Định nghĩa về chứng điên

dinh-nghia-ve-chung-dien

Tôi nghe được điều này mỗi tuần, đôi khi có ngày tôi nghe hai lần. “Chứng điên được định nghĩa là cứ làm đi làm lại cùng một việc và trông chờ vào một kết quả khác.” Không, nó không phải vậy.

Tôi nghe được điều này mỗi tuần, đôi khi có ngày tôi nghe hai lần. “Chứng điên được định nghĩa là cứ làm đi làm lại cùng một việc và trông chờ vào một kết quả khác.” Không, nó không phải vậy.

Để làm rõ, thì chứng điên là một thuật ngữ pháp lí liên quan đến năng lực nhận biết đúng sai khi phạm tội. Đây là câu đầu tiên trong một định nghĩa tương đối dài dòng của trang law.com:

Chứng điên (danh từ): loại bệnh tâm thần có tính chất nghiêm trọng đến mức một người không thể phân biệt đâu là chuyện tưởng tượng, đâu là chuyện thực tế, không thể kiểm soát được sự việc do mắc chứng rối loạn tâm thần, hoặc người đó có hành vi bộc phát không thể kiểm soát được.

Chứng điên là một khái niệm được thảo luận tại phiên tòa nhằm giúp người ta xác định được bị cáo có phạm tội hay không. Những chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ thông báo điều đó, nhưng ngày nay thuật ngữ này chủ yếu là xét về mặt pháp lý, chứ không phải xét về mặt tâm lí học. Không có chẩn đoán về “chứng điên” trong danh sách của DSM (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, tính đến năm 2009, năm bài viết này ra đời, thì đó là DSM-4). Cũng không có chứng “suy sụp thần kinh,” nhưng đó thuộc về bài viết khác.

Câu nói trên xuất phát từ đâu? Người ta gán nó cho Albert Einstein (có thể không phải), Benjamin Franklin (có thể không phải), Mark Twain (có thể không phải), và nhà văn viết truyện huyền bí Rita Mae Brown (có thể đúng), bà đã dùng câu nói này trong cuốn tiểu thuyết Sudden Death của mình. Không rõ là ai đã nói trước tiên, nhưng theo một blogger thì đó là “điều ngu xuẩn nhất mà một người thông minh từng nói ra.” Câu nói đầy lôi cuốn đã tích tụ lại trong những năm vừa qua (ví dụ: I, II, III) và mặc cho nguồn cung cấp từ đâu, nó mang lại rất nhiều lợi lộc.

Tôi không có thói quen đả kích những câu nói dễ thương (ngoại trừ cái này), nhưng tôi nghĩ có một chỗ yếu tăm tối đối với câu nói này. Tôi bắt đầu nghe nói rằng người ta dùng câu nói đó để giúp mình lẩn tránh sự việc, đó vốn là một cơ chế phòng vệ. Thay vì đối diện với nỗi sợ hãi thì họ nắm lấy câu nói này nhằm bảo vệ mình để tránh thất bại, tránh cơn đau đớn hay tránh tình trạng bị đào thải. Một số ví dụ:

“Tôi mời hai người phụ nữ đi chơi và gục ngã cả hai lần, bạn biết chứng điên loạn được định nghĩa thế nào rồi đó…”

“Tôi chạy bộ một tuần và thực sự tăng cân. Họ nói định nghĩa về chứng điên là…”

“Đã một tháng rồi mà tôi vẫn cứ khóc về cái chết của anh ấy. Tôi đang sống theo đúng như định nghĩa về chứng điên.”

Định nghĩa về chứng điên không liên hệ gì đến chuyện chạy bộ. Điều quan trọng là hãy cứ đau buồn, hãy cứ chạy bộ và cứ tiếp tục hẹn hò người ta bởi đó chính là những phần trong cuộc sống, cuộc sống muôn mặt cần sự lặp lại và đó là chuyện lành mạnh. Với vai trò là một bác sĩ trị liệu, khi nghe những lời như vậy, tôi có thể thông đồng với điều ảo tưởng đến từ một dạng câu khẩu hiệu của xã hội nhằm tạo ra phương thức phòng vệ cho bản thân, hoặc tôi có thể nghi ngờ điều đó. Khi gặp phải những ví dụ như trên, tôi sẽ phải nghi ngờ.

Tôi nghĩ chuyện rối rắm nằm đằng sau câu phát biểu này có thể được minh hoạ rõ nhất bằng hai từ sau:

Dai dẳng (perseveration): là sự lặp lại bệnh hoạn, liên tục một từ, một cử chỉ hay một động tác nào đó.

Kiên trì (perseverance): một kiểu hành động bền bỉ, đều đặn mặc dù có nhiều khó khăn, chướng ngại, và nhiều thứ ngăn trở.

