Thí dụ, thử dự đoán về phản ứng của bạn về trận đấu, và sau đó xem cảm xúc thực sự của bạn khi trận đấu kết thúc như thế nào. Hay chúng ta đoán rằng chúng ta sẽ cảm thấy ra sao khi mua trang sức mới, có con, tậu nhà và trở nên giàu có - và đến khi ta thực sự làm được những điều ấy thì sao? Một phần của nghiên cứu này đã chỉ ra gần như tất cả các hành động (như việc đưa ra quyết định mua đồ trang sức, có con, mua một ngôi nhà lớn hoặc làm việc đến kiệt sức để nhận số tiền lương béo bở hơn) đều dựa trên các dự đoán về hệ quả cảm xúc của những hành động này. 

Cho đến gần đây, đây vẫn còn là một lĩnh vực bỏ ngỏ. Làm thế nào con người dự đoán được cảm xúc của chính mình, và liệu những dự đoán đó có đúng với những cảm xúc thực sự ở tương lai không chưa bao giờ được đưa vào nghiên cứu. Trong khuôn khổ thử nghiệm, Gilbert, Wilson, Kahneman and Loewenstein đã thực hiện hàng loạt các quan sát và kết luận loại bỏ một số giả định cơ bản. Sự thực là, con người không bao giờ hiểu được điều họ muốn, không biết làm thế nào để cải thiện tình trạng bản thân, và hoàn toàn mù tịt về cách tối đa hóa lợi ích. 

Hơn thế, công trình nghiên cứu của họ dấy lên một số câu hỏi đáng quan ngại và có phần riêng tư hơn. Muốn tìm hiểu về “Dự báo cảm xúc”, như Gilbert đã gọi những nghiên cứu này, bạn phải tự hỏi rằng liệu có phải tất cả những gì bạn từng nghĩ về các quyết định trong đời hay về hạnh phúc có ngây thơ nhất và sai lầm nhất không.

Gilbert và đồng sự của mình đã khám phá một vấn đề là chúng ta không ổn định khi tưởng tượng mình sẽ cảm nhận như thế nào ở thì tương lai. Đó không phải là sai lầm lớn nhất.

Chúng ta đánh giá quá cao tác động của cảm xúc tới các sự kiện trong tương lai, về khoảng thời gian và cường độ. Nói cách khác, chúng ta tin rằng chiếc xe BMW mới sẽ làm cho cuộc sống hoàn hảo hơn. Nhưng khi chuyện đó thực sự diễn ra thì niềm vui ngắn chẳng tày gang và cũng không hạnh phúc như tưởng tượng.

Phần lớn những người tham gia thử nghiệm của Gilbert qua nhiều năm trước sau vẫn mắc sai lầm kể cả trong phòng thí nghiệm lẫn trong cuộc sống. Và mặc dù cho họ đã đang cố gắng dự đoán tương lai họ cảm thấy như thế nào về một đĩa mì Spaghetii với nước sốt thịt, sự thất bại của một ứng cử viên hay tình trạng sợ yêu thì họ cũng không dự đoán được như ý.

Gilbert và cộng sự Tim Wilson gọi khoảng cách giữa điều chúng ta dự đoán và những gì chúng ta trải nghiệm cuối cùng là thiên kiến tác động – chúng ta có thiên kiến về những tác động của cảm xúc (về cường độ và thời gian ảnh hưởng) lên chúng ta, và thường thiên kiến đó là sai lầm. Cụm từ này không chỉ đúng trong trường hợp của chiếc BMW, mà với bất cứ thứ gì có thể tạo cho bạn cảm giác hạnh phúc.  

