Đến Khi Nào Bạn Mới Sẵn Sàng Cho Chuyện Cưới Xin? – The book of life

den-khi-nao-ban-moi-san-sang-cho-chuyen-cuoi-xin-the-book-of-life

Dưới đây là một danh sách những lý do tại sao người ta thực sự nên kết hôn. Ta sẵn sàng cho chuyện cưới xin, khi và chỉ khi…

“Khi bạn đã có tiền, có địa vị, có nhà có cửa, có trâu có bò có đất có cát.” Nhưng đấy là ngày xưa thôi, chứ còn bây giờ người ta vẫn tập trung vào cảm xúc với những yếu tố lãng mạn tình tứ nhiều hơn, kiểu “khi đã gặp đúng người" hoặc “khi xúc cảm đã đủ chín muồi". Dẫu, những ý tứ hết đỗi cảm động và mùi mẫn ấy cũng chính là bước khởi đầu cho những cuộc hôn nhân chưa chi đã đứng trên bờ vực rạn vỡ, bên cạnh những con người cứ mỗi ngày lại càng thêm hâm dở. 

Dưới đây là một danh sách những lý do tại sao người ta thực sự nên kết hôn. Ta sẵn sàng cho chuyện cưới xin, khi và chỉ khi…

1. ...Ta Đã Thôi Mưu Cầu Sự Hoàn Hảo

Đừng chỉ qua loa thừa nhận rằng ừ, anh ấy/cô ấy không toàn mỹ cho xong. Phải biết được rõ ràng rằng à, có thể ảnh/cổ sẽ còn bẳn tính, khó chịu hay vô lý, thậm chí thường xuyên không chịu thấu hiểu người bạn đời; đến mức chấp nhận thề thốt luôn trong đám cưới rằng à, tôi sẽ cưới người này, ngay cả khi đã tiên đoán được rằng sẽ bị xao nhãng hằng ngày bởi những trò quỷ của hắn. Bởi, đâu có ai, tính cả bạn, là hoàn hảo được một trăm phần trăm? Trừ khi bạn muốn tìm chồng trên mặt trăng hay xuống thuỷ cung kiếm vợ, thì cuộc hôn nhân của bạn cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức tầm tầm thôi chứ không mãi “một túp lều tranh hai trái tim vàng" được đâu. Tốt nhất bạn nên trải nghiệm chuyện yêu đương nhiều một chút, không phải nhằm tìm thấy “người ấy" đâu nhé, mà để vỡ lẽ ra được rằng à, ngay cả với những đối tượng thoạt nhìn cứ tưởng là bạch mã hoàng tử, thì khi nhìn gần ắt cũng sẽ có điều gì đó sai sai.

2. ...Ta Chẳng Cần Được Thấu Hiểu Trăm Phần Trăm

Tình yêu: hai người tâm đầu ý hợp, lúc nào cũng như thần giao cách cảm mà biết được rằng à, truyện cười cô ấy kể hài hước ở điểm nào, anh ấy ghét người này người kia ra sao. Nhưng chỉ lúc còn yêu đương thắm đượm tình hồng mới vậy thôi, nên cũng hãy chuẩn bị sẵn tinh thần kể từ khi đọc ra câu thề trong đám cưới đi: “Tôi biết, rằng mặc dù có thể anh/cô ấy hiểu tôi thật đấy, nhưng cũng có những ngóc ngách nhỏ là vượt ngoài tầm với của cả tôi và họ, nên tôi sẽ không đổ lỗi cho người ấy đâu nếu anh/cô không hiểu nổi tôi đôi lúc.” Bởi người ấy, cùng với bất cứ ai ngoài kia, có phải là thánh thần thiên địa gì đâu mà lại tự động biết được ta cần gì và ta muốn sao. 

