Hội chứng Misokinesia: Tại sao bạn lại ‘ngứa mắt’ khi thấy người khác rung đùi, búng ngón tay hoặc đi đi lại lại trước mặt mình?
Đừng đi lại trước mặt vợ bạn, nó có thể kích hoạt hội chứng Misokinesia khiến cô ấy cáu gắt.
Đã bao giờ bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu khi ngồi cạnh một người có thói quen rung đùi hay chưa? Hoặc khi có ai đó gõ ngón tay cộc cộc lên bàn liên tục?
Cảm giác khó chịu, bức bối tương tự cũng sẽ xảy đến khi bạn thấy ai đó không chịu ngồi yên mà cứ đi đi lại lại trước mặt mình, ở trong nhà, hành lang bệnh viện hay ở bến xe bus.
Và đây mới là điều đặc biệt nhất: Những hành động kể trên càng được thực hiện bởi một người thân thiết bao nhiêu thì hiệu ứng bực bội càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.
Ví dụ, vợ sẽ thấy khó chịu khi chồng rung đùi. Chồng sẽ thấy nóng mắt nếu vợ đi đi lại lại trước mặt. Cả bố và mẹ có thể trở nên bực bội nếu con cứ lấy đũa gõ vào bát hoặc mâm cơm.
Nhìn có khó chịu không cơ chứ?
Tất cả các triệu chứng này nằm trong bản mô tả điển hình của một người mắc hội chứng Misokinesia, hay còn gọi là "Chứng ác cảm với chuyển động". Các chuyên gia tâm lý học cho biết Misokinesia là một hội chứng khá phổ biến trong dân chúng nói chung, nhưng lại ít được mọi người biết tới.
Nhiều người mắc Misokinesia từ nhẹ đến nặng nhưng không hề hay biết về tình trạng đó của mình. Vậy chính xác thì, chứng ác cảm với chuyển động là gì? Liệu nó có nguy hiểm hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải hay không? Hãy cùng tìm hiểu:
Hội chứng Misokinesia là gì?
Đây là một từ gốc Hy Lạp ghép từ "miso" có nghĩa là "ghét" hoặc "ác cảm". Còn "kinesia" nghĩa là "sự dịch chuyển" hay "chuyển động", "cử động".
Kết hợp lại, "misokinesia" có nghĩa là "ác cảm với chuyển động." Đây là tình trạng mà một người cảm thấy ngứa mắt, khó chịu hoặc cực kỳ bức bối khi nhìn thấy những chuyển động nhỏ lặp đi lặp lại của người khác.
Các chuyển động thường kích hoạt hội chứng Misokinesia bao gồm: rung đùi, gõ ngón tay, chuyển động nhai của miệng, chuyển động của tay, ngón tay…
Hoặc đó cũng có thể là chuyển động của cả cơ thể ví dụ như khi có một người đi đi lại lại trong phòng, hoặc nhảy nhót trước mặt như muốn trêu ngươi. Hiệu ứng gây khó chịu này đôi khi được các thủ môn sử dụng để gây tác động tâm lý đến cầu thủ sút penalty.
Phổ biến nhất, chúng thường được dùng trong các cuộc thi nhảy đối đầu "battle dance" trong Hiphop, nơi ngôn ngữ hình thể được tận dụng tối đa để chiến thắng đối thủ.
Tại sao Misokinesia lại gây khó chịu?
Hãy hỏi những vũ công từng tham gia "battle dance" và bạn sẽ biết cảm giác Misokinesia khó chịu đến thế nào?
Trong một lượt thi đấu, khi một vũ công thực hiện màn trình diễn của mình, anh ta thường có các động tác khiêu khích vũ công còn lại đang phải đứng yên sau vạch kẻ.
Vũ công bị khiêu khích thường cảm thấy ngứa ngáy chân tay, bứt rứt khó chịu và bất giác phải nhảy theo tiếng nhạc mà ít khi đứng yên được. Các nhà khoa học gọi hiệu ứng này là phản xạ của Hệ thống thần kinh gương (Mirror Neuron System).
Misokinesia thường được dùng trong các cuộc thi nhảy đối đầu "battle dance".
Hệ thống thần kinh gương bao gồm một nhóm các tế bào thần kinh trong não được kích hoạt đồng thời, cả khi chúng ta thực hiện một hành động và khi chúng ta nhìn thấy người khác thực hiện hành động đó.
