Khi nào ta thực sự đang làm việc hiệu quả?

Trong hai trăm năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến một bước nhảy vọt về năng suất lao động – vượt xa mọi thời kỳ trong lịch sử loài người.
Trong hai trăm năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến một bước nhảy vọt về năng suất lao động – vượt xa mọi thời kỳ trong lịch sử loài người. Từ năm 1 sau Công nguyên đến năm 1820, mức sống ở phương Tây chỉ tăng gấp đôi – từ GDP bình quân đầu người 600 đô lên 1.200 đô mỗi năm. Nhưng rồi, chỉ trong hai thế kỷ tiếp theo, con số ấy vọt lên hơn hai mươi lần, vượt ngưỡng 26.000 đô.
Không chỉ trở nên hiệu quả hơn, chúng ta còn hình dung ra được "trông thế nào thì mới gọi là năng suất": có mặt ở văn phòng, vây quanh bởi đồng nghiệp, họp hành liên miên, đi công tác thường xuyên và trả lời hàng trăm tin nhắn mỗi ngày.
Thế nhưng, chính cái hình ảnh đó lại có thể khiến ta bỏ lỡ điều cốt lõi: công việc hiệu quả nhất thường không cần phải ồn ào như vậy. Bởi nếu thế giới này tiến xa nhất nhờ vào ý tưởng – nhờ những dòng suy tưởng rõ ràng xoay quanh những câu hỏi nền tảng – thì một số khoảnh khắc "hiệu quả" nhất trong đời ta sẽ rất khác với mô hình làm việc kiểu hiện đại. Đó sẽ là những phút giây yên lặng, tưởng như nhàn rỗi, nơi ta có cơ hội phá vỡ những khuôn mẫu cũ kỹ, vượt qua lối nghĩ lối mòn; là lúc một điều gì đó chân thật và sống động bỗng bật lên trong tâm trí; là khi ta dám nhìn thẳng vào một linh cảm bị bỏ quên từ lâu, hay cho phép một quan điểm đối lập được một lần lên tiếng. Những khoảnh khắc khiến ta sực tỉnh về sự hữu hạn của đời người – và từ đó, dồn hết can đảm để làm điều mà lẽ ra ta nên làm từ lâu.
Thật nghịch lý thay, những suy nghĩ như thế lại rất khó hình thành ở những nơi được cho là "phù hợp để suy nghĩ". Nơi quen thuộc sinh ra ý nghĩ quen thuộc. Ở giữa cả trăm đồng nghiệp, một tầm nhìn mới mẻ dễ khiến ta thấy... kỳ cục. Và suy nghĩ cũng trở nên khó khăn nếu ta bị yêu cầu chỉ... suy nghĩ. Một tờ giấy trắng vào sáng thứ Hai lạnh lẽo có thể khiến đầu óc ta đông cứng. Những ý tưởng hay nhất thường xuất hiện khi ta chẳng có kế hoạch gì rõ ràng – trong những khoảng trống của ngày, khi ta chỉ đơn thuần đi dạo trong công viên, ngồi tàu, ngâm mình trong bồn tắm hay thẫn thờ nhìn vào khoảng không. Chính khi đó, những suy nghĩ hay ho – nhưng lén lút và rụt rè – mới có cơ hội ngoi lên từ tầng sâu vô thức, kịp ló dạng trước khi lại vụt trốn mất. Và ta cũng phải thừa nhận, nhiều ý tưởng quan trọng thường mang theo cảm giác bất an – bởi nếu thực sự nghiêm túc với chúng, ta sẽ phải thay đổi, phải làm người khác không hài lòng, phải dám thừa nhận những điều mình từng tin là sai. Điều đó không có nghĩa là ta nên bỏ qua chúng – chỉ là lý giải vì sao ta hay có xu hướng lảng tránh. Ta giỏi thực hiện từng bước nhỏ để triển khai một kế hoạch – nhưng lại dở tệ trong việc dừng lại để tự hỏi: liệu kế hoạch ấy có còn đúng hướng?
Vilhelm Hammershøi, Interior, Strandgade 30.,1909.
