Giáo sư ĐH Stanford dành 20 năm nghiên cứu chỉ ra 3 kiểu người dễ gặp may
May mắn không phải là một món quà từ trên trời rơi xuống, mà là do chính bạn tạo ra.
Nhiều người tin rằng may mắn giống như một tia chớp bất ngờ xuất hiện vào khi bạn ít ngờ đến. Đó là một việc xảy ra ở đúng nơi và thời điểm.
Giáo sư Tina Seelig của Đại học Stanford sẽ loại bỏ hoàn toàn cảm nhận về may mắn đó khỏi tâm trí bạn. Trong 20 năm quan sát những gì làm cho một số người may mắn hơn người khác, bà có thể khẳng định rằng những người may mắn thường là những người tự tạo ra may mắn cho chính mình.
Trong một bài thuyết trình, Seelig sử dụng một ví dụ về gió để mô tả về may mắn. Đôi khi đó chỉ là một cơn gió nhẹ, đôi khi đó là cơn bão gió nhưng bạn chưa bao giờ biết khi nào hoặc từ hướng nào nó sẽ đến. Để nâng cao vận may rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết bí mật của nó - may mắn luôn ở đó, điều bạn phải làm là không ngừng tạo nên một cánh buồm lớn hơn để đón ngọn gió may mắn.
Qua 20 năm nghiên cứu, giáo sư phát hiện ra 3 điều có thể giúp một người tạo ra may mắn cho mình. Nếu một người làm được những điều này, chứng tỏ họ sẽ luôn là người rất may mắn.
Dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chấp nhận rủi ro
Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã có thể làm được những điều mới bằng cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chấp nhận rủi ro. Khi còn bé, chúng ta học cách đi bằng việc chấp nhận rủi ro khi bị ngã. Một ví dụ điển hình như việc tập xe: Từ việc sử dụng bánh xe phụ đến việc đi xe hai bánh đòi hỏi một rủi ro và sự bất tiện. Cần một số lần thử để cuối cùng bạn có thể duy trì thăng bằng và đi thẳng. Nhưng mỗi lần thử lại đưa bạn gần hơn đến mục tiêu.
Chúng ta học mọi thứ bằng cách chấp nhận rủi ro phạm sai lầm; nhưng khi lớn lên, chúng ta hiếm khi làm như vậy. Chúng ta ngày càng trở nên rụt rè hơn về rủi ro trí tuệ, rủi ro vật chất, rủi ro tài chính, rủi ro tình cảm, rủi ro xã hội…
Trong lớp học của mình, giáo sư Seelig từng yêu cầu sinh viên thực hiện bài tập đo độ liều lĩnh của họ. Bà thách thức họ đánh giá mức độ thoải mái của họ với các loại rủi ro sau đây: Trí thức; Thể chất; Tài chính; Tình cảm; Xã hội; Chính trị; Đạo đức.
Sinh viên so sánh độ đo liều lĩnh của họ và nhận ra rằng không ai có kết quả giống nhau. Giáo sư Seelig khuyến khích họ thúc đẩy bản thân mình đối với những rủi ro cảm thấy khó chịu nhất. Ví dụ, nếu bạn nội tâm và nhút nhát hơn, bạn có thể thách thức chính mình nói chuyện với người mà bạn không quen biết.
Việc thực hiện những rủi ro nhỏ này không đảm bảo sự thành công của bạn. Nhưng hướng mà một số rủi ro có thể dẫn bạn đến có thể gây bất ngờ.
Giáo sư Tina Seelig cho biết, bà làm điều này mọi lúc với bản thân mình. Khoảng 12 năm trước, khi đang trên chuyến bay sáng sớm đến Ecuador, thông thường bà sẽ đeo tai nghe vào, đi ngủ, thức dậy và làm việc một lúc, nhưng lần này, bà quyết định mạo hiểm và bắt đầu trò chuyện với người bên cạnh.
Bà kể lại: “Tôi tự giới thiệu và được biết anh ta là nhà xuất bản. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vì vậy, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị và tôi đã biết về tương lai của ngành xuất bản. Vì vậy, khi tôi đã đi được khoảng 3/4 chặng đường của chuyến bay, tôi quyết định nắm lấy một cơ hội khác, và tôi mở máy tính xách tay của mình để chia sẻ với anh ấy đề xuất sách mà tôi đã tập hợp lại mà tôi đã sử dụng trong lớp.
Anh ấy rất lịch sự, sau khi đọc xong, anh ấy nói: "Không phù hợp lắm nhưng cảm ơn bạn đã chia sẻ". Vụ mạo hiểm không thành công, tôi cho là vậy, nhưng không sao. Tôi đóng máy tính xách tay của mình và chúng tôi trao đổi thông tin liên lạc khi kết thúc chuyến bay.
Vài tháng sau, tôi liên lạc lại với anh ấy: "Bạn có muốn đến lớp học của tôi không? Tôi đang thực hiện một dự án có liên quan đến tương lai của ngành xuất bản”. Bằng cách này, anh ấy đã đến lớp học của tôi.
Vài tháng sau, tôi lại viết thư cho anh ấy, lần này gửi cho anh ấy một tập hợp các video clip từ một dự án khác mà các sinh viên đang thực hiện. Một trong những clip đã khơi dậy sự quan tâm lớn của anh ấy, anh ấy nghĩ rằng mình có thể viết một cuốn sách về nó và anh ấy muốn gặp gỡ các sinh viên.
Vì vậy, tôi đã mời anh ấy đến, và anh ấy đến Stanford cùng với các đồng nghiệp của mình, gặp gỡ các sinh viên, và sau đó một trong những biên tập viên của anh ấy hỏi tôi: "Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc viết một cuốn sách chưa?"