 Những sai lầm trong kỳ vọng có thể dẫn đến những sai lầm khi lựa chọn điều mà ta nghĩ có thể đem lại cho ta hạnh phúc 

Gilbert giải thích: ‘Một người bình thường sẽ nói, ‘Tôi biết mình sẽ hạnh phúc vì một chiếc xe hơi của Porsche hơn xe của Chevy,’ hoặc trở thành bác sĩ thì vui hơn làm việc của một thợ sửa ống nước.’ Điều đó rõ như ban ngày. Vấn đề là, tôi không thể vào học trường y hoặc đủ khả năng mua Porsche. Bởi vậy với một người bình thường, việc không thể có được chính xác cái tương lai mà ta mong muốn chính là điều ngăn cản ta có được hạnh phúc. Nhưng những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vấn đề thực sự là trong tất cả những tương lai đó, tương lai nào có thể đền đáp bạn xứng đáng nhất và đem lại cho bạn sự thỏa mãn cao nhất 

 Không phải lúc nào bạn cũng có được điều mình muốn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ không phải lúc nào bạn cũng biết mình muốn gì.

Có phải con người thậm chí không biết điều gì làm họ cảm thấy hạnh phúc? Và nếu giờ ta khó có thể tìm ra chìa khóa để hạnh phúc, làm thế nào chúng ta có thể đoán được điều khiến ta hạnh phúc trong tương lai?

Gilbert đã thực hiện một thí nghiệm trong lớp nhiếp ảnh tại Harvard, ông đã cho các sinh viên chọn hai bức ảnh họ thích nhất trong số ảnh đã chụp rồi đưa lại một bức cho ông. Một vài sinh viên nói họ đã chọn chắc như đinh đóng cột, một số khác lại nói họ sẽ đổi lại ảnh sau một vài ngày. Hóa ra, những người có thời gian để thay đổi tâm trí ít hài lòng với quyết định của mình hơn so với những người lựa chọn dứt khoát.

Phần lớn các nghiên cứu của Gilbert đi theo hướng này. Một nghiên cứu khác gần đây khảo sát liệu hành khách quá cảnh tại Boston suýt trễ tàu có tự đổ lỗi cho mình như họ tưởng rằng họ sẽ cảm thấy vậy không (Câu trả lời là Không). Một báo cáo sắp được công bố nghiên cứu tại sao chúng ta hi vọng một vấn đề lớn sẽ thu bé đúng bằng một mối ưu sầu nhỏ xíu. “Khi những điều thực sự tồi tệ xảy ra với chúng ta, chúng ta sẽ phản kháng chúng,” Gilbert giải thích. “Con người, dĩ nhiên, dự đoán hoàn toàn trái ngược. Nếu bạn hỏi, ‘Nếu phải chọn giữa bị gãy chân hoặc bị trật khớp thì bạn sẽ chọn cái nào?’, họ có thể nói, ‘bị trật khớp’. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là tích lũy hạnh phúc tối đa trong suốt cuộc đời, bạn vừa lựa chọn sai. Bị trật khớp là một điều tồi tệ.''

Tất cả của những nghiên cứu tạo nên mối liên kết giữa việc dự đoán, ra quyết định và sự hạnh phúc. Thí nghiệm bức ảnh của các sinh viên Harvard mâu thuẫn với nhận định phổ biến là chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi được tự do thay đổi ý định trong khi thực tế quyết định dứt khoát mới làm ta hạnh phúc hơn. Còn thí nghiệm hành khách quá cảnh cho thấy rằng chúng ta có xu hướng sai lầm khi dự đoán mình sẽ tiếc những cơ hội bị bỏ lỡ.

Thí nghiệm việc nào tệ hơn cho thấy sự thất bại khi tưởng tượng những kích thích nghiêm trọng hủy hoại tâm trạng ta như thế nào. Cảm giác phòng bị biến thành hành động khi ta đối mặt với một vụ li hôn hoặc một căn bệnh nhưng không áp dụng với những vấn đề không nghiêm trọng bằng. Chúng ta sửa cái mái nhà dột, nhưng về lâu về dài, cánh cửa ra vào bị vỡ không được sửa chữa sẽ làm căn nhà hư hại nặng nề hơn.

