Hiểm nguy của việc có quá ít thứ để làm
Ta có thể đọc sách, nằm ườn, chơi và lêu lổng. Tại sao ta lại thấy nhàm chán, mất phương hướng và có lẽ hơi chút muốn khóc? Vì sao ta lại sợ hãi thế này?
Trong phần lớn thời gian cuộc đời, chúng ta đều làm việc hết mình: chúng ta thức đến giữa đêm trong thư viện học hành để lấy bằng cấp, chúng ta học một kỹ năng, xây dựng việc kinh doanh, viết một cuốn sách. Ta nhiều khi chẳng có lấy một phút giây nào cho chính mình. Chúng ta thậm chí chẳng buồn hỏi liệu mình có viên mãn hay không, bởi đơn giản đây chính là những đắng cay hiển nhiên. Chúng ta đếm ngược những ngày tháng đến kết thúc để dỗ mình vào giấc ngủ.
Và rồi, cuối cùng, một ngày nọ, bất ngờ thay, điểm kết cũng đến. Trải qua những nhọc nhằn chậm rãi mà vững vàng, chúng ta đạt được điều mà ta tìm kiếm suốt bao năm nay: cuốn sách đã hoàn thành, việc kinh doanh phát đạt, bằng cấp được treo trên tường. Mọi người quanh ta chúc mừng và mở tiệc; ta có khi lại còn đi nghỉ mát.
Và đó là khi, đối với một số trong chúng ta đã quen với u buồn, một sự bất an lớn lao có khả năng sẽ ập xuống. Bờ biển tuyệt đẹp, bầu trời không chỗ chê, và hương chanh thoang thoảng từ vườn cây đưa tới. Chúng ta không có việc gì không vui phải làm cả. Ta có thể đọc sách, nằm ườn, chơi và lêu lổng. Tại sao ta lại thấy nhàm chán, mất phương hướng và có lẽ hơi chút muốn khóc? Vì sao ta lại sợ hãi thế này?
Tâm trí chúng ta làm việc theo những cách dối lừa. Để có thể tạo ra động lực cần thiết khiến ta hoàn thành công việc nào đó, tâm trí ta vờ rằng một khi việc hoàn tất, thì nó sẽ thấy mỹ mãn, nó sẽ chấp nhận hiện thực như thế đó. Nó sẽ ngừng những câu hỏi liên tục như tra tấn, nó sẽ không phát ra thêm những giả thiết ngẫu nhiên gây khó chịu hoặc tội lỗi. Nó sẽ đứng về phía ta.
Nhưng bất kể là vô tình hay cố ý, tâm trí chúng ta không hề phù hợp với việc giữ vững lời hứa đó. Hóa ra nó cực kì chống lại cũng như bị đe dọa bởi trạng thái bình thản và thư giãn. Nó có thể quản lí chúng nhiều nhất là khoảng một ngày. Và rồi, rùng mình một cái, nó lại trở lại với bao lo âu lẫn câu hỏi. Nó sẽ lại khiến ta tự hỏi chúng ta đang mong đợi gì, giá trị của ta là gì, khiến ta nghi ngại liệu ta có xứng đáng, rằng ta có quyền gì.
Một khi mọi việc nhọc nhằn kết thúc, sẽ chẳng có gì ngăn cản tâm trí u uất của chúng ta đẩy ta đến bờ vực thẳm mà ta vẫn chống lại khi ta vẫn đang vùi đầu làm việc. Chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng không thành tựu nào là đủ cả, rằng ta làm gì cũng sẽ chẳng đi đến đâu hay tạo ra khác biệt gì, rằng ít ỏi chỉ đến thế thôi, rằng ta đã bị vấy bẩn bởi tội lỗi nguyên thủy chỉ bằng việc đang sống và cảm thấy ta cần phải trả giá, rằng mọi người quanh ta đều cao thượng và tài năng hơn ta gấp bội, rằng trời xanh trong trẻo kia cũng thật đàn áp và đáng sợ làm sao – và rằng “không làm gì cả” là điều khó khăn nhất mà ta từng thử qua.
Cứ như là sâu bên trong, tâm trí u uất của ta biết rằng định mệnh tối cao của hành tinh này là bị mắt trời nuốt chửng sau bảy tỉ rưỡi năm nữa và vì thế nên mọi thứ đều rỗng tuếch và vô ích đối với thời gian và không gian vũ trụ. Chúng ta biết rằng sự hiện diện của ta thật yếu ớt và chẳng đáng gì; ta đã làm mình bận rộn để chống lại sự tuyệt vọng này bằng những hạn chót, những lịch trình tàn khốc, những chuyến công tác và những cuộc gọi họp ban khuya. Cái cảm giác quan trọng nho nhỏ được thổi phồng ngăn ta nhân thấy sự vô ích trong vũ trụ này. Nhưng giờ đây, với những thành tựu đã đạt được, không còn gì che chắn ta khỏi nỗi khủng hoảng tồn tại đó. Chỉ có chúng ta và ánh sáng của hàng tỉ ngôi sao lụi tàn trên bầu trời. Không còn những buổi họp lúc 8 giờ rưỡi sáng, không còn những ghi chú hiệu đính, không còn những hạn chót để đánh lạc hướng ta khỏi sự không thích đáng trừu tượng của mình.
Chúng ta nên tử tế với mình hơn. Thay vì đặt mình vào một quá trình nhàn rỗi vô tận đầy khó khăn (cứ như thể loài sinh vật đầy adrenaline và sự lo âu như loài người chúng ta có thể làm được vậy thật), chúng ta nên tự trắc ẩn đủ để giữ cho ta một thử thách nối tiếp thử thách – những thử thách hơi không liên quan nhưng ngụy trang tốt – và cố hết sức để vờ rằng chúng rất quan trọng và không được để có khoảng cách lớn nào giữa chúng.
Công việc của chúng ta tồn tại để bảo vệ ta khỏi cảm giác tuyệt vọng và tội lỗi. Chúng ta cần đảm bảo rằng mình không bao giờ hết việc để làm, và không bao giờ đi đến bước đi nguy hiểm nhất đó – “ về hưu” – hoặc là bước đến hiểm nguy thứ nhì – một kì nghỉ mát dài.
Dịch: Amy – beautifulmindvn.com
Hiệu đính: KLinh
Nguồn: https://www.theschooloflife.com/article/the-dangers-of-having-too-little-to-do//?/