Hiểu Về Sự Thấu Cảm

hieu-ve-su-thau-cam

Ta vẫn biết rằng thấu cảm là một đức tính vô cùng quan trọng, cho phép ta nhìn thế giới này, mà thường là rất khác, qua con mắt của người khác. Nhưng có thể chúng ta không biết phải làm sao mới đạt được cách nhìn cao quý ấy.

Ta vẫn biết rằng thấu cảm là một đức tính vô cùng quan trọng, cho phép ta nhìn thế giới này, mà thường là rất khác, qua con mắt của người khác. Nhưng có thể chúng ta không biết phải làm sao mới đạt được cách nhìn cao quý ấy.

Ta có thể nghĩ về nó như là việc thoát khỏi tính ích kỷ thông thường của chúng ta, của việc thoát khỏi bản thể - và đặt mình một cách tưởng tượng vào trải nghiệm của người khác. Nhưng bí mật về sự thấu cảm có lẽ là hơi khác. Nó không liên quan nhiều đến việc vượt qua chính mình như khi thực hiện một sự suy xét nội tâm nào đó, mà điều này sẽ đưa ta tới những phần ít quen thuộc hơn của tâm trí mình.

Ví dụ như, ta cứ thử hình dung rằng nếu như ta được yêu cầu hãy đồng cảm với một người ăn vận trang trọng, Lãnh chúa Ribblesdale, đang nhìn ta chằm chằm từ bức chân dung được vẽ vào năm 1902 của vị họa sĩ người Mỹ John Singer Sargent. Cảm giác đầu tiên của ta sẽ là người đàn ông này trông thật xa lạ, quý phái, kiêu kỳ và khinh khỉnh, dáng vẻ của một con người mà ta sẽ không muốn có một mối liên hệ hay quan hệ nào cả.

 

Nhưng sự luyện tập cần thiết này là nhằm cố gắng rút ra những phần kém rõ ràng nhất trong kinh nghiệm của bản thân. Trong chừng mực mà mỗi người chúng ta kiềm chế, dưới dạng tiềm tàng, toàn bộ kiếp người, chắc hẳn luôn có một phần nhỏ bé, hiện đang lẩn khuất trong ta là cùng đồng điệu với tâm tưởng của một nhà quý tộc thuộc thế kỷ 19.

Ta có thể còn nhớ một ngày nọ trên chuyến tàu đông đúc, bị chen lấn bởi những nhóm hành khách ồn ào, và có thể còn say nữa. Tâm trạng khi ấy có lẽ đã bị lãng quên rồi, nhưng ta vẫn có thể ngay tức khắc nhận ra trong lòng mình cái khả năng nghiêm nghị nhìn vào người khác và nghi ngại theo vài cách nào đó, rằng ta có thể tốt đẹp hơn một số người. Hoặc cũng có thể ở một thời điểm nọ, khi ta tròn tám tuổi và cha mẹ đang chuẩn bị rời nhà để tham dự một bữa tiệc trang trọng, và ta cố choàng vào chiếc áo khoác đắt tiền của họ và thích thú với cái cảm giác về sự uy quyền đi cùng với những bộ đồ lộng lẫy ấy. Ta có thể có một phong cách sống rất giản dị và tinh thần dân chủ, nhưng chôn chặt trong tâm trí ta là khả năng nắm bắt những điều có thể trở nên lôi cuốn về một diện mạo uy nghi và nhìn xuống thế gian này với một thái độ lạnh lùng. Trong nỗ lực cố gắng cảm thông với vị lãnh chúa kia, ta tìm kiếm và phát hiện ra một trải nghiệm tương đồng. Ta đang học cách ghi nhận từ một con người hoàn toàn khác biệt cái tiếng vọng quen thuộc của lịch sử về bản thân mình.

Một người thiếu sự đồng cảm cũng không phải là quá đỗi ích kỷ vì nhìn chung họ không nhận thức được đầy đủ về những hoàn cảnh sống tối tăm hơn, ít quen thuộc, và có phần lạ lùng hơn so với cuộc đời họ: những phần đó là những điều mà họ không trải qua trong phần lớn thời gian: sự thấp kém hơn một chút về mặt địa vị chính là, theo một cách bí mật, một chút quý tộc, thật đáng ngạc nhiên dù là nam hay nữ, một tên trộm hoặc một đứa trẻ, khi mà xã hội mong muốn họ chỉ là người dân chủ, một người đàn ông, một người đàn bà, một công dân tuân thủ luật pháp hay một người trưởng thành. Người không biết cảm thông không chỉ từ chối thách thức tiến vào tâm trí người khác, họ còn cảnh giác trước việc bước chân vào trí tưởng tượng tròn vẹn của tâm trí mình.

