Hạnh phúc: Quan điểm phương đông và phương tây

hanh-phuc-quan-diem-phuong-dong-va-phuong-tay

Truyền thống trí tuệ của phương Tây thường nhấn mạnh rằng để đạt được hạnh phúc, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là chinh phục thế giới...

Truyền thống trí tuệ của phương Tây thường nhấn mạnh rằng để đạt được hạnh phúc, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là chinh phục thế giới: tích lũy tài sản, xây dựng doanh nghiệp, điều hành chính phủ, giành lấy danh vọng và thậm chí thống trị cả các quốc gia.

Ngược lại, tư tưởng phương Đông, trong cả Phật giáo lẫn Ấn Độ giáo, từ lâu đã khẳng định một điều hoàn toàn khác. Họ cho rằng, để tìm thấy sự mãn nguyện, điều cần chinh phục không phải thế giới bên ngoài, mà là chính công cụ mà chúng ta dùng để nhìn nhận thế giới này: tâm trí của chúng ta.

Phương Đông cho rằng, dù chúng ta đạt được bao nhiêu thành tựu rực rỡ, tích lũy được bao nhiêu tiền bạc, hay trở thành tâm điểm của bao nhiêu sự ngưỡng mộ, tất cả cũng trở nên vô nghĩa nếu tâm trí ta vẫn dễ dàng bị chi phối bởi những cảm xúc bất an. Một cung điện lộng lẫy với bảy hồ nước phản chiếu và khu vườn trồng đầy hoa hạnh nhân và anh đào cũng không thể làm dịu đi nỗi trầm cảm. Lo âu mãn tính sẽ khiến cho việc sở hữu một chiếc máy bay phản lực nhanh nhất thế giới trở thành điều vô nghĩa. Một gia tài kếch xù chẳng mang lại giá trị nào nếu ta bị ám ảnh bởi những nỗi hoài nghi. Một mối quan hệ bất hạnh có thể hủy hoại mọi lợi ích mà một cái tên danh giá mang lại.

Photo by Iván Tejero on Unsplash

Với sự mong manh của những giá trị bên ngoài trước những cơn bão tinh thần, tư tưởng phương Đông khuyên chúng ta hãy dừng việc dành cả đời để sắp xếp các mảnh ghép vật chất của cuộc sống, chỉ để rồi gục ngã trước những bất ổn tâm lý. Thay vào đó, hãy tập trung học cách kiểm soát và điều khiển công cụ phức tạp nhưng dễ tổn thương nhất: tâm trí. Thay vì xây dựng những đế chế, ta cần dành nhiều năm để suy ngẫm về cách chúng ta suy nghĩ và mơ mộng; cần hiểu về gia đình ta lớn lên, hệ thống kinh tế mà ta chịu ảnh hưởng, những thôi thúc bản năng và vị trí nhỏ bé của ta trong trật tự sinh học lẫn vũ trụ.

Chúng ta cần học cách thở sao cho tối ưu hóa lượng oxy đến vỏ não, giữ tư thế sao cho cơ quan nội tạng không bị chèn ép và máu lưu thông trôi chảy. Ta cần ngủ đủ giờ và loại bỏ mọi xao lãng, kích thích khiến dòng suy nghĩ bị rối loạn.

Đây không hề là những nhiệm vụ dễ dàng; nó đòi hỏi công sức chẳng kém gì việc quản lý một công ty luật. Nhưng các nhà hiền triết và yogi khẳng định rằng, những nỗ lực này sẽ mang lại cho ta một nền tảng hạnh phúc bền vững hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng của một CEO mới nhậm chức, ngay cả khi ông ta sở hữu một chiếc du thuyền sang trọng neo đậu ngoài khơi Barbuda.

Một phần lý do khiến quan điểm này khó thuyết phục chúng ta nằm ở chỗ ta không thể tưởng tượng được rằng thành công, sự giàu có hay một cung điện lộng lẫy lại không thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Điều này càng khó tin hơn vì rất ít người, những người đã đạt được những điều kiện vật chất vượt bậc, dám chia sẻ một cách trung thực về trải nghiệm thực sự của họ. Lịch sử trí tuệ, với những cảnh báo nghiệt ngã chống lại cuộc sống chạy theo vật chất, thường được viết bởi những người nghe có vẻ nghèo khổ và ghen tị.

Chính vì thế, thật may mắn và đáng an tâm khi Phật giáo được sáng lập bởi một cựu “tay chơi” bất mãn, Siddhartha Gautama (Thích Ca Mâu Ni). Ông từng sở hữu một cung điện, một quỹ tín thác, sự nổi tiếng và những người hầu, nhưng cuối cùng từ bỏ tất cả để ngồi dưới gốc cây bồ đề. Với trải nghiệm sống thực tế, ông đã nói cho chúng ta biết những giá trị vật chất thực sự có thể – và không thể – mang lại điều gì. Không cần đến sự khiêm nhường giả tạo, ông khẳng định rằng chúng không đủ. Món ăn có thể ngon, căn phòng có thể thanh lịch, nhưng những điều này không thể thực hiện vai trò của chúng nếu tâm trí vẫn bị ám ảnh và bất ổn – điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu không có một quá trình giáo dục cảm xúc lâu dài và thực hành tâm linh thường xuyên.

Chúng ta nên nghiêm túc lắng nghe lời cảnh báo từ phương Đông. Dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng chỉ có thể hạnh phúc nếu tâm trí được bình yên. Và với sự mong manh của tinh thần trước những bất ổn, cũng như sự ngắn ngủi của đời người, có lẽ chúng ta nên dành thêm thời gian để chăm sóc tâm hồn mình, thay vì tập trung quá nhiều vào những kế hoạch cho một ngôi nhà thứ hai hay một văn phòng ở New York.

Phương Tây đã tạo ra quá nhiều “tay chơi” bất hạnh, trong khi phương Đông lại sản sinh ra rất nhiều bậc hiền triết thực sự an nhiên. Đã đến lúc ta nên chuyển hướng chú ý khỏi việc chinh phục thế giới, mà thay vào đó là học cách chế ngự chính tâm trí của mình.

Nguồn: EASTERN VS WESTERN VIEWS OF HAPPINESS - The School Of Life

menu
menu