3. ...Ta Biết Ta Điên

Ngược đời thật đấy, ta trông bình thường và tốt đẹp đến thế kia mà. Nhưng nói thật nhé, ai mà chẳng có những giờ khắc “điên khùng” trong quá khứ, nào nổi loạn, nào tầm thường, nào vô dụng - nói chung, ta đã từng là một lũ ngốc hết cả, và khi và chỉ khi đã ngộ ra và chấp nhận điều ấy, ta mới có thể trưởng thành. Chứ còn với những kẻ cứ nghênh nghênh tự mãn, “xấu che tốt khoe", thì thôi, thật chẳng có gì để nói.

4. …Ta Đã Sẵn Sàng Để Yêu Thay Vì Được Yêu

Trái ngang thay, từ “yêu" thường được dùng để gọi hai trạng khác hẳn nhau là “yêu” với “được yêu", và ta chỉ nên nghĩ tới chuyện chồng vợ khi đã thấu hiểu và sẵn sàng thực hiện cả hai vế. 

“Được yêu” thì dễ dàng rồi, ta khởi đầu mọi thứ bằng hai chữ “được yêu" - kể từ khi còn là một đứa trẻ, ta đã quen với vòng tay người cha người mẹ lúc nào cũng sẵn sàng đưa ra đón lấy để che chở, dỗ dành, cho ăn cho mặc. Ta coi đó là đương nhiên, đâu biết song thân đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt - ngược lại, song thân cũng chẳng mong đợi gì ở ta lời khen ngợi khi cắt kiểu tóc mới hay những câu hỏi tận tình quan tâm sau một ngày làm việc vất vả, bởi họ cho đi đâu cần nhận lại. Như vậy, cả con cái lẫn cha mẹ đều yêu, nhưng là “yêu” hay “được yêu” thì hẳn ai cũng đã rõ.

Chính vì thế, đến khi đã lớn và bước ra ngoài xã hội, dẫu ngoài miệng thì nói rằng mình khao khát tình yêu, nhưng cái ta thật sự khao khát ở đây chính là cảm giác được yêu như thuở còn bé, thuở còn được quan tâm, che chở, thuở còn được đưa cho cái gì cần, tìm cho cái gì muốn, được đối xử theo lối kiên nhẫn và vị tha đến vô hạn. Thảm hoạ đấy, để tôi nói cho bạn hay, bởi nếu muốn cuộc hôn nhân của mình được trường tồn mãi mãi, thì bạn trước hết phải giũ bỏ những mong ước hết sức con trẻ kia đi đã. Mau trở thành người lớn đi thôi, một người lớn biết tự mình thỏa mãn những nhu cầu của mình, đồng thời có ý thức để tâm đến người khác. 

Ngoài ra, bạn cần đáp ứng thêm cả một tiêu chí này nữa. Khi một đứa trẻ nói với ba mẹ của chúng rằng “con ghét ba mẹ", thì họ sẽ chẳng đờ người đi vì sốc rồi gói ghém đồ đạc một đi không quay lại gì đâu, bởi họ thừa biết con mình chỉ kết luận như thế trong một phút xốc nổi thôi - có thể nó đói, nó muốn được mua đồ chơi, tối qua nó phải ở nhà một mình, nó trót đánh mất một miếng xếp hình hay bị đau ở đâu đấy. Nói cách khác, không những không bị tấn công bởi câu nói lỡ dại, cha mẹ ngược lại còn cố gắng nắm bắt được những ý nghĩa hàm ẩn đằng sau như “con buồn”, “con sợ", “con mệt". Thế nhưng nếu đối tượng không phải là con cái, thì liệu ta có biết lắng nghe một cách chọn lọc không, hay chỉ cứ thế mà rồ mà dại lên rồi đổ thêm dầu vào lửa? Ý thứ ba trong bài phát biểu đám cưới đây: “Bất cứ khi nào có thể, tôi cũng nguyện sẽ săn sóc cho người ấy theo cách ngày xưa bản thân được cha mẹ chăm bẵm, bởi theo tôi, đây là cách yêu duy nhất xứng đáng với từ ‘yêu'.”

