Điều gì khiến ta bị hấp dẫn bởi cơ thể người mình yêu?

dieu-gi-khien-ta-bi-hap-dan-boi-co-the-nguoi-minh-yeu

...và nếu một ngày không còn yêu, vì sao sự hấp dẫn ấy cũng tan biến?

Tình yêu lãng mạn có thể đi kèm hoặc không đi kèm với tình dục (dù những người rối loạn nhân cách có thể đồng nhất hai điều này thành một). Và trong đời sống thực, có rất nhiều mối quan hệ thể xác không hề xuất phát từ tình yêu. Vậy ta hãy bắt đầu từ góc nhìn ngược lại: tình dục không có tình yêu. Liệu ta có thể thêm điều gì đó vào tình dục để biến nó thành tình yêu?

Nghe qua, ý tưởng ấy thật hấp dẫn. Rằng tình dục chỉ là một thành phần, và nếu trộn nó với những yếu tố khác như sự yêu mến và niềm vui khi ở cạnh nhau, thì ta sẽ có một “ly cocktail” mang tên tình yêu. Theo cách nhìn này, nếu tình dục không đi cùng tình yêu, là bởi vì thiếu một “nguyên liệu” quan trọng nào đó.

Source: Cottonbro/Pexels

Nhưng khi ngẫm kỹ lại, điều đó có vẻ không hẳn đúng. Có những đôi bạn rất quý mến nhau, rất thích ở gần nhau, và có quan hệ thể xác, nhưng vẫn không hề có tình yêu. Họ là những người mà ta hay gọi vui là “bạn bè kèm quyền lợi”.

Tuy nhiên, cũng có những mối quan hệ bắt đầu từ tình dục rồi dần chuyển thành yêu. Dù kiểu khởi đầu này không phổ biến trong lịch sử, ngày nay, nó không còn hiếm. Nhiều cặp đôi yêu nhau sâu sắc và cam kết lâu dài đã bắt đầu mọi thứ chỉ bằng một lần qua đêm.

Nhưng trong những trường hợp ấy, tình yêu không xuất hiện vì người ta “thêm thắt” gì vào tình dục. Mà là vì chính việc thân mật thể xác giúp họ vượt qua những rào cản khó nói trong giao tiếp, mở ra cơ hội cho sự gần gũi về cảm xúc. Khi ta cảm thấy tự do, thoải mái khi ở cạnh ai đó, ta bắt đầu nói những điều thầm kín nhất trong lòng, và từ sự gần gũi ấy, tình yêu nảy mầm.

Có lẽ chính vì lý do đó mà người yêu cũ đôi khi trở thành mối đe dọa trong mắt người yêu hiện tại. Bởi chỉ cần từng một lần chạm vào nhau về thể xác, người ta có thể giữ lại một dạng thân mật nào đó, thứ không dễ tan biến sau chia tay. (Dù cũng cần nói thêm rằng, đôi lúc nỗi lo ấy chỉ là ảo tưởng, bởi nếu một mối quan hệ từng đầy ắp mộng tưởng và mong chờ viển vông, thì sau khi tỉnh mộng, hai người có thể trở nên xa lạ đến lạnh lùng.)

Tình yêu không cần tình dục

Nhà thơ Ý Petrarca đã viết hơn 300 bài sonnet tình yêu dành cho một thiếu phụ trẻ được cho là Laura de Noves, một phụ nữ Pháp đã có chồng khi ông gặp nàng. Theo những gì người ta biết, hai người chưa từng thuộc về nhau. Một vài bài thơ còn được sáng tác sau khi Laura qua đời vì bệnh dịch hạch. Có lẽ, đó chính là một dạng tình yêu không cần thể xác.

Tuy nhiên, cũng rất có thể, và thậm chí khả năng cao là như vậy, Petrarca chỉ tưởng mình đang yêu Laura. Hoặc đúng hơn, ông đã yêu một hình bóng do trí tưởng tượng của chính mình tạo ra, không phải con người thật ngoài đời. Đây là một khuynh hướng phổ biến của con người: dễ dàng say đắm những điều ta tưởng tượng hơn là thực tại, một hiện tượng tôi đã bàn đến ở phần khác.