Đằng sau sự dè dặt của việc thiếu cảm thông là nỗi lo sợ sẽ rơi vào những cảm xúc phiền hà. Họ có thể tự tin khi không phải dính vào những kỷ niệm rời rạc và lạc lối trong những năm tháng đầu đời. Họ là những kẻ thành công nếu như đặt sang một bên những đau khổ của nỗi sợ bị cự tuyệt và thất bại mà đôi khi xuất hiện như một cơn ác mộng và sẽ kết nối họ với những người mà họ khinh khỉnh lướt qua trên đường. Người đã lập gia đình lâu năm che giấu trong lòng mình một bản thể đơn độc mà họ mà họ giả vờ không nhận ra. Trong cuộc đời của những cá nhân nghiêm túc và trầm lặng, sẽ có những khoảnh khắc, nhanh chóng bị lãng quên, khi mà họ cảm thấy muốn ném sách vở của mình xuống lòng sông và chửi rủa người thầy của mình. Chúng ta luôn mang trong mình nhiều con người khác nhau mà ta không dám biết đến. Trái ngược với thấu cảm không phải là việc chỉ biết nghĩ đến bản thân mình; mà là nghĩ về bản thân bạn theo những cách thức hạn chế.

Một tính năng ấn tượng của nhiều hệ thống pháp luật chính là một người bị cáo buộc phạm tội sẽ có quyền được bào chữa trước thẩm phán và bồi thẩm đoàn bởi một người biện hộ có kỹ năng và thạo nghề. Vị luật sư bào chữa này không nhất thiết phải yêu quý khách hàng của mình hay cho rằng người đó vô tội; nhiệm vụ của họ không phải là nói dối hay lừa gạt – mà chỉ đơn giản là xây dựng cách giải thích thuận lợi nhất nhất mà các chứng cứ cho phép. Có lẽ khách hàng của họ quả thực đã biển thủ một ít tiền – nhưng người đó cảm thấy vô cùng sợ hãi, người đó không định lấy đi quá nhiều như thế, chỉ vì họ vừa nhận được một số tin tức khủng khiếp mà thôi. Luật sư bào chữa sẽ tìm kiếm trong những hoàn cảnh xung quanh bất kỳ yếu tố giảm nhẹ nào có thể được.

Hành động này được áp dụng rộng rãi hơn nhiều so với phạm vi phòng xử án. Thường thì, ta chỉ nhận được “sự thuê mướn” – như theo đúng nghĩa ấy – bởi chính bản thân ta. Chúng ta là những bậc thầy trong việc đại diện cho chính mình, trong việc tìm ra lý do và tình tiết giảm khinh cho những điều ta đã làm hoặc không làm. Còn đối với những người khác ta lại thường hành xử như một công tố viên hung hăng và nhiều lý lẽ nhất; ta khăng khăng phủ nhận rằng một ai đó có thể vừa tốt đẹp vừa hành xử theo một cách làm người khác ngán ngẩm nhất.

Có thể vẫn còn có một cách tiếp cận khác. Một người biết cảm thông sẽ thấy mình phải có trách nhiệm phải duy trì, trong nhiều tình huống khác nhau, cái nhìn của vị luật sư bào chữa. Họ thực hiện một hành động không mấy quen thuộc và thường chẳng dễ chịu gì: họ làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để khiến cho đối phương có vẻ như – trong một thời gian – biết lẽ phải và được thúc đẩy bởi một loạt các luận cứ dễ hiểu. Họ kiềm chế bản năng thông thường của mình và cố gắng áp dụng một sự giải thích cao thượng lên những động cơ liên quan.

Sự cảm thông không có nghĩa là ta cuối cùng cho rằng người khác là vị thánh: ta vẫn có thể kết luận rằng họ - ví dụ thôi – không đáng tin cậy, rằng họ không nên có được công việc đó hoặc là ta tuyệt đối không nên kết hôn cùng họ (cũng giống như trong trường hợp lên toà, mục đích là để đạt tới công lý, chứ không phải là tha bổng cho mọi bị cáo). Nhưng kết quả sâu xa hơn chính là việc ta không chỉ đơn thuần nhìn thấy người khác như một bức tranh biếm họa. Ta hiểu được rằng vì sao họ lại trở nên như thế và nhận ra trong suốt quá trình, nếu chúng ta thành thật, có bao nhiêu phẩm chất không được đáng yêu ở họ mà ta cũng sở hữu trong mình.

