5 dấu hiệu tinh tế của sang chấn tâm lý sau khi bị bỏ rơi hoặc bị bỏ mặc

Sang chấn từ sự bỏ rơi thường thể hiện qua xu hướng siêu độc lập và nhu cầu kiểm soát mọi thứ.
Bobby được biết đến là người cực kỳ tự lập – đến mức anh từ chối cả sự giúp đỡ từ bạn bè, ngay cả khi đang nằm liệt giường vì cảm cúm. Lối sống quá mức tự lập ấy thường khiến người khác cảm thấy bị từ chối, và đôi khi họ bày tỏ sự lo lắng về việc Bobby dường như luôn né tránh mọi sự hỗ trợ từ xung quanh.
“Tôi cũng chẳng biết vì sao,” Bobby nói, “chỉ là tôi thấy không thoải mái khi nhận sự giúp đỡ từ người khác.”
Khi tìm hiểu sâu hơn về quá khứ của Bobby, người ta phát hiện ra rằng anh từng trải qua một cú sốc bỏ rơi từ khi còn rất trẻ. Năm 14 tuổi, Bobby bị mẹ đuổi ra khỏi nhà sau khi bà phát hiện anh đang uống rượu dưới tầng hầm với một người bạn. Ban đầu, anh sống nhờ nhà huấn luyện viên bóng đá vài tháng, rồi bỏ học luôn ở tuổi 15.
“Tôi phải học cách tự lo cho mình,” anh chia sẻ. “Tôi chẳng biết gì khác ngoài điều đó. Khi ai đó giúp tôi làm một việc lẽ ra tôi nên tự làm, tôi lại thấy xấu hổ hoặc cảm giác như mình mắc nợ họ.”
Bị bỏ rơi là một hình thức bạo hành trẻ em nghiêm trọng, và chỉ gần đây người ta mới bắt đầu hiểu rõ hơn về nó. Trước kia, khái niệm bỏ rơi hay bỏ mặc trẻ chỉ giới hạn trong những trường hợp thiếu chăm sóc về thể chất nghiêm trọng, nhưng ngày nay, chúng ta đã biết rằng tổn thương đó còn sâu sắc hơn rất nhiều. Nó có thể để lại những hệ quả lâu dài về sức khỏe tâm thần, thể chất, khả năng gắn kết và gây ra các vấn đề liên quan đến căng thẳng mạn tính.
Dễ thấy, những biểu hiện quen thuộc của sang chấn từ việc bị bỏ rơi là cảm giác tự ti và khó khăn trong việc xây dựng sự thân mật. Tuy nhiên, tổn thương này còn thể hiện qua nhiều cách tinh vi hơn – những dấu hiệu mà đôi khi chính người trong cuộc cũng không dễ nhận ra.
Source: goodinteractive from Pixabay
1. Khó đặt lòng tin vào người khác, dù đã quen biết nhiều năm
Những người từng trải qua cảm giác bị bỏ rơi thường sống với nỗi sợ âm ỉ rằng người khác rồi sẽ rời bỏ họ – ngay cả khi không có dấu hiệu gì cụ thể cho điều đó. Họ khó lòng tin tưởng, ngay cả với những người đã ở bên họ lâu năm và chưa từng làm gì tổn hại đến họ.
Nỗi sợ này có thể len lỏi vào từng cuộc trò chuyện, từng tương tác, khiến họ suy nghĩ quá nhiều, luôn dò xét xem liệu người kia có đang giữ khoảng cách, có sắp rời đi. Dù vẫn có thể tham gia vào các mối quan hệ, họ thường dè dặt không dám gắn bó sâu sắc, như thể tiềm thức luôn muốn giữ một khoảng cách an toàn để không bị tổn thương thêm lần nữa. Vì vậy, mối quan hệ của họ dễ mang tính hời hợt hoặc xa cách.
2. Siêu độc lập
Để tự bảo vệ mình khỏi cảm giác bị tổn thương, nhiều người sống sót sau sang chấn bỏ rơi sẽ chọn cách tự mình lo liệu tất cả. Họ sợ bị phụ thuộc, sợ cảm giác bị phụ lòng nên thà tự làm còn hơn trông cậy vào ai đó.
