Đúng vậy, có khi họ chỉ đang ghen tị…
Với một kiểu người, ý tưởng rằng ai đó ghen tị với họ nghe như một trò đùa lố bịch.
Có một khiếm khuyết mà những người khiêm tốn, tốt bụng, luôn tự trách mình hay mắc phải: đó là không thể tin rằng người khác có thể ghen tị với mình – và vì thế, họ thường bối rối không thể hiểu nổi một số hành vi nhất định của người xung quanh, chứ chưa nói đến việc biết cách đối phó với chúng.
Với một kiểu người, ý tưởng rằng ai đó ghen tị với họ nghe như một trò đùa lố bịch. Họ luôn ý thức sâu sắc về những gì họ thấy chưa hoàn hảo ở bản thân. Có thể họ lớn lên trong một môi trường luôn bị chỉ trích bởi những người thân yêu, hoặc họ quá giỏi trong việc tự hành hạ chính mình. Vậy nên, việc nghĩ rằng mình là đối tượng để người khác ganh ghét dường như chẳng có chút logic nào. Đây không phải là sự giả vờ khiêm tốn hay một kiểu ngụy trang cho tính kiêu ngạo. Họ thực sự không nhìn ra – với tất cả những gì họ nghĩ họ thiếu sót – làm sao mà họ có thể là mục tiêu của những ánh mắt đầy ganh đua. Họ rất hiểu cảm giác muốn trở thành một ai đó khác. Nhưng lại chẳng mảy may nghĩ rằng người khác cũng có thể khao khát được như họ.
Edvard Munch, Jealousy, 1933-1935, Wikimedia Commons
Vấn đề là, nếu không hiểu rằng ghen tị là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhiều hành động của người khác sẽ trở nên khó lý giải đến phi lý. Tại sao một người bạn thân từ thuở nhỏ bỗng trở nên xa cách, lạnh lùng? Có phải mình đã vô tình xúc phạm họ? Có lẽ mình đã làm điều gì sai? Hay là lúc đó mình đã nói điều gì không đúng? Chuỗi suy nghĩ tìm kiếm lý do cứ ngày càng rối rắm – và trong lúc đó, điều đơn giản nhất lại bị bỏ qua. Một người ngoài cuộc không quá rối ren về nội tâm có thể nhìn ra ngay: sự lạnh nhạt ấy bắt đầu từ sau đám cưới của bạn, hoặc sau khi bạn được thăng chức, hoặc khi bạn học cách sống vui vẻ hơn. Người bạn cũ không “bỗng dưng kỳ lạ,” bạn cũng không gây ra lỗi lầm nào cả. Đây là một điều hết sức đơn giản và hợp lý, một động lực kinh điển trong bản chất con người… chính là sự ghen tị.
Đã đến lúc bạn ngừng sống như đứa trẻ nhút nhát ngày xưa. Giờ đây, bạn thực sự sở hữu những điều khiến người khác phải ao ước: có thể là sức khỏe, gu thẩm mỹ, một ngôi nhà ấm cúng hay một tâm hồn an yên. Dù bạn biết rất rõ mình còn thiếu những gì, điều đó không có nghĩa là những người khác xung quanh không âm thầm buồn bã vì họ không có được những gì bạn có.
Sự ngây thơ chưa nhận thức đủ về bản chất con người có thể khiến chúng ta hiểu sai mối quan hệ với những người xung quanh. Có lẽ, ta cần ngừng xin lỗi. Có lẽ, ta cần thôi việc soi xét bản thân quá mức để tìm ra lỗi sai. Và có lẽ, ta nên làm điều mà ta cần làm khi đối diện với sự ghen tị: chấp nhận rằng không thể xoa dịu nó – và tạo một ranh giới rõ ràng giữa mình và người đang chịu nỗi khổ của sự ghen tị ấy.
Trẻ con chính là “chuyên gia” chỉ cho ta thấy sự hiện diện không ngừng của lòng đố kỵ. Chúng chẳng hề ảo tưởng về sự “tốt đẹp” của bản thân, và sẽ ngay lập tức, một cách thành thật đến đáng yêu, giật chiếc xe cứu hỏa sáng bóng từ tay đứa trẻ khác, thèm muốn chiếc bánh quy thêm, hay đòi mẹ phải chú ý đến mình.
Chúng ta nên chấp nhận một cách điềm nhiên rằng bản thân cũng chẳng khác gì. Hãy dám tin vào một điều có vẻ bất ngờ, mà bấy lâu nay ta có thể đã cố trốn tránh bằng sự khiêm nhường hay tự ti: có lẽ mọi chuyện chẳng phức tạp gì cả, mà đơn giản là họ – thật sự – rất ghen tị.
Đây không phải là một suy nghĩ dễ chịu. Nhưng nếu ta có thể nhìn nhận nó một cách dứt khoát và không ủy mị, ta sẽ giải mã được vô số tình huống trong cuộc đời mà nếu không, mãi mãi chẳng thể hiểu nổi.
Nguồn: YES, MAYBE THEY ARE JUST ENVIOUS…