Thật quá dễ dàng để nghiêm khắc phán xét người khác khi mà ta không triển khai đúng mức độ tự hiểu biết về bản thân. Một ngày nào đó, khi mà ta bày tỏ sự nóng nảy hơn mức cần thiết, bạn đời của ta có thể sẽ trở nên vô cùng khích động. Họ có thể sẽ bắt đầu quát tháo ta và ta, cũng nhanh như thế, có lẽ - với một mức độ tự thỏa mãn – bắt đầu nghĩ rằng họ “điên rồi.” Có thể chúng ta chưa bao giờ có phản ứng quá nóng nảy như vậy, nhưng nếu như ta biết cảm thông đúng đắn, ta sẽ nhận thấy rằng trong nhiều dịp chính chúng ta cũng phải ngạc nhiên về việc ta đã thổi phồng những điều không mấy quan trọng đối với người khác ra sao. Những con người thật sự biết cảm thông nghi ngờ rằng có một vài dạng điên rồ nào đó mà họ không thể, trong những trường hợp nhất định, chấp nhận – và do đó xóa bỏ sự ích kỷ ở bản thân mình như một cách thực thi sự công bằng.

Ta càng vận dụng sự hiểu biết về bản thân để chịu đựng những người khác, ta càng hiểu sâu sắc thêm về họ. Ta bắt đầu biết được những bí mật và ước vọng của họ, mà không cần hỏi. Nếu như ta gặp gỡ một ai đó luôn đùa cợt và dường như thật vui vẻ, người biết cảm thông sẽ tâm niệm - bởi vì họ biết rõ rằng họ từng như thế nào trong những tâm trạng điên rồ của chính mình – rằng sự sôi nổi và nhiệt tình này gần như chắc chắn là một chiếc mặt nạ che giấu nỗi buồn và tổn thương. Họ cảm nhận được điều đó bởi vì họ có thể nhớ lại từ chính những thời khắc đã kinh qua của bản thân khi mà họ khoác lên mình vẻ ngoài dũng cảm và lạc quan dù gần như sắp suy sụp đến nơi.

Hãy tham chiếu từ chính trải nghiệm của bản thân để chịu đựng những vấn đề hết sức khó chịu trong các tình huống thương mại. Điều mà chúng ta gọi là dịch vụ tốt, về bản chất, là trái ngọt của sự thấu cảm. Khi mà một người bồi bàn đến bên bàn ta ngồi và hỏi đi hỏi lại rằng mọi người có ngon miệng không, đó chỉ đơn giản bởi vì họ đã thất bại trước nhân tố có trong kinh nghiệm của chính bản thân họ về sự làm phiền quá đà nhằm thu hút sự chú ý.

Thế giới kiến trúc được chất đầy với sự thiếu hụt về cảm thông. Những kiến trúc sư tạo ra những con đường trong công viên – như là một ví dụ - mà thường quên đi mất cách con người ta vẫn đi bộ ra sao.

Khi sắp đặt những con đường, họ quên đi mất sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta khi phải đối mặt với bất kỳ con đường nào dù chỉ dài hơn đôi chút, bởi vì họ thất bại trong việc tham khảo ý kiến của chính mình. Họ sai lầm trong công việc bởi vì họ không nghĩ về bản thân như là vị khách hàng đầu tiên của mình.

Thấu cảm thường được đóng khung như là một nghĩa vụ đạo đức và được diễn giải là sự chống lại trực tiếp lợi ích của bản thân. Để trở nên thông cảm hơn – câu chuyện được nói tiếp – ta buộc phải từ bỏ hạnh phúc cá nhân và thành công của mình. Nhưng lời kêu gọi tới sự thấu cảm này không ít thì nhiều đã đảm bảo cho sự thất bại của chính nó. Những nhu cầu thâm căn cố đế của chúng ta trong việc chăm sóc bản thân chắc chắn sẽ chiến thắng.

Một sự hiểu biết chính xác hơn về thấu cảm, tuy vậy, không hề nhìn nhận nó như là việc đi ngược lại với lợi ích của bản thân. Thực tế là chúng ta thường bị cản trở và thất bại trong những kế hoạch của mình bởi vì ta không đủ thông cảm, không đủ nhạy cảm trước những gì diễn ra đối với những người mà ta đang cố gắng cộng tác cùng họ, hay những người mà ta đang cố gắng bán dịch vụ của mình cho họ. Sự cảm thông là một nguồn lực cần thiết để làm những điều ta muốn một cách thành công hơn, là sự nắm bắt niềm hi vọng cơ bản của nền văn minh: rằng việc trở thành người tốt không nên là kẻ thù của sự thành công.

 

Người dịch: December Child

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/what-is-empathy/

menu
menu