Kẻ tội đồ bên trong mỗi chúng ta
Ở những quảng trường của các thành phố Bắc Âu thời Trung cổ, thường có cảnh một người bị nhốt trong khung gỗ, tay, đầu và chân bị cố định.
Ở những quảng trường của các thành phố Bắc Âu thời Trung cổ, thường có cảnh một người bị nhốt trong khung gỗ, tay, đầu và chân bị cố định. Người đó (thường là phụ nữ) bị xem là có tội – họ có thể đã ngoại tình, bỏ qua việc đi lễ, đọc một cuốn sách đáng ngờ, nhảy nhót quá nhiều hay giao tiếp với tà ma. Hình phạt của họ là bị chế nhạo, bị tạt nước tiểu, hoặc bị ném phân và rác thải. Chúng ta nhìn lại và rùng mình trước sự thiếu văn minh ngày xưa.
Nhưng thật ra, chúng ta cũng đâu hoàn toàn từ bỏ cái khung gỗ ấy. Ngày nay, chúng ta cũng có những "tội đồ" được truyền thông nhận diện, những kẻ bị ném vào vòng xoáy của những lời đồn thổi và sỉ nhục. Người này ngủ với kẻ không nên ngủ, người kia bị ghi âm nói điều không hợp lý, người thứ ba thì nhận tiền từ nguồn không minh bạch. Và thế là chúng ta bắt tay vào tấn công bằng lời lẽ cay nghiệt, vì cho rằng họ đáng bị thế do sự "thấp kém" của họ.
Điều đáng buồn là sự khắc nghiệt ấy đi ngược lại với những gì ta hiểu về bản thân. Càng hiểu mình, ta càng chạm đến một sự thật khiêm nhường: hầu hết những gì ta lên án ở người khác đều hiện diện trong chính mình. Trong mỗi chúng ta đều có một gã đồi bại, một kẻ lập dị, một người tham lam, một kẻ tự mãn, và thậm chí cả một kẻ kỳ thị. Cơn giận dữ khi thấy tội lỗi của người khác chỉ cho thấy rằng ta cũng không ít nhiều dính líu đến những thứ ấy, như lòng tham, tính ích kỷ, sự ham muốn, lòng hận thù, và sự hoài cổ. Ta vội vã kết tội người khác vì chưa đối mặt với tội lỗi của chính mình.
Sự trưởng thành đòi hỏi một điều khó khăn hơn nhiều: chấp nhận sự tồn tại của những suy nghĩ và cảm xúc lệch chuẩn trong tâm trí mà không cần tỏ ra cao đạo. Chúng ta – cũng như những người bị nhốt trong khung gỗ mà ta từng cười cợt – cũng từng có những ý nghĩ và hành động thiếu ngay thẳng. Chúng ta là những sinh thể phức tạp, mong muốn điều cao quý nhưng lại dễ bị lôi kéo về phía bóng tối, hướng đến những cám dỗ tầm thường dù khát khao phẩm hạnh.
Thay cho việc "ném rác", có lẽ chúng ta nên có một nỗi buồn thương cảm cho nhân loại. Người trong khung gỗ không phải là kẻ độc ác duy nhất, họ chỉ kém may mắn hơn mà thôi. Những cám dỗ, lầm lạc có trong tất cả chúng ta, nhưng trong trường hợp của họ, những điều đó lại có cơ hội phát triển không kiểm soát. Nếu đi trên con đường họ đã trải qua, có khi chúng ta cũng phạm phải những sai lầm tương tự.
Ta thực sự trưởng thành khi dám nhìn nhận rằng mọi lỗi lầm mà ta căm ghét ở người khác đều hiện diện âm ỉ trong tâm trí mình. Việc tự thấu hiểu là liều thuốc hiệu quả nhất chống lại cảm giác tự cao. Như một lời nhắc nhở quen thuộc (dù vẫn chưa ăn sâu vào tâm trí chúng ta), ta sẽ tử tế hơn khi dám đối diện với những phần tội lỗi trong chính mình.
Nguồn: THE SINNER INSIDE ALL OF US - The School Of Life