Gilbert không tin rằng tất cả các dự báo sai lầm đều dẫn đến kết quả tương tự nhau; cái chết của một thành viên trong gia đình; một thành viên mới của phòng tập gym và một người chồng mới là những yếu tố không giống nhau, nhưng lại tác động đến niềm hạnh phúc của ta theo cùng một cách.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ đơn giản nói lên rằng cho dù một điều gì đó có tác động hay không tác động đến bạn thì tác động đó cũng không lớn như bạn tưởng. Những điều xảy ra với bạn hoặc khi bạn mua/sở hữu vật chất – bạn càng nghĩ chúng tạo ra sự khác biệt với bạn thì bạn đã sai trong một phạm trù nhất định. Không gì trong số chúng tạo nên sự khác biệt bạn nghĩ. Điều đó đúng với cả những điều tích cực và tiêu cực. 

Phần lớn nghiên cứu của Kahneman, Loewenstein, Gilbert và Wilson bắt nguồn từ khái niệm thích nghi. George Loewenstein tóm tắt khả năng này như sau: ''Hạnh phúc là một tín hiệu bộ não sử dụng để kích thích chúng ta làm những việc nhất định. Và tương tự như cách mắt thích nghi với cường độ ánh sáng khác nhau, chúng ta được hướng về điểm bắt đầu của hạnh phúc. Não không cố gắng để được hạnh phúc. Nó đang cố gắng để điều khiển ta.'' Trong khía cạnh này, xu hướng thích ứng cho thấy lý do tại sao các thiên kiến tác động là quá phổ biến. Như Tim Wilson cho biết: ''Chúng tôi không nhận ra ngay mình đã thích ứng với một sự kiện hay ho và biến nó thành một nền tảng của cuộc sống nhanh như thế nào. Khi có bất kỳ sự kiện xảy ra với chúng ta, chúng ta làm cho nó trở nên bình thường giống các sự kiện trước đó. Và vì quá trình đó, chúng ta đánh mất niềm vui của chính mình.”

Thật dễ dàng để bỏ qua yếu tố mới và thiết yếu trong câu chữ của Wilson. Không phải là chúng ta mất đi sự hứng thú với những gì nổi bật, chói sáng theo thời gian mà là con người thường không thể nhận ra rằng chúng ta đang thích nghi với hoàn cảnh mới và do đó không dung nhập được thực tế này vào các quyết định của mình. Vì vậy, chúng ta sẽ thích ứng với BMW và TV plasma vì chúng ta thích ứng với hầu hết mọi thứ. Nhưng Wilson và các đồng sự đã chỉ ra rằng chúng ta dường như không thể dự đoán rằng mình sẽ thích nghi. Vì vậy, khi mỗi người bớt hào hứng với một sự vật hiện tượng, chúng ta chuyển sang sự vật hoặc sự kiện nào đó tiếp theo và gần như chắc chắn lại đoán sai tiếp, và sai lầm nối tiếp vô số lần.

Gilbert đã chỉ ra sai lầm này cũng quan trọng khi nhắc đến các sự kiện tiêu cực như thất nghiệp hoặc chứng kiến cái chết của một người nào đó chúng ta yêu thương, ta tạo ra một tương lai đau buồn khôn nguôi để phản ứng lại. “Điều tôi quan tâm nhất và đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, là con người không nhận ra cơ chế phòng vệ tâm lí mạnh cỡ nào khi chúng được kích hoạt”

Gilbert nói: ''Chúng tôi đã sử dụng các phép ẩn dụ của "hệ thống miễn dịch tâm lý" - nó chỉ là một phép ẩn dụ, nhưng cái tên lại rất chuẩn cho hệ thống phòng vệ giúp bạn cảm thấy tốt hơn khi những sự kiện xấu xảy ra. Đã có nhiều nhà nghiên cứu biết đến sự tồn tại của cơ chế này. Nhưng đáng ngạc nhiên là mọi người dường như không nhận ra cơ chế phòng vệ đó và sự thật là cơ chế sẽ được kích hoạt bởi những sự kiện tiêu cực”. Khi một người bạn thân qua đời, Gilbert cho biết: “Tôi cũng nghĩ như mọi người, rằng tôi sẽ không thể nào vượt qua mất mát này và cuộc đời sẽ không còn gì đáng nói nữa. Nhưng vì có nghiên cứu của mình, trong đầu tôi luôn có một giọng nói cổ vũ: “Có, có mà, anh sẽ ổn thôi”. Tôi biết rằng giọng nói đó đúng.”

