Hướng dẫn cho người đang tập thoát khỏi lối yêu thương tránh né
Trên lý thuyết, chúng ta muốn gần gũi với người khác, nhưng trong thực tế, hễ trở nên quá thân thiết với ai đó, ta lại cảm thấy ngột ngạt, chán nản.
“Avoidant” (người né tránh) là một thuật ngữ mà các nhà lý thuyết gắn bó sử dụng để chỉ những ai – không phải lỗi của họ, nhưng lại hoàn toàn chịu trách nhiệm với chính mình – gặp khó khăn nghiêm trọng trong các mối quan hệ thân mật.
Trên lý thuyết, chúng ta muốn gần gũi với người khác, nhưng trong thực tế, hễ trở nên quá thân thiết với ai đó, ta lại cảm thấy ngột ngạt, chán nản.
Chúng ta ao ước được ngủ một mình sau khi làm tình. Chúng ta muốn tự lên kế hoạch cho cuối tuần mà không cần ai bên cạnh. Chúng ta trở nên hờ hững mỗi khi đối phương bày tỏ tình cảm quá nhiều. Và khi mối quan hệ bắt đầu có dấu hiệu hòa hợp, ý nghĩ của ta, như bị một cơ chế tự động điều khiển, lại hướng về những người khác – những người có vẻ thú vị hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nguyên nhân của điều này nằm ở quá khứ: Một thời nào đó, mối quan hệ của chúng ta với những người chăm sóc mình đã không diễn ra như lẽ ra nó nên thế. Ai đó đã làm tổn thương ta, đã ngầm dạy rằng tình yêu không đáng tin, đã gieo vào lòng ta nỗi ngờ vực kép: vừa không tin tưởng chính mình, vừa không tin vào sự bền vững của bất kỳ mối gắn kết nào với người khác. Và thế là ta học cách liên kết khoảng cách và sự cô độc với cảm giác an toàn.
Edward Hopper, Morning Sun, 1952, via Wikimedia Commons
Có thể trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, ta rất thành công, nhưng riêng chuyện tình cảm, ta – đến nay – vẫn chưa thể nào làm nó ổn thỏa.
Thoạt nghe, điều này có vẻ buồn bã, thậm chí nguy hiểm với những ai ở gần ta. Nhưng vẫn còn tia hy vọng: có một sự khác biệt rất lớn giữa việc hành xử theo bản năng tránh né một cách vô thức và nhận ra mình đang bị thôi thúc làm điều đó và ý thức trước được vấn đề. Nói cách khác, có sự khác biệt rõ rệt giữa hành động mất kiểm soát và hành động dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về chính mình.
Dù hiểu biết này không thần kỳ xóa bỏ vấn đề, nhưng nó mang lại một lợi thế lớn: khả năng báo trước cho người ta quan tâm – những người ta thực lòng muốn xây dựng mối quan hệ – rằng mình không ổn.
Trong tình yêu, có lẽ điều chúng ta cần không phải sự hoàn hảo (thứ mà chắc chắn cũng không thể tìm được), mà là những người có nhận thức rõ ràng về những khuyết điểm lớn nhất của họ – và có thể thành thật, khéo léo báo trước về điều đó trước khi gây ra quá nhiều tổn thương.
Có sự khác biệt lớn giữa việc phá hỏng một kỳ nghỉ cuối tuần của ai đó bằng cách đột ngột thông báo rằng bạn đã có kế hoạch khác, và việc giải thích với họ từ tối thứ Năm rằng viễn cảnh dành trọn 48 giờ bên nhau, dù trên lý thuyết rất tuyệt vời, trên thực tế lại gợi lên một loạt cảm xúc khó xử vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến bạn cảm thấy ngại ngùng và buồn phiền.
Đối với những người đang tập thoát khỏi trạng thái tránh né, một lời mở đầu như thế này có thể hữu ích:
“Anh/ em rất xin lỗi vì những hành xử kỳ lạ của mình. Anh/ em thực sự rất quan tâm đến em/ anh. Nhưng anh/ em nhận ra rằng mỗi khi quan tâm, có một điều kỳ quặc xảy ra. Một phần trong anh/ em cố gắng kiểm soát khoảng cách và tìm ra lỗi sai. Một phần trong anh/ em – như một cơ chế phòng vệ từ thuở bé – cảm thấy sợ hãi và bất thường khi trở nên gần gũi với ai đó. Đây là cách anh/ em đã học để đối mặt từ ngày xưa, và cơ chế đó vẫn còn hoạt động đến giờ. Không phải anh/ em không yêu em/ anh, mà là sự thân mật và dựa dẫm luôn mang đến nỗi sợ hãi từ những gì anh/ em từng trải qua trong quá khứ. Anh/ em đang cố gắng tắt đi hồi chuông báo động này. Anh/ em hơi điên, nhưng anh/ em có một nhà trị liệu giỏi. Anh/ em cam kết với hành trình thay đổi. Xin hãy kiên nhẫn với anh/ em – nhưng anh/ em cũng hoàn toàn hiểu nếu em/ anh không thể.”
Tất nhiên, điều này không hoàn hảo, và không ai muốn áp đặt kiểu mối quan hệ như vậy lên người mình yêu thương. Nhưng trong thế giới thực – nơi chúng ta buộc phải sống – ta không thể xóa bỏ trạng thái lảng tránh bằng phép màu.
Khoảng 25% dân số có những đặc điểm tránh né có thể lựa chọn. Họ có thể giữ những ám ảnh điển hình: thấy bất an khi ai đó quá gần gũi, muốn trốn tránh sau thời gian dài ở bên nhau, ghét bị ôm ấp. Nhưng họ cũng có thể nỗ lực để đạt được một lợi thế: nhận ra rằng họ có tổn thương. Họ có thể vẽ nên tấm bản đồ về những điều ngốc nghếch của mình để trao cho người dựa dẫm vào họ.
Hơn thế, một khi đã có đủ sự trưởng thành để nói rằng: “Tình yêu với tôi thật khó khăn và đáng sợ,” thì tình yêu có thể dần bớt đáng sợ hơn. Và ở phía bên kia, khi được cảnh báo một cách chân thành, đối phương có thể dễ dàng chịu đựng hành vi kỳ lạ đó hơn – hoặc ít nhất, dễ dàng hiểu và, nếu cần, rời xa nó một cách nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta không chỉ có hai lựa chọn: tránh né hoặc không. Sự hỗn loạn có thể được mời vào mối quan hệ để cùng đối mặt, mà không mang theo sự xấu hổ hay bí ẩn. Ta có thể vươn tới một trạng thái thứ ba đầy giá trị khi cố gắng cải thiện bản thân: người đang tập yêu thương sau lảng tránh. Một người không còn ảo tưởng về sự tỉnh táo của mình, nhưng cam kết từng ngày học cách chịu đựng sự thăng hoa và những rủi ro kỳ diệu mà tình yêu mang lại.
Nguồn: A GUIDE FOR THE RECOVERING AVOIDANT