Biểu hiện của điều này là họ thường từ chối mọi sự hỗ trợ – ngay cả khi họ đang rất cần, giống như Bobby. Họ có thể tin rằng chẳng ai thực sự đáng để tin cậy, hoặc đơn giản chỉ vì cảm thấy có lỗi khi nhận sự giúp đỡ. Nhiều người, giống như Bobby, không muốn cảm giác mình phải “trả ơn” ai đó – điều khiến họ càng khép lòng và tự cách ly khỏi vòng tay của người khác.
3. Cảm giác cô đơn thường trực, ngay cả khi đang ở trong một mối quan hệ
Những ai từng bị bỏ rơi có thể cảm thấy khó thực sự kết nối, ngay cả khi đang có người ở bên cạnh. Họ có thể hiện diện về mặt thể xác trong một mối quan hệ, nhưng về mặt cảm xúc lại thấy xa cách, lạc lõng.
Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể khiến họ luôn cảm thấy bất an – lo rằng nhu cầu của mình sẽ không được đáp ứng, hay rằng người yêu rồi cũng sẽ rời đi, dù không có bất kỳ dấu hiệu nào như vậy. Một số người sẽ bám víu, phụ thuộc quá mức. Nhưng ngược lại, cũng có người lại chọn cách không cho ai đến gần mình, chủ động đẩy người khác ra xa để tránh bị tổn thương.
Nghịch lý thay, họ vẫn khao khát sự kết nối – nhưng cùng lúc lại run rẩy trước nỗi đau có thể đi kèm với sự thân mật ấy.
4. Nhu cầu kiểm soát mọi thứ một cách thái quá
Một người mang trong mình tổn thương bỏ rơi thường cố kiểm soát các mối quan hệ hoặc môi trường xung quanh để tránh rơi vào tình huống không chắc chắn hay cảm thấy dễ bị tổn thương.
Họ có thể tìm cách định hướng hành vi của người khác, kiểm soát diễn biến của sự việc – tất cả chỉ để cảm thấy an toàn hơn giữa thế giới đầy biến động. Nhiều thân chủ của tôi cố kiểm soát cảm xúc của người khác, sợ rằng nếu ai đó tức giận hay buồn bã thì họ sẽ bị ảnh hưởng, hoặc cảm thấy có lỗi.
Tùy theo mức độ kiểm soát được tình huống, lòng tự trọng của họ cũng thay đổi theo. Nếu mọi thứ trong tầm tay, họ thấy mình “ổn”. Nhưng khi cảm thấy mất kiểm soát hay bị người khác lạnh nhạt – dù là thật hay tưởng tượng – họ dễ rơi vào cảm xúc kiệt quệ, hoang mang và tự nghi ngờ chính các mối quan hệ của mình.
5. Cảm giác tội lỗi thường xuyên và vô cớ
Nhiều người từng bị bỏ rơi luôn sống trong cảm giác như thể mình vừa làm điều gì đó sai trái – dù chẳng có lý do cụ thể nào. Điều này không có gì lạ, bởi cảm giác tội lỗi và xấu hổ thường gắn liền với trải nghiệm bị cha mẹ bỏ rơi.
Khi một đứa trẻ hay thiếu niên bị bỏ lại phía sau, chúng không đủ khả năng để hiểu được trọn vẹn tình huống ấy. Và vì thế, chúng thường mặc định: Chắc mình đã làm gì sai thì người lớn mới rời bỏ mình. Trong quá trình phát triển, trẻ em thường có xu hướng nội tâm hóa mọi trải nghiệm – nghĩa là mọi chuyện xảy ra, chúng sẽ nghĩ là lỗi của mình.
Chính vì vậy, khi lớn lên, nhiều người vẫn giữ cảm giác tội lỗi trong lòng – kể cả khi họ đang làm điều đúng đắn cho bản thân mình. Nhiều thân chủ của tôi cảm thấy có lỗi khi đứng lên bảo vệ chính mình, dù họ biết mình hoàn toàn xứng đáng với điều tốt hơn.
Nếu bạn thấy mình hoặc người thân quen thuộc với những điều trên, có lẽ đã đến lúc bạn cần một vòng tay nâng đỡ – thông qua liệu pháp trị liệu tâm lý hoặc những nguồn hỗ trợ chuyên sâu giúp chữa lành những vết thương từ quá khứ. Viết nhật ký, đọc sách phát triển bản thân hay tham gia các nhóm chia sẻ cũng có thể là những người bạn đồng hành thầm lặng, mang lại sự thấu hiểu và cảm giác được công nhận trong hành trình hồi phục.
Nguồn: 5 Subtler Signs of Trauma After Abandonment or Neglect | Psychology Today