Tuy nhiên, tranh luận về việc chúng ta không định hình hoàn hảo những gì chúng ta muốn và chúng ta sẽ xử sự như thế nào là sai hướng. Một mặt, chúng ta có thể tiếc nuối khi đưa ra những quyết định trọng đại. Tại sao tôi lại cho là làm việc 100 giờ một tuần để kiếm được nhiều hơn sẽ làm cho tôi hạnh phúc? Tại sao tôi nghĩ nghỉ hưu đi nghỉ dưỡng sẽ làm tôi vui vẻ? Mặt khác, bạn có thể được giải thoát. Không nghi ngờ gì, một món đồ mới không làm tôi hạnh phúc như tôi tưởng. Dù như thế nào, dự đoán chuyện chúng ta sẽ cảm nhận như thế nào ở thì tương lai vẫn là một điều bí ẩn.

Một phần lớn của nghiên cứu cho thấy mức độ giàu có trên mức trung lưu ít tác động đến hạnh phúc của chúng ta. Con người thường khao khát một ngôi nhà rộng rãi, biệt lập (một yếu tố dễ thích ứng), trong khi, trên thực tế, nhà biệt lập có thể làm ta ít hạnh phúc hơn vì nó ngăn cách ta với hàng xóm láng giềng. (Tương tác xã hội và tình bạn đã được chứng minh là tạo nên niềm vui lâu dài). Loewenstein đã mua một ngôi nhà như vậy và rồi phàn nàn: “Tôi đã rơi vào cái bẫy mà lẽ ra tôi không bao giờ rơi vào.”

Trong thử nghiệm gần đây, Loewenstein cố gắng tìm hiểu mọi người có chấp nhận nhảy đơn trước mặt đám đông không. Nhiều người đồng ý làm như vậy vì được tiền rồi một tuần sau chối bay chối biến không lên sân khấu. Điều này nghe có vẻ giống như một trò hề, nhưng nó ám chỉ sự khác biệt cơ bản giữa cách chúng ta ứng xử trong trạng thái ''trái tim nóng'' (những khi lo âu, can đảm, sợ hãi, thèm thuốc, kích thích tình dục và đại loại như vậy) và trạng thái ''cái đầu tỉnh'', bình tĩnh có lý trí. Khoảng cách giữa suy nghĩ và hành vi – con người dường như không thể dự đoán chúng ta sẽ cư xử trong khi cảm xúc dao động khi chúng ta đang ở trong một trạng thái tỉnh táo - ảnh hưởng rất nhiều đến nhưng có phần không được nhất quán như ảnh hưởng của thiên kiến tác động. Loewenstein nói ''Vì vậy, nhiều thứ liên quan đến việc ra quyết định ảnh hưởng tới tương lai. Nếu việc ra quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những trạng thái tình cảm và tâm lý thoáng qua, thì chúng ta biết rằng mình đã không đưa ra quyết định tính đến những hậu quả trong tương lai.'' Điều này có thể đơn giản như một lời tỏ tình đến không đúng lúc, hoặc một cái gì đó tồi tệ hơn, như tự sát.

Cuộc điều tra đã khiến Loewenstein hợp tác với các chuyên gia y tế để tìm hiểu lý do tại sao mọi người chấp nhận quan hệ tình dục không an toàn trong khi họ sẽ không bao giờ làm như vậy khi lý trí tỉnh táo. Dữ liệu từ các cuộc khảo sát trong đó các tình nguyện viên được hỏi họ sẽ cư xử như thế nào trong các tình huống “trái tim nóng” - quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, hay vẫn tiếp tục khi bạn tình yêu cầu dừng lại – đều cho thấy những trạng thái hưng phấn khác nhau có thể khiến câu trả lời thay đổi đáng kể. ''Các loại trạng thái khác nhau có khả năng thay đổi chúng ta sâu sắc đến nỗi trong những trường hợp khác nhau, ta hành xử khác hẳn ta của lúc bình thường còn hơn là ta khác người khác.”