Vậy ta hãy xét một ví dụ khác. Nhân vật Jake Barnes trong tiểu thuyết Mặt Trời Vẫn Mọc của Hemingway (xuất bản năm 1926) không còn khả năng thân mật thể xác vì bị thương. Nhưng ngay cả trong tình trạng ấy, một người vẫn có thể bước vào một mối quan hệ yêu đương đầy cảm xúc.

Trong truyện, người Jake yêu là Brett Ashley, nhưng cô không muốn tiến xa hơn mức “bạn tốt” với Jake. Lý do rất phức tạp và không thể quy về chuyện Jake không thể quan hệ, nhưng rõ ràng, vết thương ấy cũng chẳng giúp ích gì cho chuyện tình này.

Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể tưởng tượng một người phụ nữ khác thay thế vị trí của Brett, một người yêu Jake thật lòng và sẵn sàng gắn bó với anh. Trong một mối quan hệ sống không tình dục như thế, chắc hẳn sẽ có chút buồn. Nhưng chính nỗi buồn ấy lại càng chứng minh tình yêu có chiều sâu đến mức nào. Ta thậm chí có thể hình dung một tình huống đầy vị tha: người không thể quan hệ vì lý do sức khỏe sẽ rộng lòng khuyên bạn đời của mình tìm kiếm sự gần gũi thể xác ở nơi khác và người kia chấp nhận làm theo.

Vậy thì, ta có thể đồng ý rằng: có những cuộc ân ái nồng nàn mà không hề có tình yêu, và cũng có những mối tình sâu sắc hoàn toàn không có tình dục. Đến đây, có lẽ ta có thể đưa ra một nhận định: tình yêu thường gắn liền với cảm giác thể chất, nhưng điều thể chất quan trọng không nhất thiết là quan hệ, mà chính là sự hấp dẫn.

Sự hấp dẫn

Dẫu chưa từng gần gũi thể xác, rõ ràng Petrarca đã bị thu hút bởi Laura, điều ấy thể hiện qua hàng loạt bài thơ ông viết ca ngợi vẻ đẹp của nàng, cả về tâm hồn lẫn hình thể. Tương tự, nếu một người phụ nữ ở vị trí như Brett Ashley đem lòng yêu một người như Jake, thì rất có thể cô sẽ khao khát thân thể anh. Chỉ là, quan hệ xác thịt đơn thuần sẽ là điều không thể. Và Jake cũng vậy.

Nhìn rộng ra, khi hai người nhận ra rằng tuy họ quý mến nhau, nhưng lại không hề có cảm giác khao khát nhau, họ thường kết luận rằng mình không thể ở bên nhau được. Nếu họ vẫn tiếp tục gắn bó vì sự tiện lợi hay vì chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn, thì mối quan hệ ấy thường để lại một khoảng trống âm ỉ, một điều gì đó thiếu vắng, chưa đủ đầy.

Vậy nên, sự hấp dẫn, dù không đồng nghĩa với tình dục, dường như vẫn là một yếu tố cốt lõi trong tình yêu lãng mạn. Nhưng tình yêu đâu chỉ là sự mê đắm thể xác. Vậy, chính xác thì tình yêu lãng mạn có liên quan gì đến sự hấp dẫn?

Người ta có thể nghĩ rằng sự hấp dẫn chỉ là một “thành phần” trong hỗn hợp tình yêu; rằng nếu ta trộn nó với những yếu tố cần thiết khác, như sự đồng điệu, niềm vui khi ở cạnh nhau, thì sẽ tạo nên tình yêu. Nhưng những mối quan hệ kiểu “bạn bè kèm quyền lợi” đã cho thấy lỗ hổng trong cách nghĩ đó: nhiều cặp đôi như vậy quý mến nhau thật lòng, rất thích thời gian bên nhau, và cũng bị hấp dẫn thể xác, thế nhưng vẫn không có tình yêu.

Ngược lại, cũng có những mối quan hệ mà sự hấp dẫn và tình yêu cùng tiến hóa. Khi yêu dần lớn lên, sự cuốn hút cũng trở nên sâu sắc hơn, hoặc chuyển thành một dạng khác. Cái ôm của người yêu, theo thời gian, trở nên đậm đà hơn. Một cái ôm im lặng lúc mới yêu giống như hai người cùng nằm mơ bên nhau. Họ đang thưởng thức một lời hứa, sát bên nhau nhưng chưa chắc đã cùng khao khát một điều.