5. ...Ta Chịu Đứng Ra Hứng Đủ Thứ Trách Nhiệm

Đối với những người thuộc chủ nghĩa lãng mạn, có thể chuyện cưới xin chỉ đơn giản là một nghi lễ giúp cảm xúc đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, “hôn nhân là nấm mồ chôn của tình yêu", đôi vợ chồng thực tế sẽ phải ra rả bàn cãi với nhau xem ai quản lý thứ gì, nào bếp núc, xe cộ, tiền bạc, rồi thì chuyện sửa sang, dọn dẹp, và hàng trăm hàng ngàn thứ nhiệm vụ lẻ tẻ lặt vặt khác nữa. Chúng thì đâu có ích lợi gì cho địa vị xã hội hay thu nhập, nên chẳng ai háo hức cho nổi, thậm chí nhiều khi đang dở tay giặt giũ còn phải ngửa mặt lên trời mà than rằng ôi mình rước cái mớ của nợ này vào người làm chi vậy. Tuy nhiên, “cái mớ của nợ" ấy mới chính là thứ đang vun trồng và gìn giữ cho một cuộc hôn nhân được êm đẹp đấy, bởi có êm đẹp thì mới “ai làm việc nấy", rồi “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon" được.   

Vì vậy, hãy coi đây là ý tiếp theo trong lời thề đám cưới: “Tôi sẽ chịu cúi mình phục tùng trước cái chậu giặt tôn nghiêm.”

6. ...Ta Ngộ Ra Rằng Tình Yêu Với Tình Dục Vừa Liên Quan, Lại Cũng Chẳng Liên Quan Gì Đến Nhau

Một lần nữa, phe Lãng Mạn sẽ cho rằng à, phải có tình yêu thì tình dục mới thăng hoa. Nhưng nói thật nhé, thăng hoa cũng sẽ chỉ được vài tháng, cùng lắm là một hai năm đầu thôi, tuy cũng đừng đổ lỗi cho ai vì như đã nói, hôn nhân thì còn ưu tiên nhiều yếu tố khác nữa (sự đồng hành, chuyện phân công việc nhà việc cửa, rồi thì con cái) nên làm gì có thời gian mà ngó ngàng đến tình dục. Hãy chỉ tính chuyện cưới xin khi đã chấp nhận được rằng à, chuyện vợ chồng lúc ta làm vợ chồng sẽ chẳng còn thường xuyên như trước nữa. 

Tuy ngược lại, bạn cũng sẽ phải chuẩn bị cho thử thách lớn nhất của hôn nhân ấy: chuyện ngoại tình, để cho dù là bị phản bội hay tự mình phản bội thì cũng biết cách xử lý sao cho êm xuôi, tránh đi hoàn toàn cái cách suy nghĩ bồng bột rằng à, tình yêu đâu dính dáng gì đến tình dục đâu, một lần này thôi nhanh như chơi bóng bàn ý mà. Bởi chắc chắn sẽ không chỉ xảy ra có một lần đâu bạn ạ, sẽ có lần hai, lần ba, lần thứ n nữa. Vô lý quá phải không, nhưng dù vô lý thì cũng vẫn phải chấp nhận thôi - trước bạn đã có cả trăm cả nghìn con người thiếu thuỷ chung cũng đã nghĩ rằng “nhanh như chơi bóng bàn" rồi kia mà. Nên tốt nhất hãy kiềm chế ngay từ đầu đi. Và nếu việc ấy có trót xảy ra thực, thì bạn tuyệt đối phải im như thóc, phải hứng chịu mọi đòn ghen của bà vợ/ông chồng, chứ chớ có bao giờ ráng gân cổ lên mà cãi, mà thuyết phục người ấy rằng à, đừng có ghen bởi vì ghen là xấu, là hồ đồ các kiểu. Bạn không có cái quyền đó. 

