9 Dấu Hiệu Chứng Tỏ Bạn Đã Lo Âu Nhiều Đến Mức Hoang Tưởng
Dưới đây là một vài dấu hiệu mà các chuyên gia cho rằng nỗi lo lắng của bạn có thể đang khiến bạn hoang tưởng.
Chúng ta đều đã từng trải qua những suy nghĩ hoang tưởng không thường xuyên. Bạn có thể tự hỏi rằng bạn bè có giận mình không khi mãi mà họ chưa nhắn tin lại, ví dụ. Hoặc bạn có thể lo lắng rằng bạn đã làm điều gì sai khi ông chủ của bạn đang điên tiết. Nếu những ý nghĩ này lóe lên trong đầu bạn, thì nó đó. Nhưng nếu cảm giác như bộ não phiền phức của bạn luôn thổi phồng mọi thứ, và khiến bạn liên tục giả định điều tồi tệ nhất đang xảy ra, nó có thể là dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của bạn khiến bạn hoang tưởng.
Tất nhiên, hoang tưởng nhẹ có thể có ích. "Tất cả chúng ta đều phải tỉnh táo và nhận thức được những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình", Joshua Klapow, tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và chủ trì The Kurre và Klapow Show, nói với Bustle. "Tuy nhiên, khi được cảnh báo chuyển sang cảnh giác và nghi ngờ và thiếu sự tin tưởng, nó có thể gây ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể của bạn. Trong tình huống khủng hoảng, những suy nghĩ này có thể giúp chúng ta tồn tại." Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng là có thể phân biệt giữa một mối đe dọa thực sự - và những hoang tưởng gây ra bởi sự lo lắng.
Bằng cách nói chuyện với một bác sĩ trị liệu, bạn có thể đi sâu vào những suy nghĩ này, và phát triển kỹ năng đối phó để bạn không phải lúc nào cũng cho rằng điều tồi tệ nhất đang đến với mình. (Và, nếu chứng hoang tưởng của bạn là do một cái gì đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực, họ cũng có thể giúp đỡ.) Dưới đây là một vài dấu hiệu mà các chuyên gia cho rằng nỗi lo lắng của bạn có thể đang khiến bạn hoang tưởng.
1. Bạn tự hỏi mọi người có đang bàn tán về bạn không
Nếu bạn lo lắng, bạn có thể "thấy mình tập trung vào những gì người khác nghĩ về bạn, những gì họ nói về bạn, hoặc những gì họ đang làm hoặc nói khi bạn không ở đó," Tiến sĩ Klapow nói. Và nó chắc chắn là hoang tưởng, khi bạn ngồi xung và tự hỏi liệu mọi người có đang nhìn mình hay không.
Tuy nhiên, điều cần ghi nhớ là hầu hết mọi người đều tập trung vào cuộc sống của chính họ, do đó quá bận rộn và không tập trung chú ý nhiều đến bất cứ ai khác. Bằng cách nói chuyện với một bác sĩ chuyên khoa về sự lo lắng và học một vài kỹ năng đối phó, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ điều này hơn.
2. Bạn cảm giác những người khác đang tấn công bạn
Sự lo âu cũng có thể khiến bạn cảm thấy như mình đang cô đơn, hoặc không ai cùng đội với bạn - đôi khi đến một mức độ khá mãnh liệt. "Bạn có thể lo sợ rằng những người khác đang tấn công bạn, đồng nghiệp đang nói về bạn và muốn bạn làm việc kém, bạn bè đang cố gắng xa lánh bạn, và v.vv…", Tiến sĩ Klapow nói. Nếu bạn không có lý do thực sự để tin rằng điều này là đúng, nhưng vẫn không thể xua đi cảm giác đó, có thể đã đến lúc gặp một người chuyên về vấn đề này.
3. Bạn cứ lặp đi lặp lại trong đầu những tranh luận
Cảm thấy tồi tệ sau khi tranh luận với một người bạn hay lo lắng rằng bạn bè có thể hơi bực tức sau một bất đồng là điều bình thường. Nhưng lo lắng có thể khiến cảm giác này tệ hơn nhiều, đến mức bạn cảm thấy hoang tưởng về những gì họ có thể làm tiếp theo.
"Khi bạn có bất đồng với một ai đó, bạn chắc chắn rằng họ đang âm mưu đằng sau lưng bạn," Tiến sĩ Klapow nói. "Bạn bị thuyết phục rằng sự không đồng ý đã dẫn đến việc họ đặt điều về bạn, dựng chuyện, v.v..."
Tuy nhiên, cường độ này cho thấy rằng bạn đang bị điều khiển bởi sự lo lắng. Liệu pháp có thể giúp bạn đánh giá đúng mọi thứ và biết khi nào cần phải lo lắng và khi nào không đáng bận tâm.
