Học cách tử tế hơn với chính mình
Nếu có thể đưa ra một nhận định chung về những người rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý, có lẽ ta có thể nói rằng họ là bậc thầy trong việc tự làm khổ mình – một cách âm thầm, đến mức chính họ cũng không nhận ra điều đó.
Nếu có thể đưa ra một nhận định chung về những người rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý, có lẽ ta có thể nói rằng họ là bậc thầy trong việc tự làm khổ mình – một cách âm thầm, đến mức chính họ cũng không nhận ra điều đó.
Để thoát khỏi vòng xoáy tự căm ghét, trước tiên ta cần bắt đầu với việc ý thức rõ ràng hơn về những gì ta đang làm với chính mình – và những lựa chọn khác mà ta có thể thực hiện. Chẳng hạn, ta có thể nhận ra rằng, mỗi khi có điều gì đó tốt đẹp xảy ra, ta lại tự nhủ rằng tai họa sắp ập đến như một sự trừng phạt; rằng mỗi thành công đều phải bị phủ bóng bởi cảm giác tội lỗi hay bất an; rằng bất kỳ ngày nào đáng lẽ có thể vui vẻ cũng đều bị nhuốm màu hoảng loạn hay mất mát; và rằng ta thường xuyên tưởng tượng rằng ai cũng ghét bỏ mình, rằng ngay khi ta rời khỏi căn phòng nào đó, những điều tệ hại nhất về ta đang được bàn tán.
Những điều này thoạt nhìn không có vẻ gì là “tự căm ghét”. Ta có thể đơn giản gọi nó là “tâm trí hay lo lắng” hay “tính khí hay hối tiếc”. Nhưng thật hữu ích khi gom tất cả những suy nghĩ ấy lại dưới một cái tên duy nhất để nhận diện rõ hướng đi của chúng: sự tàn phá có hệ thống niềm vui sống trong ta – và khi suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy đây quả là một hành động tàn nhẫn đối với bất kỳ ai, kể cả với chính mình. Không nhận ra, ta đã tự cam kết bóp nghẹt mọi cơ hội hạnh phúc ngay từ trong trứng nước.
Hãy thử tưởng tượng – như một bài tập – rằng ta sẽ tử tế với tâm trí mình nhiều nhất có thể. Thay vì lôi kéo mọi suy nghĩ méo mó, cay nghiệt vào ý thức, ta có thể thử cảnh giác và chọn lọc, chỉ cho phép những ý tưởng dịu dàng và tích cực xuất hiện. Chẳng hạn, khi rời khỏi một căn phòng, ta có thể dứt khoát từ chối những suy nghĩ về việc mình không được chấp nhận. Những suy nghĩ ấy có thể nài nỉ được lắng nghe, đưa ra vô số lý do tại sao ta nên tin vào chúng, nhưng lần này, hãy thử một lần dứt khoát nói “không”. Nếu chúng vẫn cố len lỏi, ta có thể bật một bản nhạc, làm vườn hay bất cứ điều gì để xua đuổi chúng, thay vì để những ý niệm hủy hoại ấy thống trị tâm trí ta như thường lệ.
Vậy, đâu là nguồn gốc của sự thôi thúc vô thức này – sự thôi thúc khiến ta khắc nghiệt với chính mình? Làm thế nào mà ta lại chọn tự hành hạ bản thân? Một lần nữa, có thể đưa ra một nhận định: cách ta đối xử với chính mình chính là sự phản chiếu từ cách người khác từng đối xử với ta, dù trực tiếp qua lời nói, hay gián tiếp qua cách hành xử – có thể họ đã phớt lờ ta, hoặc thể hiện rõ ràng sự ưu ái dành cho người khác.
Để đo lường mức độ ta yêu quý bản thân, ta chỉ cần tự hỏi một câu rất đơn giản (nhưng có lẽ đã bị ta phớt lờ từ rất lâu): Mình có thích chính mình không? Nếu câu trả lời ngay lập tức và tự nhiên là “mình thấy mình thật đáng ghét”, thì có một quá khứ mà ta cần khẩn cấp đối diện – một quá khứ mà tâm trí tự hành hạ của ta lại cố tình lãng quên. Sự khinh thường mà ta thường xuyên dành cho chính mình không hề công bằng hay hợp lý; và ta cần nhận ra sự phi lý của việc đối xử với chính mình một cách độc ác – điều mà ngay cả kẻ thù lớn nhất của ta cũng chưa chắc xứng đáng nhận.
Những người tìm đến cái chết thường không phải vì họ gặp một vài biến cố không thể vượt qua; mà bởi họ phải đối diện với những khó khăn ấy trong bối cảnh tự căm ghét mãnh liệt. Chính sự căm ghét bản thân đã hủy hoại họ, chứ không phải những sự việc khiến họ hoảng loạn hay đau buồn.
Như mọi khi, sự cứu rỗi nằm ở chỗ nhận thức về chính mình. Không có gì là tất yếu trong sự căm ghét bản thân. Ta đang đối xử tệ với mình bởi trong quá khứ, người khác không đối xử tốt với ta – và ta đã một cách đầy ngây thơ, nhưng nguy hiểm, trung thành với triết lý khinh miệt mà họ truyền lại.
Nhưng để tồn tại, ta cần cấp tốc vẽ lại bộ quy tắc đạo đức của mình, trả lại cho sự tử tế vị thế xứng đáng vốn có. Ta đã học quá nhiều về sự tàn nhẫn, về hoảng sợ, về nghi ngờ chính mình và cảm giác tủi nhục. Giờ đây, ta cần học lại những đức tính như sự tha thứ, lòng nhân hậu, sự bình tĩnh và sự dịu dàng. Và khi ta hoảng loạn hay lo âu về tương lai, hãy nhớ rằng, sâu xa, ta đang lo lắng về giá trị bản thân và khả năng được yêu thương của mình.
Sự sống còn của ta phụ thuộc vào việc học nhanh nhất có thể nghệ thuật của lòng trắc ẩn với chính mình.
Nguồn: TRYING TO BE KINDER TO OURSELVES – The School Of Life