Sự tò mò về hai loại trạng thái này đến với Loewenstein khi ông gặp phải những tình huống cảm xúc chống đối lại đầu óc và dù đã cố gắng kìm chế cảm xúc thì ông vẫn mắc sai lầm. Một thế giới mà không có dự báo sai lầm sẽ tốt hơn chăng? Một cuộc sống không có dự báo sai lầm sẽ giàu sang hơn chăng? Trong số các học giả nghiên cứu dự báo cảm xúc, rất ít người nghi ngờ rằng những loại câu hỏi như thế rồi sẽ thoát khỏi sách vở và đi vào thực tế. Daniel Kahneman nói: ''Nếu mọi người không biết những gì sẽ làm cho họ tốt hơn hoặc mang đến cho họ niềm vui thì sẽ đáng nghi ngại khi bạn thuyết phục mọi người làm những việc có thể khiến họ hạnh phúc.''

Với Kahneman, dự báo cảm xúc có thể ảnh hưởng rất nhiều kế hoạch nghỉ hưu, ví dụ, dự đoán sai lầm khó có thể thay đổi được (tiền tiết kiệm được từng nào, chi tiêu bao nhiêu,…). Ông thấy dự báo cảm xúc có ích trong việc tính toán chi tiêu của người tiêu dùng, khi một khoảng thời gian giảm nhiệt sẽ giúp họ bớt tội lỗi. Quan trọng nhất, ông thấy dự đoán cảm xúc có thể áp dụng trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là về vấn đề thỏa thuận khi trị liệu. ''Chúng tôi xem xét những người có khả năng kí vào phiếu thỏa thuận trị liệu khi họ được biết những tác động phụ của quá trình điều trị. Nhưng mọi người có thể dự đoán họ và những người khác sẽ phản ứng như thế nào khi phẫu thuật thông ruột hoặc cắt bỏ các dây thanh quản của của họ? Các nghiên cứu về dự báo cảm xúc cho thấy con người khó thể dự đoán những phản ứng thích nghi từ những giai đoạn đầu.''

Loewenstein, cùng với cộng sự của ông, Tiến sĩ Peter Ubel, đã thực hiện rất nhiều công trình cho thấy không phải bệnh nhân mà là những người nhìn vào sẽ phóng đại nỗi bất hạnh khi mất đi một chi. Loewenstein nói nếu sử dụng dự báo cảm xúc để chứng minh rằng con người thích nghi với những khó khăn thể chất nghiêm trọng tốt hơn và sẽ hạnh phúc hơn họ tưởng tượng là không có căn cứ.

Tuy nhiên, có vài nhược điểm khi công bố nghiên cứu ra bên ngoài. Loewenstein nói với tôi là ông không thấy ai nghiên cứu về hạnh phúc và không theo khuynh hướng chính trị cánh tả ủng hộ công bằng xã hội, phản đối phân tầng và bất bình đẳng xã hội. Dữ liệu cho thấy nâng cao tiêu chuẩn sống của những người đã sống dễ chịu sẵn rồi, ví dụ như giảm thuế cho họ, không làm thay đổi mức độ giàu có của họ nhiều. trong khi đó nâng cao đời sống cho người nghèo lại tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Tuy nhiên, ông và Gilbert dường như không theo phe nào. “Chúng ta rất lo lắng nếu nghiên cứu bị áp dụng sai cách. Vì chúng tôi phát hiện ra rằng yếu tố X khiến người ta hạnh phúc và họ đang chọn điều Y, chúng tôi không muốn áp đặt X lên họ. Tôi không thích thói gia trưởng và sử dụng kết quả nghiên cứu để áp đặt quyết định của người khác.”