4. Bạn thắc mắc về động cơ của mọi người
Nếu ai đó đối xử tốt với bạn - có thể người hàng xóm đưa thư cho bạn hoặc đồng nghiệp có vẻ ngọt ngào hơn – ngay lập tức bạn có tự hỏi điều họ thực sự muốn là gì không?
Khi lo lắng gây ra chứng hoang tưởng, thông thường người ta dự đoán động cơ của mọi người. "Khi ai đó tốt với bạn, bạn có thể nghĩ rằng họ có động cơ thầm kín", Tiến sĩ Klapow nói. "Bạn không đón nhận nó như một sự tử tế, mà đúng hơn là bạn đang tìm kiếm một động cơ khác ngoài lòng tốt."
5. Bạn dễ tự ái
Cùng lúc đó, lo âu có thể khiến bạn quá tỉnh táo và phản ứng quá nhạy cảm với người khác. "Người hoang tưởng có thể cảm nhận nhiều thứ hàng ngày như thể họ đang bị tấn công", Caleb Backe, một chuyên gia về sức khỏe tại Maple Holistics, nói với Bustle. "Ngay cả những trường hợp không đe dọa nhất cũng có thể được hiểu là động thái gây hại", trong thực tế nó chỉ là sự lo lắng của bạn - và sự căng thẳng liên quan đến nó – điều đó kiểm soát bạn.
6. Bạn đấu tranh với việc mở lòng với người khác
Sự lo âu chắc chắn có thể cản đường khi bạn nói chuyện với những người mới. Khi ai đó tiếp cận bạn, bạn có thể tự hỏi họ thực sự muốn gì, Backe nói, hoặc lo lắng về việc nói quá nhiều.
Mặc dù không phải ai cũng mở lòng khi chia sẻ cảm xúc của họ và làm quen với những người khác - và điều đó không sao - nếu bạn thực sự đấu tranh với việc mở lòng với người khác, liệu pháp có thể sẽ giúp bạn phần nào.
7. Bạn kiểm tra đi kiểm tra lại mọi thứ
"Những người lo lắng có thể trải nghiệm sự hoang tưởng dưới hình thức kiểm tra (hoặc lo lắng khi không kiểm tra) để đảm bảo cửa đã khóa, bếp đã tắt, v.v…," nhà trị liệu Julie Williamson, LPC, NCC, RPT, nói với Bustle.
Kiểm tra đi kiểm tra lại mọi thứ là một triệu chứng phổ biến của rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mà thường được gọi là "bệnh nghi ngờ". Thực tế bạn không thể tin tưởng chính mình, hoặc ngừng kiểm tra có thể khiến bạn cảm thấy siêu hoang tưởng. Nhưng tất cả là do lo âu.
8. Bạn lo lắng rằng mình đã xúc phạm ai đó
"Lo lắng rằng điều họ đã nói/không nói hay làm/không làm đã xúc phạm hay làm tổn thương ai đó" là điều phổ biến đối với những người lo âu, Williamson nói, đó là lý do tại sao bạn có thể phát lại các cuộc trò chuyện trong đầu của bạn hàng triệu lần, hoặc thức giấc đầm đìa mồ hôi lạnh do lo lắng về điều gì đó bạn đã làm từ 15 trước.
Bạn có thể biết, từ trong tim mình, rằng bạn đang hoang tưởng. Nhưng đừng tự trách bản thân. Loại lo lắng ám ảnh này thường là dấu hiệu của sự lo âu, và nó có thể được điều trị.
9. Bạn luôn xin lỗi
Lo lắng có thể dẫn đến một mong muốn xin lỗi mãnh liệt (liên tục và liên tục) đối với ai đó mà bạn nghĩ rằng mình có thể đã xúc phạm họ, Williamson nói, ngay cả khi bạn biết rằng bạn không hề làm sai bất cứ điều gì.
Nếu bạn không thể dừng lại, hãy tiếp tục và hiểu rằng đó là do nỗi lo lắng gây nên. Và nếu nó tiếp tục, hãy đến gặp một bác sĩ trị liệu. Chứng hoang tưởng - và tất cả các nguyên nhân cơ bản của nó - có thể được điều trị bằng liệu pháp trò chuyện, thuốc hoặc kết hợp cả hai. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy những cuộc trò chuyện cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí, lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, hoặc ám ảnh về những điều không quan trọng, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Tác giả: Carolyn Steber
Link bài gốc: 9 Signs Your Anxiety May Be Making You Paranoid
Dịch giả: Triệu Phương Thảo - ToMo - Learn Something New