Khi giận dữ, cha mẹ có thể yêu thương con vô điều kiện?

khi-gian-du-cha-me-co-the-yeu-thuong-con-vo-dieu-kien

Bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách để trở thành những người cha mẹ tràn đầy yêu thương, kể cả khi nóng giận.

Giữa kích động và đáp trả là một khoảng không. Trong khoảng không đó, chúng ta có quyền tự do lựa chọn phản ứng của mình. Trong phản ứng đó là sự lớn mạnh và tự do chúng ta có.” – Victor Frankl

Bài viết này sẽ chỉ cho bạn cách để trở thành những người cha mẹ tràn đầy yêu thương, kể cả khi nóng giận.


Bạn thấy trẻ hét lên “Con ghét mẹ!” trước khi đóng sập cửa bỏ đi? Trẻ ném đồ chơi vào bạn? Trẻ bướng bỉnh khi cùng bạn ở nhà hàng? Trẻ gây sự với anh chị em của mình? Thật khó để cảm thấy yêu thương trẻ trong những trường hợp này khi ta cảm thấy bị tấn công hoặc xấu hổ nơi công cộng hoặc thậm chí lo lắng về an toàn của trẻ. Vì vậy, chúng ta mất bình tĩnh.

Chúng ta biết mình rất yêu thương trẻ, ngay cả trong những thời điểm không mấy dễ chịu đó. Nhưng nếu bạn hỏi trẻ, trẻ chắc chắn không cảm thấy được yêu thương đâu. Chúng ta có thể cho rằng điều đó là “Tất nhiên!” và “Mình MUỐN trẻ biết mình tức giận như thế nào !! Trẻ sau đó có thể cảm nhận được tình yêu của mình!”

Nhưng cơn thịnh nộ của bạn có thực sự dạy cho trẻ bài học mà bạn muốn dạy hay không? Khi trẻ cư xử chưa đúng, can thiệp hiệu quả nhất là thiết lập một giới hạn rõ ràng, và sau đó giúp trẻ vượt qua những cơn xúc động mạnh đang khiến trẻ hành động như vậy. Khi chúng ta nuông chiều cơn giận của mình, chúng ta đang hành động trên sự quở trách và trả thù – và chúng ta đang làm một gương xấu cho con cái của chúng ta.

Sau đó, chúng ta lại biện minh hoặc tìm cách giảm nhẹ cơn giận của mình. Nhưng cơn thịnh nộ của ta đã có ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ. Đôi khi, điều đó làm trẻ tự nhận thấy mình là những người xấu không bao giờ đủ tốt. Tệ hơn, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhiều trẻ nhỏ có một cảm giác (âm thầm) lo sợ cha mẹ sẽ đưa mình vào tù hoặc đổi lấy một đứa trẻ khác. Sự giận dữ luôn làm xói mòn mối quan hệ của bạn với con cái và làm tăng sự lo lắng của chúng. Tất cả điều này chỉ khiến trẻ cư xử tồi tệ hơn, không phải tốt hơn.

Tôi biết, bạn không bao giờ thực sự ngừng yêu thương con mình, ngay cả khi trẻ hành động thật sự khó chịu và bạn không thể chịu nổi ở cùng trẻ dù chỉ một phút. Nhưng thật không may, tình yêu thương mà bạn TỰ cảm thấy không phải là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển tình cảm của con bạn.

Yếu tố quan trọng nhất là liệu trẻ có CẢM THẤY được yêu thương, vô điều kiện hay không. Điều này còn có nghĩa là trẻ cảm thấy được yêu bởi chính con người của trẻ. Ngay cả khi hành động của trẻ thực sự vượt quá giới hạn của sự chịu đựng!

Bởi vì sao? Bởi vì con bạn biết chắc rằng bạn yêu chúng khi chúng dễ chịu, rộng lượng và vâng lời. Nhưng trẻ không hề chắc chắn rằng bạn có yêu trẻ ngay cả khi trẻ cảm thấy tức giận, hay ghen tị, hoặc tham lam. Khi trẻ cư xử như một con “quái vật”, trẻ sợ rằng mình ĐÚNG là một con “quái vật”.