Rồi thời gian trôi qua, lời hứa ấy có thể mãi không thành hiện thực. Và nếu vậy, thường thì sự hấp dẫn cũng dần tan biến. Thân thể họ chẳng thay đổi gì, và cũng chưa ở bên nhau đủ lâu để cảm thấy nhàm chán về thể xác. Nhưng cảm giác thu hút thì không còn. Vì sao vậy?

Vì ban đầu, qua thân xác, ta bị hấp dẫn bởi hình ảnh mà ta tưởng về người kia. Nhưng thân thể không phải đích đến cuối cùng. Tâm hồn, hay nói đúng hơn, là bản thể sâu thẳm bên trong, mới là nơi ta hướng đến. Và một khi ta nhận ra đích đến ấy chỉ là ảo vọng, thì cả cuộc hành trình bỗng trở nên vô nghĩa.

Ngược lại, nếu lời hứa tình yêu được thực hiện, cái ôm của hai người dần trở nên phong phú hơn, rất nhiều, vì nó chứa đựng những năm tháng đã cùng nhau đi qua, sự thấu hiểu sâu sắc hơn, những trận chiến chung, những gánh nặng chia đôi, và cả niềm vui đồng hành. Nói cách khác, đó là một sự gắn bó đích thực.

Sự hấp dẫn, vì thế, thay đổi khi tình yêu lớn lên. Ban đầu, ta có thể mơ mộng về tình yêu vì bị thu hút về mặt thể xác. Nhưng sau này, ta lại bị thu hút bởi thân thể người ấy chính vì ta đã yêu. Không ngạc nhiên khi cơ thể người mình yêu không còn là một thân thể ta khao khát đơn thuần, mà là một cơ thể ta trân quý, ta muốn che chở, muốn nâng niu. Đó là thân thể của người mà ta yêu thương.

Nếu tình yêu đi đến trọn vẹn, chỉ một cái ôm cũng đủ khiến hai người cảm thấy viên mãn. Cái ôm ấy giờ đây chan chứa ý nghĩa. Điều này chưa bao giờ xảy ra ở giai đoạn chỉ mới có hấp dẫn thể xác.

Và điều này cũng lý giải vì sao tình dục, dù có tuyệt vời đến đâu, cũng thiếu một điều gì đó nếu không có tình yêu. Và sâu xa hơn nữa, nó lý giải vì sao ta khao khát thân thể của người mình yêu theo một cách mà ta không thể khao khát bất kỳ ai khác. Một người hấp dẫn có thể thay thế một người hấp dẫn khác, nếu ta không yêu ai cả. Nhưng khi đã yêu, thì không ai có thể thay thế được người ấy.

Nhà văn Iris Murdoch, trong The Black Prince, từng viết:

“Nỗi khao khát tuyệt đối của một cơ thể người dành cho một cơ thể cụ thể khác, và sự thờ ơ của nó với mọi thứ thay thế, là một trong những bí ẩn lớn nhất của cuộc đời. Tôi nghe nói rằng có những người chỉ cần ‘một người đàn ông’ hay ‘một người đàn bà’. Tôi không thể hình dung ra trạng thái đó, và tôi cũng chẳng quan tâm.”

Cái cách mà bà nói về nỗi khao khát dành cho một cơ thể cụ thể là điều rất đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, khác với Murdoch, tôi cho rằng điều ấy không phải là một bí ẩn, nếu ta hiểu chuyện gì thực sự đang diễn ra. Sự hấp dẫn dành cho người tri kỷ, dù ban đầu có thể bắt nguồn từ vẻ ngoài, nhưng thật ra không chỉ là thể xác. Nó dịu dàng hơn, sâu sắc hơn, và mãnh liệt hơn bất kỳ sự hấp dẫn thuần túy nào. Nó không chấp nhận sự thay thế. Ta có thể gọi đó là lực hút của tình yêu, chứ không phải của cơ thể. Một lực hút có thể nhìn thấy điều mắt thường không thấy được, thấy cả tâm hồn và trí tuệ lấp lánh qua từng chuyển động của người ấy. Đó là sự hấp dẫn của tình yêu.

This essay reproduces two passages from my "Beyond I and Thou: Intimacy’s Pronouns," Journal of Philosophy of Emotion 2-1 (2020): 20–26.

Tác giả: Iskra Fileva Ph.D.

Nguồn: What Draws Us to the Body of the Person We Love? | Psychology Today

menu
menu