Mặt khác, nửa kia cũng nên chuẩn bị tinh thần, tức là nên cố gắng hết sức để đặt mình vào vị trí của đối phương, từ đó nghĩ xem là à, người ấy đã phải trải qua những gì thì mới đi đến bước đường này nhỉ. Hiếm khi “những gì" lại bao gồm chuyện người ấy muốn bôi tro trát trấu vào mặt mình và không còn yêu mình nữa lắm - thay vào đó ư, chỉ vì tình dục thôi. Tuy để nghĩ được như vậy thì hơi khó, chi bằng bạn học tiếng Trung hay chơi kèn ô-bô đi cho rồi, dẫu cũng không phải là bất khả thi đâu nên cứ luyện tập nhé. 

Nói chung, hai người sẽ chỉ sẵn sàng cho chuyện cưới xin khi đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng phân tách giữa tình yêu và tình dục, đồng thời cũng phải hiểu được tường tận mối quan hệ giữa tình yêu và tình dục, để từ đó có thể đương đầu với những chông gai có khả năng phát sinh sau này. Đó, chứ đừng cứ chỉ thề mồm rằng đời này kiếp này con sẽ chẳng yêu và quan hệ với ai ngoài người ấy nữa.

7. ...Ta Chịu Làm Cả Hai Vai: Giáo Viên Và Học Trò

Ta chỉ sẵn sàng cho chuyện cưới xin khi và chỉ khi đã có khả năng chấp nhận được rằng à, riêng về lĩnh vực này thì người ấy giỏi và học cao hiểu rộng hơn ta, nên ta sẽ chịu học từ họ, thậm chí răm rắp nghe theo từng lời vàng ý ngọc. Tuy mặt khác, ta cũng cần phải chuẩn bị để làm giáo viên trong những mảng họ kém hơn ta, chứ đừng la hét hay phát điên hay nói ra những câu như kiểu “có thế mà cũng không biết. 

8. ...Ta Nhận Ra, “Mình Cũng Chẳng Hợp Nhau Đến Thế"

Đối với phe Lãng Mạn, “người ấy" chính là người sẽ hợp với ta trong cả lời ăn tiếng nói lẫn thái độ sống. Có thể mới đầu thì thế, nhưng càng về sau sự hợp cạ ấy lại càng mai một - làm gì có hai con người hoàn toàn giống nhau như vậy đâu? Hoá ra “người ấy” trên thực tế sẽ là một người biết cân bằng giữa sở thích của mình và của đối phương, thay vì cứ chỉ gật đầu lia lịa trước mọi điều ta nói. Hãy nhớ rằng sự “hợp nhau” không phải là điều kiện cho tình yêu, thay vào đó chính là đích đến sau cả một cuộc hành trình. 

Lời Kết

Ngày nay trước khi có con, thì nhà nhà người người đều đi đến những lớp học tiền sản. Nhưng làm gì có “lớp học tiền hôn nhân" cho những cặp đôi muốn cưới - ta thường chỉ cứ thế nhảy vào, chênh vênh, lạ lẫm, chẳng biết kết cục rồi sẽ ra sao. Nên hãy chôn vùi hết đi những định nghĩa tình yêu mặn mùi, và chấp nhận rằng chuyện cưới xin thì cũng giống như trượt tuyết hay chơi dương cầm, đều phải tập luyện cả. 

Nhưng dù sao, giờ khi đã ngấm hết mọi thứ tư tưởng canh tân ở trên rồi, thì nghỉ đi thôi - chúng tôi biết bạn mệt mà. Ai mà không mệt cho nổi khi cứ phải cắm đầu vào làm một thứ mà chẳng có nền móng hay hướng dẫn gì kia chứ? Mà thôi, khỏi giấu nữa, hướng dẫn đây: hãy tìm đọc “Tiến trình Tình yêu" (“The Course of Love") của Alain de Botton nhé!

----

Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: When Is One Ready to Get Married? The School of Life

menu
menu