Nếu ta đủ can đảm để không chạy theo guồng quay hối hả của công việc hiện đại, có lẽ ta sẽ nhận ra: một căn phòng yên tĩnh giữa buổi chiều, khi ta không có việc gấp, không ai gọi, không tin nhắn nào cần trả lời – có thể là nơi hiệu quả nhất để làm việc. Ta sẽ thấy việc ngồi hàng giờ nhìn qua khung cửa sổ – trông như đang "lãng phí thời gian" – thật ra có thể giúp ta tránh được những sai lầm và hoang mang lớn hơn. Nhân vật trong bức tranh của Vilhelm Hammershøi có vẻ như đang "chẳng làm gì cả", nhưng đôi khi, những nhận thức sâu sắc nhất lại đến từ việc buông bỏ mục tiêu cụ thể và thả mình cho sự miên man của tâm trí. Việc mơ màng nhìn qua cửa sổ không phải là vô nghĩa – đó là một sự phản kháng có chiến lược trước những đòi hỏi ngột ngạt của những thứ cấp bách mà không quan trọng – để dành chỗ cho những kế hoạch có chiều sâu hơn.
Chúng ta thường bị dạy phải nghiêm khắc với bản thân mỗi khi thấy "lười biếng", vì sự im lặng đôi khi giống như tội lỗi giữa nhịp sống hối hả. Nhưng có lẽ, mối đe dọa thực sự đến từ điều ngược lại: là khi ta không đủ "lười biếng". Sự nhàn rỗi bên ngoài không đồng nghĩa với việc ta vô ích. Dưới bề mặt của vẻ ngoài im lìm ấy, có thể đang diễn ra rất nhiều điều – vừa quan trọng, vừa khó khăn theo cách riêng của nó. Khi ta bận rộn với công việc thường nhật, đầu óc chỉ hướng đến những việc ở tầng nổi: ta làm theo kế hoạch mà chẳng nghĩ xem nó có còn phù hợp không. Nhưng muốn thực sự hiểu bản chất vấn đề và tìm ra hướng đi đúng, ta cần phải quay vào bên trong – nơi sâu thẳm hơn, kín đáo hơn. Và điều đó chỉ xảy ra khi ta đủ dũng cảm để tạm lánh khỏi những đòi hỏi trước mắt; khi ta có thể ngẩng lên nhìn mây, dõi theo cành cây rung rinh trong gió.
Một người có vẻ như cực kỳ bận rộn – lịch kín cả tuần – có thể trông hoàn toàn trái ngược với sự lười biếng. Nhưng đằng sau sự tất bật ấy, biết đâu lại là một dạng trốn tránh. Họ làm rất nhiều, nhưng lại chẳng bao giờ thực sự nghĩ xem mình đang làm gì. Họ né tránh việc đối diện với chính cảm xúc thật của mình trong công việc. Họ trì hoãn việc xem xét con đường mình đang đi. Trong chuyện ấy, họ mới thật sự là... lười biếng. Sự bận rộn ấy – nhìn thì có vẻ chăm chỉ – nhưng kỳ thực lại là một hình thức phân tâm rất khéo léo và nguy hiểm.
Cuộc sống sẽ cân bằng hơn nếu ta biết định nghĩa lại điều gì xứng đáng được trân trọng. Không chỉ những chuyến đi vòng quanh thế giới mới cần lòng can đảm – mà việc dám ngồi yên một mình với những suy nghĩ cũng dũng cảm không kém, dù những ý nghĩ ấy có thể gợi lên lo âu hay buồn bã, nhưng lại thiết yếu để trưởng thành. Người chăm chỉ thật sự không nhất thiết phải là người ngồi ở phòng chờ sân bay quốc tế; đó có thể là người lặng lẽ nhìn ra cửa sổ và thỉnh thoảng ghi lại một hai ý nghĩ lên trang giấy. Chính những khoảnh khắc đó mới là lao động thực sự – là công việc khó nhất, xứng đáng nhất với tiềm năng sâu thẳm trong mỗi con người.
Nguồn: WHEN ARE WE TRULY PRODUCTIVE | The School Of Life