Vì sao chúng ta hay cãi nhau giữa chốn thiên đường
Chúng ta đang ở chốn thiên đường: một khách sạn bên bờ biển trên hòn đảo nhiệt đới, một căn nhà nhỏ giữa thung lũng yên bình, hay một khách sạn sang trọng ở một thành phố cổ kính.
Chúng ta đang ở chốn thiên đường: một khách sạn bên bờ biển trên hòn đảo nhiệt đới, một căn nhà nhỏ giữa thung lũng yên bình, hay một khách sạn sang trọng ở một thành phố cổ kính. Tâm hồn lẽ ra phải được xoa dịu bởi vẻ đẹp và sự thoải mái. Chúng ta đã từng tranh cãi trong những hoàn cảnh căng thẳng và không hoàn hảo ở nhà, nhưng giờ đây, trong không gian này, ta có thể dịu dàng, điềm tĩnh, ân cần và kiên nhẫn với nhau. Chúng ta đã cố ý đến đây để tìm một khoảng nghỉ ngơi dễ chịu, khơi lại những cảm xúc đẹp đẽ dành cho nhau.
Thế nhưng, trớ trêu thay, chính trong khung cảnh tuyệt vời ấy, những bực bội, thất vọng lại bùng nổ mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ta có thể cãi nhau gay gắt nhất, thậm chí đau đớn và nặng nề hơn, giữa cánh đồng yên tĩnh hay bên bờ biển xanh ngắt với những đàn cá đầy màu sắc bơi lội xung quanh.
Điều này dường như vô lý và khó chấp nhận. Trong tâm tưởng văn hóa của chúng ta, chẳng có chỗ nào dành cho những trận cãi vã ồn ào, những sự lạnh nhạt hay những đối đầu nảy lửa như vậy. Thiên đường lẽ ra phải là nơi mọi khúc mắc được hóa giải, không phải nơi chúng trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng thật ra, có một logic rất hợp lý đằng sau điều tưởng như vô lý ấy: vì mọi thứ bên ngoài quá hoàn mỹ, những bất an và nỗi buồn trong tâm hồn ta càng trở nên nổi bật. Khi ta mong đợi hạnh phúc, những thất vọng trong mối quan hệ – và thậm chí cả với chính bản thân – lại càng khó để chấp nhận. Ta bắt đầu nghĩ: Giá mà không có họ…
Ngược lại, khi ta đối mặt với những thực tế khắc nghiệt – những câu chuyện bi thương về chiến tranh, bất hạnh, hoặc khi ta đặt chân đến những nơi thiên nhiên đầy khắc nghiệt (như một sa mạc khô cằn, một hòn đảo lạnh lẽo đầy gió bão) – thì những bất ổn trong tâm trí ta dường như nhỏ bé hơn, dễ bỏ qua hơn. Trong những hoàn cảnh đó, việc có ai đó đồng hành bên cạnh đã là một đặc ân, và cái gọi là “dự án làm người” bỗng hiện ra đầy mong manh và bất trắc.
Vậy nên, ta không nên tự làm mình khổ sở hơn bằng cách phủ nhận sự chính đáng của những cảm xúc ấy. Ta nên cười nhạo sự kỳ vọng ngây ngô rằng tiền bạc hay một hành trình xa xôi có thể giải quyết được những vấn đề đeo bám những mối quan hệ dễ trầy xước của mình. Hãy chấp nhận rằng khung cảnh đẹp đẽ chỉ là một phần nhỏ – và chắc chắn không phải là yếu tố quan trọng nhất – trong hỗn hợp phức tạp tạo nên một cuộc sống viên mãn. Những chiếc ga trải giường hảo hạng hay những bữa tiệc buffet ngon lành chẳng thể nào so bì với sức mạnh của việc giao tiếp thẳng thắn và cơ hội để xử lý những oán giận còn tồn đọng. Những khách sạn sang trọng mà ta lưu trú hóa ra lại dạy cho ta một bài học lặng lẽ nhưng sâu sắc về sự thứ yếu của vật chất trong hạnh phúc thật sự.
Nhưng đồng thời, ta cũng không nên sợ rằng thiên đường sẽ mãi mãi bị hủy hoại bởi một vài cuộc cãi vã. Sau những trận chiến trong căn bungalow ven biển, hay sau những lời qua tiếng lại gay gắt tại quán rượu nhỏ nơi phố cổ, ta sẽ nhận ra rằng mình đã thất bại một cách vinh quang trong nỗ lực sống đúng với khung cảnh hoàn mỹ. Ta sẽ hiểu rằng sự trưởng thành và hạnh phúc là những điều con người khó mà duy trì lâu dài – và từ đó, ta cảm thấy tự do hơn. Dĩ nhiên, ta chẳng thể nào sống vui vẻ hay trưởng thành hơn chỉ trong vài giờ đồng hồ. Đó là bản chất của con người. Ta chỉ không biết đủ nhiều về cuộc sống của người khác để tin rằng mình là trường hợp ngoại lệ kỳ dị mà thôi.
Ta chưa hề đánh mất quyền được buồn bã hay ích kỷ, chỉ vì ta đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho một chiếc giường sang trọng và một căn phòng có view nhìn ra vịnh đẹp như mơ. Thật ra, đặc quyền của chốn thiên đường chính là ta có thể, ở một vài khoảnh khắc, cho phép mình không hoàn hảo, không vui vẻ, không tử tế – mà vẫn rất đỗi con người.
Nguồn: WHY WE ARGUE IN PARADISE - The School Of Life