Các tế bào này là thứ mà tiến hóa trang bị cho con người, để chúng ta thể hiện được hành vi đồng cảm với đồng loại. Chẳng hạn, khi bạn nhìn thấy một người bị đau, bất giác bạn cũng nhăn mặt như cảm nhận được sự đau đớn của họ. Khi nhìn thấy một người khóc vì lý do nào đó, bạn cũng muốn khóc theo để chia sẻ nỗi buồn ấy với họ.
Thế nhưng, như một tác dụng phụ trong hội chứng Misokinesia, hệ thống thần kinh gương của chúng ta cũng bị kích hoạt khi nhìn thấy người khác có những hành vi bồn chồn hoặc căng thẳng như rung đùi, gõ lên bàn và đi đi lại lại.
Bất giác, chúng ta cũng có thôi thúc phải "sao chép" các hành vi đó. Điều này làm lây lan sự bồn chồn căng thẳng từ người có những hành vi đó sang cho bạn.
Khi nhìn thấy một người đang ở trong trạng thái căng thẳng...
...hệ thần kinh gương kích hoạt...
...sẽ khiến cho sự căng thẳng lây lan.
Bạn sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu khi phải chống lại sự bồn chồn căng thẳng đó, và chống lại cả sự thôi thúc phải sao chép các hành vi tạo ra sự bồn chồn, trong khi bạn không hề có nhu cầu hay mong muốn bị căng thẳng.
Chính điều này đã khiến cho Misokinesia trở thành một trải nghiệm cực kỳ khó chịu.
Misokinesia có nguy hiểm không?
Mặc dù là một hội chứng tương đối phổ biến, Misokinesia và các tác động tâm lý của nó hiện vẫn nằm dưới radar của các nhà khoa học – những người thường tập trung nghiên cứu một hội chứng "anh em" của Misokinesia nhiều hơn.
Được gọi là Misophonia hay "Chứng ác cảm với âm thanh", trong đó, người mắc hội chứng này thể hiện các phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, từ tức giận, khó chịu cho đến hoảng sợ khi nghe thấy một số âm thanh lặp đi lặp lại nhất định như tiếng nhai chóp chép, tiếng gõ bút, tiếng máy khoan đục, nhịp thở hoặc tiếng bước chân…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Misophonia gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của người mắc phải. Hội chứng này làm tăng cảm giác lo âu và căng thẳng, có thể khiến người mắc phải trở nên hoảng loạn hoặc tức giận một cách không kiểm soát được khi tiếp xúc với các âm thanh kích thích.
Nhìn thì rõ ràng là khó chịu rồi...
Misophonia có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Sự khó chịu liên tục khi phải đối mặt với các âm thanh kích thích có thể làm giảm khả năng tập trung, gây ra căng thẳng trong công việc và học tập. Điều này dẫn đến giảm hiệu suất và có thể tạo ra cảm giác bất lực và thất vọng.
Hơn nữa, Misophonia có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân. Khi một người phản ứng mạnh mẽ với những âm thanh mà người khác cho là vô hại, điều này có thể dẫn đến sự hiểu lầm và xung đột trong mối quan hệ. Người mắc Misophonia có thể cảm thấy bị hiểu lầm hoặc cô lập, trong khi người xung quanh có thể cảm thấy bị tấn công hoặc khó chịu vì những phản ứng của họ.
Mặc dù vậy, chưa có bất kể một nghiên cứu nào về tác động tâm lý của hội chứng Misokinesia, hay ác cảm với chuyển động. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể gây ra các tác động tâm lý tương tự như Misophonia, hội chứng "anh em" của nó.
Misokinesia có thể châm ngòi cho những xung đột không đáng có, trong gia đình và ngoài xã hội
Một nghiên cứu năm 2021 đăng trên tạp chí Scientific Reports được mệnh danh là "cuộc khám phá khoa học chuyên sâu đầu tiên về hội chứng Misokinesia" chỉ ra hội chứng này hiện đang ảnh hưởng tới khoảng 1/3 dân số.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng cứ ba người thì có một người tự báo cáo họ bị nhạy cảm với chứng misokinesia ở mức độ nào đó, cảm thấy khó chịu với các hành vi lặp đi lặp lại, bồn chồn của người khác trong cuộc sống hàng ngày", giáo sư Todd Handy, tác giả nghiên cứu, một nhà tâm lý học đến từ Đại học British Columbia (UBC) ở Canada cho biết.