Một số dạng như mất trí, chấn thương vùng não bộ do bị tổn thương, nỗi lo âu và chứng OCD (Obssessive Compulsive Disorder – rối loạn ám ảnh cưỡng bức) có thể khiến cho người ta có những hành động dai dẳng. Họ nói đi nói lại những từ ngữ và làm đi làm lại những công việc, hoặc cố giải quyết vấn đề nhiều lần, nhưng rồi những gì họ có được là sự nản chí và bất mãn. Họ không hẳn là điên, nhưng họ bị vướng mắc vào một kiểu hành động không mang lại kết quả gì do phần não bộ gặp sự cố. Một số phương thuốc và công cụ CBT (Cognitive Behavioral Therapy – Trị liệu hành vi tri nhận) có thể hữu ích cho họ.

Cũng có một ý về tâm động học (psychodynamic) mà người ta gọi là sự cưỡng bức tái diễn (repetition compulsion), là cái mà trong vô thức người ta thường lặp lại những chuyện xung đột ở quá khứ để có thể giành quyền kiểm soát nó. Chúng ta muốn hoàn tất một thương vụ chưa hoàn tất, do vậy thỉnh thoảng chúng ta tái lập lại những vấn đề cũ kĩ, chưa được giải quyết với hứa hẹn là sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Một ví dụ điển hình là có một anh chàng hồi còn bé mong muốn được gần gũi với người mẹ vô cảm, do đó khi trưởng thành thì anh ta đi tìm kiếm những người phụ nữ không dành cho mình. Hoặc ví dụ một người phụ nữ luôn cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình để rủ rê những người bạn lãnh đạm của mình hoà nhập xã hội. Hoặc trường hợp một người nào đó cứ bị thu hút vào nhóm của giới giàu có, hay của những người thông minh, xinh đẹp, v.v., mà trong những nhóm đó thì họ luôn ở ngoài rìa. Tất cả họ đều đang cố để rốt cuộc có thể chế ngự được cảm giác lạc lõng có từ hồi xa xưa của mình. Nhưng dù họ có làm được vậy ngày hôm nay, thì nó cũng không xoá được nỗi đau của thời quá khứ.

Đừng lẫn lộn giữa dai dẳng và kiên trì. Một cuộc truy tìm bền bỉ chống lại nỗi sợ hoặc hướng về mục tiêu thường là diễn trình hành động ổn nhất. Lặp đi lặp lại cùng một hành vi có tính bồi đắp, hy vọng rằng (một ngày kia) sẽ có một kết quả khả quan là một điều khó nhưng đó là đức tính tốt. Đó là nỗ lực được hình thành từ việc ăn bột yến mạch mỗi ngày, đánh răng sau mỗi bữa ăn và ghi chép hàng ngày. Đó là việc trị liệu hàng tuần, tập thể dục đều đặn và dành thời gian cho vấn đề tâm linh. Đó là việc cầu thủ Rudy cứ hết lần này đến lần khác cố gắng để vào cho được trường Notre Dame. Hay Mẹ Theresa luôn tận tình phục vụ cho người nghèo không chút mệt mỏi. Hoặc đó là việc một người nỗ lực để từng bước khắc phục tính nhút nhát, xây dựng những thói quen lành mạnh hay tạo dựng mối giao tiếp tốt đẹp hơn với vợ hay chồng của người đó. Đó là việc thực hiện mười hai bước hoặc hơn thế, làm “mỗi lần một ngày.” Phẩm chất về sự kiên trì, nhất quán, trung thành với một việc gì đó – đây là những điều có lợi cho sức khoẻ và hẳn nhiên không phải là chứng điên. Và họ sẽ làm cùng một việc như thế mỗi ngày, hi vọng sẽ đạt được mức tiến triển nào đó.

Do vậy làm thế nào bạn phân biệt được? Sự dai dẳng đi kèm theo cảm giác cưỡng bức, vô vọng, vô dụng, làm một cách máy móc, và không cảm thấy thỏa mãn. Họ có mong muốn ngừng lại, nhưng ngừng lại có vẻ như không phải là một lựa chọn. Sự kiên trì đi kèm theo cảm giác nỗ lực hướng về một mục tiêu cao quý, và dù cho có đạt được mục tiêu hay không thì việc nỗ lực thực hiện như thế vẫn là một đức tính tốt.

Sự kiên trì là một phẩm chất mạnh mẽ, đáng quý. Sự dai dẳng là một vấn đề gây phiền não cần phải chú ý chữa trị. Đừng để câu nói hấp dẫn kia làm lu mờ đi sự khác biệt này.

Duy Đoàn dịch   

Nguồn:

https://www.psychologytoday.com/us/blog/in-therapy/200907/the-definition-insanity#:~:text=Insanity.,help%20distinguish%20guilt%20from%20innocence.

menu
menu