Với Loewenstein, cuộc sống không có dự báo sai lầm sẽ là một cuộc sống tốt đẹp và vui vẻ hơn. “Nếu bạn hiểu sâu về thiên kiến tác động và bạn hành động theo nó, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng bạn sẽ có xu hướng đầu tư những nguồn lực cho những thứ khiến bạn hạnh phúc.” Điều này có nghĩa là bạn sẽ đi chơi cùng bạn bè thay vì dành thời gian để kiếm tiền. Ông cũng bổ sung thêm là hiểu biết về khoảng cách giữa trạng thái “trái tim nóng” và “cái đầu tỉnh” có thể giúp bạn không đưa ra nhiều quyết định đáng tiếc.

Gilbert rất lạc quan về tương lai áp dụng nghiên cứu vào phát triển “bản đánh giá thể chế” – chúng ta có thể dành tiền chăm sóc sức khỏe nhưng không dùng để đánh giá bản thân. Gilbert thừa nhận rằng mình bị ảnh hưởng rất nhiều từ nghiên cứu, ví dụ nghiên cứu về hệ thống miễn dịch tâm lí khiến ông nghĩ rằng mình có thể thích nghi với những sự kiện xấu nhất. Hơn nữa, ông nói rằng giờ mình có nhiều cơ hội hơn, một sự thật nằm trong nghiên cứu của Tim Wilson. “Lẽ ra tôi đã học được rất nhiều thứ từ công trình nghiên cứu của mình. Tôi sẽ kết hôn xuân này vì tôi biết rằng vợ chưa cưới của tôi sẽ làm tôi hạnh phúc.”

Cho dù vậy, Gilbert hiện đang làm một thí nghiệm trong đó dự báo cảm xúc bị loại bỏ. Nhóm của Gilbert sẽ yêu cầu thành viên nhóm A đoán xem họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu nhận được phản hồi tiêu cực về mình. Đương nhiên thiên kiến tác động xuất hiện và họ đa phần đoán rằng mình sẽ thấy rất tệ, trong khi thực tế là họ vẫn ổn. Nhưng nếu Gilbert cho nhóm B biết rằng nhóm A nhận được phản hồi tương tự và cuối cùng vẫn Ok thì thành viên nhóm B cũng đoán rằng mình cũng sẽ Ok thôi. Thiên kiến tác động biến mất và thành viên nhóm B đã đưa ra dự đoán chính xác.

Gilbert rất vui vì điều này. Nhưng đồng thời, đây là kĩ thuật ông muốn đưa vào một cuốn sách phát triển bản thân. “Hi vọng và sợ hãi là những đặc tính lâu dài của trải nghiệm, con người không có khả năng chối bỏ chúng chỉ vì các nhà tâm lí học bảo họ nên làm thế.” Trên thực tế, ông băn khoăn liệu dự báo sai lầm có thể phục vụ mục đích nào khác mà ông vẫn chưa hiểu hết không. Lợi ích của việc không dự báo sai lầm là bạn có thể hạnh phúc hơn chút nữa. Khi phải chọn giữa hai công việc, bạn sẽ không nghĩ nhiều vì bạn sẽ nói: Bạn biết đấy, tôi hài lòng với cả hai. Hoặc là tôi sẽ thích nghi với công việc hoặc là có muốn băm chết mình vào tuần tới cũng chẳng ích gì. Tuy nhiên có thể bức tranh biếm họa về tương lai chỉ là tưởng tượng khiến chúng ta đi theo một hướng chứ không phải là hướng khác. Có thể chúng ta không muốn một xã hội ai cũng nhún vai và nói: “Sẽ chẳng có khác biệt gì đâu”

“Có thể điều quan trọng ở đây là dù chỉ là tưởng tượng thì chúng vẫn là củ cà rốt và cây gậy và ta sẽ nhích về phía cà rốt và tránh xa cái gậy”

 

Image: André da Loba

Trạm Đọc dịch

Theo New York Times

menu
menu