Chữa lành khả năng yêu thương vô điều kiện của chúng ta có nghĩa là chúng ta cam kết nuôi dạy con cái từ tình yêu, không phải từ sự giận dữ, bất kể chuyện gì xảy ra. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không tức giận với trẻ. Vì tất cả chúng ta đều biết chúng ta không dễ để cảm thấy rất yêu thương vào những khoảnh khắc đó.

Yêu thương vô điều kiện khi đang giận dữ là không dễ. Trong thực tế, nó giống như là nâng đỡ một trái tim nặng trĩu đã hình thành những cơ bắp tình yêu thực sự. Nhưng không có gì có thể thay đổi hành vi của con bạn một cách nhanh chóng cả.

Chìa khóa ở đây là hãy nới rộng khoảng cách giữa sự kích động của trẻ và phản ứng của bạn, để bạn có sự tự do để lựa chọn một phản ứng thích hợp nhất. Khi đó, bạn sẽ có thể hiển thị như một giáo viên thực sự đối với con cái, và giúp đỡ trẻ vượt qua quá trình khó chịu đó của mình một cách xây dựng.


Làm thế nào để đạt được điều đó? Đây là cách mà những người cha mẹ đầy yêu thương vẫn làm.

1. Khi bạn đang tức giận, hãy chuyển sự chú ý của bạn khỏi con và tập trung vào việc làm dịu bản thân.

Thay vì tống hết sự tức giận của mình lên người thiên thần bé nhỏ đã giao phó hoàn toàn cho sự chăm sóc và nuôi nấng của bạn, hãy rèn luyện bản thân cách hít thở sâu và dành một vài phút để trấn tĩnh.

Hãy tạm quên đi việc dạy dỗ các bài học cho con trừ khi bạn đang ở trong trạng trái yêu thương và có thể dạy dỗ một cách âu yếm. Việc dạy dỗ chỉ đạt hiệu quả khi cả hai phía đều có khả năng tiếp thu và tích cực.

2. Liệu con bạn có “đáng” nhận được sự giận dữ của bạn?

Giận dữ là đặc quyền của bạn, nhưng đó luôn luôn là của BẠN, không phải là trách nhiệm của một ai khác. Trong mọi trường hợp, bạn không thể đưa ra những phán xét chính xác khi khi bạn đang tức giận.

3. Nếu hành vi của con bạn đòi hỏi một sự “kỷ luật”?

Kỷ luật có nghĩa là hướng dẫn. Sự hướng dẫn của bạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi bạn bình tĩnh. Công việc của chúng ta trong vai trò cha mẹ là làm mẫu cho con cái trong việc xử lý cảm xúc một cách tích cực. Điều đó có nghĩa là không bao giờ hành động dựa trên cơn giận dữ của chúng ta dẫn đến trạng thái “chiến đấu, bỏ chạy hay tê liệt” (“fight, flight or freeze”) nơi con chúng ta trông giống như kẻ thù và cha mẹ phải “chiến thắng” bằng mọi giá còn con cái phải “thua”.

Cơn giận và hình phạt không bao giờ dựa trên tình yêu, bởi vì trẻ không bao giờ tin vào tình yêu của bạn khi bạn giận dữ. Trẻ không thể không chuyển sang trạng thái “chiến đấu, bỏ chạy hay tê liệt”, điều đó có nghĩa là các cơ quan học tập trong não trẻ đóng lại và trẻ sẽ không thể tiếp thu được.