Tôi nói: “Anh hỏi sao mà trùng hợp thế.” Thế là tôi đưa cho anh ấy một đề xuất về sách, chính là đề xuất mà tôi đã trình bày với sếp của anh ấy một năm trước. Trong vòng hai tuần, chúng tôi đã ký hợp đồng và trong vòng hai năm, cuốn sách đã bán được hơn một triệu bản trên toàn thế giới”.
Nhiều người cho rằng vị giáo sư này quả thực rất may mắn, nhưng sự may mắn này là do cô ấy có chút mạo hiểm mới có được, Do đó, chúng ta cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình và mạo hiểm một chút để mở rộng khả năng của mình.
Có câu nói: “Hành động không nhất thiết lúc nào cũng mang lại may mắn, nhưng sẽ chẳng có may mắn gì nếu bạn ngồi và không làm gì cả”.
Mặc dù may mắn là ngẫu nhiên và không thể đoán trước, nhưng những hành động nhỏ của chúng ta có thể làm tăng vận may của chúng ta. Cơ hội luôn dành cho người có sự chuẩn bị, nếu cơ hội chưa đến thì hãy kiên nhẫn và chuẩn bị thật tốt.
Cải thiện mối quan hệ với người khác và học cách biết ơn
Hãy hiểu rằng tất cả những người đã giúp đỡ bạn đều là người giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Nếu bạn không bày tỏ lòng biết ơn, đó không chỉ là vấn đề bạn không tương tác với họ mà còn là một cơ hội bị bỏ lỡ. Khi ai đó làm điều gì đó cho bạn, họ dành thời gian cho bạn mà lẽ ra họ có thể dành cho chính họ hoặc người khác, và bạn thể hiện lòng biết ơn của mình để cho thấy bạn xứng đáng để họ dành thời gian giúp đỡ. Điều này sẽ khiến nhiều người sẵn sàng giúp bạn một tay.
Giáo sư Tina Seelig từng điều hành 3 chương trình học bổng tại Đại học Stanford, do cạnh tranh khốc liệt nên năm nào cũng có sinh viên nộp hồ sơ nhưng không được chọn. Có sinh viên nhận được thông báo trượt đã viết thư khiếu nại, có sinh viên viết thư hỏi giáo sư lần sau làm thế nào để bản thân tốt hơn. Chỉ có một số người sẽ viết thư cho Tina Seelig đơn giản để bày tỏ lòng biết ơn của họ.
Một sinh viên tên Brian đã gửi thư cảm ơn cho Tina Seelig sau khi anh ấy trượt tuyển chọn. Giáo sư sau khi đọc xong đã rất cảm động và mời anh ấy đến văn phòng trò chuyện. Trong cuộc trò chuyện này, họ cùng nhau nảy ra một ý tưởng gọi là "dự án học tập tự định hướng" và cuối cùng ý tưởng đã được Brian biến thành một công ty.
Nâng cao nhận thức và tư duy
Hầu hết mọi người, khi đối mặt với một ý tưởng mới, đều đánh giá nó bằng cách nói, "Đó là một ý tưởng tuyệt vời" hoặc "Ý tưởng này dở tệ”. Nhưng không có ý tưởng tốt hay xấu. Trên thực tế, những ý tưởng tồi thường trở thành những điều thực sự tuyệt vời.
Một trong những bài tập yêu thích của giáo sư trong các lớp học ở Stanford là giúp sinh viên phát triển thái độ nhìn nhận những ý tưởng tồi qua lăng kính khả thi.
Tại lớp học, giáo sư đã đưa ra một thử thách cho các sinh viên: Nghĩ ra ý tưởng cho một nhà hàng hoàn toàn mới. Họ phải nghĩ ra những ý tưởng tốt nhất và tệ nhất cho nhà hàng mới. Ý tưởng hay nhất, chẳng hạn như nhà hàng trên đỉnh đồi với cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp hoặc nhà hàng trên mặt nước với tầm nhìn ra hồ tuyệt đẹp; Ý tưởng tồi ví dụ như nhà hàng được xây dựng trong bãi rác, hoặc nhà hàng có dịch vụ kém và môi trường xung quanh bẩn thỉu.
Họ đưa cho giáo sư Tina Seelig tất cả các ý tưởng rồi bà đọc to những ý tưởng hay nhất, xé chúng ra và ném đi. Sau đó, giáo sư án lại những ý tưởng tồi cho họ. Bằng cách này, mỗi đội sẽ có một ý tưởng mà đội kia cho là tồi tệ, và thách thức của họ là biến những ý tưởng tồi tệ này những ý tưởng thú vị.
Tiếp theo, một điều tuyệt vời đã xảy ra. Trong vòng khoảng 10 giây, một người nào đó trong lớp đã thốt lên: "Đó là một ý tưởng tuyệt vời." Họ có khoảng ba phút để chuẩn bị, sau đó trình bày ý tưởng của mình trước lớp. Và ý tưởng sau đó thật sự rất thú vị.
Nếu bạn nhìn vào những công ty đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta, bạn biết không? Tất cả đều bắt đầu với một ý tưởng “điên rồ”. Khi họ giới thiệu nó cho người khác, họ bắt đầu thực hiện ý tưởng và hầu hết mọi người đều nói: "Điều này thật điên rồ, nó sẽ không hiệu quả đâu”. Thường thì nhiều ý tưởng mới rất điên rồ và khó tin, nhưng đây là cách mà nhiều công ty lớn trên thế giới được xây dựng.
Minh Nguyệt dịch