Dưới mái điên cuồng: lời khuyên hoang dại cho những ai đang mất trí vì người cũ

duoi-mai-dien-cuong-loi-khuyen-hoang-dai-cho-nhung-ai-dang-mat-tri-vi-nguoi-cu

Thế giới này không thiếu những lời khuyên dành cho những kẻ đang quằn quại trong nỗi đau chia tay.

Thế giới này không thiếu những lời khuyên dành cho những kẻ đang quằn quại trong nỗi đau chia tay. Nhưng vấn đề là, phần lớn trong số đó quá mức lý trí, mà bởi vậy, lại hóa ra vô dụng. Bởi lẽ, đau khổ vì tình không giống như một trục trặc hành chính, nơi chỉ cần vài mẹo vặt là có thể khôi phục trạng thái bình thường. Đây là một sự sụp đổ toàn diện và kéo dài của cảm xúc—mà phản ứng phù hợp nhất không phải là những giải pháp lạnh lùng, mà là sự thừa nhận không giới hạn về độ sâu của vết thương, một lòng trắc ẩn vô biên và sự chấp nhận rằng điên cuồng cũng là điều hoàn toàn hợp lý.

Vậy nên, đây là một vài lời khuyên ít phổ biến hơn cho những ai, dù đã mười tháng hay mười lăm năm trôi qua, vẫn chẳng thể tìm được thứ gì cuốn hút tâm trí mình hơn hình bóng của một người đã rời xa.

ĐỪNG TRÔNG ĐỢI RẰNG MÌNH SẼ SỚM VƯỢT QUA

Những người tử tế thường bảo rằng, chỉ cần thời gian, ai rồi cũng sẽ quên. Nhưng nếu chẳng có “phải” hay “nên” nào trong chuyện này thì sao? Nếu ta cứ để nỗi đau kéo dài đúng như nó cần—dù là ba tháng, mười năm hay cả đời—mà chẳng cố ép mình rút ngắn nó theo quan điểm của những người đã yên bề gia thất thì sao? Nếu ta xem đây là một căn bệnh mãn tính chứ không phải một cơn cảm lạnh thoáng qua? Nếu ta thôi tự dằn vặt mình chỉ vì nỗi đau đã vượt quá giới hạn mà ta (hay ai đó) đặt ra? Nếu ta chấp nhận, một cách tăm tối, rằng có thể ta sẽ chẳng bao giờ vượt qua được điều này?

 

Chaïm Soutine, Woman in Pink, c. 1924

HÃY BIẾN NỖI MẤT MÁT THÀNH MỘT PHẦN CON NGƯỜI MÌNH

Thay vì đẩy nó vào một góc khuất xấu hổ trong tiểu sử cuộc đời, sao ta không đặt nó vào trung tâm bản sắc của mình? Sao ta không nói về nó như một phần quan trọng của chính mình—rằng ta không chỉ sinh ra ở đâu, làm nghề gì, có sở thích gì, mà còn là một người đã đánh mất một ai đó phi thường mười lăm năm trước? Và rằng, để thực sự hiểu ta, người khác cần phải biết, phải trân trọng, và không bao giờ quên đi vết thương vẫn chưa khép miệng ấy trong tâm hồn ta.

HÃY CHO PHÉP CÁI ĐIÊN THOẢI MÁI VÙNG VẪY

Dĩ nhiên, chẳng ai gọi là trưởng thành nếu bị bắt gặp đang khóc nức nở giữa buổi chiều, ôm chặt con thú nhồi bông họ tặng bảy năm trước tại một cửa hàng trong sân bay Oslo. Nhưng đừng tự dày vò mình bằng một nỗi ám ảnh không cần thiết về phẩm giá.

Vậy nên, hãy viết đi (nhưng cố đừng gửi—hoặc cứ gửi…) bức thư thật dài giải thích vì sao họ nhất định sẽ hối hận. Rồi sau đó, lại viết một bức khác, đầy những lời yêu thương. Hoặc thậm chí, viết cả bức thư mà ta hy vọng một ngày nào đó họ sẽ gửi cho mình, với những câu như: “Anh/em thật sự xin lỗi. Giờ đây, cuối cùng anh/em cũng nhận ra anh/em đã sai, rằng chỉ có anh/em mới thực sự hiểu tôi, rằng tôi thuộc về anh/em và không ai khác…” Hãy cứ soạn cả bài phát biểu trong đám cưới tưởng tượng của hai người (“sau bao thăng trầm, chúng ta lại trở về bên nhau…”). Không có quy tắc nào cả.

ĐỪNG CHỈ GHÉT HỌ

Những người xung quanh, vì thương ta, sẽ luôn cố thuyết phục rằng họ chẳng ra gì. Và đúng là, họ đã cư xử tệ bạc vô số lần, nhất là vào thời khắc cuối cùng. Nhưng khi chỉ có một mình, hãy cho phép bản thân nhớ về nét quyến rũ của họ. Hãy lý tưởng hóa họ, đến mức ngay cả chính ta cũng nhận ra mình đã đi quá xa khỏi thứ mà người đời thô thiển gọi là thực tế. Hãy yêu họ bằng trí tưởng tượng không giới hạn, cho đến khi ta dần nhận ra rằng, ta không hề đánh mất một vị thánh với bàn tay thanh tú và trí tuệ siêu việt—mà chỉ mất đi một con người, đôi khi cũng rất phiền phức và về sau thì vô cùng ích kỷ.

PHÁ VỠ NHỮNG QUY TẮC KHÔN NGOAN

Dĩ nhiên, ta không nên gọi điện cho họ. Rõ ràng, ta không nên hạ mình cầu xin họ quay lại. Và hiển nhiên, ta cần chặn số họ. Nhưng cố gắng trưởng thành đến mức cứng nhắc cũng là một nguy cơ. Đôi khi, cái tôi chỉ có thể hồi phục bằng cách cho phép bản thân nếm trải nỗi nhục nhã một cách trọn vẹn. Hãy cứ ngốc nghếch, thử mọi cách và chứng kiến từng nỗ lực thất bại, nhìn bản thân dần trở thành cái bóng hài hước của con người tỉnh táo ngày xưa. Hãy rơi xuống tận cùng, nếu nỗi đau đã dẫn ta đến đó.

Nếu cần, hãy ở lại “quá lâu.” Hãy quay lại với họ đến bảy lần. Hãy thử thuyết phục họ qua những cuộc gọi dài lê thê. Hãy sống với điều không thể, thay vì chỉ hiểu nó bằng lý trí nhưng lại bị cảm xúc giày vò. Hãy cảm nhận bằng cả cơ thể vì sao chuyện này không thể thành, cho đến khi bài học khắc sâu trong tim, chứ không chỉ là một suy luận hợp lý.

Không ai có thể giúp ta trở nên khôn ngoan sớm hơn một giây, hay thay ta học được bài học này. Cách duy nhất để tìm lại sự tỉnh táo là để cơn điên có cơ hội bùng cháy hết mình—một cách tự do, kinh hoàng, nhưng hoàn toàn cần thiết.

Nguồn: WILD ADVICE FOR THOSE WHO HAVE LOST THEIR MINDS OVER AN EX - The School of Life

menu
menu