*** Cơ chế “chiến đấu, bỏ chạy hay tê liệt”: Sự lo lắng kích hoạt một thứ gọi là phản ứng “chiến đấu, bỏ chạy hay tê liệt”. Phản ứng tự động này giúp bạn đối phó với nguy hiểm. Ví dụ: bạn có thể là hét với cha mẹ vì đã thúc ép bạn thi lấy bằng lái xe khi bạn chưa cảm thấy sẵn sàng (chiến đấu). Bạn có thể tránh đi dự tiệc hoặc bỏ về sớm vì bạn cảm thấy không thoải mái với những người bạn không biết (bỏ chạy). Hoặc, bạn có thể đóng băng và hy vọng mối nguy hiểm không nhận thấy bạn, như khi tâm trí bạn trống rỗng khi giáo viên hỏi bạn một câu hỏi (tê liệt).

4. Nhưng, việc thể hiện sự tức giận của bạn có lành mạnh không?

Việc trút cơn giận của bạn lên người khác không bao giờ là lành mạnh; nó chỉ làm trầm trọng thêm cơn thịnh nộ của bạn. Điều lành mạnh là việc thừa nhận bản thân bạn đúng như những gì bạn đang cảm thấy — tức giận! — và sau đó đủ dũng cảm để tạm dừng và nhận biết những gì ẩn sâu đằng sau sự giận dữ của bạn — tổn thương, sợ hãi, buồn bã, thất vọng. Nếu bạn cho phép bản thân cảm nhận những cảm giác đó trong cơ thể của mình, mà không hành động theo chúng, chúng sẽ bắt đầu tan biến. Một khi bạn đã bình tĩnh lại, bạn sẽ có khả năng chăm sóc những nơi bị tổn thương của chính mình, và cũng chính là đang can thiệp để con bạn học được cách quản lý hành vi của mình tốt hơn.

5. Vậy là không cần dạy trẻ một bài học sao?

Tất nhiên là có, nhưng giận dữ không phải là bài học bạn muốn dạy. Nếu bạn làm cho những khoảnh khắc bạn muốn dạy dỗ thành những khoảnh khắc trẻ có thể học được bằng cách đợi cho đến khi trẻ dễ tiếp thu, việc dạy của bạn sẽ có hiệu quả. Trẻ thậm chí còn nhận được một bài học tốt hơn so với bài học về hành vi – đó bài học về tự-điều-chỉnh. Và cũng không kém phần quan trọng là củng cố niềm tin vững chắc rằng bản thân trẻ được yêu thương tuyệt đối và vô điều kiện như chính con người trẻ, bao gồm tất cả những cảm xúc lộn xộn, đam mê đã khiến chúng ta trở thành con người.

Lưu ý rằng tôi không nói điều này sẽ dễ dàng. Tôi nghĩ đó là một trong những điều khó khăn nhất trong quá trình làm cha mẹ. Nhưng mỗi khi bạn quản lý sự tức giận của bạn thay vì đổ lên con bạn, việc đó sẽ dễ dàng hơn. Bạn đang thực sự lập trình lại não của bạn!

Chỉ cần tiếp tục luyện tập, tìm ra khoảnh khắc tự do giữa kích thích (hành vi của con bạn) và phản ứng của riêng bạn. Sự nhận biết sẽ cho chúng ta một lựa chọn tốt hơn trong lần tới.

Yêu thương vô điều kiện là một cách nuôi dạy “Win-Win”. Đó là bởi vì việc không hành động theo cơn giận giúp bạn tạo ra nhiều không gian hơn cho tình yêu. Và khi tình yêu lớn hơn, sẽ luôn có chỗ cho những điều kỳ diệu.

***

Người dịch: Yến Phạm

Bản quyền dịch: Cánh Diều Project- https://canhdieuproject.wordpress.com/2018/05/17/khi-gian-du-cha-me-co-the-yeu-thuong-con-vo-dieu-kien/

Nguồn tham khảo:

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/peaceful-parents-happy-kids/201804/can-you-love-unconditionally-when-youre-furious

http://youth.anxietybc.com/ask-an-expert/what-is-fight-flight-freeze

menu
menu