Khi không thể sống trọn vẹn trong khoảnh khắc

khi-khong-the-song-tron-ven-trong-khoanh-khac

Cuộc đời tràn ngập những khoảnh khắc mà ta được mong đợi phải cảm nhận một điều gì đó.

Cuộc đời tràn ngập những khoảnh khắc mà ta được mong đợi phải cảm nhận một điều gì đó. Áp lực ấy bắt đầu từ thuở thơ ấu: đó là sinh nhật của ta – ta phải cảm thấy hạnh phúc. Bố đi xa hai tuần – ta nên buồn. Trường ta thắng một trận thể thao – ta cần hăng hái hòa vào bài ca chiến thắng. Khi trưởng thành, những kỳ vọng này vẫn tiếp tục: ta phải đau khổ tột cùng tại đám tang, xúc động và hy vọng tại lễ cưới, hân hoan và ấm áp bên gia đình, vô lo vô nghĩ trong kỳ nghỉ – và khi ở bên người ta yêu, phải hoàn toàn tập trung vào niềm vui và cảm giác trong từng giây phút.

Nhưng sự thật là, tâm trí ta hiếm khi đồng điệu với những gì đang xảy ra bên ngoài. Nó thường lang thang như một kẻ vô định, bất trung và không dễ kiểm soát. Hiếm khi ta cảm nhận đúng như “kịch bản” của cuộc sống, và nếu có, cảm xúc ấy thường đến muộn màng, méo mó như phụ đề sai lệch của một bộ phim nước ngoài.

Thế nhưng, có rất nhiều lý do chính đáng cho điều này:

Trong lòng ta luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn hơn những gì ta dám thừa nhận. Ta có thể yêu thương ai đó rất sâu sắc, nhưng đồng thời cũng chất chứa những uất hận và giận dữ khó tránh. Thật khó để rơi lệ thống thiết tại một đám tang khi lòng ta tràn ngập những cảm xúc lẫn lộn.

Để vượt qua cuộc đời, ta cần học cách cứng rắn. Ta phải tập quen với việc không cảm nhận, không bận tâm đến những điều thoáng qua trong ý thức. Những ai từng trải qua đau khổ, đặc biệt từ khi còn nhỏ, thường trở thành bậc thầy trong nghệ thuật "không cảm thấy". Vì vậy, khi đến lúc cần mở lòng hay dễ tổn thương, không dễ để ta chạm tới những cảm xúc dịu dàng hơn của mình.

Hạnh phúc đôi khi khiến ta lo lắng. Ta là những sinh vật sống bằng sự phòng thủ và bất an, không dễ dàng từ bỏ sự cảnh giác chỉ vì có vài ngày nghỉ phép hay thấy hàng dừa thẳng tắp phía trước.

Ta có thể đã trở nên ngờ vực với những đám đông lớn. Ta sợ sức mạnh tiềm tàng của sự thiếu khoan dung và tàn nhẫn trong đó. Vì thế, thật khó để ta hòa mình vào niềm vui chung một cách đơn thuần. Đâu đó trong lòng, ta mang những uất hận ngầm trước những đòi hỏi tập thể.

Cảm xúc của ta luôn vận hành chậm hơn thế giới bên ngoài. Những cảm xúc “đúng mực” có thể xuất hiện, nhưng muộn hơn nhiều so với mong đợi. Ta có thể cảm thấy biết ơn kỳ nghỉ đã qua, nhưng là ba tháng sau khi trở về. Ta nhận ra mình đang yêu, đang đau khổ hay sợ hãi, nhưng không phải ngay khi điều đó xảy ra. Đồng hồ nội tâm của ta có nhịp điệu riêng, chẳng dễ dàng tuân theo lịch trình bên ngoài.

Rốt cuộc, ta thường không sống trọn vẹn trong khoảnh khắc, bởi ta mang trong mình một bản đồ sai lầm về điều gì là “bình thường” tại một thời điểm nhất định. Không phải cảm xúc của ta có lỗi, mà chính là những kỳ vọng ta tự đặt ra.

Để tự giải thoát, ta cần xây dựng một văn hóa biết trân trọng sự thật kỳ lạ về cách con người vận hành. Một nền văn hóa không áp đặt kịch bản quá cứng nhắc về những gì phải cảm nhận – và sẵn sàng đón nhận những phức tạp trong tâm trí của ta.

Một người yêu không thể hoàn toàn hiện diện trong từng giây phút có thể sẽ quay lại, nếu họ không bị thúc ép quá mức. Một ai đó không vui vẻ trong kỳ nghỉ có thể sẽ hạnh phúc hơn nếu không phải gượng cười mọi lúc. Một người không hào hứng trong ngày kỷ niệm cưới có thể vẫn sẽ ăn mừng, nếu họ được phép buồn một chút trước đã.

Hãy trân trọng cách ta được tạo nên. Việc không thể sống trọn vẹn trong khoảnh khắc không phải là dấu hiệu ta bất thường hay khiếm khuyết, mà là bằng chứng rằng ta đang trung thực hơn với chính mình.

Nguồn: ON NOT BEING IN THE MOMENT

menu
menu