Một số người thể hiện Misokinesia ở mức độ nhẹ báo cáo rằng họ ít nhạy cảm với các kích thích gây bồn chồn, trong khi những người khác lại cảm thấy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nó.
"Họ bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt cảm xúc và trải qua những phản ứng như tức giận, lo lắng hoặc thất vọng cũng như giảm hứng thú trong các tình huống xã hội, công việc và môi trường học tập", giáo sư Handy nói.
Đừng đi lại trước mặt vợ bạn, nó có thể kích hoạt hội chứng Misokinesia khiến cô ấy cáu gắt.
Bản thân giáo sư Handy cũng có vợ bị hội chứng Misokinesia, do đó, ông rất hiểu ảnh hưởng của nó tới chất lượng mối quan hệ như thế nào. Nếu những cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi Misokinesia mà không tự nhận thức được tình trạng của mình, nó có thể gây ra các cuộc xung đột không đáng có và làm ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân.
Chẳng hạn, người vợ của có thể cảm thấy cực kỳ ngứa mắt và khó chịu khi người chồng rung đùi hoặc gõ tay lên bàn. Cô ấy có thể mặc định đó là những hành động khiêu khích và yêu cầu anh ấy dừng hành vi đó ngay lập tức. Nếu người chồng không hiểu rằng vợ mình mắc Misokinesia, anh ta sẽ chỉ coi việc rung đùi là hành vi vô hại và người vợ đang cáu giận vô cớ.
Các khảo sát cho thấy thông thường, càng là thành viên gia đình gần gũi thì sự ảnh hưởng của Misokinesia càng nặng. Những người mắc chứng Misokinesia thường báo cáo rằng khi chứng misokinesia của họ mới phát triển, họ chỉ bị kích hoạt bởi một vài người.
Điều này thường liên quan đến những người trong gia đình trực hệ của họ, chẳng hạn như mẹ, cha hoặc anh chị em ruột sau đó tới vợ hoặc chồng sống chung với họ. Nhưng theo thời gian, các tác nhân gây ra chứng Misokinetic có thể "lan truyền" sang những người khác và cuối cùng bao gồm bất kỳ ai tạo ra các hành động kích hoạt nó.
Misokinetic có thể châm ngòi cho các xung đột không đáng có ngoài xã hội, ngay cả với những người lạ. Chẳng hạn như thi thoảng, chúng ta lại thấy có những vụ việc như thế này:
Đánh võng là hành vi hội tụ đủ các yếu tố kích hoạt Hội chứng Misokinetic.
Chính vì Misokinetic gây ra xung đột xã hội, nên người mắc chứng ác cảm với chuyển động này ở mức độ nặng có thể sẽ chọn việc tự cô lập xã hội giống như hội chứng "anh em" Misophonia của nó.
Họ sẽ cố gắng tránh các tình huống như các bữa ăn chung hoặc các cuộc họp mặt, để tránh phải nhìn thấy các hành vi kích thích. Sự cô lập này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề tâm lý khác, như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Trong nghiên cứu năm 2021, các nhà khoa học đã ghi nhận người mắc Misokinetic ít tham gia các hoạt động xã hội hơn so với những người không bị ảnh hưởng bởi hội chứng này.
"Những kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ kết luận rằng chứng nhạy cảm với Misokinesia không phải là hiện tượng chỉ giới hạn ở nhóm dân số lâm sàng, mà là một thách thức xã hội cơ bản mà nhiều người trong cộng đồng nói chung cũng gặp phải nhưng cho đến nay chưa được nhận thức đầy đủ", giáo sư Handy nói.
Một bức ảnh kiểm tra hội chứng Misokinesia.
...bạn có thấy khó chịu không?
Vì vậy, chúng ta sẽ cần có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để tìm hiểu sâu về nguyên nhân, hậu quả và thậm chí cách chữa trị hội chứng này.
Từ giờ cho tới lúc đó, nếu vẫn cảm thấy khó chịu với việc ai đó rung đùi, búng tay hay đi đi lại lại trước mặt mình, bạn có thể lưu bài viết này lại để giải thích cho họ hiểu thế nào là Misokinesia.
Sau đó, bạn có thể yêu cầu những người này dừng ngay các hành động gây bồn chồn khó chịu cho bạn lại. Nếu họ cũng có hệ thần kinh gương để thể hiện sự đồng cảm với bạn, họ sẽ biết cách cư xử làm sao cho phải.
Theo Thanh Long – Đời sống Pháp luật